20 tháng 6, 2006

Dân Bến Tre Xuống Đường Đòi Công Lý

Theo một nguồn tin từ Sài Gòn được loan báo trên mạng Internet vào sáng ngày 19 tháng 6 vừa qua, khoảng 50 người dân Bến Tre bị oan ức bất công về đất đai đã tổ chức một cuộc ’biểu tình’ đột xuất ngay trên một số đường phố Sài Gòn như đường Nguyễn Huệ, Võ Thị Sáu, Trần Quốc Thảo, Pasteur, Lý Tự Trọng. Cuộc biểu tình đã diễn ra từ 7 giờ sáng đến gần trưa mới chấm dứt. Trên nón của mỗi người biểu tình có ghi những dòng chữ như ’Dân Bến Tre Đòi Công Lý’ , ’Yêu cầu trả lại đất đai’ và trong lúc đi tuần hành, đoàn biểu tình đã hô những câu khẩu hiệu chống tham nhũng, đòi thực thi công lý... tạo một sự hiếu kỳ cho người dân chung quanh đứng xem. Công an đã không can thiệp hay ngăn cản đoàn biểu tình nhưng lại cấm không cho bất cứ ai chụp hình. Nếu những ai chụp hình thì công an bắt tháo phim ra và nếu chống cự thì sẽ bị bắt. Anh Lê Trí Tuệ, một cựu chiến binh, khi nghe có cuộc biểu tình đã lái xe gắn máy đến góc đường Lý Tự Trọng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, dùng điện thoại di động chụp đoàn biểu tình. Lập tức anh bị công an ngăn cản, xô anh té xuống xe, hành hung và áp giải anh Tuệ về trụ sở công an phường 12, quận 4 và cho đến nay thì anh Tuệ chưa được thả. Bản tin nói trên đã cho chúng ta hai điều suy nghĩ về tình hình Việt Nam hiện nay:



Thứ nhất là gần 50 người dân Bến Tre, lặn lội lên Sài Gòn, thực hiện cuộc biểu tình ngay vào buổi trưa đầu tuần là một chọn lựa rất chiến lược. Vì ngày đầu tuần có đông đảo du khách và đồng bào ra đường nên dễ tạo sự tác động lớn trong dư luận. Hơn 30 năm trước đây, người dân Bến Tre đã từng đóng góp rất nhiều cho đảng Việt cộng trong cuộc chiến trước năm 1975 và là cái nôi ’đồng khởi’ của miền Nam. Ngày hôm nay dân Bến Tre lên tận Sài Gòn kêu gào bất công về ruộng đất mà đáng lý ra vấn đề này đã phải giải quyết từ hơn một thập niên trước, lúc bà Nguyễn Thị Bình cũng là dân Bến Tre còn làm phó chủ tịch nước, cho thấy là những chính sách giải quyết về việc trưng dụng ruộng đất của người dân đã không hề giải quyết.

Thứ hai là sự tụ tập đông đảo của một số người xuống đường biểu tình ngay trong thành phố, không xin phép cơ quan nhà nước trực thuộc và đã di chuyển trên nhiều chặng đường mà công an không ngăn chận, cho thấy là khí thế biểu tình và sự đồng lòng ủng hộ của người dân chung quanh đường đối với đoàn biểu tình đã làm cho công an lúng túng, vì đàn áp thì tạo chấn động trong dư luận mà làm ngơ thì sẽ tạo một tiền lệ cho những đợt biểu tình kế tiếp. Trong thế lúng túng đó, công an đã cấm chụp hình để mong ém nhẹm nội vụ cũng như hành hung, dọa nạt những ai chống lại lệnh cấm chụp hình. Cách đối xử của công an qua vụ biểu tình nói trên cho thấy là khả năng trấn áp của bộ máy bạo lực đã bị dư luận trói tay.

Vấn đề khiếu kiện về ruộng đất, nhà cửa đã xảy ra trong gần 2 thập niên vừa qua và người dân đã có nhiều phản ứng khác nhau để bày tỏ những oan ức về cách giải quyết bất công của nhà cầm quyền Hà Nội. Tuy nhiên, sự kiện số đông tập trung biểu tình trên đường phố, kéo dài nhiều giờ làm tắt nghẽn lưu thông ở một số đoạn đường như cuộc xuống đường của người dân Bến Tre hôm 19 tháng 6 là lần đầu tiên. Tuy là lần đầu tiên nhưng rõ ràng đây là khởi điểm của một phong trào xuống đường sẽ có thể tiếp nối trong những ngày tháng tới, khi oan ức của dân đã đến lúc phải đổ tràn ra đường phố chứ không thể nào chờ chực ngày này qua tháng nọ tại những cơ quan nhà nước. Nói cách khác, sự xuống đường của người dân Bến Tre hôm 19 tháng 6 cho chúng ta nhìn thấy một tín hiệu mới trong cách đấu tranh của người dân trong mặt trận dân sinh.

Từ chỗ tập trung khiếu kiện tập thể tại công viên Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội, người dân miền Nam đã chuyển sang hình thái xưống đường đấu tranh ngay trong lòng phố Sài Gòn, là một sự chuyển hướng đáng quan tâm. Chúng ta có nhu cầu hỗ trợ và nuôi dưỡng để những hình thức xuống đường này được tiếp tục trong những ngày tháng tới và lan rộng ở nhiều nơi. Bởi vì theo kinh nghiệm của cuộc cách mạng dân chủ tại các nước cựu Cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô, những phong trào khiếu kiện của quần chúng hay đình công của công nhân, lúc đầu chỉ giới hạn trong khuôn viên của cơ quan nhà nước hay nhà máy. Sau đó, tùy theo sự tham dự của số đông mà các cuộc chống đối mới nới rộng và lan tỏa trên đường phố và từng bước thu hút hàng ngàn, hàng chục, rồi hàng trăm ngàn người tham gia, để sau chót làn sóng xuống đường tạo thành một biển người nhận chìm chế độ độc tài trong khoảnh khắc.

Những dấu hiệu lạc quan của phong trào dân chủ và những cuộc đấu tranh trên mặt trận dân sinh diễn ra từ đầu năm 2006 đến nay, cho chúng ta thấy rằng công cuộc đấu tranh chấm dứt ách độc tài Việt cộng đang mở ra hai nhu cầu: Thứ nhất là cần khai dụng hai mặt trận dân sinh và dân quyền một cách tích cực hơn nữa để làm bùng vỡ các phong trào quần chúng xuống đường như người dân Bến Tre đã làm. Thứ hai là cần chuẩn bị những điều kiện thuận lợi để tranh thủ dư luận thế giới can thiệp và hỗ trợ khi phong trào quần chúng bùng nổ, hầu ngăn chận những hành vi đàn áp, khủng bố của kẻ thù. Giải quyết hai nhu cầu này là thực hiện đúng diễn trình đấu tranh đã từng xảy ra tại những quốc gia độc tài cộng sản, đồng thời đó còn là con đường tất yếu mà mọi cuộc cách mạng quần chúng phải đi qua, khi những oan ức của người dân, đến lúc phải giải quyết ngay trên những lòng phố. Nhìn như vậy, chúng ta không thể không phấn chấn khi đọc bản tin xuống đường của người dân Bến Tre và không khỏi khâm phục ý chí đấu tranh của người dân ’đồng khởi’, đã đoạn tuyệt những gì mà họ đã một thời lầm lẫn tin theo.

Lý Thái Hùng
20 tháng 6, 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét