17 tháng 1, 2007

Hà Nội Lo Ngại Không Còn Nắm Chặt Báo Chí?

Tiếp theo Chỉ thị mang số 37/CP của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam phổ biến vào ngày 26 tháng 10 năm 2006 nhằm chỉ thị Bộ thông tin văn hóa và các ủy ban nhân dân tỉnh phải rà soát lại việc quản lý báo chí và truyền thông, đảng Cộng sản Việt Nam vừa tổ chức một hội nghị có danh xưng là ’sơ kết hai năm thực hiện thông báo 162 của bộ chính trị về công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, tuyên truyền’ tại Hạ Long, vào ngày 8 tháng 1 năm 2007. Trong bài nhận định về công tác quản lý báo chí, Tô Huy Hứa nêu lên một số thành quả và biểu dương những tờ báo đã thực hiện chỉ thị của bộ chính trị như báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân, báo Công An, Thông Tấn Xã Việt Nam, báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam và những đơn vị như thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Bộ quốc phòng, Bộ bưu chính viễn thông, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các tỉnh ủy Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Cần Thơ, Đà Nẵng. Những con số mà Tô Huy Rứa mang ra biểu dương trước Hội nghị quả là quá khiêm nhường vì tại Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 600 tờ báo đủ loại và cỡ 700 cơ sở truyền thanh, truyền hình, báo điện tử, cơ quan tuyên truyền. Chỉ nhìn qua điều này người ta đủ thấy là diễn biến Hội nghị về báo chí đang có vấn đề lớn trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam.

03 tháng 1, 2007

Cộng sản Việt Nam và Công Nghệ Thông Tin

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng tin học vào cuối thập niên 70 của thế kỷ 20 đã mang đến cho nhân loại một ngành công nghệ mới, đó là công nghệ thông tin. Lãnh vực này đang ngày một phát triển đa dạng, đặc biệt là tại những quốc gia không có nền công nghệ cao tại Á Châu. Nói cách khác, công nghệ thông tin đang là một xu hướng thu hút sự tham gia của giới trẻ tại những quốc gia đang phát triển và nó trở thành một sức bật quan trọng trong việc mang lại những sự phát triển to lớn và bất ngờ cho những quốc gia nào có sự đầu tư đúng đắn vào con người. Thật vậy, Ấn Độ, Mã Lai, Đài Loan là những quốc gia trong vùng Á Châu đã và đang gặt hái khá nhiều thành công trong lãnh vực công nghệ thông tin, trong đó Ấn Độ là nước có mức phát triển cao nhất nhờ vào lãnh vực này trong suốt 4 thập niên vừa qua. Điều kiện cơ bản để đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghệ thông tin là chất xám. Khi giáo dục được chú trọng và vun bồi để xây dựng một đội ngũ chất xám hoạt động tự do, không bị rào cản sẽ giúp phát triển nhanh chóng ngành công nghệ thông tin. Đây là những điều được người ta rút tỉa từ kinh nghiệm phát triển ngành công nghệ thông tin của các quốc gia Ấn Độ, Mã Lai, Nam Hàn, Đài Loan.