17 tháng 2, 2009

20 Năm Nhìn Lại Biến Cố Tại Đông Âu: Những Diễn Biến Khởi Đầu Tại Ba Lan và Hung Gia Lợi

Những Diễn Biến Khởi Đầu Tại Ba Lan và Hung Gia Lợi

Ngày mồng 6 tháng 2 năm 2009 vừa qua, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đề cập về Hội Nghị bàn tròn giữa đảng Công nhân thống nhất Ba Lan (đảng Cộng sản Ba Lan) với Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan như là khởi điểm đưa đến những diễn biến chính trị làm sụp đổ chế độ độc tài Cộng sản tại 8 quốc gia (Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức, Rumania, Bulgaria, Albania và Nam Tư) trong vùng Đông Âu vào năm 1989. Thật ra, Hội nghị bàn tròn không phải là khởi điểm mà là điểm kết của bước lùi chiến thuật trong diễn trình đối phó của đảng Cộng sản Ba Lan trước sự lớn mạnh của Công Đoàn Đoàn Kết - ra đời vào tháng 8 năm 1980 tại thành phố Gdansk. Nói cách khác, Hội nghị bàn tròn là một chiêu bài “câu giờ” của đảng Cộng sản Ba Lan nhằm giải tỏa sức ép của các cuộc đình công quy mô của Công Đoàn Đoàn Kết do ông Lech Walesa lãnh đạo kéo dài liên tục từ tháng 5 năm 1987 đến tháng 8 năm 1988, làm tê liệt toàn bộ mọi sinh hoạt xã hội vào lúc đó. Mục tiêu của đảng Cộng sản Ba Lan vào lúc đó là dùng Hội nghị bàn tròn để buộc Công Đoàn Đoàn Kết liên đới chịu trách nhiệm về các khủng hoảng xã hội và kiềm chế các hoạt động của Công Đoàn trong khuôn khổ luật pháp và hiến pháp của đảng Cộng sản.