Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hoa Kỳ
Theo tác giả, tường Bá Linh sụp đổ trực tiếp giúp cho 'cơn bão dân chủ' toàn Đông Âu. |
Nếu như cơn bão dân chủ này chỉ dừng lại ở hai quốc gia nói trên và không thổi đến Đông Đức - đẩy sập bức tường Bá Linh vào ngày 9 tháng 11 năm 1989 - có lẽ đã không tạo ra hai biến chuyển ngoạn mục của hậu bán thế kỷ 20. Đó là sự sụp đổ của khối cộng sản quốc tế Liên Xô và sự chấm dứt chiến tranh lạnh vào năm 1991.
Lúc đó, tuy các biến cố chính trị xảy ra dồn dập ở Ba Lan và Hungary; nhưng ít ai nghĩ là toàn thể Đông Âu sụp đổ mau lẹ như vậy, khi mà chính quyền Honecker của Đông Đức còn mạnh và cương quyết không áp dụng chính sách tái phối trí hay cải tổ của Liên Xô.
Nhưng khi ông Gorbachev khuyến cáo ông Honecker phải thay đổi đường lối và sau khi 17 ngàn người dân Đông Đức chạy trốn qua Tây Đức vào cuối tháng 9 năm 1989, tình hình Đông Đức đã đột biến, khiến cho chính quyền Honecker không còn có thể kiểm soát tình hình.
Chính sự phá đổ bức tường Bá Linh đã dẹp hết tất cả mọi chướng ngại, giúp cho cơn bão dân chủ đổ ập lên toàn thể Đông Âu.
Sau năm 1989, cơn bão dân chủ Đông Âu còn gợi lên một sự hưng phấn cho người dân ở một số quốc gia độc tài khác, lần lượt đứng lên đòi tự do dân chủ, tạo thành những cuộc cách mạng Màu tại Cộng hòa Serb (2000), Cộng hòa Georgia (2003), Cộng hòa Ukraine (2004), Cộng hòa Kyrgystane (2005) và Lebanon (2005).
Diễn tiến đưa đến những cuộc cách mạng nói trên hoàn toàn khác nhau. Chính những khác biệt về lịch sử, văn hóa, phong thổ, trình độ kinh tế và nhất là ý thức cải tổ chính trị của thành phần lãnh đạo tại các quốc gia, đã làm cho cuộc cách mạng ở mỗi nước có những nét đặc thù riêng.
Căn nguyên
Người dân Đông Đức trong ngày tường Bá Linh sụp đổ |
Thứ nhất là do những bất đồng quan điểm trong các chính sách cải tổ đã dẫn đến tình trạng phân liệt trong hàng ngũ lãnh đạo, khiến cho hầu hết các đảng Cộng sản đều lúng túng đối phó, trước những đòi hỏi cải cách chính đáng của quần chúng và của các khuynh hướng đối lập.
Thứ hai là sự bất mãn của người dân đã biểu hiện thành những phản kháng, dẫn đến tình trạng bất phục tùng dân sự với sự xuất hiện nhiều tổ chức ngoài luồng, những tổ chức đối lập đã khiến cho các cơ quan, đoàn thể của chế độ độc tài không còn khả năng kiểm soát người dân.
Thứ ba là tình trạng cải cách nửa vời đã tạo ra những bất ổn xã hội, dẫn đến những biến động chính trị với sự bùng phát những chống đối của quần chúng ngày một lan rộng và xuất hiện đa diện trên toàn quốc, vượt ra ngoài khả năng ứng phó của các lực lượng bảo vệ chế độ, từng bước làm tê liệt mọi sinh hoạt quốc gia.
Thứ tư là những áp lực của quốc tế trên mặt nhân quyền, tự do dân chủ lên các chính quyền cộng sản trong tiến trình mở rộng giao thương buôn bán, đã phần nào làm chùn bước những đòn khủng bố của đảng cầm quyền, đồng thời gián tiếp hỗ trợ sức phản kháng của các cá nhân hay các tổ chức đối kháng.
Ngoài bốn căn nguyên nói trên, điều mà ai cũng thấy rõ là nền tảng đưa đến sự thắng lợi của cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu vào năm 1989 và tại các cuộc cách mạng Màu vào đầu thế kỷ 21, đến từ hai điểm quan trọng:
Một là khát vọng tự do dân chủ đã phục sẵn trong lòng tất cả những con người sống dưới những thể chế độc tài. Chính khát vọng này đã thôi thúc mọi người xuống đường và chấp nhận những đòn trấn áp của nhà cầm quyền để từng bước mở rộng vòng liên kết với nhau.
Hai là phương thức đấu tranh bất bạo động đã được các phong trào dân chủ ở mọi quốc gia sử dụng để đối đầu với bạo lực.
Năm nguyên tắc căn bản của đấu tranh bất bạo động gồm: mọi hành động đều phải công khai; mọi tụ tập phải quy tụ số đông;
Luôn luôn duy trì kỷ luật để tránh hiên tượng xé rào; sẵn sàng chấp nhận đối thoại với chính quyền nhưng không bao giờ nhượng bộ mục tiêu đòi hỏi và kiên quyết tranh đấu đến cùng.
Câu hỏi
Trung Quốc vẫn duy trì kiểm soát về chính trị |
Đông Âu và Á Châu rất khác nhau về lịch sử, phong thổ, văn hóa và con người. Hầu hết các quốc gia cựu cộng sản tại Đông Âu đều là những nước đã ít nhiều trải qua các cuôc cách mạng kỹ nghệ và bị Liên Xô áp đặt chủ nghĩa cộng sản từ sau Thế chiến thứ Hai.
Trong khi đó, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước nông nghiệp lạc hậu, sinh hoạt xã hội còn đậm nét phong kiến và chủ nghĩa cộng sản đi vào hai nước này do một số người Trung Quốc, Việt Nam cuồng tín đem áp đặt lên toàn xã hội. Vì thế mà khi Đông Âu bùng dậy, đa số người dân Việt Nam và Trung Quốc không mấy quan tâm về biến động này.
Hai mươi năm qua, Việt Nam và Trung Quốc đã mở cửa kinh tế và xã hội, có rất nhiều thay đổi. Nhà cầm quyền Trung Quốc và Việt Nam đã nghiên cứu và rút tỉa rất nhiều bài học từ biến cố Đông Âu, nhất là cố gắng 'giữ kín' những xung khắc ở thượng tầng để giữ bộ mặt “thống nhất” giả tạo trong hàng ngũ lãnh đạo.
Không những thế, nhờ đổi mới đi theo công thức kinh tế thị trường của phương Tây, Việt Nam và Trung Quốc đã thành công trong việc thu hút đầu tư ngoại quốc, đẩy lùi các áp lực suy thoái kinh tế và phần nào đã nâng cao mức sống của người dân so với 20 năm trước đây.
Xã hội Việt Nam và Trung Quốc hiện có mức phát triển không thua kém gì so với các xã hội Đông Âu khi đó.
Tuy nhiên, những nan đề mà Trung Quốc và Việt Nam đang dối diện như chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, tham ô nhũng lạm, giáo dục suy thoái… không khác gì mấy so với các nan đề mà các nước Đông Âu đã đối phó và thất bại 20 năm trước.
Sóng ngầm
Giáo dân hiệp thông trong vụ Tam Tòa |
Người ta có thể không đồng ý rằng những gì đã xảy ra ở Đông Âu sẽ lặp lại tại Việt Nam hay Trung Quốc; nhưng chắc chắn một điều là khát vọng tự do dân chủ của người Việt Nam, Trung Quốc không thua kém Đông Âu.
Và đấu tranh bất bạo động đã trở thành phương thức đối kháng hữu hiệu đáng được các lực lượng dân chủ tại Việt Nam và Trung Quốc áp dụng và phổ biến rộng rãi trong nhiều năm qua.
Chính hai yếu tố này đang góp phần tạo ra những động thái chính trị tại Việt Nam và Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.
Riêng tại Việt Nam, những biến cố gần đây như Nhà Chung, Thái Hà, Tam Tòa, Bát Nhã tại Lâm Đồng, một số trí thức tự giải thể Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS) để phản đối Quyết Định 97; hơn 4 ngàn trí thức, sinh viên, văn nghệ sĩ ký tên vào Kiến nghị chống khai thác Bauxite tại Tây Nguyên, Luật sự Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quyết định cho khai thác Bauxite v.v... đã là những diễn biến đang làm cho nhà cầm quyền Việt Nam lúng túng.
Điều mà ai cũng thấy rõ là nhà cầm quyền Việt Nam đã không giải quyết nổi, nên những biến cố nói trên chắc chắn sẽ lập lại như vết dầu loang ở nhiều nơi.
Và kinh nghiệm cho thấy là rất có thể những vết loang này sẽ biến thái thành những phong trào đối kháng như loài người đã từng chứng kiến những biến động dây chuyền từ nhỏ lên lớn tại Đông Âu cách đây 20 năm.
Ông Lý Thái Hùng là Tổng Bí thư đảng Việt Tân, trụ sở tại San Jose, Hoa Kỳ. Ông cũng là tác giả tập biên khảo “Đông Âu Tại Việt Nam,” tổng kết sự kiện sụp đổ của các quốc gia cộng sản tại Đông Âu năm 1989. Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/11/091104_berlin_wall_ly_thai_hung.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét