01 tháng 6, 2005

Đấu Tranh Cho Nguyễn Khắc Toàn

Đầu tháng 3 năm 2005, qua người bạn tù được thả trong đợt thả tù đầu năm Ất Dậu của Cộng sản Việt Nam, anh Nguyễn Khắc Toàn đã gửi cho mẹ anh một lá thư từ trại tù Nam Hà. Đây là lá thư đầu tiên mà anh gửi cho gia đình sau hơn 3 năm anh bị bắt hôm 8 tháng 1 năm 2002 và sau đó bị kết án 12 năm tù về tội gián điệp trong một phiên tòa xử kín vào ngày 20 tháng 12 năm 2002. Lá thư của anh chỉ vỏn vẹn 2 trang viết tay, nhưng chứa đựng một niềm kiêu hãnh của kẽ sĩ trong gông cùm độc ác của Cộng sản Việt Nam. Thư của anh đã toát lên một ý chí đối đầu với chế độ Hà Nội một cách kiên quyết và không hề nao núng sau ba năm bị cưỡng đoạt tự do.



Nhận định về các vụ khủng bố chính trị đối với những nhà đối kháng, anh Nguyễn Khắc Toàn đã viết: ’Hàng loạt vụ đàn áp bằng tòa án của đảng và nhà nước CSVN đối với những công dân Việt Nam là trí thức, cựu chiến binh, cựu quan chức cao cấp nhà nước, những người đã một thời đem mồ hôi xương máu và cả mạng sống của mình để góp phần xây nên chế độ hiện nay. Đấy là một bị kịch trong tấn bi kịch lớn của dân tộc phải chịu đựng. Cũng chính vì một phần trong lẽ đó, dư luận trong và ngoài nước đã dấy lên làn sóng phản kháng lên án rất mạnh mẽ từ châu Âu, châu Úc đến Bắc Mỹ. Dư luận và lương tri nhân loại đã không khoanh tay ngồi yên để cái ác, bất công bạo lực hoành hành’.

Nhận định về bản chất thả tù của Cộng sản Việt Nam, anh Nguyễn Khắc Toàn đã viết cho mẹ anh như sau: ’Sau hơn một năm liên tục tiếp xúc và làm việc với các sĩ quan của trại giam này và đặc biệt là của bộ công an từ Hà Nội xuống, con đã hiểu ra rằng hoàn toàn phía Việt Nam không thực tâm thiện chí muốn cởi mở với những tù nhân chính trị chống chế độ. Mà trái lại họ chỉ cởi mở khi bị áp lực bên ngoài thúc ép mà thôi, càng áp lực mạnh càng tốt cho tù nhân trong này. Người phản kháng bất đồng trong nước càng có uy tín quốc tế và trong nước càng được chính quyền nhà nước ’bảo vệ’ và không dám đụng vào’.

Sau cùng, anh Nguyễn Khắc Toàn đã nhắn nhủ mẹ và gia đình đừng có van nài chế độ một cách vô ích mà hãy đấu tranh, tích cực hành động trong việc vận động dư luận để tạo sức ép từ bên ngoài lên chế độ thì mới cứu lấy sự tự do của các tù nhân chính trị. Anh đã viết rằng: ’Việc con sớm trở về đoàn tụ tạm thời với gia đình góp phần báo hiếu Mẹ Cha, lập gia đình sống bình thường như hàng triệu công dân Việt Nam khác là do áp lực bên ngoài chứ không phải do bản thân con ở trong nhà tù lạnh lẽo này mẹ ạ. Bởi vậy vai trò của gia đình và nhất là mẹ, các chị, các em rất quan trọng. Phải mở rộng cửa đón các chính khách quốc tế, các nhà báo nước ngoài, trả lời phỏng vấn, đặc biệt gửi đơn từ liên tục đến các cơ quan có thẩm quyền theo luật định. Không một cơ quan nào dám trả thù mẹ vì đó là việc pháp luật không cấm. Con trông mong vào điều đó thôi’.

Lá thư của anh Nguyễn Khắc Toàn không chỉ nói với mẹ anh mà còn nhắn nhủ chúng ta hai điều:

Thứ nhất là không nên trông chờ vào những thiện chí ’tôn trọng nhân quyền’ của Cộng sản Việt Nam qua đòn thả tù. Đó chỉ là đòn tráo trở nhất của Hà Nội khi dùng sự tự do của người dân để đổi chác quyền lợi của họ với thế giới bên ngoài. Vì thế, bên ngoài áp lực càng mạnh sẽ phá vỡ những âm mưu đổi chác của Hà Nội và cảnh tỉnh lương tri của nhân loại trước những đòn ’thả tù’ của Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai là sự đấu tranh mạnh mẽ ở bên ngoài, nhất là mở rộng các cuộc vận động dư luận quốc tế sẽ không chỉ ’bảo vệ’ các nhà chống đối chế độ mà còn tạo một làn sóng phê phán các chính sách độc ác của Hà Nội, khiến họ phải chùng bước trước những đòn trả thù đối với các nhà đấu tranh. Nói cách khác, bên ngoài đấu tranh càng mạnh, vùng hoành hành của Cộng sản Việt Nam ở trong nước sẽ bị thu hẹp dần.

Rõ ràng là anh Nguyễn Khắc Toàn có một thái độ rất quyết liệt với chế độ Hà Nội và anh không hề có ý định ’ở tù tốt’ (nghe lời chế độ) để được ra tù sớm mà chủ trương đấu tranh tạo áp lực hầu sớm ra khỏi lao tù. Ý chí của anh đã phần nào biểu hiện điều anh đã làm để bị Hà Nội kết án cách nay ba năm. Đó là vào ngày 16 tháng 12 năm 2001, anh đã tiếp tay loan tải những bản tin liên quan đến việc các bà mẹ từ những tỉnh niềm Nam ra Hà Nội thực hiện các cuộc biểu tình truớc trụ sở quốc hội, trước văn phòng chính phủ và bộ ngoại giao để đòi lại ruộng đất bị cán bộ cưỡng chiếm một cách vô tội vạ. Đặc biệt trong bản tin ngày 20 tháng 11 năm 2001, ngoài việc 20 phụ nữ tụ tập biểu tình trước tòa nhà quốc hội đòi đất, anh Toàn còn loan tải sự kiện 250 người khác, chủ yếu là nông dân thuộc tỉnh Nam Định, số còn lại là thuộc các tỉnh ở miền Bắc đã bao vây nhà riêng của Nông Đức Mạnh để yêu cầu gặp trực tiếp Mạnh giải quyết các vụ tham ô nhũng lạm ở nông thôn, gây chấn động dư luận vào lúc đó. Nhưng anh Toàn đã không chỉ là người duy nhất loan tải các tin này mà có cả hãng thông tấn Reuter, BBC. Thế nhưng ngày 8 tháng 1 năm 2002, anh đã bị bắt vì các bản tin chuyển đi dưới tên CCB Trần Minh Tâm & Tâm Việt và sau đó bị kết án là tội gián điệp.

Mặc dù trong phiên tòa sơ thẩm hôm 20 tháng 12 năm 2002, anh Nguyễn Khắc Toàn đã chống đối và phản bác sự kết án hàm hồ nói trên của Cộng sản Việt Nam; nhưng vì phiên tòa chỉ là sự dàn dựng cho có lệ để che mặt dư luận nên đã diễn ra vội vã trong vài tiếng đồng hồ. Phiên toà đã lộ rõ nền tư pháp của Hà Nội là phạm nhân bị kết án trước khi mang ra tòa xét xử. Khi chúng ta cùng nhìn thấy quá trình dẫn đến sự cáo buộc 12 năm tù của Cộng sản Việt Nam đối với anh Nguyển Khắc Toàn, chúng ta rất thông cảm với lời nhắn nhủ của anh là đừng bao giờ chờ đợi thiện chí thả tù của Cộng sản Việt Nam mà phải dùng sức ép chính giới và dư luận quốc tế từ các nỗ lực vận động của người Việt tại hải ngoại, thì mới khiến Hà Nội chùng bước. Việc Hà Nội phải thả 6 tù nhân chính trị như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Ông Nguyễn Đình Huy hôm đầu năm Ất Dậu 2005 đã chứng nghiệm cho điều anh Toàn nói đến.

Hiện nay, cộng đồng người Việt có hai vũ khí là ’sự tham gia WTO của Hà Nội’ và ’áp lực đưa Cộng sản Việt Nam vào trong danh sách những quốc gia đáng quan tâm (CPC) của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ’, để vận động dư luận chính giới quốc tế tạo thêm áp lực trong tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Cộng sản Việt Nam. Vũ khí này có hiệu quả nhất trong vòng 6 tháng trước mặt, cho đến tháng 12 năm 2005 khi các quốc gia thành viên WTO nhóm họp tại Hồng Kông. Do đó mà sự tự do của anh Nguyễn Khắc Toàn tùy thuộc rất nhiều vào các nỗ lực đấu tranh của chúng ta.

Lý Thái Hùng
1 tháng 6, 2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét