13 tháng 9, 2010

Đọc "Trung Quốc: Siêu Cường Mong Manh" (phần 3)

Chương 7: Đài Loan: Một Câu Hỏi Về Sự Tồn Vong Của Chế Độ (Taiwan: A Question of Regime Survival)

Đây là chương Tác giả phân tích về lý do vì sao lãnh đạo Bắc Kinh rất lo ngại sự độc lập của Đài Loan và những nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa Hoa Lục và Đài Loan trong nhiều thập niên vừa qua.

Theo Tác giả, việc kiềm chế không cho Đài Loan độc lập không phải chỉ là giữ thể diện mà còn là nhu cầu sống còn của Bắc Kinh. Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, việc này sẽ tác động gây ra một làn sóng đòi ly khai ở các vùng Tây Tạng, Tân Cương, và có thể cả vùng Nội Mông, và sự thống nhất quốc gia sẽ bị đe dọa. Cảm nghĩ của người dân Trung Quốc về ba mối quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan như sau: Quan hệ với Hoa Kỳ là vấn đề của “thể diện và lợi ích quốc gia”, trong khi đó Nhật Bản lại gợi lên tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Còn Đài Loan là một vấn đề liên hệ đến sự tồn vong của chế độ - không chế độ nào có thể tồn tại nếu Đài Loan không còn nữa. Điều này đã giải thích phần nào lý do vì sao Bắc Kinh đã phải hăm doạ dùng vũ lực với Đài Loan khi mà cựu Tổng Thống Trần Thủy Biển tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về sự độc lập của Đài Loan vào tháng 3 năm 2004.



Đài Loan đã đi theo nền chính trị dân chủ, mối quan hệ giữa họ với Hoa Lục trở nên nguy hiểm và không thể biết trước được. Đài Loan đã thay đổi từ một chế độ độc tài thành một chế độ dân chủ khoảng 1 thập niên trở lại đây. Trước đó, Đài Loan bị kiểm soát bởi Quốc Dân Đảng, một đảng chính trị nắm giữ quyền lực ở đây từ năm 1949, sau khi thất bại trong việc chống lại lực lượng Cộng Sản ở Hoa Lục. Bắc Kinh muốn thống nhất Đài Loan vào trong Hoa Lục nhưng các chính trị gia Đài Loan không bao giờ muốn điều này mặc dù họ đã từng giương cao ngọn cờ đấu tranh “giải phóng Hoa Lục” ra khỏi chủ nghĩa Cộng sản kể từ chạy sang Đài Loan vào năm 1949. Hiện nay, những thế hệ trẻ lớn lên từ thập niên 70 không còn tha thiết đến việc “giải phóng Hoa Lục” nhưng lại có xu hướng muốn Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập trong cộng đồng thế giới. Điều này thì Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của Trung Quốc phải nói là chưa đủ sức để có thể đương đầu một cuộc chiến giữa họ với Đài Loan và sự yểm trợ của Hoa Kỳ. Do đó mà đa số Bắc Kinh chỉ hung hăng trên hình thức mà thôi.

Theo quan điểm của lãnh đạo Bắc Kinh, giải pháp lý tưởng để giải quyết vấn đề Đài Loan là thông qua Hoa Thịnh Đốn, để nhờ chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực lên Đài Loan phải thống nhất với Trung Quốc, hoặc ít ra là ngăn chặn họ không đi xa hơn trong việc xác định nền độc lập bất hợp pháp. Trung Quốc đã cố gắng nhờ Hoa Kỳ giải quyết vụ việc này trong một vài thập kỷ, khởi đầu từ cuộc hội đàm của Thủ tướng Chu Ân Lai với Ngoại trưởng Henry Kissinger trong việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1971. Nhưng Bắc Kinh đã đánh giá quá cao sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với hành động của các chính khách Đài Loan. Bắc Kinh đặt Đài Loan trước mối quan hệ với Hoa Thịnh Đốn và cố gắng đặt điều kiện trong những thỏa thuận chẳng hạn như không tăng các lời hứa hẹn của Hoa Thịnh Đốn, nhằm để hạn chế Đài Loan. Trong mắt của những chuyên gia chính trị Trung Quốc, “nhân tố quan trọng nhất trong vấn đề Đài Loan là mối quan hệ giữa hai quốc gia Trung Quốc – Hoa Kỳ”. Nếu mối quan hệ này không tốt đẹp, thì vấn đề Đài Loan có thể sẽ không giải quyết nổi trong tương lai, và sự việc tồi tệ này sẽ khó mà ngăn chặn được. [1]

Đài Loan là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc, nhưng ngược lại nó lại là vấn đề ít quan trọng hơn đối với Hoa Kỳ. Mỗi vị Tổng thống Hoa Kỳ, khởi đầu là Tổng thống Nixon, dù trong chừng mực nào đó cũng đã sẵn sàng ủng hộ cho quyền lợi Trung Quốc trong việc tranh chấp quan trọng này, tuy nhiên, vẫn chưa ngăn cấm được Đài Loan một cách triệt để. Đài Loan có nhiều sự hỗ trợ chính trị từ phía Mỹ, đặc biệt là sự ủng hộ từ Quốc Hội Hoa Kỳ. Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, quốc hội và dân chúng Hoa Kỳ đã đứng về phía Đài Loan để chống lại Trung Quốc (Điều này lý giải tại sao Richard Nixon, một tổng thống Cộng Hòa, người rất nổi danh trong việc chống Cộng đã thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh). Người Mỹ cảm nhận một sự đồng cảm tự nhiên với 23 triệu dân Đài Loan vì thể chế dân chủ và vì thị trường kinh tế của Đài Loan, và nhiều người dân Mỹ đã hiểu nhầm rằng Đài Loan là một nước độc lập. Trong mắt người Mỹ, Đài Loan là một David nhỏ bé và dũng cảm của một nền dân chủ đứng trước một Gô-li-át khổng lồ của Cộng Sản Hoa Lục. Đài Loan cũng là nước có nhiều cuộc vận động nhất bên ngoài hành lang của Quốc Hội Hoa Kỳ.

Khi Hoa Kỳ thay đổi sự bang giao bằng cách bỏ Đài Loan, bắt tay Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa vào năm 1979, Quốc Hội đã thông qua Đạo luật về Các Quan Hệ Với Đài Loan (Taiwan Relations Act), để hướng các hoạt động của họ vào việc bảo vệ đảo Đài Loan. Đạo luật này cho phép Hoa Kỳ bán các vũ khí cho Đài Loan, và cam kết sẽ xem xét “mọi nỗ lực để xác nhận tương lai của Đài Loan bởi những quốc gia khác bằng phương pháp hoà bình, bao gồm cả việc cấm vận, như là một mối đe dọa cho sự hòa bình và an ninh trong khu vực Tây Thái bình dương và gây ảnh hưởng xấu cho Hoa Kỳ”. Mặc dù đó chưa phải là một hiệp ước bảo vệ chính thức, nó không bảo đảm cho Hoa Kỳ có thể đưa ra một hành động đặc biệt nào nếu có chiến sự xảy ra với Trung Quốc để cho phép Hoa Kỳ có thể đáp trả trong những tình huống đặc biệt – nhưng Đạo luật nói trên đã chứng tỏ một cam kết chính trị mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan từ phía Hoa Kỳ.

Người Mỹ thường tự hỏi tại sao người dân Trung Quốc lại quan tâm quá nhiều đến Đài Loan. Dĩ nhiên mọi đất nước đều khó có thể từ bỏ lãnh thổ của mình dù với bất cứ lý do gì. Nhưng tại sao người Trung Quốc dự tính về nguy cơ chiến tranh với Hoa Kỳ và hy sinh mọi xúc tiến kinh tế mà họ đã thực hiện chỉ để giữ lại hòn đảo với 23 triệu dân, cách xa bờ biển của họ tới 9 dặm? Không phải Đài Loan là một mối đe doạ đến an ninh quốc gia. Trong thời chiến tranh lạnh, đảo Đài Loan từng được gọi là “hàng không mẫu hạm không thể chìm” của Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ không hề có một lực lượng quân sự nào ở đó kể từ năm 1979. Cho nên Trung Quốc không lo lắng về sức mạnh quân sự của Đài Loan. Theo Tác giả, nguyên nhân sâu xa của Trung Quốc về Đài Loan đơn thuần là vấn đề nội chính, liên quan đến sự an ninh của chế độ, chứ không phải đến an ninh của quốc gia. Công chúng quan tâm đặc biệt đến Đài Loan bởi vì Trung Quốc đã dạy cho họ phải quan tâm, thông qua các sách giáo khoa ở trường, và qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Các sách giáo khoa mô tả lịch sử của Đài Loan và Trung Quốc như là một đoạn kết về đạo lý của sự khai thác Trung Quốc bởi những thế lực ngoại bang trong suốt thời kỳ yếu kém nhất của đất nước. Nhật Bản đã chiếm Đài Loan từ nhà Thanh vào năm 1895. Dưới thời đại “Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa”, Trung Quốc đã đánh bại Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ Hai, và Đài Loan lẽ ra phải được trao trả lại cho Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ đã dùng Hạm đội Sáu (Sixth Fleet) can thiệp vào trong cuộc chiến tranh Triều tiên khiến cho Đài Loan bị tách rời khỏi Trung Quốc vĩnh viễn. “ Thế kỷ bị bẽ mặt” sẽ chưa có thể kết thúc nếu Trung Quốc chưa đủ mạnh để đạt dược sự thống nhất. Giống như những người chủ trương đòi lại đất nước khác, thái độ của Trung Quốc về Đài Loan không phải là vấn đề lãnh thổ, mà là vấn đề về thể diện quốc gia.

Một bài học mà nhiều người Trung Quốc rút ra được từ cuộc khủng hoảng năm 1995 – 1996 và 1999 là nếu chỉ dùng sức mạnh quân sự để đối phó với Đài Loan thì sẽ thất bại. Vũ lực có thể đem đến kết quả ngược lại là làm cho người dân Đài Loan ly gián, khiến họ phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ, và làm cho Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng phải tăng cường sức mạnh quân sự. Việc ngăn cản sự độc lập của Đài Loan và đem họ trở lại với thực tế sẽ là những củ cà rốt - một sự khích lệ tích cực – cũng như những cây gậy. [2]

Giang Trạch Dân đã giữ được sự lãnh đạo với chính sách hai mặt: xây dựng sức mạnh quân sự, nhưng đồng thời đưa tay thân thiện cho người dân Đài Loan. Mục tiêu của họ Giang là tạo ảnh hưởng lên người dân xứ đảo để qua đó gây áp lực lên những chính trị gia Đài Loan muốn độc lập, tách rời Hoa Lục. Qua thủ thuật này, Bắc Kinh hy vọng là Hoa Thịnh Đốn sẽ đồng tình với mình và quay sang khiển trách Đài Loan là kẻ gây rối. Hồ Cẩm Đào hiện đang tiếp tục chính sách hai mặt này của họ Giang kéo dài đến hôm nay. Tuy nhiên, vấn đề chính trị quốc nội sẽ hạn chế tính linh động và trợ giúp cho Đài Loan của các lãnh tụ Trung Quốc. Tương phản với sự ngoại giao thực dụng đối với những nước khác, chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan chỉ mang tính tượng trưng cho những đạo luật phản ảnh chính sách chính trị ở trong nước.

Tuy nhiên, khi Giang Trạch Dân nghỉ hưu vào năm 2002, những chính sách về Đài Loan của ông đã bị dư luận lên án (một cách không chính thức) ở Trung Quốc như một sự thất bại hoàn toàn. Người ta cho rằng họ Giang quá yếu đối với Đài Loan. Đài Loan đã không đền đáp lại mà chỉ lợi dụng sự mềm yếu của Trung Quốc. Những sự khiêu khích liên tiếp đến từ Đài Bắc và Hoa Thịnh Đốn cho thấy họ Giang là một người thiếu nghị lực. Chẳng hạn như họ Giang không một lời phản đối Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan chính thức viếng thăm Hoa Thịnh Đốn. Hay họ Giang đã không phản bác khi Tổng thống Bush nói rằng ông ta sẽ bảo vệ Đài Loan “bằng bất cứ giá nào”. [3]

Giang Trạch Dân hy vọng rằng sự thống nhất có thể đạt được trong tương lai gần, và sự kỳ vọng đó đã đặt gánh nặng lên ông Hồ Cẩm Đào khi ông ta lên nắm quyền vào tháng 3 năm 2002. Cùng với sự lớn mạnh của quân đội, mức độ tự tin về các chọn lựa của Trung Quốc cũng tăng theo. Hồ Cẩm Đào đã mang lại sự hy vọng cho các quan chức là sẽ ổn định được tình hình chính trị và ngoại giao đối với Đài Loan. Ông biết rằng đây là một vấn đề có thể phá hỏng tất cả những kế hoạch khác của ông, do đó mà vấn đề Đài Loan đã làm cho Hồ Cẩm Đào phải quan tâm trên hết so với những công việc khác. Hồ Cẩm Đào đã tung ra một dự luật nhằm chống lại những cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của Đài Loan là sửa bộ Luật Tái Thống Nhất thành Luật Chống Ly Khai. Với bộ Luật này đã cho phép Hồ Cẩm Đào có những hành động cứng rắn hơn đối với Đài Loan nếu xảy ra những cuộc vận động độc lập.

Chương 8: Hoa Kỳ: Những Trục Trặc Về Đối Ngoại Có Thể Biến Thành Những Trở Ngại Về Đối Nội (The United States: External Troubles Can Become Internal Troubles)

Đây là chương tác giả phân tích về mối quan hệ phức tạp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong đó những động thái chính trị của Hoa Kỳ sẽ có ảnh hưởng rất lớn lên nội tình chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tác giả đã mô tả lại những phản ứng giận dữ của Giang Trạch Dân và lãnh đạo Bắc Kinh khi Hoa Kỳ thả bom nhầm vào Tòa Đại Sứ Trung Quốc tại Belgrade, Nam Tư vào ngày 7 tháng 5 năm 1999 chỉ là để che dấu một sự lo âu khác xảy ra vào hai tuần lễ trước đó. Hơn 10 ngàn thành viên của Pháp Luân Công đã tọa kháng dọc theo lề đường bên ngoài khu Trung Nam Hải, nơi làm việc và trụ ngụ của bộ phận đầu não đảng Cộng sản Trung Quốc. Các thành viên Pháp Luân Công gồm các chuyên gia ở tuổi trung niên trong đó có cả đảng viên cộng sản và cán bộ nhà nước. Họ đã bí mật tập trung một cách bất ngờ mà công an và các cơ quan an ninh không hề biết trước một tin tức gì cả. Họ im lặng bao quanh khu Trung Nam Hải. Họ đã dùng điện thoại di động và mạng lưới Internet để bí mật tổ chức cuộc tọa kháng hầu kiến nghị với đảng Cộng sản về việc công nhận tổ chức này một cách hợp pháp.

Giang Trạch Dân đã bị khủng hoảng tinh thần bởi cuộc tọa kháng của nhóm Pháp Luân Công dù công an và Thủ tướng Chu Dung Cơ đã thuyết phục nhóm này giải tán vào cuối ngày. Họ Giang đã viết một lá thư biểu lộ sự giận dữ đối với các vị lãnh đạo đảng và nhất là đổ tội cho bộ công an về việc sao lãng nhiệm vụ và ông đồng thời tung tin đồn là Pháp Luân Công được ủng hộ từ Mỹ. Trong khi lãnh đạo Bắc Kinh lo âu về biến cố Pháp Luân Công thì quần chúng lại tỏ ra phấn chấn về cuộc tọa kháng bất ngờ của hơn 10 ngàn người tại Khu Trung Nam Hải mà công an đã không thể phát hiện. Tin tức về cuộc tọa kháng của 10 ngàn thành viên Pháp Luân Công đã là đề tài bàn tán trên các trạng mạng và trong các đại học.

Hai tuần sau đó, khi tòa đại sứ tại Belgrade bị phi công Hoa Kỳ dội bom, Giang Trạch Dân đã cho rằng đây là sự dàn xếp sẵn bởi Hoa Thịnh Đốn, nhóm Pháp Luân Công và giới sinh viên để tạo khủng hoảng nội bộ Trung Quốc. Họ Giang vội vàng ra lệnh cho các trường đại học cung cấp xe buýt để chở sinh viên tụ tập bỉểu tình trước tòa đại sứ Mỹ liền sau vụ bỏ bom xảy ra vì họ Giang nghĩ rằng, nếu các sinh viên không đến đó thì họ sẽ kéo thẳng ra Thiên An Môn hoặc Khu Trung Nam Hải thì nguy hiểm cho đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho hơn 22 thành phố cung cấp xe buýt để vận chuyển sinh viên đến biểu tình trước tòa đại sứ Mỹ. Trong khi huy động sinh viên biểu tình chống Mỹ, Giang Trạch Dân đã ra lệnh cho Bộ công an tiến hành một kế hoạch đàn áp nhóm Pháp Luân Công, bắt giữ tất cả thành phần lãnh đạo và giam giữ bất cứ ai tập phương pháp hít thở tại các công viên hay nơi công cộng. [4]

Lãnh đạo Trung Quốc đang đương đầu một tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong mối quan hệ với Hoa Kỳ. Có thể nói rằng sự thành công kinh tế của Trung Quốc và quyền lực của giới lãnh đạo Bắc Kinh tùy thuộc vào mối quan hệ với Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ tuyên bố rằng Trung Quốc là kẻ thù, dùng thòng lọng kinh tế xiết lại thì mức phát triển kinh tế và công ăn việc làm của người dân Trung Quốc sẽ giảm sút, gây ra những hậu quả trầm trọng cho nội bộ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ không ngồi yên để cho Hoa Kỳ muốn làm gì thì làm, mà đã dồn nhiều tài nguyên để tân trang quân đội. Đây là con đường phải đi của tất cả mọi cường quốc khi đã giàu có nhờ phát triển kinh tế. Có người cho rằng con đường tốt nhất để Trung Quốc vươn lên một cách hòa hoãn là hành động như một cường quốc có trách nhiệm và luôn sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của siêu cường quốc hiện thời là Hoa Kỳ. [5]

Tuy nhiên tại Trung Quốc, giới lãnh đạo, quần chúng và thành phần quân đội đều kỳ vọng là lãnh đạo Trung Quốc phải đứng lên đối đầu lại với Hoa Kỳ. Vì là thế lực mạnh nhất trên thế giới nên Hoa Kỳ là mục tiêu của những nghi ngờ và hiềm khích tại Trung Quốc cũng như tại các nước khác sau khi Hoa Kỳ chiếm Iraq. Một lãnh tụ Trung Quốc được dân chúng đề cao nếu vị này dám đối đầu với Hoa Kỳ thay vì nhượng bộ họ. Sự nhượng bộ bị xem như đầu hàng. Lộ ra sự yếu đuối trước ngoại bang chẳng khác gì là một phương pháp tự hủy diệt. Đây là bài học mà những vị lãnh đạo hôm nay đã học từ sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh và Cộng Hòa Trung Hoa. Một khủng hoảng quốc tế có thể đưa đến một thách đố ngay trong Hoa Lục. Chuyên gia về Hoa Kỳ, ông Vương Kỷ Tư cho rằng: Trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nếu xảy ra những đe dọa cho nền an ninh Trung Quốc thì ngay tức khắc những biến động này sẽ tạo thành những đột biến ở bên trong.

Khi Giang Trạch Dân mới xuất hiện tại Bắc Kinh, nội bộ của Bộ chính trị đã tranh luận khá gay gắt về vấn đề làm sao cứu vãn chế độ sau vụ Thiên An Môn và sự xụp đổ của khối Xô Viết. Nhóm bảo thủ muốn phát động phong trào giáo dục yêu nước để làm sống lại tinh thần ủng hộ đảng Cộng sản từ giới trẻ và cũng để chỉa mũi dùi vào những giá trị mang tính tư bản phương Tây. Đối với họ, Hoa Kỳ là một thế lực thù địch đang muốn lật đổ chế độ cộng sản tại Trung Quốc như Hoa Kỳ đã thành công đối với Liên Bang Xô Viết bằng âm mưu “diễn biến hoà bình”. Các sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn đã đưa lên hình ảnh tích cực của nền dân chủ Mỹ, dùng tượng Nữ Thần Tự Do cao 7 mét làm biểu tượng của cuộc tranh đấu. Điều này làm cho các lãnh tụ bảo thủ càng nghi ngờ thêm về bàn tay bí mật của Hoa Kỳ ở đàng sau cuộc nổi dậy của sinh viên vào năm 1989.

Mặc dù Đặng Tiểu Bình là cha đẻ của việc bình thường hóa quan hệ Trung - Mỹ vào năm 1979; nhưng họ Đặng không hề có một sợi dây liên hệ mật thiết mang tính cách cá nhân đối với chính giới Hoa Kỳ sau vụ Thiên An Môn. Họ Đặng cũng nhìn thấy bàn tay của Hoa Thịnh Đốn bên trong việc tranh đấu cho dân chủ của nhóm sinh viên. Tuy vậy vì là người thực tế, ông cũng tin rằng sự sống còn của chế độ tùy thuộc vào công ăn việc làm và việc nâng cao mức sống mà chế độ có thể cung cấp cho người dân. Nền kinh tế Trung Quốc càng ngày càng trở nên quốc tế hóa và lệ thuộc vào việc giao thương và đầu tư từ phía Hoa Kỳ. Kêu gọi dân chúng thù ghét Mỹ chẳng khác nào là tự hủy sự phát triển kinh tế và nền chính trị ổn định của Trung Quốc. Sự tốc chiến tốc thắng qua kỹ thuật hùng mạnh của quân lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 trong chiến dịch Bão Sa Mạc (Desert Storm) chứng minh cho thấy phản ứng quá độ đối với Hoa Kỳ chẳng khác nào là tự vận. Họ Đặng đã biểu lộ thái độ cân nhắc của ông vào năm 1991 rằng: “Chúng ta phải luôn luôn theo đuổi việc phát triển kinh tế và cứ tiếp tục con đường này trừ khi bị tấn công lớn bởi một thế lực thù địch… chúng ta không nên tỏ vẻ sợ sệt về diễn biến hòa bình.” Dưới sự hướng dẫn của họ Đặng, giới chức Trung Quốc ra lệnh cho ngành truyền thông vào năm 1991 là không được dùng những lời lẽ nặng nề đối với Hoa Kỳ và không được tấn công đích danh giới lãnh đạo Hoa Kỳ.

Cuối cùng, phong trào giáo dục yêu nước xoay hướng về phía Nhật Bản thay vì Hoa Kỳ vì mức độ nguy hiểm cho sự xung đột với Hoa Kỳ quá cao. Sách giáo khoa từ những thời Mao Trạch Đông chỉ nói về những bất công của xã hội Mỹ đối với thành phần lao động, dân da đen và giới nghèo. Những sách này viết cứ như là từ thời của Karl Marx. Nhưng những bài học sử về Hoa Kỳ không có ảnh hưởng lớn vào tâm thức của người Hoa bằng những câu chuyện kể lại từ thành phần ông bà, cha mẹ trong giai đoạn họ bị Nhật đô hộ và những đối xử tồi tệ trong thời chiến. Trong thường vụ Bộ chính trị, Lý Bằng là người chống đối ra mặt việc Giang Trạch Dân muốn cải thiện bang giao với Hoa Kỳ, và là người có biệt hiệu là “đao phủ thủ của Bắc Kinh”. Dân Hoa Kỳ gán cho Lý Bằng cái tên này sau vụ tàn sát tại Thiên An Môn. Đến khi Lý Bằng từ chức sau hai nhiệm kỳ làm Thủ Tướng, năm 1997, Giang Trạch Dân mới thực sự nắm toàn quyền về đối ngoại nhưng đôi lúc vẫn bị Lý Bằng cản mũi kỳ đà vì họ Lý vẫn còn nằm trong Bộ chính trị đến tháng 3 năm 2002 mới về hưu. [6]

Hội nghị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức vào năm 1999 đã diễn ra trong sự căng thẳng tột độ. Chỉ trong vòng nửa năm, Bắc Kinh bị mất mặt và lung lay bởi hàng loạt những biến cố không ngờ trước và làm tan vỡ những niềm tin nhỏ nhoi mà họ có được: việc Tổng thống Clinton dời lại việc ký hiệp ước WTO, tọa kháng của nhóm Pháp Luân Công, vụ dội bom nhầm Tòa đại sứ tại Belgrade và sinh viên xuống đường, Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy tuyên bố quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc là “quan hệ đặc biệt giữa quốc gia với quốc gia”. Phe bảo thủ đã áp lực Trung Ương đảng phải dùng biện pháp quân sự dạy cho Đài Loan một bài học để qua đó xiết lại nội bộ. Giang Trạch Dân chống lại và được sự hậu thuẫn của họ Đặng nên việc dùng biện pháp quân sự đối với Đài Loan đã không xảy ra, nhưng để lấy lòng phe quân đội, họ Giang đã cho tăng ngân sách quốc phòng.

Từ sau những biến cố nói trên, Giang Trạch Dân và sau này là Hồ Cảm Đào đã rút ra một phương châm cho những quan hệ quốc tế, đặc biệt đối với Hoa Kỳ là “nhận xét sáng suốt và giải quyết nhẹ nhàng”. Lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rằng những sự cố và tai nạn luôn có thể xảy ra. Khuấy động cảm xúc của quần chúng không chỉ gây thêm khó khăn cho việc tìm ra phương pháp ổn thỏa để giải quyết các cuộc khủng hoảng mà lại còn đưa đến những biến động trong nước và không chừng cả chiến tranh. Hơn thế nữa, sự phát triển kinh tế và tiếp tục cai trị của đảng cộng sản lệ thuộc vào việc không khích động sự trả đũa của Mỹ. Để đạt được điều này, Trung Quốc phải bằng mọi cách bảo đảm với dân Mỹ rằng Trung Quốc không phải là một mối nguy cho Mỹ. Và họ phải bảo vệ quan hệ với Hoa Kỳ bằng cách không để quần chúng yêu nước cực đoan xen vào và song song chuyển hướng thị hiếu của quần chúng về phía Nhật vì quan hệ này ít làm ảnh hưởng đến sự ổn định của Trung Quốc. [1]

Trong một buổi nói chuyện tại đại học Thanh Hoa năm 2000, một câu hỏi được đặt ra cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo rằng điều gì là mối nguy quốc tế lớn nhất cho Trung Quốc. Ông trả lời là “sự trục trặc của nền kinh tế Hoa Kỳ.” Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc lệ thuộc vào nền kinh tế của Hoa Kỳ rất lớn và đó chính là nền tảng của quan hệ song phương. Theo thống kê của Hoa Kỳ thì giao thương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lên đến 285,3 tỉ Mỹ Kim vào năm 2005, so với 5 tỉ Mỹ Kim năm 1980. Hoa Kỳ cũng là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp tại Trung Quốc mặc dù ít hơn so với Hồng Kông, Đài Loan, Nhật và Nam Hàn. Trước khi Trung Quốc mua lại phần lượng lớn số nợ của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2001, quan hệ về kinh tế hai bên đã không cân xứng. Chỉ một số nhỏ hàng của Mỹ được mua bởi Trung Quốc nhưng ngược lại, Hoa Kỳ mua hàng của Trung Quốc nhiều hơn. Quỹ đầu tư gần như chỉ có một chiều. Nếu có chuyện gì xảy ra cho kinh tế Mỹ thì Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng hơn là Mỹ nếu kinh tế Trung Quốc có vấn đề. Trung Quốc do đó có nhiều lý do để bảo bệ mối quan hệ suong phưong này. Nếu Hoa Kỳ tuyên bố rằng Trung Quốc là một nước thù địch cần phải được kiềm chế, điều này có thể từ đó làm nguy hại lớn cho sự phát triển kinh tế và tình trạng ổn định trong nước của Trung Quốc.

Từ khi Hồ Cẩm Đào thay thế Giang Trạch Dân lãnh đạo Trung Quốc, ông đã tiếp tục chính sách thận trọng và hợp tác với Hoa Kỳ. Để tạo ấn tượng khác biệt với người tiền nhiệm - người bị chỉ trích là luôn sẵn sàng trong việc chiều chuộng dân Mỹ, Hồ Cẩm Đào tập trung vào quan hệ với các nước Á châu láng giềng hơn là khi họ Giang còn nắm quyền. Họ Hồ cũng chuyển hướng về bên trái bằng cách xiết chặt khả năng kiểm soát của đảng trên mặt truyền thông và các nhóm phi chính phủ với hy vọng cụ thể là củng cố quyền lực và ngăn chận những bất ổn về chính trị. Nhưng ông đã tránh việc tự nâng vị thế của mình lên bằng cách đả kích Hoa Thịnh Đốn tại các sinh hoạt nội bộ. Sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn tưong đối trôi chảy. Không một biến cố lớn nào làm gián đoạn quan hệ đôi bên từ sau vụ tai nạn máy bay năm 2001. Trong giai đoạn này, bộ mặt của Trung Quốc trước quốc tế cũng phát triển tốt hơn. Một số thống kê cho thấy thế giới có cái nhìn tốt hơn về Trung Quốc là đối với Hoa Kỳ.

Tuy vậy quan hệ Trung - Mỹ không hẳn là hoàn toàn thoải mái, vì những lo lắng về sự tấn công của khủng bố suy giảm, khi những cái lo lúc trước về Trung Quốc lại tái xuất hiện và có đà gia tăng vì những lo âu về công ăn việc làm bị mất đi và chênh lệch về giao thương. Phản ứng về chính trị của Mỹ từ sự đi lên của Trung Quốc ngày hôm nay không kém gì kết hợp hai nỗi sợ lớn nhất của quá khứ. Đó là nỗi lo sợ trong thời chiến tranh lạnh về Liên Xô và hiểm họa phát triển kinh tế của Nhật lúc họ còn huy hoàng. Theo những cuộc thăm dò vào năm 2006, phân nửa thiên về Trung Quốc và phân nữa chống. Đa số cho rằng việc kinh tế Trung Quốc sắp bắt kịp với kinh tế Hoa Kỳ vừa có cái tốt và cái xấu của nó. Nhưng quan niệm về Trung Quốc của dân Mỹ thoáng hơn so với dân của các nước láng giềng của Trung Quốc. Những nước này xem Trung Quốc như một địch thủ hơn là một đối tác. Ba phần tư quần chúng quan tâm về việc Trung Quốc trở thành một sức mạnh quân sự. Những ngôn từ hoa mỹ của Trung Quốc như “trổi dậy trong hòa bình” và “thế lực có trách nhiệm” đã không tạo cho dân Mỹ niềm tin tưởng về thiện chí của Trung Quốc. 58% dân Mỹ không tin ở Trung Quốc hoặc cho rằng Trung Quốc sẽ hành xử với tinh thần trách nhiệm trên thế giới. 60% không tin rằng Trung Quốc đặt thị hiếu của Hoa Kỳ trong các quyết định về đối ngoại của họ. [2]

Chương 9: Sự Suy Yếu Của Trung Quốc Là Mối Nguy Của Hoa Kỳ (China’s Weakness, America’s Danger)

Đây là chương sau cùng, Tác giả đưa ra một số nhận định về mối quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ như một lời kết luận về tập biên khảo này.

Hai mươi lăm năm cải tổ kinh tế và mở cửa ra với nền kinh tế thế giới đã thay đổi sâu xa xã hội Trung Quốc và tạo mầm móng đe dọa cho quyền lực đảng Cộng sản. Đảng không thể nắm rõ con số dân chúng chứ đừng nói đến việc kiểm soát họ. Trong số những người có bằng đại học, 90 phần trăm theo dõi thông tin qua Internet. Khi thành phần lãnh đạo Trung Quốc tăng cường kiểm soát về các phương tiện truyền thông và Internet, thì đó là báo hiệu cho công chúng về sự khẩn trương lo âu của chính quyền. Như nhận định của Tổng thống Clinton trong một bài phát biểu về Trung Quốc vào tháng Tư năm 1999, “Bàn tay bóp chặt thật ra là dấu hiệu của một bàn tay yếu”.

Sự chênh lệch rõ rệt giữa lối sống hào nhoáng của thành phần giàu có và những vật lộn đời sống hàng ngày của nông dân nghèo và cư dân tại các thành phố không đủ khả năng trả tiền học phí quá nặng và phí tổn về sức khỏe làm cho người ta giận dữ. Người dân nghĩ rằng quan chức giàu có từ tham nhũng chứ không phải từ công sức hoặc làm việc từ đầu óc. Đám đông quần chúng giận dữ tại các thành phố thường tấn công những tài xế của những xe đắt tiền khi họ đụng phải những người đi bộ. Trong những năm gần đây, sự nóng giận chống lại Hoa Kỳ và Nhật đã đưa hàng trăm ngàn sinh viên học sinh xuống đường. Nếu lãnh đạo của Trung Quốc mất kiểm soát nhiệt tình ái quốc này thì nó có thể đưa đến chiến tranh hay là quay ngược lại chống chính quyền Cộng sản như đã từng xảy ra trong hai chính phủ trước đó. Như người Hoa đã từng nói, “nội biến và ngoại xâm” đi liền với nhau.

Cựu thủ tướng Tân Gia Ba, ông Lý Quang Diệu, người có cái nhìn khôn ngoan về Trung Quốc, nói rằng mặc dù ông tin vào giới lãnh đạo hiện nay đang tập trung vào việc phát triển kinh tế và tránh những lầm lỗi mà hai nước Đức và Nhật đã vấp phải khi họ cố gia tăng quyền lực, nhưng ông lo rằng “liệu thế hệ kế tiếp có tiếp tục giữ cùng đường hướng này hay không… Chúng ta hiểu được những suy nghĩ trong đầu giới lãnh đạo nhưng tâm trạng của dân gian là một vấn đề khác. Bởi vì chủ nghĩa cộng sản không còn là giềng mối để giữ mọi người với nhau, trong dân gian hiện chỉ còn kích động bởi lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.” [3]

Lãnh đạo Trung Quốc đã tự đưa chính họ vào một góc nguy hiểm. Họ là kẻ thù nguy hiểm nhất của chính họ. Người ta cho rằng: “Sự vươn lên của Trung Quốc chắc chắn sẽ mang lại những thách đố và thách đố đầu tiên đến ngay từ chính Trung Quốc.” Để giải quyết tình cảnh khó xử này, theo Tác giả thì Trung Quốc phải có những nỗ lực giải quyết một số vấn đề như sau:
  1. Ngưng những bảo trợ mang lại hành động yêu nước cực đoạn và quá khích.
  2. Khuyến khích lòng yêu nước tích cực.
  3. Khuyến khích và bảo vệ tư doanh.
  4. Tăng cường kiểm soát quân đội trong bộ máy nhà nước.
  5. Hủy bỏ việc kiểm soát thông tin truyền thông.
  6. Mở được dây đối thoại với Đài Loan.
Ngược lại, để giúp Trung Quốc là một quốc gia có trách nhiệm, theo Tác giả thì Hoa Kỳ nên có những nỗ lực thêm như:
  1. Đặt ưu tiên đối với những hành động quốc tế của Trung Quốc.
  2. Tiếp tục sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại vùng Đông Á và Tây Thái Bình Dương.
  3. Đừng phô trương sức mạnh của quân đội Hoa Kỳ một cách quá đáng.
  4. Đừng xây dựng Nhật Bản trở thành một thế lực quân sự mạnh trong vùng.
  5. Tiếp tục đeo đuổi vấn đề Trung Quốc – Đài Loan.
  6. Cho Trung Quốc một sự kính nể.
  7. Đừng có phản ứng quá mạnh về sự vươn lên về kinh tế của Trung Quốc.
Tác giả cho rằng ngăn ngừa chiến tranh với một Trung Quốc đang đi lên là một trong những khó khăn nhất về chính sách đối ngoại mà Hoa Kỳ đang phải đối đầu. Hoa Kỳ có những phức tạp riêng trong nội bộ với những phản ứng khác nhau của các nhóm chính trị về sự vươn lên của Trung Quốc. Hơn thế nữa, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không thể tách rời với chính sách đối ngoại toàn cầu. Làm thế nào để chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Iraq, Iran, Bắc Hàn và các quốc gia khác trên thế giới cũng như làm thế nào để sự hợp tác của Hoa Kỳ với những nước khác đạt được mục tiêu là tạo ảnh hưởng đến việc Trung Quốc có vui lòng hợp tác với nước Mỹ hay không. Nhất là hiện nay dân Trung Quốc chăm chỉ theo dõi tin tức thế giới qua những tạp chí và Internet.

Sự nhận định khách quan về Trung Quốc qua sự mỏng manh trong nội địa của một cường quốc đang đi lên này sẽ giúp chúng ta tránh khỏi những lỗi lầm có thể đưa đến một cuộc chạm trán: phản ứng quá độ trước sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, giảm thiểu sự hiện diện về quân sự của Hoa Kỳ tại Á châu, tránh sự xúc phạm đến thành phần quần chúng có tinh thần yêu nước cao độ bằng cách vỗ ngực xưng tên, và không biết cách uyển chuyển quan hệ với Nhật và Đài Loan. Niềm hy vọng tốt nhất cho Hoa Kỳ là lãnh đạo Bắc Kinh giải quyết những vấn đề nội bộ của họ và họ có khả năng đương đầu với quốc tế một cách có nhiều trách nhiệm hơn. Chuyện này sẽ không thể tự động xảy ra. Sự trù phú và phát triển tại Trung Quốc có thể làm cho giới lãnh đạo cảm thấy bấp bênh về mặt chính trị. Vì thế những lời nói và hành động của Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò then chốt.

Phương pháp Hoa Kỳ đáp ứng với sự vươn lên của Trung Quốc có thể giúp tăng cường ý thức của họ hay làm gia tăng sự bốc đồng của họ. Nếu ý thức thắng thì Hoa Kỳ có thể mong rằng Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh đang lên và tầm ảnh hưởng của họ vào những nỗ lực chung để bảo vệ hòa bình, giảm tình trạng nghèo đói, chống khủng bố, giữ ổn định và làm chậm lại mức độ hâm nóng toàn cầu (global warming). Một số người Trung Quốc chủ quan tin rằng một ngày nào đó quan hệ của Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể trở thành gần gủi như tinh thần đồng minh giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc: Trung Quốc dẫn đầu ở Á châu và Hoa Kỳ sẽ dẫn đầu thế giới. Cho đến khi nào Trung Quốc còn là một nước cộng sản, hiện tượng hoàn hảo kể trên khó có thể trở thành sự thật. Hoa Kỳ cũng mong muốn Nhật, Nga và Ấn Độ là những cường quốc của Á châu, cùng ở vị thế lãnh đạo với Trung Quốc. Nhưng viễn ảnh về sự cộng tác mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc sẽ chia xẻ trách nhiệm trong vùng cũng như toàn cầu có thể thực hiện được, nếu Hoa Kỳ có sự khôn ngoan để hiểu biết về sự mong manh của Trung Quốc và đồng thời đủ trưởng thành để không tự đi theo đường riêng của mình. [4]

Lý Thái Hùng
Viết xong ngày 6 tháng 9 năm 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét