19 tháng 12, 2006

Những Bi Kịch Sau Ngày Toàn Quốc Kháng Chiến

Tháng 12 năm nay, đảng Cộng sản Việt Nam đã huy động khá nhiều địa phương tổ chức kỷ niệm cái gọi là ngày toàn quốc kháng chiến chống Pháp xảy ra cách nay 60 năm, vào ngày 19 tháng 12 năm 1946. Vào lúc đó, Hồ Chí Minh trên danh nghĩa là chủ tịch nước Việt Nan Dân Chủ Cộng Hòa mà họ đã cướp được từ tay chính quyền Trần Trọng Kim, vào tháng 8 năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, kêu gọi đồng bào toàn quốc, đặc biệt là tại Hà Nội phải rút khỏi thành phố để chống lại các cuộc tấn công của quân đội Pháp. Cũng vào lúc đó, Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam đã cho rằng người Pháp đã phản bội Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp ngày 6 tháng 3 năm 1946 và xâm phạm tạm ước, ngày 14 tháng 9 năm 1946, mà hai phía gồm chính quyền Việt Minh và chính quyền thuộc địa Pháp đang thảo luận nhằm giải quyết vấn đề độc lập của Việt Nam. Nếu những ai không thuộc sử hoặc bị kích thích bởi tinh thần dân tộc mù quáng, dễ tin rằng các điều nêu ra của đảng Cộng sản Việt Nam - hay nói đúng hơn là của chính quyền Việt Minh vào thời đó - là đúng và cuộc kháng chiến có chính nghĩa. Sự thật không phải như vậy.



Tình hình Việt Nam vào tháng 8 năm 1945 sau khi quân đội Nhật đầu hàng đồng minh, đã rơi vào khoảng trống chính trị. Việt Minh đã lợi dụng cơ hội này thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, đã khai thác việc các công chức và đồng bào tổ chức mít tinh ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim vào lúc đó, để cướp chính quyền vào ngày 19 tháng 8 năm 1945. Hai tuần sau, Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo Việt Minh công bố bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2 tháng 9. Không khí của cả nước vào lúc đó rất vui mừng vì lòng người, ai ai cũng muốn nước nhà độc lập và thống nhất. Các đảng phái, lực lượng chính trị và tôn giáo của người quốc gia đã cùng hợp tác với Việt Minh nhằm xây dựng một chính quyền Việt Nam độc lập, thống nhất sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc. Kết quả của sự hợp tác này là sự ra đời một chính phủ nhiều thành phần tham gia gồm đại diện các đảng phái quốc gia và Cộng sản qua danh xưng Việt Minh. Ngoài ra, tuy chưa phổ cập trên toàn quốc, nhưng người dân Việt Nam đã tham gia bầu cử một quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ’độc lập’ này. Nói chung là tâm trạng của đại đa số nhân dân Việt Nam đều vui mừng vì đất nước độc lập và không màng đến vấn đề ý thức hệ quốc gia hay cộng sản vào lúc đó. Mọi người đã tham gia bằng tấm lòng yêu nước.

Điều trớ trêu là Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo Việt Minh, ngoài bề mặt thì nói đoàn kết, hợp tác với các đảng phái hầu xây dựng một chính quyền vững mạnh, nhưng ở bên trong họ tìm cách tiêu diệt các lực lượng quốc gia, để khống chế mọi mặt với âm mưu là xây dựng chế độ cộng sản trên toàn vùng Đông Dương theo lệnh của Liên Xô. Không những thế, họ lại đi đêm với Pháp để rước Pháp trở lại miền Bắc qua Hiệp định sơ bộ, ngày 6 tháng 3 năm 1046, rồi chính họ mượn tay người Pháp tiêu diệt các đảng phái quốc gia hầu dễ dàng trong việc thao túng tình hình. Nhưng Cộng sản Việt Nam đã không khai thác được gì khi đưa người Pháp trở lại Miền Bắc và nhất là nhìn thấy tham vọng của Pháp trong việc muốn tái chiếm Đông Dương sau Thế Chiến Thứ Hai, nên Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo Việt Minh mới bày ra cuộc ’toàn quốc kháng chiến’ chống Pháp, mà thực tế là để chống trả lại sự lật lọng của người Pháp. Cho nên ngày 19 tháng 12 năm 1946, trên nguyên tắc không phải là ngày mà người dân Việt chủ động tiến hành cuộc chiến chống Pháp giành độc lập, mà chỉ là ngày đánh dấu hàng loạt bi kịch của dân tộc do sự tham lam và u mê của Hồ Chí Minh cũng như ban lãnh đạo Việt Minh, khi hô hào cuộc kháng chiến này.

Thật vậy, nếu từ tháng 9 năm 1945 sau khi đã nắm chính quyền trong tay, những người cộng sản và người quốc gia hợp tác chặt chẽ để vừa kiến tạo đất nước, vừa nói chuyện với Pháp hầu giành lại đôc lập thì đã không có những thảm kịch kéo dài trong 60 năm qua. Nhìn các quốc gia có cùng cảnh ngộ bị thực dân đô hộ như Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân ... tất cả đã lấy lại độc lập mà không tốn một giọt máu nào; trong khi chính cái ngày toàn quốc kháng chiến do Hồ Chí Minh và Việt Minh phát động này mà dân ta cho đến bây giờ vẫn chưa đủ cơm no áo mặc và nhân quyền bị đảng Cộng sản Việt Nam chà đạp một cách trắng trợn. Chính ngày toàn quốc kháng chiến này đã để lại không biết bao nhiêu là bi kịch cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Bi kịch thứ nhất là trong 9 năm kháng chiến chống Pháp một cách vô ích này đã làm cho hàng triệu gia đình ly tán, chết chóc và sinh lực quốc gia tiếp tục bị hao mòn.

Bi kịch thứ hai là hậu quả phân chia đất nước vào ngày 20 tháng 7 năm 1954, khi Việt Minh nghe theo lời của Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa ký với Pháp hiệp định Genève để chia đôi Việt Nam. Cái tai hại của chia đôi đất nước không chỉ biểu hiện trên mặt vật chất, mà còn ghi sâu đậm trong lòng người dân mà cho đến ngày hôm nay qua nhiều thế hệ vẫn chưa xóa nhòa được.

Bi kịch thứ ba là cuộc chiến được tuyên truyền là "giải phóng miền Nam" nghèo đói của đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1954 đến năm 1975, đã không chỉ tàn phá sinh lực đất nước mà còn đẩy dân tộc vào chỗ kiệt quệ toàn diện, sau 20 năm tiến hành cuộc chiến phi lý này tại miền Nam.

Bi kịch thứ tư là sự ngạo mạn của đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi chiếm miền Nam Việt Nam, đã đưa đất nước vào thế bị thế giới cô lập ngoại giao và phong tỏa kinh tế khi tiến hành việc xây dựng liên bang Đông Dương sau năm 1975. Hậu quả của bi kịch này là dân tộc và đất nước Việt Nam hoàn toàn bị phá sản.

Hậu quả của những bi kịch này thật không bút mực nào tả xiết. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại hiện tình đất nước và mức sống của người dân sau hai mươi năm gọi là đổi mới và mở cửa của đảng Cộng sản Việt Nam, đủ thấy là những trì lực của các bi kịch này quá lớn đến nỗi một dân tộc cần cù, siêng năng như Việt Nam đã không thể nào khắc phục. Đương nhiên dù có khắc phục được chút nào đi nữa, thì dưới chế độ cai trị độc tài độc đảng, người dân sẽ không bao có một đời sống tự do, hạnh phúc như các quốc gia láng giềng cùng cảnh ngộ cách nay 60 năm nay đã cất cánh. Có nhìn ra bề trái của những tuyên truyền về ngày Toàn Quốc Kháng Chiến cách nay 60 năm, ta mới thấy rõ Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam đã có tội rất lớn đối với quốc gia và dân tộc. Không thể nào đem cái công "thắng Pháp" hay "thắng Mỹ" trong những cuộc chiến do chính mình phát động một cách vô lý, để che dấu những hành vi sai lầm cách đây 60 năm. Nếu không có ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946, biết đâu dân tộc ta đã có một tương lai khác, tốt đẹp hơn như những quốc gia láng giềng đã may mắn có được. Nếu như người Cộng sản không rước người Pháp trở lại miền Bắc qua Hiệp định sơ bộ 6/3 và không gian manh tiêu diệt những đảng phái quốc gia để độc chiếm quyền lực trên đất nước thì Việt Nam trong 60 năm qua đã có một lịch sử oai hùng và vinh quang hơn là điều mà đảng Cộng sản Việt Nam đang thêu dệt.

Ngày toàn quốc kháng chiến là một vết nhơ của lịch sử cận đại.

Lý Thái Hùng
19/12/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét