10 tháng 5, 2006

Vấn Đề Lập Đảng Tại Việt Nam

Ngày 27 tháng 4 vừa qua, Luật sư Nguyễn Văn Đài đang hành nghề luật tại Hà Nội, đã chấp bút một bài viết về ’quyền thành lập đảng ở Việt Nam’, tạo một sự chú ý trong dư luận. Tuy bài viết rất ngắn; nhưng luật sư Đài đã cô đọng nói lên tiến trình xuất hiện bình thường của những đảng phái tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, dựa trên kinh nghiệm lịch sử, chủ trương và những quy định của hiến pháp Cộng sản Việt Nam hiện hành. Về mặt lịch sử, luật sư Đài đã cho rằng ngay từ sau năm 1945, Việt Nam theo đa đảng vì lúc đó có nhiều đảng tham gia vào chính quyền, với sự tồn tại của hai đảng Dân chủ và Xã hội. Về mặt pháp luật, luật sư Đài đã cho rằng hiến pháp và pháp luật của Cộng sản Việt Nam hiện nay không có Điều nào cấm hay hạn chế công dân của mình thành lập một đảng chính trị, từ đó luật sư Đài kết luận rằng mọi công dân Việt Nam có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Về mặt thực tiễn, luật sư Đài cho rằng trong quá trình phát triển của nhân loại, cả về khía cạnh lịch sử cũng như pháp lý, chưa bao giờ có thực tế xảy ra là một đảng chính trị này cho phép hay không cho một đảng chính trị khác ra đời hay thành lập. Luật sư Đài đã cho là các đảng phái chính trị được thành lập trên cơ sở có sự ủng hộ của một bộ phận người dân mà họ làm đại diện.

03 tháng 5, 2006

Những Vấn Đề Của Đảng Việt Cộng Sau Đại Hội X

Đại hội X của đảng Cộng sản Việt Nam đã bế mạc hôm 25 tháng 4, sau 8 ngày họp để sắp xếp lại nhân sự và hướng đi của đảng trong năm năm tới (2006-2010). So với hai kỳ đại hội VIII (1996) và IX (2001), dư luận quốc tế đã không mấy quan tâm, những tin tức loan tải chỉ đề cập sơ lược và không có những phân tích về đại hội X. Sự lưu nhiệm các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Lê Hồng Anh, Nguyễn Phú Trọng trong bộ chính trị khóa X cũng không làm nhiều người chú ý vì các nhân sự này không có gì ’xuất xắc’ hay ’nổi bật’ trong các năm vừa qua. Ngay cả việc ông Nông Đức Mạnh được lưu nhiệm vị trí tổng bí thư được đánh giá là... hết người để thay thế. Ngoài ra, việc đưa 9 nhân vật mới vào bộ chính trị gồm các ông: 1/Phạm Gia Khiêm; 2/Phùng Quang Thanh; 4/Trương Vĩnh Trọng; 5/Lê Thanh Hải; 6/Nguyễn Sinh Hùng; 7/Nguyễn Văn Chi; 8/Hồ Đức Việt; 9/Phạm Quang Nghị cũng không làm cho dư luận quan tâm. Chín nhân vật này đa số có khuynh hướng bảo thủ và hướng vào nội bộ như các ông Phạm Gia Khiêm, Phùng Quang Thanh, Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Văn Chi, Hồ Đức Việt, Phạm Quang Nghị. Riêng hai ông Lê Thanh Hải (Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn) và Nguyễn Sinh Hùng (Bộ trưởng tài chánh) được coi là có một số suy nghĩ thoáng hơn nhưng không phải là loại người có nhiều ảnh hưởng trong trung ương đảng.