01 tháng 7, 2006

Dự Phóng Tình Hình Chính Trị Việt Nam Trong 20 Năm Tới

Ghi Chú: Đây là bài tác giả đã trình bày trong phần sinh hoạt khoáng đại tại Đại Hội Chuyên Gia Âu Châu 2006, tổ chức tại Thụy Sĩ vào các ngày 1, 2, 3 và 4 tháng 7 năm 2006.

Hai mươi năm là một chặng đường rất ngắn nếu đặt nó trong bối cảnh lịch sử của một đất nước, nhưng lại là chặng đường đủ dài để thẩm định về khả năng vươn lên của một dân tộc và cũng là khoảng thời gian cần thiết, giúp cho chúng ta suy nghĩ và nhận định về những biến cố đã xảy ra trong thời gian qua để vạch ra những dự phóng cho tương lai. Trong tinh thần đó, bài viết này sẽ đề cập về tình hình Chính Trị Việt Nam trong thời kỳ từ năm 1986 đến 2005 và những dự phóng từ 2006 đến 2025.



I-Tình Hình Chính Trị Việt Nam Trong Hai Mươi Năm CSVN "Đổi Mới" (1986-2005)

a/ Bản Chất Của Chính Sách Đổi Mới

Ngày 15 và 16 tháng 6 năm 2006, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, qua sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc và Cơ quan hợp tác phát triển kinh tế Thụy Điển, đã tổ chức một Hội Nghị Tổng Kết 20 năm đổi mới ở Việt Nam. Hội nghị quy tụ khoảng 300 diễn giả, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách Quốc tế và Việt Nam. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, người đã tham dự Hội nghị, cho biết kết luận của Hội Nghị đã đánh giá rằng: Sau 20 năm áp dụng đường lối đổi mới, Việt Nam vẫn còn là quốc gia nghèo đói. Nhưng sự nghèo đói này không phải chỉ là nghèo về vật chất mà còn là nghèo về quyền lợi chính trị, còn là sự thiệt thòi không có tiếng nói, không được bảo vệ đầy đủ bằng pháp luật. Khuyến cáo của Hội nghị là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cần kết hợp cải cách kinh tế với cải cách hành chánh, cải cách chính trị trong trong thời gian tới, nếu không sẽ đối diện nhiều khó khăn và tốn kém nhiều mặt. Những kết luận của Hội nghị đã vẽ ra một bức tranh không mấy lạc quan về chặng đường 20 năm đổi mới của Việt Nam, nếu không muốn nói là nước ta vẫn dậm chân tại chỗ trước sự đổi thay của các nước chung quanh. Dậm chân tại chỗ có nghĩa là nước ta không nhích ra khỏi cảnh nghèo đói đã đeo đuổi dân ta hơn 100 năm qua, dù hoàn cảnh sống của mỗi thời kỳ có khác nhau do những tiện nghi vật chất thay đổi. Vậy hậu quả chính trị của việc áp dụng 20 năm mở cửa, đổi mới kinh tế của Cộng sản Việt Nam là như thế nào?

Sau mười năm (1975 - 1985) áp dụng đường lối "tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội", đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng trước ba nguy cơ: 1/Nền kinh tế hoàn toàn bị phá sản, đặc biệt là do ảnh hưởng của biện pháp tập thể hóa nông nghiệp lần thứ 2 từ năm 1982, nông dân đã không chịu canh tác trong khuôn khổ hợp tác xã, khiến cả nước bị thiếu hụt lương thực trầm trọng, dẫn đến nạn đói kém, đe dọa một cách trầm trọng lên cả nước; 2/Bị thế giới cô lập kinh tế và phong tỏa ngoại giao vì chính sách hiếu chiến, xâm lăng Kampuchia và Lào để thành lập Liên bang Đông Dương; 3/Bị cắt giảm rồi cắt đứt quân viện lẫn kinh viện từ khối Liên Xô cũ.

Đánh giá tình hình vào lúc đó, ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên bộ chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam đã viết: ’cuộc chạy đua kinh tế, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản có nhiều diễn biến phức tạp; hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Ở trong nước, tư tưởng chủ quan, say sưa với thắng lợi, nôn nóng muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn, dẫn đến việc bố trí sai cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cộng với những khuyết điểm của mô hình kế hoạch tập trung quan liêu, bao cấp bộc lộ ngày càng rõ, làm cho kinh tế - xã hội rơi vào trì trệ, khủng hoảng, đời sống nhân dân gặp khó khăn. Nước ta bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận; chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc xảy ra, hậu quả rất nặng nề’.

Để thoát ra khỏi tình hình khó khăn nói trên, qua sự khuyến cáo của Liên Xô, đảng Cộng sản Việt Nam đã theo chân các nước cộng sản Đông Âu bắt đầu áp dụng chính sách đổi mới kể từ đại hội đảng kỳ VI vào tháng 12 năm 1986. Chính sách cứu nguy của đảng Cộng sản Việt Nam đã dựa chủ yếu trên ba quyết định quan trọng vào lúc đó:

Thứ nhất là tạm ngưng chính sách ‘ưu tiên phát triển công nghiệp nặng’, quay về lấy nông thôn và nông nghiệp làm chính, tạm ngưng chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, thay bằng chủ trương khoán trong nông nghiệp để kích thích nông dân hăng hái sản xuất trở lại; hầu chận đứng tình trạng đói kém đang đe dọa 19 tỉnh miền Bắc.

Thứ hai là thay đổi đường lối đối ngoại ‘ai thắng ai’ bằng chủ trương ‘thêm bạn bớt thù’ với hai nỗ lực là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và rút quân ra khỏi Campuchia để thoát vòng cô lập của thế giới, nhất là Hoa Kỳ.

Thứ ba là thay chính sách bao cấp bằng chủ trương khoán sản phẩm và cho tự quản trong các xí nghiệp quốc doanh theo nền kinh tế hàng hóa, đồng thời mở cửa vận động đầu tư từ bên ngoài để cải thiện tình trạng sản xuất què quặt ở trong nước.

Trong lúc tiến hành chính sách thoát hiểm nói trên, đảng Cộng sản Việt Nam lại đối diện một nguy cơ mới, đó là sự tan rã của hàng loạt các chế độ Cộng sản tại Đông Âu trước sự nổi dậy của các phong trào quần chúng đòi tự do dân chủ trong các năm 1988, 1989, đặc biệt là sự tan rã của Liên bang Xô Viết vào năm 1991. Những biến động này đẩy đảng Cộng sản Việt Nam vào tình thế nguy kịch mà Đào Duy Tùng, một lý thuyết gia của đảng mô tả rằng: ’đảng đã ở vào tình cảnh ngàn cân treo trên sợi tóc’. Đây là tâm trạng hoang mang của hầu hết giới lãnh đạo Hà Nội vào đầu thập niên 90 nên họ đã phải vội vã quay sang ‘khấu tấu’ Bắc Kinh để tìm chỗ dựa mới, đồng thời nhìn lại toàn bộ các chủ trương, chính sách, để mò mẫm con đường thoát hiểm. Lúc đó, Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã tập trung suy nghĩ và soạn ra hai văn kiện: 1/Cương Lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và 2/Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, làm nền tảng cho những bước đi không còn sự hỗ trợ của Liên Xô.

Hai văn kiện nói trên được công bố trong đại hội đảng kỳ VII vào tháng 6 năm 1991, đã chuyên chở một số những suy nghĩ và dự phóng của lãnh đạo Hà Nội về con đường thoát hiểm, đồng thời nó cũng đã chi phối ít nhiều lên các mục tiêu chiến lược thông qua ba kỳ đại hội đảng trong gần 2 thập niên sau đó. Tại Đại Hội VII (1991), Hà Nội đã bắt đầu cho áp dụng cơ chế thị trường và mọi sự vận hành của xã hội đặt trên nền tảng tự quản thay thế chế độ bao cấp. Tại Đại Hội VIII (1996), Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh chính sách mở cửa kinh tế, vận động đầu tư theo đường lối ngoại giao đu giây giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại Đại Hội IX (2001), Hà Nội đã đưa ra chủ trương phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để theo kịp đà tiến bộ của các nước chung quanh. Nói chung, hướng đi chính yếu của đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ này là tập trung chấn chỉnh tình trạng yếu kém của nền kinh tế, thông qua đầu tư ngoại quốc; đồng thời xóa bớt màu sắc vô sản chuyên chính, thông qua cải cách hành chánh để giúp đảng có thể tiếp tục giữ chặt quyền lực độc tôn trong xã hội.

b/ Hậu Quả Chính Trị Của 20 Năm Đổi Mới:

Rút kinh nghiệm từ Liên Xô và học từ các biện pháp cải cách của Trung Quốc, đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận sự đa nguyên trong kinh tế nhưng kiểm soát triệt để trên phương diện chính trị. Chính vì bước đi khập khễnh như vậy mà Hà Nội đã không đạt kết quả mong muốn trong cả hai lãnh vực kinh tế và chính trị. Trong lãnh vực kinh tế, những phát triển trong suốt thời gian này đều dựa vào nguồn vốn đầu tư ngoại quốc (FDI) và vốn tài trợ từ các chính phủ (ODA) trong khi tiềm năng sản xuất của các xí nghiệp quốc doanh - xương sống của chế độ - rất yếu kém và không có khả năng cạnh trạnh. Chính vì dựa vào các nguồn vốn này càng ngày, Cộng sản Việt Nam càng bị những áp lực cải cách từ bên ngoài, trong đó có những cải cách tối kỵ đối với Hà Nội trong lãnh vực chính trị và luật pháp. Chính vì miễn cưỡng phải làm nên những chính sách cải tổ đã tạo ra những vấn nạn chính trị mà Hà Nội đang phải đối diện hiện nay:

1/ Sự phá sản của chủ nghĩa Mác Lê, không chỉ làm cho Cộng sản Việt Nam mất điểm tựa về tư tưởng mà còn làm bùng nổ những xung đột quan điểm về mức độ đổi mới hiện nay, đặc biệt trong lãnh vực chính trị. Chính những bất đồng ý kiến về mức độ và phương thức đổi mới chính trị, đã tạo ra sự phân hóa trầm trọng trong giới lãnh đạo, chủ yếu không ở lý luận mà từ thực tế điều hành, gắn liền với quyền và lợi giữa các phe nhóm. Trong khi đó, sự thiếu vắng một nhân sự có bản lãnh vượt trội và có khả năng cầm chịch quyền lực để lèo lái nội bộ đảng, đã tạo ra cảnh cá mè một lứa. Hậu quả là tình trạng các phe nhóm tranh nhau bòn rút công quỹ và các dự án quốc gia, từ trung ương đến địa phương, ngày càng trở nên trầm trọng.

2/ Tuy Cộng sản Việt Nam thành công một phần trong việc thuyết phục các chính phủ nước ngoài rằng họ đã cố thay đổi một số chính sách để đáp ứng nhu cầu giao thương buôn bán; nhưng chính sự rập khuôn theo mô hình cải cách Trung Quốc đã tạo ra nhiều mâu thuẫn trong các quan hệ làm ăn giữa Cộng sản Việt Nam với các quốc gia, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì thế mà Hà Nội đã phải chọn thế đu giây giữa Mỹ và Bắc Kinh; nhưng chính sự đu dây này lại khiến cho nội bộ CSVN bị phân hóa, nghi ngờ lẫn nhau giữa các phe vì những vụ đi đêm hay ký kết lén lút các giao kèo với Mỹ hay Bắc Kinh. Hậu quả là càng mở cửa ra bên ngoài, nội bộ CSVN càng bị phân hóa và nảy sinh nhiều sự tranh chấp quyền lực trầm trọng, do những chi phối của các thế lực, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

3/ Đời sống của dân chúng nói chung sau 20 năm mở cửa (1986-2006) vẫn còn rất nghèo và lạc hậu. Thái độ chung của đa số dân chúng vẫn là lao vào kiếm sống và nếu gia đình nào có chút ít tiền thì lo cho con cái ăn học. Từ đó sự phân cực giàu nghèo đã trở thành một vấn đề lớn trên đất nước hiện nay. Hậu quả của sự phân cực giàu nghèo đã tạo ra nhiều thảm kịch trong xã hội Việt Nam như nạn gả bán ‘cô dâu’ cho người Đài Loan, Trung Quốc, Nam Hàn..., nạn ‘mua bán trẻ em’, đang tạo những phẫn nộ trong dư luận nhưng lại khó ngăn chận vì sự làm ngơ của các quan chức Hà Nội. Ngoài ra, một thiểu số quá giàu có, dư thừa tiền của nhờ móc ngoặc đã tiêu xài hoang phí với những lạc thú mới đã làm cho khu vực xã hội đen ngày càng bành trướng trong sinh hoạt người dân. Cờ bạc, mại dâm và ma túy đã gia tăng ở mức báo động và chính nó đã chi phối lên guồng máy chính trị của đảng Cộng sản qua các vụ án tham ô gần đây..

4/ Sự mở cửa vận động đầu tư hiện đã tạo ra cho chính chế độ một số nan đề, đó là sự bất mãn của công nhân về đồng lương quá rẻ, sự phẫn nộ của nông dân về số tiền bồi hoàn quá ít đối với các ruộng đất bị giải tỏa và nhất là những chống đối ra mặt của dân chúng về các hành vi nhũng lạm, tham ô của những cán bộ địa phương. Những chống đối này của người dân đã làm bộc phát những cuộc tranh đấu mang hai nội dung: đòi hỏi chế độ phải cải thiện về mặt dân sinh và tôn trọng các quyền của dân trên mặt trận dân quyền. Trước đây, Hà Nội khống chế mọi mặt đời sống của người dân nên dù có bất mãn, không một ai dám lên tiếng chống đối, ngày nay, do sự mở cửa để tìm nguồn tài chánh nuôi sống chế độ từ bên ngoài, Hà Nội đã không chỉ chịu những sức ép của quốc tế mà còn mất dần khả năng kiểm soát xã hội. Từ đó người dân có thể sống bất cần đảng và tự bương chải kiếm sống.

5/ Sự xuất hiện một số người trong nước ký tên vào các văn kiện: Tuyên Bố Về Quyền Tự Do Ngôn Luận, Lời Kêu Gọi Thành Lập Đảng Phái và nhất là bản Tuyên Ngôn Tư Do Dân Chủ Cho Việt Nam với hơn 2000 người ký tên... là một biến chuyển mới của phong trào đấu tranh tại quốc nội. Từ những tiếng nói đấu tranh đơn lẻ của từng cá nhân trong nhiều năm tháng trước đây, nay đã tụ lại thành những tuyên bố, tuyên ngôn với hàng ngàn người minh danh ký tên. Biến cố sẽ ảnh hướng rất lớn lên cục diện chính trị Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, sự kiên trì đấu tranh của các tổ chức tôn giáo, các lực lượng đối kháng cũng đang góp phần tạo dựng nền tảng xã hội dân sự và đẩy mạnh tiến trình đa nguyên chính trị trong thời gian tới.

6/ Cộng sản Việt Nam đã không còn dám khinh thường tiềm năng của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại như những năm đầu sau khi cưỡng chiếm miền Nam. Ngay nay Hà Nội nhìn Cộng đồng hải ngoại là chỗ khai thác về tiềm năng kinh tế, chất xám; nhưng lại rất e dè về sức mạnh chính trị của tập thể này, vốn đang tạo những ảnh hưởng lớn trên diễn đàn quốc tế lẫn quốc nội. Hà Nội đã tung ra nghị quyết 36 nhằm đẫy mạnh việc khai thác tiềm lực của người tỵ nạn, đồng thời cố tạo sự hiện diện bình thường trong các sinh hoạt cộng đồng, nhưng những âm mưu này đã bị cộng đồng cô lập và tẩy chay. Trong khi đó, những hỗ trợ tích cực của cộng đồng hải ngoại đối với cao trào đấu tranh tại quốc nội đã tạo những bước tiến cụ thể, đáng nêu nhất là việc hầu hết chính giới và các tổ chức quốc tế đều đồng tình với các nỗ lực đấu tranh của người Việt Nam hiện nay. Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại đang là nhân tố gây rất nhiều sức ép chính trị lên đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Tổng kết về tình hình chính trị trong 20 năm (1986-2006), chúng ta cần đánh giá rằng: Cộng sản Việt Nam đã tạm thoát ra khỏi cơn ác mộng tan rã theo khối cộng sản quốc tế và giữ được quyền lực cai trị trên đất nước. Tuy nhiên, những biện pháp cải tố vá víu và những mâu thuẫn tự thân của chế độ qua việc áp dụng chính sách ’mở kinh tế xiết chính trị’ đã và đang làm cho chế độ phân rã từ bên trong. Như khuyến cáo của Hội nghị về 20 năm đổi mới, tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 15 và 16 tháng 6 năm 2006, đảng Cộng sản Việt Nam phải cải cách kinh tế đi đôi với cải cách hệ thống chính trị chứ không thể đi khập khểnh bằng chân kinh tế như hiện nay. Ngay cả trong việc cải cách kinh tế, Hội nghị này cũng khuyến cáo rằng phải tách các công ty ra khỏi sự lệ thuộc các cơ quan hành chánh nhà nước, tức tách sự chi phối của đảng ra khỏi các hoạt động kinh tế để ngăn chận nguy cơ tham nhũng. Bởi vì theo Hội nghị, phó sản của 20 năm đối mới chính là vấn nạn tham nhũng và chính nó là mầm xung đột lớn trong xã hội với những hậu quả khó lường.

II-Tình Hình Chính Trị Việt Nam Trong Hai Mươi Năm Trước Mặt (2006 - 2025)

a/ Những Viễn Cảnh Của Tình Hình Trước Mặt:

Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC hôm 19 tháng 6 về những điều Cộng sản Việt Nam phải cải thiện dựa theo khuyến cáo của Hội Nghị về 20 năm đổi mới, Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh đã nhắc lại ba điểm then chốt mà Hội nghị ’khuyến cáo’ đảng Cộng sản Việt Nam phải giải quyết:

Thứ nhất là tách cơ quan hành chánh ra khỏi vị trí là chủ quản, chủ đầu tư đối với các công ty nhà nước. Theo ông Doanh thì ngày nào còn có sự lẫn lộn là kết hợp quyền lực chính trị với quyền lợi kinh tế, trách nhiệm không rõ ràng, thì nguy cơ tham nhũng vẫn còn.

Thứ hai là phải đẩy nhanh cải cách hành chánh để tiết kiệm thời gian, tiền bạc.

Thứ ba là chú trọng vào vốn quý nhất của nền kinh tế là con người. Phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, khoa học công nghệ, cải tổ giáo dục để con người Việt Nam có kỹ năng, trình độ hầu đáp ứng những yêu cầu mới.

Ba đề nghị của Hội nghị tổng kết 20 năm đổi mới nói trên; chẳng khác gì những hướng chiến lược mà đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định trong Đại Hội X tổ chức vào trung tuần tháng 4 năm 2006. Đó là tiếp tục cố thủ trong lô cốt Mác -Lênin, với một số cải cách cầm chừng để biến đổi từ độc tài vô sản sang độc tài tư bản đỏ, trong thời gian tới. Trong 20 năm vừa qua, sở dĩ Hà Nội có thể tiếp tục cố thủ trong lô cốt Mác Lênin là nhờ vào ba yếu tố chính sau đây:

Yếu tố thứ nhất là hạ tầng cơ sở, đặc biệt là các vùng nông thôn nằm hoàn toàn trong vòng tay kiểm soát của đảng Cộng sản Việt Nam. Cho đến năm 2000, trước khi bùng vỡ mạnh mẽ các vụ khiếu kiện về ruộng đất và phong trào chống tham ô nhũng lạm khởi đầu từ Thái Bình, các cơ sở của đảng Cộng sản đã kiểm soát chặt chẽ, hầu như tuyệt đối những sinh hoạt của người dân, do đó những tranh đấu đòi đa nguyên đa đảng ở thượng tầng xã hội của một số trí thức, văn nghệ sĩ ở thủ đô khi biến cố Đông Âu xảy ra, đã không ảnh hưởng gì đến các sinh hoạt vốn đã bị hệ thống hóa ở nông thôn.

Yếu tố thứ hai là đảng CSVN vẫn nắm chặt bộ máy công an và quân đội cho mục tiêu bảo vệ chế độ. Nhờ đó, đảng Cộng sản Việt Nam - tuy có bị giao động từ các biến cố ở Đông Âu - vẫn có thể trấn áp những nhóm hữu khuynh trong nội bộ. Hệ thống đảng ủy được tổ chức chặt chẽ và chỉ huy nhất thống trong guồng máy bạo lực, nhất là sự ban phát bổng lộc cho những cơ quan, đơn vị quân đội và công an lớn hơn gấp nhiều lần so với các bộ phận khác, khiến quân đội và công an phải bám vào đảng và ra sức bảo vệ đảng.

Yếu tố thứ ba là đảng CSVN đã thoát được vòng vây của thế giới, nhất là của Hoa Kỳ, ngay sau khi rút quân ra khỏi Campuchia vào năm cuối năm 1989 và nối lại quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991. Đặc biệt là từ năm 1994, việc Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ cấm vận kinh tế và bình thường hóa ngoại giao, đưa đến sự mở rộng quan hệ đối ngoại với nhiều quốc gia, đã giúp cho lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ huy động được tài trợ từ bên ngoài mà còn tạo thêm ‘niềm tin’ mới trong nội bộ đảng, vốn đang trong thời kỳ xuống dốc trầm trọng vì sự tan rã của Liên Xô. Sự mở rộng quan hệ đối ngoại và thu hút các nguồn ODA của một số quốc gia giàu có, đã giúp cho Hà Nội ngày một tự tin hơn trong tiến trình hội nhập và nhất là không còn bị ám ảnh những trừng phạt nặng nề từ Hoa Kỳ như những năm đầu thập niên 80.

Từ những phân tích nói trên, chúng ta thấy rằng, sự tồn tại của Cộng sản Việt Nam cho đến ngày hôm nay, đa số là nhờ vào quán tính của đảng, tức là nhờ vào hạ tầng cơ sở đảng và bộ máy quân đội công an còn vững chắc, cùng với sự việc thoát vòng cô lập của thế giới, chứ không phải do tài lãnh đạo của đảng trên mặt trận kinh tế hay chính trị. Hơn thế nữa, từ một xã hội nông nghiệp lạc hậu sau nhiều năm chiến tranh, quan tâm duy nhất của nhiều người dân trong những năm cuối thế kỷ 20 là bươn chải kiếm sống trong vòng kiểm soát chế độ mà thôi. Đa số chưa nhận ra những quyền đương nhiên của mình mà đảng Cộng sản Việt Nam cố tình phủ nhận để giữ chặt quyền lực độc tôn.

Tuy nhiên từ năm 2001 trở đi, sau hàng loạt các cuộc khiếu kiện của dân chúng ở Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình xảy ra trong các năm 2002 đến 2004, những cuộc đình công của hàng chục ngàn công nhân trong các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xảy ra từ cuối năm 2005 kéo dài đến ngày nay, và nhất là những hình thức đấu tranh ngày một lan rộng bán công khai của các nhà đối kháng trong nước đã cho thấy là đảng Cộng sản Việt không thể tiếp tục cố thủ trong lô cốt Mác Lênin như trong 20 năm vừa qua. Ngoài ra, sự gia nhập WTO và mở rộng các quan hệ song phương với một số quốc gia phương tây, buộc Hà Nội phải chấp nhận một hình thái đa nguyên trong xã hội với sự xuất hiện của những tập hợp quần chúng do nhu cầu làm ăn sinh sống và cạnh tranh trong thương trường. Chính những tập hợp quần chúng này dưới dạng tổ chức phi chính phủ, ái hữu, nghệ thuật, văn hóa, tôn giáo... sẽ tạo vô số những nối kết hàng ngang trong xã hội, từng bước vượt ra khỏi sự kiềm tỏa của bộ máy đảng và nhà nước, góp phần hình thành ra bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên.

Trước những biến chuyển tình hình như vậy, vấn đề Việt Nam sẽ rơi vào một trong ba viễn cảnh như sau:

Viễn cảnh thứ nhất là đảng Cộng sản Việt Nam còn khả năng tiếp tục giữ nguyên trình trạng như hiện nay. Nghĩa là Hà Nội tiếp tục khống chế mọi mặt xã hội, tiếp tục đu giây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Những thay đổi đáng kể, nếu có chỉ khi nào Trung Quốc có những biến động lớn.

Viễn cảnh thứ hai là đảng Cộng sản Việt Nam dần dần biến thái thành một đảng độc tài không còn màu sắc cộng sản (thay đổi tên đảng, tên nước và không nhắc đến nhóm từ xã hội chủ nghĩa) và chấp nhận một số cải tổ biểu kiến về mặt chính trị như cho một số người ngoài đảng tham gia ứng cử dân biểu quốc hội hay các ủy ban nhân dân cấp làng xã, nhưng thực tế vẫn nắm chặt sự kiểm soát toàn xã hội.

Viễn cảnh thứ ba là đảng Cộng sản Việt Nam bị những sức ép đấu tranh mạnh mẽ của các phong trào quần chúng và các lực lượng đối kháng, cùng với những xung đột quan điểm đổi mới ngày càng gia tăng giữa thành phần lãnh đạo, khiến các cột trụ chống đỡ cho chế độ theo nhau sụp đổ đưa đến sự thay đổi thể chế như trường hợp các chế độ Cộng sản tại Đông Âu cách nay 17 năm.

Từ ba viễn cảnh có thể xảy ra nói trên, chúng ta thấy là Cộng sản Việt Nam đang muốn cố kéo dài viễn cảnh thứ nhất và nếu có bị những áp lực thay đổi thì họ sẽ chủ động thực hiện viễn cảnh thứ hai, để đảng luôn luôn ở vị thế chủ động. Trong khi chúng ta, các lực lượng dân chủ dân tộc muốn đẩy mạnh viễn cảnh thứ ba xảy ra vì có nhiều thuận lợi hơn cho dân tộc

b/ Dự Phóng Tình Hình Chính Trị Việt Nam Trong Hai Mươi Năm Tới (2006-2026)

Nếu 20 năm vừa qua, dân tộc Việt Nam phần lớn ngủ yên trên chuyến tàu đổi mới loanh quanh của đảng Cộng sản Việt Nam, thì 20 năm trước mặt cả đảng Cộng sản Việt Nam và đại khối dân tộc Việt Nam đều không thể tiếp tục đứng trong tình trạng loay hoay này nữa.

Nếu đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục cầm quyền thì nước ta không những chỉ bị nạn độc tài mà còn rơi vào hai vấn nạn khác nữa. Đó là vấn nạn lệ thuộc vào nước lớn đỡ đầu của đảng Cộng sản Việt Nam có thể là Mỹ hay Trung Quốc, khiến quyền lợi dân tộc bị hy sinh để phục vụ cho nước đỡ đầu. Kế đến là vấn nạn bất công xã hội và đạo đức tiếp tục suy đồi. Với ngần ấy vấn nạn tròng lên cổ dân ta thì dù có vận động thêm nhiều đầu tư ngoại quốc, hay dân ta có thêm ít nhiều hàng hóa tiêu xài đi nữa, Việt Nam sẽ chỉ là một nước nhược tiểu và lạc hậu so với thế giới, từ văn hóa và dân khí đến khả năng kinh tế tự.

Bài toán đặt ra cho tất cả những người yêu nước Việt Nam là làm sao thay đổi tình hình chính trị hiện tại, làm sao thực hiện được khát vọng của toàn dân là được sống trên một đất nước có tự do dân chủ với đầy đủ nhân phẩm và nhân quyền được tôn trọng. Trong bàn cờ chính trị tại Việt Nam hiện nay có bốn đối tác ảnh hưởng lên nhau:

Một là đảng Cộng sản Việt Nam đang nắm quyền cai trị nhưng mất dần khả năng kiểm soát lên toàn bộ xã hội, không còn có thể tự tung tự tác như 20 năm qua.

Hai là các thế lực ngoại quốc đang làm ăn buôn bán với Hà Nội, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc đang dùng ảnh hưởng riêng rẽ để khuynh loát những phe nhóm trong nội bộ đảng làm theo ý muốn của họ, bao gồm cả nhiều nhóm trong Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.

Ba là quần chúng Việt Nam ở trong và ngoài nước luôn luôn có những mong muốn đổi thay để đất nước có tự do, dân chủ. Những bất mãn của người dân đang biến thành các hành động cụ thể qua đình công, khiếu kiện, tố cáo tham ô..

Bốn là các lực lượng đấu tranh, các đảng phái cách mạng đang hoạt động nhằm chấm dứt chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam. Hầu hết các tổ chức còn đang hoạt động bí mật và chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Tuy nhiên đang có chiều hướng liên kết và xuất hiện công khai hay bán công khai trong thời gian tới.

Trong bốn đối tác nói trên, quần chúng và lực lượng đấu tranh đang là chủ lực đối đầu với đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi thế lực ngoại quốc - căn bản là thủ lợi - sẽ ngã về bất cứ phía nào đang ở thế mạnh vì có ảnh hưởng nhiều hơn đến quyền lợi của họ. Vì vậy, bài toán của Việt Nam vẫn là phương cách giải quyết vấn đề bằng một cuộc cách mạng dân chủ. Cuộc cách mạng dân chủ này đến từ ba tiềm lực:

1/ Những chống đối của quần chúng trên mặt trận dân sinh, dân quyền qua các dạng đình công, khiếu kiện, tố cáo tham ô nhũng lạm... Chúng ta cần tiếp sức và tác động mạnh mẽ để tạo thành một phong trào đấu tranh quần chúng rộng khắp.

2/ Những lực lượng đấu tranh, đảng phái cách mạng sẽ phải tạo một thế liên kết thật sự và công khai điều hướng các bước chống đối của những phong trào quần chúng để đẩy lên thành những cao trào tấn công vào guồng máy tham ô nhũng lạm của chế độ Hà Nội.

3/ Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại sẽ là lực tác động rất lớn để vừa tiếp tay cho các phong trào quần chúng lớn mạnh; vừa vận động dư luận thế giới hỗ trợ và ngăn chận những thủ đoạn đàn áp và khủng bố của Hà Nội đối với các nỗ lực tranh đấu tại quốc nội.

Nếu kết hợp ba tiềm lực nói trên có thể chuyển thành hành động trong sự kết hợp nhịp nhàng, dân tộc Việt Nam sẽ có một vũ khí đáng kể tạo ra nhiều áp lực thay đổi kinh tế, chính trị, xã hội, hành chánh, luật lệ và từ đó lấn dần chủ động thay đổi thể chế cai trị như những dân tộc tại Đông Âu và các nước cựu thành viên Liên Xô đã làm trong những năm qua. Trước tình hình này, chúng ta có thể vạch ra một vài dự phóng qua ba giai đoạn trong vòng 20 năm tới như sau:

Giai đoạn 1: Giải Quyết Guồng Máy Độc Tài Cộng Sản:

Đây là thời kỳ khai triển tối đa những nỗ lực đấu tranh đã được dân tộc ta tiến hành trong hơn 30 năm qua nhằm chấm dứt ách độc tài cộng sản. Giai đoạn này sẽ phải kết thúc bằng một sự vùng dậy của toàn dân, chấm dứt sự thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam bằng phong trào đấu tranh quần chúng và sự hình thành bối cảnh sinh hoạt chính trị đa nguyên tại Việt Nam. Với những diễn tiến của tình hình hiện nay, giai đoạn này sẽ không còn kéo dài lâu nữa. Trong vòng 2 đến 3 năm, dân tộc ta có khả năng tháo gỡ guồng máy chính trị độc tài độc đảng.

Giai đoạn 2: Xây Dựng Bối Cảnh Sinh Hoạt Dân Chủ và Đặt Nền Tảng Cho Sự Phát Triển.

Đây là thời kỳ vừa giải quyết những hậu quả của chế độc tài để lại, vừa phải tạo dựng một nền tảng dân chủ pháp trị để khai dụng hiệu quả những tiềm năng của đại khối dân tộc cho nhu cầu canh tân và phát triển quốc gia. Giai đoạn này sẽ phải kéo dài từ 3 đến 6 năm. Cụ thể, trong thời kỳ này sẽ có một số nỗ lực phải tiến hành:

a/ Tổ chức tổng tuyển cử tự do để bầu ra quốc hội lập hiến. Nhiệm vụ của quốc hội này là định ra một khung sườn pháp chế cho một nền dân chủ vững bền của nước Việt Nam mới.

b/ Ổn định xã hội và giải quyết các tệ nạn do chế độ độc tài để lại, kể cả những vụ bất công, oan ức... đồng thời ngăn chận các hành vi phá hoại quốc gia và xã hội của những thế lực độc tài còn sót lại.

c/ Đẩy mạnh các cải cách về mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục... nhất là đầu tư vào thế hệ trẻ để khai dụng nguồn lực chính của đất nước và chuẩn bị những thế hệ tương lai có khả năng đưa dân tộc thăng tiến trong các thập niên kế tiếp

Giai đoạn 3: Tập Trung Phát Triển Việt Nam Toàn Diện

Sau khi đất nước có tự do dân chủ và ổn định, chắc chắn là dân tộc Việt Nam sẽ dồn công sức vào công cuộc phát triển quốc gia để nhanh chóng đưa đất nước bắt kịp các quốc gia phát triển, chấm dứt nỗi nhục mấy trăm năm nghèo đói và lạc hậu. Nếu nỗ lực này được bắt đầu sớm thì đến năm 2025, chúng ta sẽ có một số nền tảng phát triển đáng kể, dựa trên trí tuệ và sự cần mẫn của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đặc biệt là với sự đóng góp của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nước ta sẽ có cơ hội phát triển nhanh trong thời kỳ này.

III- Kết Luận:

Dự phóng về tương lai là một điều rất khó, nhất là dự phóng về một viễn cảnh luôn luôn thay đổi như tình hình nước ta và thế giới hiện nay. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm đấu tranh trong 30 năm qua và nhất là với những khát khao của mọi người về một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ trong thế kỷ 21, chúng ta tin là Việt Nam không thể tiếp tục loay hoay trong thảm kịch độc tài, lạc hậu và nghèo đói như trong thế kỷ 20. Hơn thế nữa, những dấu hiệu lạc quan của sự phát triển của phong trào dân chủ và những nỗ lực đấu tranh của quần chúng đang xảy ra từ các xí nghiệp, các công sở dần dần chuyển ra đường phố trong thời gian gần đây, cho phép chúng ta tin rẳng, vấn nạn độc tài Cộng sản sẽ phải được giải quyết trong thời gian sắp tới, bằng sự vùng dậy của quần chúng Việt Nam. Một điều quan trọng mà chúng ta phải suy nghĩ là sau khi giải quyết ách độc tài cộng sản, làm sao dân tộc chúng ta tạo ngay được sự đoàn kết toàn dân để cùng góp phần xây dựng đất nước một cách tốt đẹp. Nỗ lực đầu tư trí tuệ chuẩn bị cho giai đoạn này cần được bắt đầu ngay từ hôm nay.

Lý Thái Hùng
1 tháng 7, 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét