28 tháng 6, 2007

Nhìn Lại Chuyến Đi Mỹ Của Ông Triết

Thông thường, kết thúc một cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ quốc gia, người ta công bố một bản thông cáo chung, xác định một số điểm đồng thuận trong cuộc trao đổi và nhất là để ’tô vẽ’ thêm hình ảnh quan hệ thân thiện giữa hai nước, tạo nền tảng cho những đối thoại tốt đẹp hơn trong tương lai. Đối với các quốc gia cộng sản, thông cáo chung còn là một văn kiện quan trọng để khoe với thế giới bên ngoài về những thành tựu đối ngoại, đồng thời giúp tuyên truyền trong nội bộ đảng về sự thành công của chính sách mở cửa. Tháng 6 năm 2005, khi ông Phan Văn Khải vừa kết thúc xong cuộc gặp gỡ với Tổng thống George W Bush tại tòa nhà trắng, lập tức bản Thông cáo chung đã được phổ biến một cách rộng rãi. Ngôn ngữ được sử dụng trong bản thông cáo chung vào lúc đó tuy mang tính chất ngoại giao hoàn toàn; nhưng lại được dư luận cho đó là một thắng lợi đáng kể của Hà Nội khi lãnh đạo Hà Nội ngang nhiên bước phòng bầu dục, nơi được mệnh danh là tòa nhà đầu não của thế giới tự do.



Hai năm sau, kết thúc cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống George W. Bush vào trưa ngày 22 tháng 6, cao điểm của chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của hơn 200 cán bộ và doanh nhân Cộng sản Việt Nam tháp tùng, đã không có bất cứ một bản thông cáo chung nào được phổ biến. Tổng thống Bush đã không đồng ý ký vào bất cứ văn kiện chung nào với Cộng sản Việt Nam khi mà nhà cầm quyền Hà Nội chưa có những cải thiện cụ thể về tình hình nhân quyền và tôn trọng các giá trị tự do dân chủ trong xã hội. Đặc biệt là trong cuộc trao đổi gần một tiếng đồng hồ tại phòng bầu dục của Toà Bạch Ốc, Tổng thống Bush đã dùng 30 phút để nêu lên các vấn đề tự do dân chủ, trong đó, ông đã nhấn mạnh rằng công cuộc cải cách mà Hà Nội đang tiến hành nếu không tôn trọng các giá trị tự do và dân chủ thì sẽ rơi vào ngõ cụt.

Đương nhiên, ông Triết đã không ngồi yên chịu trận như cuộc gặp gỡ với một số vị dân biểu cùng bà chủ tịch Hạ viên Hoa Kỳ vào chiều ngày 21 tháng 6, lần này, ông Triết đã nói với Tổng thống Bush rằng ’mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử riêng nên sẽ phải chọn lựa những mô hình nào cho thích hợp. Do đó, không nên ép buộc Việt Nam đi vào một mô hình cố định nào đó’. Dụng ý của ông Triết là nhằm phản luận lại các quan điểm về nhân quyền, dân chủ của Tổng thống Bush đưa ra; ôm giữ lấy quan điểm ’tình hình nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam không giống các nơi khác.... nên xin miễn bàn’. Chính thái độ này của Hà Nội đã dẫn đến sự xung đột quan điểm về nhân quyền và dân chủ giữa Tổng thống Bush và ông Triết trở nên gay gắt trong chuyến gặp gỡ cao cấp lần này.

Một vài dư luận cho là phe thân Trung Quốc, tiểu biểu cho khuynh hướng bảo thủ trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam đã tung ra một số vụ bắt bớ các nhà đối kháng gần đây và nhất là cản trở vụ trả tự do cho nhà báo Nguyễn Vũ Bình kéo dài từ tháng 11 năm 2006 cho đến tháng 4 năm 2007, khiến cho dư luận Hoa Kỳ bực bội không còn tin vào các nỗ lực của ông Nguyễn Minh Triết. Lối tuyên truyền và tung tin loại này đã không thuyết phục được ai; nhưng ít ra cho người ta thấy là sự chi phối của hai thế lực thân Hoa Kỳ và thân Trung Quốc trong nội bộ lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đang có những xung đột lớn về hướng đi, sau khi tham gia vào tổ chức WTO và hưởng quy chế PNTR của Hoa Kỳ.

Bên cạnh những áp suất về nhân quyền, Nguyễn Minh Triết còn khoe rằng, Hà Nội đã ký được rất nhiều giao kèo thương mại mà tổng số kim ngạch đầu tư lên khoảng 11 tỷ Mỹ kim trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua. Đây là con số kim ngạch đầu tư khá lớn từ các công ty Hoa Kỳ; tuy nhiên kết quả ra sao của những giao kèo này vẫn còn là một dấu hỏi trong tiến trình thực hiện. Lý do là môi trường làm ăn tại Việt Nam chưa được chuẩn bị như Cộng sản Việt Nam đã hứa, đồng thời tình hình bất ổn trong lãnh vực dân sinh (công nhân đình công, dân oan khiếu kiện...) vẫn còn đang xảy ra một cách liên tục.

Sự kiện hơn 200 nông dân Tiền Giang đã kéo lên Sài Gòn biểu tình ngay trước văn phòng II đại diện của nhà cầm quyền Hà Nội phía Nam, từ ngày 18 tháng 6 đến nay vẫn còn, để đòi hỏi sự công bằng tối thiểu trong việc giải quyết các ruộng đất của họ đã bị tịch thu trước đây. Việc nông dân Tiền Giang biểu tình không phải là biến cố mới lạ mà đã từng xảy ra ở miền Bắc (Công viên Mai Xuân Thưởng) với một số lượng người tham gia rất đông và tổ chức quy mô. Chính sự vùng dậy của nông dân và đình công của công nhân sẽ là những áp lực đáng kể lên các chính sách mở cửa vận động đầu tư của Hà Nội hiện nay.

Sau cùng, trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, ông Nguyễn Minh Triết đã có hai lần tiếp xúc với khối kiều bào Việt Nam tại Hoa Kỳ. Lần thứ nhất diễn ra tại Nữu Uớc với một số Việt Kiều có những quan điểm ủng hộ chế độ Hà Nội. Lần thứ hai diễn ra tại một khách sạn ở quận Cam, miền Nam California. Cả hai nơi, ông Triết đều lập lại một số chủ trương đối với kiều bào trong đó có chủ trương kêu gọi mọi người hãy ’ bỏ quá khứ, hướng về tương lai’ . Khi hết ông Đỗ Mười, ông Nông Đức Mạnh, ông Phan Văn Khải cho đến ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, cùng hợp xướng vấn đề ’bỏ quá khứ nhìn về tương lai" cho thấy là chủ trương nói trên của Cộng sản Việt Nam đã thất bại. Vì thế mà cuộc gặp gỡ giữa ông Nguyễn Minh Triết với các kiều bào Việt Nam đã không có một kết quả gì cụ thể và cũng chỉ là những hứa hẹn suông như ông Phan Văn Khải đã từng hứa..... cuội cách đây hai năm. Những người lãnh đạo Hà Nội kêu gọi quên quá khứ nhưng chính họ lại luôn luôn dựa vào quá khứ để biện minh cho sự ôm chặt quyền lực độc tôn hiện nay là điều vô cùng quái đản.

Tóm lại, chuyến Mỹ du của ông Triết khởi đầu chỉ là một cuộc thăm viếng hoàn toàn xã giao do Tổng Thống Bush mời, khi ông bà Bush ghé thăm Viêt Nam, tham dự Hội nghị APEC – 14 vào tháng 11 năm 2006. Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Triết và phái đoàn của ông ta muốn biến chuyến thăm viếng thành một cuộc vận động ngoại giao và kinh tế tại Hoa Kỳ, đồng thời tô vẽ hình ảnh tích cực của chủ tịch nước sau gần một năm chấp chánh. Ông Triết và các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã quá yếu kém trong việc chuẩn bị dư luận, đồng thời còn coi thường sự quan tâm của dư luận vào tình hình đàn áp các nhà dân chủ ở trong nước nên có thể nói là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Triết hoàn toàn thảm bại trên mặt dư luận. Các bản tin quốc tế, vì thế mà đã dành từ 50% đến 70% nội dung đề cập về tình hình vi phạm nhân quyền, đàn áp chính trị tại Việt Nam. Sự thất bại của Nguyễn Minh Triết chính là thắng lợi đấu tranh của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng.

Lý Thái Hùng
June 28 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét