10 tháng 12, 2007

Muốn Bảo Vệ Lãnh Thổ: Dân Tộc Việt Nam Phải Vùng Lên

Hoàng Sa
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, hải quân Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng sa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Trong trận hải chiến không cân sức này, lực lượng hải quân quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng chiến đấu với 58 người đã hy sinh. Ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc lại cưỡng chiếm quần đảo Trường Sa. Trong trận hải chiến này cũng đã có 74 binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh sau những giờ phút chiến đấu dũng cảm. Một tháng sau, ngày 14 tháng 4 năm 1988, Trung Quốc tuyên bố sát nhập hai quần đảo Trường sa và Hoàng sa vào tỉnh Hải Nam. Đầu năm 2000, Trung Quốc đã đặt quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trung Sa nằm gần Phi Luật Tân, thành một cấp gọi là biện sự xứ (tương đương cấp huyện) với tên gọi chính thức là Tây Nam Trung Sa quần đảo biện sự xứ thuộc tỉnh Hải Nam. Ngày 2 tháng 12 năm 2007, nhà cầm quyền Trung Quốc đã chính thức cho thành lập thành phố Tân Sa, nhằm trực tiếp quản lý các quần đảo trên Biển đông, trong đó có hai quần đảo Trường sa và Hoàng sa của Việt Nam. Thật ra, Việt Nam không mất đất hay các quần đảo vào tay Trung Quốc từ tháng 12 năm 2007 mà đã mất từ trước đó, chỉ vì những xuẩn động và yếu hèn của tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam.



Mặc dù có sự tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng sa và Trường sa giữa Trung Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân và Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1956; nhưng không có những cuộc xung đột quân sự diễn ra trong khoảng thời gian đó. Nhưng điều đau buồn cho dân tộc ta vào lúc đó, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam ở miền Bắc vì quá lệ thuộc vào Bắc Kinh nên đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc qua việc ông Phạm Văn Đồng, trong vai trò thủ tướng của Bắc Việt lúc bấy giờ, ký một tờ giấy xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai đảo Trường sa và Hoàng sa. Tờ giấy bán nước của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958 có nội dung "ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ Trung Quốc, quyết định về hải phận Trung Quốc". Đây có thể coi là văn kiện khởi đầu cho sự nghiệp bán nước của tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam.

Trường Sa
Vào năm 1979, khi ông Đặng Tiểu Bình đưa quân sang đánh phá vùng biên giới phía Bắc gọi là dạy cho Cộng sản Việt Nam một bài học vì đã xâm chiếm Campuchia, Việt Nam lại bắt đầu mất thêm Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và một phần biên giới và lãnh hải phía Bắc vào tay Trung Quốc, qua hai Hiệp ước về biên giới ký năm 2000 và Hiệp định về Vinh Bắc Việt ký vào năm 2001, dưới thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí Thư. Mặc dù hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã cố tình đổ tội bán nước cho ông Lê Khả Phiêu khi cho phép Bộ ngoại giao CSVN ký với Trung Quốc hai văn kiện nói trên; nhưng ngầm bên trong, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã bị sức ép quá nặng của Trung Quốc, khi Hà Nội đang muốn tạo quan hệ bình thường với Hoa Kỳ qua việc ký hiêp ước thương mại Việt Mỹ vào năm 2001. Từ đó cho đến nay, dưới sức ép của Bắc Kinh, Việt Nam không những mất các vùng biên giới, lãnh hải và hải đảo như đã trình bày bên trên mà còn mất cả chủ quyền trên những lãnh vực liên quan đến kinh tế, chính trị và đối ngoại.

Nhưng, sự kiện Tam Sa đã bùng nổ lớn vào đầu tháng 12 năm 2007 bắt nguồn từ việc ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN đã ký Nghị Định số 65/2007/NĐ-CP của Chính phủ vào tháng 4 năm 2007, cho thành lập huyện Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) gồm 3 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn. Trung Quốc có lên tiếng phản đối về sự kiện này nhưng rất lấy lệ trong khi lại chuẩn bị một kế sách khác để đặt CSVN ở vào thế đã rồi. Từ tháng 4 năm 2007, sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng cho lập cơ sở hành chánh tại Trường sa và Hoàng sa, Trung Quốc đã gia tăng áp lực ngay tại Trường Sa khi bắt 41 ngư dân Việt Nam và chỉ trả tự do cho họ sau khi những người này nộp phạt. Đến ngày 9 tháng 7 tàu Hải quân Trung Quốc đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, ít nhất một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương. Nguyên nhân chính dẫn tới các mâu thuẫn gữa hai nước là trữ lượng trên 600 triệu thùng của Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố nằm trong vùng biển chủ quyền trong khi giá dầu thô có thể tăng lên đến 100 USD vào cuối năm 2007. Phía CSVN cũng đã cho hai tàu chiến cơ động BPS-500 do Nga thiết kế lập tức đến hiện trường nhưng chỉ đứng từ xa. Mặc dù báo chí CSVN tránh đưa tin sự kiện trên nhưng sau đó Vũ Dũng, Thứ trưởng Ngoại giao CSVN đã được cử đến Bắc Kinh từ 21/7 tới 23/7 để bàn về các vấn đề biên giới, đặc biệt là trên biển, nhưng Trung Quốc chỉ bàn lấy lệ.

Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2007, Bắc Kinh đã cho xây dựng một số cơ sở trên các quần đảo này. Đến tháng 11 năm 2007, Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận từ ngày 16 đến 23 tháng 11 trên các quần đảo này. CSVN lên tiếng phản đối cho rằng Bắc Kinh vi phạm chủ quyền nhưng Trung Quốc làm ngơ như Hà Nội làm từng ngơ trước đây. Sau vụ tập trận này, Trung Quốc đã cho tiến hành việc thiết lập cơ sở hành chánh chính thức trên quần đảo này và đã ’thông báo’ việc này cho phía CSVN vào cuối tháng 11. Chưa chờ CSVN phản ứng thì ngày 2 tháng 12 năm 2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã công bố Nghị Định thành lập thành phố Tam Sa, nhằm quản trị các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Trung Sa.

Qua những diễn tiến trong nửa thế kỷ vừa qua, từ năm 1956 đến năm 2007, ta thấy là Trung Quốc đã từng bước xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Từ chiếm Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và nhất là đặt cơ quan hành chánh trên hai đảo Trường sa và Hoàng sa cho thấy là Bắc Kinh đã không coi Việt Nam dưới chế độ CSVN là một quốc gia độc lập mà chỉ là nước phụ thuộc hay còn gọi là nước đỡ đầu. Vì coi như vậy, Bắc Kinh đã có những thái độ trịch thượng và ngang nhiên coi thường công luận thế giới, trong khi đó, CSVN lại lên tiếng quá yếu - như là vuốt ve Bắc Kinh hơn là lên tiếng công kích. Ngay cả sự phản ứng của CSVN qua phát ngôn nhân Lê Dũng trước sự kiện hàng trăm đồng bào và thanh niên sinh viên biểu tình chống Trung Quốc trước tòa đại sứ Bắc Kinh tại Hà Nội và trước Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn vào ngày 9 tháng 12, cho thấy là quá rụt rè và tránh né. Ông Lê Dũng đã cho đấy là cuộc biểu tình không xin phép và cơ quan công lực đã giải tán tức khắc. Chỉ cần nhìn vào nội dung của lời phát biểu này ta thấy rằng: Hà Nội sẵn sàng nhượng đất, nhượng đảo cho Bắc Kinh, để mong Trung Quốc giúp giữ chặt quyền lực độc tôn của đảng, còn đất nước ra sao cũng được. Qua những phân tích nói trên, chúng ta nhận ra rằng:

Dân Việt phẫn uất biều tình phản đối trước
sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, ngày 9-12-2007.
Một là người dân Việt Nam không thể trông chờ đảng CSVN bảo vệ lãnh thổ mà phải cùng nhau tranh đấu cho việc bảo toàn lãnh thổ. Đã đến lúc này, người Việt Nam không thể im lặng và không thể tiếp tục phục tùng theo mệnh lệnh của Hà Nội mà phải can đảm bày tỏ những ý kiến bất đồng của mình một cách công khai qua E Mail, qua Blog kể cả những cuộc tụ tập phản đối ngay trước các cơ quan đại diện của Trung Quốc. Nhà cầm quyền CSVN đã không có khả năng bảo vệ đất nước thì chúng ta hãy thức tỉnh để không thể tiếp tục trao cho họ quyền độc tôn cai trị này mà phải vùng lên tranh đấu để giành lại. Đặc biệt là lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam không thể đồng loã hành vi bán nước của tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN mà phải can đảm đứng lên cùng với đồng bào đấu tranh bảo vệ bờ cõi.

Hai là vấn đề đất đai lãnh thổ là trách nhiệm chung, của mọi người, mọi đảng phái. Không ai có quyền độc tôn quyền lực và đứng trên dân tộc để làm phương hại đến quyền lợi của quốc gia. Sự kiện các tổ chức, các đảng phái cùng ký chung trong bản "Khẳng định lập trường của người Việt Nam tại hải ngoại về vụ Hoàng sa, Trường sa" là một nỗ lực nhằm sự thống nhất quan điểm và hành động của khối người Việt hải ngoại. Từ sự thống nhất quan điểm này, chúng ta hy vọng là các đoàn thể, đảng phái sẽ tích cực góp phần vào việc hỗ trợ các cuộc đấu tranh của người Việt ngay tại Việt Nam. Trong tinh thần đó, đảng Việt Tân sẽ tích góp phần để đẩy mạnh cao trào đòi Trung Quốc phải trả lại những phần đất mà đảng CSVN đã ký sang nhượng hoặc đã mặc nhiên công nhận sự xâm chiếm của Trung Quốc từ những thế kỷ trước.

Nói tóm lại, dân tộc Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là vùng lên đấu tranh thì mới mong giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ.

Lý Thái Hùng
Dec 10 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét