Ngày 27 tháng 4 vừa qua, Luật sư Nguyễn Văn Đài đang hành nghề luật tại Hà Nội, đã chấp bút một bài viết về ’quyền thành lập đảng ở Việt Nam’, tạo một sự chú ý trong dư luận. Tuy bài viết rất ngắn; nhưng luật sư Đài đã cô đọng nói lên tiến trình xuất hiện bình thường của những đảng phái tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, dựa trên kinh nghiệm lịch sử, chủ trương và những quy định của hiến pháp Cộng sản Việt Nam hiện hành. Về mặt lịch sử, luật sư Đài đã cho rằng ngay từ sau năm 1945, Việt Nam theo đa đảng vì lúc đó có nhiều đảng tham gia vào chính quyền, với sự tồn tại của hai đảng Dân chủ và Xã hội. Về mặt pháp luật, luật sư Đài đã cho rằng hiến pháp và pháp luật của Cộng sản Việt Nam hiện nay không có Điều nào cấm hay hạn chế công dân của mình thành lập một đảng chính trị, từ đó luật sư Đài kết luận rằng mọi công dân Việt Nam có quyền làm những gì mà pháp luật không cấm. Về mặt thực tiễn, luật sư Đài cho rằng trong quá trình phát triển của nhân loại, cả về khía cạnh lịch sử cũng như pháp lý, chưa bao giờ có thực tế xảy ra là một đảng chính trị này cho phép hay không cho một đảng chính trị khác ra đời hay thành lập. Luật sư Đài đã cho là các đảng phái chính trị được thành lập trên cơ sở có sự ủng hộ của một bộ phận người dân mà họ làm đại diện.
Từ những luận điểm nói trên, luật sư Đài đã đề nghị tiến trình lập đảng tại Việt Nam hiện nay như sau: Trước hết là đứng ra thành lập một Ủy ban vận động thành lập đảng (ủy ban này không xin phép). Sau khi soạn xong Điều Lệ và Cương lĩnh tạm thời thì đưa ra cho quần chúng lấy sự ủng hộ. Ủy ban nên đặt ra khi thu được bao nhiêu chữ ký ủng hộ, thì đủ công bố thành lập đảng và làm lễ ra mắt dư luận Việt Nam và Thế Giới. Riêng về việc hai đảng Dân chủ và Xã hội đã tự giải tán vào năm 1988 thì luật sư Đài cho là không cần xin phép mà chỉ tuyên bố trước quần chúng và Việt Nam về việc tái hoạt động là đủ. Những phân tích và những dữ kiện liệt kê để bổ túc cho các quan điểm trình bày, luật sư Đài đã cho rằng: Việt Nam trong xu thế tất yếu đi đến một xã hội dân chủ với thể chế chính trị đa đảng đó là chân lý, mà chân lý thì không một ai có thể phủ nhận hoặc từ chối bỏ được".
Trong một xã hội bình thường, những luận điểm của luật sư Đài đưa ra hoàn toàn hợp lý và thuyết phục. Nhưng rất tiếc là xã hội Việt Nam hiện nay không bình thường, nên các luận cứ của ông đưa ra cần phải khắc phục một số rào cản mà đảng Cộng sản Việt Nam đã nguỵ trang bên dưới những từ ngữ hoa mỹ trong hiến pháp cũng như trong các văn kiện lập quy khác. Luật sư Đài có dẫn giải điều 5 của hiếp pháp 1946, quy định tất cả công dân Việt Nam đều ngang bằng về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và điều 7 quy định tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước luật pháp, đều được tham gia chính quyền.... để nói đến thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng mà Cộng sản Việt Nam quy định từ những năm đầu khi cướp chính quyền vào năm 1946, nhưng ông đã quên rằng, những tu chính của hiến pháp 1946 sau này, Cộng sản đã thêm một điều khoản rất ‘dị hợm’. Đó là điều 4 hiến pháp 1992 quy định đảng Cộng sản Việt Nam.... là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Từ sự quy định mang tính độc tài nói trên, trong điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam, chương IX đề cập về đảng lãnh đạo nhà nước và đoàn thể chính trị xã hội, điều 41 đã ghi rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội bằng cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương, bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ va kiểm tra, giám sát việc thực hiện... Tổ chức đảng và đảng viên công tác trong cơ quan nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị của đảng: tổ chức đảng lãnh đạo việc cụ thể hóa của các văn bản luật pháp của nhà nước, chủ trương của đoàn thể, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả. Từ những quy định này, ta thấy hai điều:
Một, tất cả các đoàn thể chính trị - xã hội đều phải nằm trong quỹ đạo lãnh đạo, kiểm soát và chế tài một cách chặt chẽ của đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện nói lên tính độc tài của đảng Việt cộng.
Hai, những nhân sự nằm trong các đoàn thể chính trị - xã hội phải do sự đề cử của đảng Cộng sản. Đây là sự kiện nói lên tính ăn trùm của đảng lên toàn thể sinh hoạt xã hội.
Những quy định chặt chẽ nói trên, cho thấy là Cộng sản Việt Nam không muốn bất cứ ai hay một nhóm người nào, trở thành một tập hợp hay một tổ chức thách đố quyền lực và sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam. Họ chỉ từ bỏ sự độc tài, độc đoán này khi nào bị những áp lực sinh tử dẫn đến nguy cơ là nếu không từ bỏ thì sẽ bị lật đổ, thì họa may, Cộng sản Việt Nam mới thay đổi chấp nhận những tập hợp khác hiện diện chung. Trong bối cảnh ngày hôm nay, Cộng sản Việt Nam tuy đã yếu và mất dần khả năng kiểm soát, nhưng vì chưa có một tổ chức nào đủ tầm vóc để có thể đe dọa quyền lãnh đạo, nên Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục giữ nguyên trạng. Nghĩa là trong tình hình hiện nay, Cộng sản Việt Nam sẽ không tung ra bất cứ luật lệ gì cho phép lập đảng lập hội, ngược lại sẽ thẳng tay triệt hạ những ai có manh nha lập hội, lập nhóm. Do đó, để tiến đến điều mà luật sư Đài đề nghị lập uỷ ban vận động trước để lấy sự hậu thuẫn của quần chúng, sẽ chỉ có thể thành công, nếu tổ chức được những đơn vị quần chúng và sau đó phát động phong trào đấu tranh quần chúng hầu tạo áp lực.
Kinh nghiệm Đông Âu cho thấy là những đảng phái, tổ chức đối kháng đã chỉ có thể xuất hiện đối đầu với đảng Cộng sản sau khi đã tác động lên dư luận tạo thành một phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ mạnh mẽ trong quần chúng. Chỉ có trong trường hợp này sự xuất hiện công khai của các đảng phái, lực lượng đấu tranh mới tạo thành những đợt sóng dân chủ, đẩy đảng và nhà nước Cộng sản rơi vào thế thoái lui. Với sự xuất hiện của Tuyên Ngôn Dân Chủ vào ngày 8 tháng 4 của 118 nhà đấu tranh đã là sự khởi đầu để tạo hạt nhân quần chúng chuẩn bị cho những cao trào đấu tranh trong thời gian tới. Chính trong diễn trình này, tình thế sẽ tạo ra nhu cầu của sự xuất hiện các đảng phái, hầu điều hướng cuộc đấu tranh thành công. Do đó, những luận điểm của luật sư Đài đã giúp chúng ta nhìn thấy điều tất yếu phải xảy đến trong thời gian trước mặt.
Lý Thái Hùng
10 tháng 5, 2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét