11 tháng 1, 2006

Vấn Đề Công Nhân Đình Công Tại Việt Nam

Trong những ngày đầu năm 2006, tại các khu chế xuất ở Sài Gòn và Bình Dương đã có khoảng 20 cuộc đình công của hàng chục ngàn công nhân thuộc 13 công ty có vốn nước ngoài để đòi tăng lương. Đa số các công ty liên hệ đến ngành dệt may, da giày và lắp ráp linh kiện có chủ nhân là các quốc gia Đài Loan, Nam Hàn. Những cuộc đình công này bắt nguồn từ hai cuộc đình công đã xảy ra vào cuối năm 2005. Một là cuộc đình công xảy ra đầu tiên của 960 công nhân thuộc hãng đóng giày Rieker Vietnam (23/11/2005). Hai là cuộc đình công của 18,000 công nhân thuộc công ty lắp ráp linh kiện Freetend (28/11/2005). Cả hai cuộc đình công đều có một yêu sách chung là yêu cầu chủ nhân phải tăng từ 30 đến 40% lương. Cuộc đình công của hai công ty nói trên đã nhanh chóng lan rộng đến 13 công ty khác, tạo một sự quan tâm rất lớn trong dư luận vì đây là lần đầu tiên có những cuộc đình công quy mô tại những công ty có vốn nước ngoài.

08 tháng 1, 2006

Tổng Lược Tình Hình Năm 2005

I-Dẫn Nhập:

Năm 2005 mang hai dấu ấn đặc biệt.

Một là năm đánh dấu sự kết thúc Đệ nhị thế chiến (1945-2005) giải phóng nhân loại ra khỏi gọng kềm khủng bố của chủ nghĩa Phát xít. Trong bối cảnh đó, nếu không có biến cố Việt Minh cướp chính quyền nhân cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim ngày 19 tháng 8 năm 1945, dân tộc Việt Nam đã có một đời sống tự do, đất nước phát triển không thua gì các quốc gia trong vùng. Thảm kịch của cái gọi là "cách mạng mùa thu" năm 1945 của người Cộng sản, đã trở thành một vết nhơ trong giòng lịch sử tiếp tục kéo dài đến hôm nay.

Hai là năm đánh dấu 30 năm kết thúc cuộc chiến tại Miền Nam Việt Nam, khi Cộng sản Bắc Việt xua quân cưỡng chiếm Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Biến cố này cũng đã đưa hàng triệu người Việt Nam phải tìm cách vượt biên, vượt biển tỵ nạn cộng sản tại những quốc gia tự do, đưa đến sự hình thành một cộng đồng đa dạng của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại chưa hề có trong lịch sử cổ kim của Việt Nam. Đánh dấu 30 năm cũng đã nói lên sự ra đời của một thế hệ Việt Nam mới với nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế, chính trị, chất xám, thương mại... không thua kém gì đối với các cộng đồng sắc tộc khác.