03 tháng 1, 2007

Cộng sản Việt Nam và Công Nghệ Thông Tin

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng tin học vào cuối thập niên 70 của thế kỷ 20 đã mang đến cho nhân loại một ngành công nghệ mới, đó là công nghệ thông tin. Lãnh vực này đang ngày một phát triển đa dạng, đặc biệt là tại những quốc gia không có nền công nghệ cao tại Á Châu. Nói cách khác, công nghệ thông tin đang là một xu hướng thu hút sự tham gia của giới trẻ tại những quốc gia đang phát triển và nó trở thành một sức bật quan trọng trong việc mang lại những sự phát triển to lớn và bất ngờ cho những quốc gia nào có sự đầu tư đúng đắn vào con người. Thật vậy, Ấn Độ, Mã Lai, Đài Loan là những quốc gia trong vùng Á Châu đã và đang gặt hái khá nhiều thành công trong lãnh vực công nghệ thông tin, trong đó Ấn Độ là nước có mức phát triển cao nhất nhờ vào lãnh vực này trong suốt 4 thập niên vừa qua. Điều kiện cơ bản để đẩy mạnh sự phát triển ngành công nghệ thông tin là chất xám. Khi giáo dục được chú trọng và vun bồi để xây dựng một đội ngũ chất xám hoạt động tự do, không bị rào cản sẽ giúp phát triển nhanh chóng ngành công nghệ thông tin. Đây là những điều được người ta rút tỉa từ kinh nghiệm phát triển ngành công nghệ thông tin của các quốc gia Ấn Độ, Mã Lai, Nam Hàn, Đài Loan.



Đầu năm 2007, nhiều tờ báo tại Việt Nam đã bày tỏ sự phấn chấn về con đường phát triển của Việt Nam, đặc biệt là lãnh vực công nghệ thông tin nhờ vào sự đầu tư của đại công ty Intel và sự viếng thăm Việt Nam của ông bà Bill Gates, chủ nhân của công ty Microsoft, đang dẫn đầu thế giới về sự giàu sang của mình. Các tờ báo tại Việt Nam cho rằng việc Intel tăng số vốn đầu tư từ 650 triệu Mỹ kim lên đến 1 tỷ Mỹ Kim và đã được chính quyền Hà Nội cấp giấy phép đầu tư một cách long trọng; cũng như Microsoft tại Việt Nam bắt đầu có những hợp đồng bản quyền phần mền với nhiều cơ quan của Hà Nội, đã là những bước tiến đáng kể trong kế hoạch vận động đầu tư của Cộng sản Việt Nam. Sự kiện công ty Intel của Hoa Kỳ đầu tư lần đầu với số vốn là 650 triệu Mỹ Kim nhưng 9 tháng sau, công ty này lại quyết định mở rộng quy mô và nâng vốn đầu tư lên 1 tỷ Mỹ kim, đưa nhà máy ATM của Intel tại Việt Nam trở thành nhà máy lớn nhất trong hệ thống các cơ sở lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn của Intel trên toàn cầu. Hà Nội nghĩ rằng Intel đang nâng ngành công nghệ thông tin của Việt Nam lên cao? Có thật như vậy chăng?

Những tin tức loan tải trên một số báo chí tại Việt Nam đã cho người ta có ấn tượng là Việt Nam đang là nơi thu hút đầu tư một cách mạnh mẽ hơn cả Trung Quốc. Các tin tức xoay quanh những ’lời xưng tụng’ của một vài tờ báo ngoại quốc để vẽ ra một hình ảnh màu hồng rằng nền kinh tế Việt Nam đang cất cánh với tỷ lệ tăng trưởng GDP hơn mức dự trù là 8,4% trong năm 2006 và nhất là đã thu hút hơn 11 tỷ Mỹ kim đầu tư kể từ ngày được thu nhận vào WTO hôm mùng 7 tháng 11 năm 2006. Ngoài ra, các tờ báo còn vẽ ra một hình ảnh phát triển thần kỳ qua việc dùng một số tựa đề rất nổ như: "Thị trường chứng khoáng tại Việt Nam gia tăng", "Đầu tư ngoại quốc vào lãnh vực công nghiệp vượt trội hơn 10 năm qua", hay "Năm 2006: GDP Tăng vượt kế hoạch"... Đọc qua những giòng chữ này cùng với những hình ảnh tổ chức Hội Nghị APEC 14 vừa qua, những người không am tường tình hình Việt Nam dễ có một cảm nhận là Cộng sản Việt Nam đã thành công trong kế hoạch đổi mới và sẽ thu hút nhiều đầu tư sau khi vào WTO.

Những hình ảnh nêu trên chỉ là lớp sơn được Hà Nội trang trí đúng vào dịp họ kết thúc 20 năm thi hành chính sách đổi mới tung ra vào năm 1986, để tuyên truyền với bên ngoài. Thực tế bên trong, ba vấn nạn then chốt đang làm cản bước phát triển Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn còn đó:

  • Tình trạng tham ô nhũng lạm ở các cấp;
  • Khả năng cạnh tranh quá yếu của nền kinh tế;
  • Dân Trí và Khả năng lãnh đạo yếu kém.

Cả ba vấn nạn này hoàn toàn do từ cơ chế độc tài độc đảng phát sinh. Cơ chế độc tài đã dựa trên ba chân vạc để giữ chặt quyền lực. Đó là chân bạo lực, chân bưng bít thông tin và chân giáo dục ngu dân.

Mặc dù ngày hôm nay, do sức ép của quốc tế và những thay đổi của xã hội đổi mới, Cộng sản Việt Nam không còn có thể kiềm chế như dưới thời toàn trị, nhưng ba chân vạc nói trên vẫn còn ảnh hưởng và đè nặng lên mọi nỗ lực vươn lên của xã hội. Chính Vũ Khoan, cựu phó thủ tướng đặc trách về đối ngoại đã phát biểu rằng : ’hòn đá’ to nhất làm cản bước phát triển của Việt Nam là cải cách hành chính còn chậm. Cải cách hành chính là cách nói lách của Vũ Khoan, chứ trong thực tế đó chính là bộ máy quan liêu độc tài độc đảng.

Do đó khi nói đến phát triển công nghệ thông tin và khoe khoang về số tiền đầu tư gia tăng của Intel hay của công ty Microsoft, các báo chí Việt Nam đã không nhìn ra bản chất của vấn đề. Đó là dân ta sẽ chỉ mãi mãi làm công và chảy máu chất xám ngay trên quê hương của mình vì sẽ chỉ phục vụ cho lợi nhuận của Intel và Microsoft trong khi không thể đóng góp gì cho phát triển Việt Nam. Thật vậy, với sự cố tình bưng bít thông tin và đảng đang cố ôm giữ sự độc quyền quản lý giáo dục, những thanh niên hay sinh viên Việt Nam học ra trường - nếu có may mắn được nhận vào làm việc cho Intel hay Microsotf - cũng chỉ là phục vụ cho các nhu cầu lợi nhuận của những công ty này, trong khi không giúp ích được gì cho đất nước vì bị đảng Cộng sản Việt Nam ra lệnh phong tỏa thông tin. Nghĩa là những sinh viên hay giới thanh niên này được thu dụng vào làm việc trong ngành công nghệ thông tin, sẽ chỉ đóng vai chuyên gia như người ngoại quốc và hoàn toàn thụ động trước các biến chuyển xã hội.

Một quốc gia muốn thành công trong lãnh vực công nghệ thông tin cần phải có hai điều kiện. Thứ nhất là lãnh đạo phải có cái nhìn rộng và coi quyền lợi quốc gia dân tộc cao hơn quyền lợi của phe nhóm đảng phái. Thứ hai là xã hội phải mở rộng và không còn những bưng bít, rào cản sự phát triển trí tuệ của nguời dân. Ngày nào Hà Nội còn giữ chính sách bưng bít thông tin và giáo dục một chiều thì những đầu tư vào lãnh vực công nghệ thông tin chỉ nhằm phục vụ cho các công ty ngoại quốc và dân ta tiếp tục đi bên lề của những phát triển thế giới. Hiểu được bản chất vấn đề là như vậy, chúng ta không nên lo âu hay mừng rỡ về những con số phát triển do báo chí Hà Nội đưa ra mà cần phải nhìn rõ vào các chính sách ban hành để lượng định xem đảng Cộng sản Việt Nam có làm như họ đã tuyên truyền hay không?

Lý Thái Hùng
03/01/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét