09 tháng 11, 2009

Thế Giới Sau 20 Năm Bức Tường Bá Linh Sụp Đổ

Vào lúc 6 giờ 57 phút tối ngày 9 tháng 11 năm 1989, xướng ngôn viên đài truyền hình quốc gia Đông Đức đã đọc bản thông báo rất ngắn liên quan đến quyết định của Ban chấp hành Trung ương đảng Thống nhất xã hội chủ nghĩa Đức (đảng Cộng sản Đông Đức) do Tổng Bí Thư Egon Krenz ký, cho phép người dân Đông Đức có thể qua lại Tây Đức mà không cần phải xin phép. Đúng 11 giờ tối, toàn bộ các trạm kiểm soát dọc theo bức tường Bá Linh đã bỏ ngỏ, lính Đông Đức biến mất, hàng ngàn người dân Đông Bá Linh lũ lượt kéo sang Tây Bá Linh ăn kem và ca hát. Một số thanh niên đã leo lên bức tường Bá Linh nhảy múa. Một số người khác đã dùng búa đập phá một khoảnh của bức tường. Những hình ảnh này đã được truyền đi trên khắp thế giới ngay trong đêm hôm đó.

04 tháng 11, 2009

Nhìn lại 20 năm

Lý Thái Hùng
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hoa Kỳ

Theo tác giả, tường Bá Linh sụp đổ
trực tiếp giúp cho 'cơn bão dân chủ'
toàn Đông Âu.
 
Cách đây 20 năm, khát vọng tự do dân chủ của người dân Ba Lan và Hungary đã tạo thành cơn bão dân chủ - qua những cuộc đình công, biểu tình từ hàng chục ngàn người rồi lên đến hàng trăm ngàn người, diễn ra liên tục từ cuối năm 1988 - đã làm tê liệt toàn bộ xã hội, đẩy các chế độ Cộng sản tại đây rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và tan rã quyền lực vào giữa năm 1989.

Nếu như cơn bão dân chủ này chỉ dừng lại ở hai quốc gia nói trên và không thổi đến Đông Đức - đẩy sập bức tường Bá Linh vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 - có lẽ đã không tạo ra hai biến chuyển ngoạn mục của hậu bán thế kỷ 20. Đó là sự sụp đổ của khối cộng sản quốc tế Liên Xô và sự chấm dứt chiến tranh lạnh vào năm 1991.