Trong lúc Ủy ban Tài chánh Thượng viện và Ủy ban Tài chánh và Thuế vụ Hạ Viện thảo luận về dự luật cho Cộng sản Việt Nam hưởng quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR), Cộng sản Việt Nam đã một mặt cử một đoàn đại biểu quốc hội do Vũ Mão, chủ tịch Ủy ban đối ngoại quốc hội Cộng sản Việt Nam, làm đại diện sang Hoa Thịnh Đốn, để vận động các dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ thông qua quy chế PNTR; mặt khác đã trải thảm đỏ đón Đô Đốc Hải quân William Fallon, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương viếng thăm Việt Nam từ ngày 12 tháng 7, cũng như sẽ đón bà Rice, Ngoại trưởng Hoa Kỳ ghé Hà Nội sau khi dự hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Mã Lai vào cuối tháng 7. Những diễn tiến này cho thấy là mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng sản Việt Nam đang ở một khúc quanh quan trọng, tuỳ thuộc khá nhiều vào sự ứng xử của bộ tứ gồm Nông Đức Mạnh (Tổng bí thư), Nguyễn Minh Triết (Chủ tịch nước), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Nguyễn Phú Trọng (Chủ tịch Quốc hội) va được đưa lên ngôi vị lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam trong 5 năm trước mặt.
Kể từ lúc Hoa Kỳ đồng ý trên nguyên tắc về một thỏa thuận song phương ủng hộ Cộng sản Việt Nam gia nhập Tổ chức mậu dịch thương mại thế giới (WTO) trong cuộc đàm phán kéo dài từ ngày 9 đến 14 tháng 5 năm 2006 vừa qua, những trao đổi giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn ngày một gia tăng, trên ba lãnh vực kinh tế, ngoại giao và an ninh. Trong ba lãnh vực nói trên, mỗi nước đã có những quan tâm khác nhau. Lãnh vực đối ngoại được coi là suông sẽ và đạt nhiều tiến triển khả quan giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn, kể từ khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận và chính thức nối lại quan hệ bình thường dưới thời Tổng thống Clinton vào năm 1995. Lãnh vực trao đổi kinh tế và mậu dịch giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn cũng đang tiến triển tốt, trong đó, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Cộng sản Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu lên đến 8 tỷ Mỹ kim qua 5 mặt hàng gồm may dệt, thủy sản, giày dép, đỗ gỗ nội thất, nông lâm sản. Nếu như tháng 8 này, quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật quy chế PNTR cho Hà Nội và Cộng sản Việt Nam được chính thức gia nhập WTO vào tháng 11 thì trong những quan hệ kinh tế của Cộng sản Việt Nam đối với bên ngoài, Hoa Kỳ vẫn là nơi tựa lớn nhất về vốn, kỹ thuật và mậu dịch cho nhu cầu phát triển kinh tế của Hà Nội trong thời gian tới.
Hơn 10 năm qua, những quan hệ giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn cũng có những lúc căng thẳng, trồi sụt thất thường nhưng nói chung là suông sẻ vì hai phía đang đánh cờ thế với nhau. Hà Nội khai thác mối quan tâm của Mỹ tại Á Châu Thái Bình Dương để tận dụng những hợp tác kinh tế; ngược lại, Hoa Kỳ đã dùng miếng mồi kinh tế để từng bước lôi kéo Cộng sản Việt Nam ra khỏi quỹ đạo của Bắc Kinh, để trở thành một đối tác chiến lược của Hoa Kỳ. Đương nhiên, vì thế đu giây giữa Mỹ và Trung Quốc, Hà Nội đã luôn luôn né tránh những gợi ý của Hoa Thịnh Đốn trong việc xúc tiến các hợp tác quân sự với Mỹ; đồng thời đôi lúc, Hà Nội cũng đã ’lên gân’ đối với Bắc Kinh trong một vài vụ xung đột trên biển, để chứng tỏ cho dư luận thấy là Cộng sản Việt Nam giữ khoảng cách đổi với Trung Quốc. Thế đu giây này, Hà Nội có thể làm được trong 30 năm qua, khi tình hình kinh tế còn yếu kém và đầu tư ngoại quốc chưa có nhiều. Nhưng khi đã gia nhập được WTO và mở rộng thị trường xuất cảng sang Mỹ ngày một nhiều hơn, vấn đề cạnh tranh sẽ xảy ra ở mức độ gay gắt... Hà Nội không còn dễ dàng chơi trò đu giây giữa hai đàn anh mà phải có sự chọn lựa vì hai lý do sau đây:
Một là Hà Nội không còn có thể dựa vào lý cớ phát triển để bắt cá hai tay, khi mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang muốn tạo thế đứng trên vùng đất Đông Dương, làm bàn đạp cho những ảnh hưởng lên toàn vùng Đông Nam Á.
Hai là chính trong nội bộ Hà Nội với hai phe thân Mỹ và thân Tàu, sẽ không để yên cho hàng ngũ lãnh đạo hiện nay tiếp tục trò đu giây, vì những khuynh loát từ hai thế lực Mỹ và Trung Quốc lên các phe nhóm.
Đây là bài toán nhức đầu mà thế hệ lãnh đạo của các ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết sẽ phải giải quyết. Nhưng cả hai ông Triết và ông Dũng lại không có nhiều kinh nghiệm về quan hệ đối ngoại. Ông Triết có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề nội chính và dân vận, trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng, từng là phó thủ tướng thường trực trong nhiều năm nhưng lãnh vực trách nhiệm liên quan đến dầu khí, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, bưu điện viễn thông, đều là những ngành gặp nhiều thất bại và là nơi sản sinh ra nạn tham nhũng. Hơn thế nữa, Bộ trưởng ngoại giao hiện nay là Phó thủ tướng Phạm Quang Nghị, chưa hề đảm trách công tác đối ngoại một ngày nào trong quá khứ, trong khi những nhân sự có ít nhiều khả năng đối ngoại như Vũ khoan, Nguyễn Di Niên... lại bị về hưu. Tình hình này cho thấy là bộ tứ lãnh đạo hiện nay sẽ rất lúng túng đối phó khi những áp lực của Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn gia tăng ở khía cạnh an ninh quân sự. Quan tâm của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thời gian tới tại Đông Dương không phải là kinh tế hay đối ngoại mà chính là an ninh quốc phòng.
Sự kiện Đô Đốc Hải Quân William Fallon ghé thăm Việt Nam ngay sau chuyến viếng thăm 3 ngày của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Rumsfeld hồi tháng 6 và công khai tuyên bố rằng chuyến đi của ông là để ’thảo luận về những hợp tác quân sự cấp cao’ cho thấy là Hoa Kỳ đang thúc Cộng sản Việt Nam phải trả lời nhanh về quan hệ ’đối tác chiến lược’. Cuối tháng 7, bà Rise cũng sẽ đến Việt Nam và người ta dự kiến rằng, tuỳ theo thái độ và cách trả lời của ông Dũng và ông Triết mà phía Hành Pháp của ông Bush sẽ thúc đẩy hay không, để quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật PNTR. Nói cách khác, nếu tháng 5 vừa qua, Hoa Kỳ đã ủng hộ Cộng sản Việt Nam bước vào WTO, để mở rộng cánh cửa làm ăn buôn bán với phương Tây; thì tháng 8 tới đây, dự luật PNTR mà quốc hội Hoa Kỳ cấp cho Hà Nội là đòn thúc đẩy cuối cùng, để Cộng sản Việt Nam phải hoàn tất lộ đồ bình thuờng hóa: ngoại giao - kinh tế - quân sự với Hoa Kỳ. Nghĩa là trong thời gian tới, nội dung của các cuộc trao đổi giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội sẽ không còn thuần tuý kinh tế, mậu dịch mà sẽ bước vào một thế trận mới: trao đổi về an ninh khu vực và mở rộng hợp tác quân sự . Chắc chắn Trung Quốc sẽ không ngồi yên mà tìm cách khuynh loát,ngăn cản hay tung đòn trả thù, trước sự tiếp cận ngày một thân thiện giữa Mỹ và Cộng sản Việt Nam.
Tóm lại, những diễn tiến trên bề nổi về các quan hệ Mỹ Việt hiện nay, không che dấu nỗi lo âu của Hà Nội về một sự khủng hoảng mới trong đường lối đối ngoại, khi Cộng sản Việt Nam được Hoa Kỳ hỗ trợ gia nhập WTO. Khủng hoảng là vì Hà Nội không còn có thể tiếp tục đu dây giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ như trong nhiều năm qua.
Lý Thái Hùng
18 tháng 7, 2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét