27 tháng 2, 2008

Đối Đấu Bất Bạo Động: Những Nhược Điểm Của Chế Độ Độc Tài.

Các chế độ độc tài không phải là một khối thuần nhất. Dù là độc tài cộng sản, độc tài quân phiệt, độc tài cá nhân... đều giống nhau ở điểm: dựa trên bạo lực để khống chế người dân. Bộ máy bạo lực này tập trung vào trong tay của một số người, mang những đặc tính: "dựa vào nhau để tồn tại, dè chừng nhau để thủ thân, tranh chấp nhau để thủ lợi" trong các cơ quan từ trung ương xuống đến địa phương, nên luôn luôn xảy ra những xung đột nội tại. Nhìn bề ngoài, với bộ máy công an, cảnh sát, mật vụ và những phương cách đàn áp tinh vi, người ta dễ có ấn tượng rằng các chế độ độc tài được tổ chức kiên cố và chặt chẽ; nhưng trong thực tế, bộ máy bạo lực này là tập hợp của nhiều cá nhân, với những tham vọng khác nhau. Quan tâm duy nhất của nhóm người này là thường xuyên và tùy tiện vơ vét ngân sách quốc gia, tài nguyên thiên nhiên và sức sản xuất nội địa nhằm phục vụ cho tham vọng riêng tư. Trong đấu tranh, ta phải nắm vững những cường điểm và nhược điểm của chế độ độc tài để có những biện pháp đối phó hiệu quả.



Sức mạnh của chế độ độc tài dựa vào các yếu tố sau đây:

Bộ máy cai trị và kiểm soát: chính sách cai trị bằng phương thức khống chế và kiểm soát toàn bộ nếp sinh hoạt trong xã hội đã làm thui chột khả năng đề kháng của người dân. Chính sách này được thi hành hữu hiệu bằng sự kết hợp của những kỹ thuật tuyên truyền tinh vi, các đoàn thể ngoại vi, sự kiểm soát và chi phối hệ thống kinh tế, sự tước đoạt các quyền căn bản như tự do ngôn luận và tự do lập hội v.v...

Phương tiện vật chất: do sự độc chiếm quyền lực, các chế độ đôc tài hoàn toàn thao túng tài nguyên quốc gia và sử dụng những phương tiện này để đánh đổi lấy sự phục tùng và cộng tác của thành phần sẵn sàng làm việc cho chế độ.

Bộ máy khủng bố và bạo lực: công an và quân đội là hai công cụ được dùng làm phương tiện đàn áp, đồng thời dùng thủ đoạn khủng bố tinh thần và các biện pháp bạo lực khiến cho người dân khiếp sợ.

Quan hệ với quốc tế: chính sách mở cửa và chiêu dụ đầu tư đã giúp các chế độ độc tài cải thiện mối quan hệ quốc tế và giải tỏa mặc cảm cô lập trong nội bộ. Cũng vậy, CSVN sau 20 năm mở cửa đã phần nào cải thiện mối quan hệ với thế giới bên ngoài. CSVN đang có nhiều thuận lợi trong các quan hệ đối ngoại với quốc tế vì được coi là chế độ đại diện chính thống tại Việt Nam nên thành phần lãnh đạo đảng đã ít nhiều thuyết phục được nội bộ đồng lòng trong đường lối thay đổi hiện nay.

Trong tất cả những cường điểm nói trên, đối với CSVN hiện nay thì phương tiện vật chất là lãnh vực mà họ còn có thể sử dụng hữu hiệu nhất trong tình hình hiện nay, để ban phát đặc quyền đặc lợi cho các phe nhóm hầu cấu kết nhau giữ quyền. Trong khi đó, những lãnh vực còn lại đã và đang bị soi mòn rất nhiều. Đặc biệt là trong lãnh vực quan hệ quốc tế, những sự theo dõi, giám sát của chính giới, của các tổ chức quốc tế về tình hình vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, khủng bố các nhà dân chủ ...đã phần nào làm cho CSVN chùn tay trước một số đối tượng. Nói chung, tình trạng soi mòn này gia tăng khi mà chế độ không còn khả năng đối phó trước những tấn công của lực lượng dân chủ vào các nhược điểm của chế độ mà ta có thể nhận diện sau đây.

Các nhược điểm của CSVN bao gồm:

Tình trạng bất phục tùng của người dân gia tăng:

Sự tuân phục và hợp tác của người dân vốn là yếu tố quan trọng giúp cho sự vận hành bộ máy cai trị được hiệu quả. Nhưng khi người dân nhìn ra những quyền lợi của họ bị cướp đoạt và nhất là tình trạng bất công xã hội lan tràn đã khiến cho đa số dân chúng bắt đầu biểu hiện sự bất mãn từ ngấm ngầm đến công khai với nhiều hành động khác nhau. Ví dụ, hiện tượng dân chúng đánh lại công an vì những lệnh phạt vô lối xảy ra thường xuyên dù công an vốn là cơ chế răn đe người dân trong nhiều năm qua; dân chúng bày tỏ sự bất mãn về chính sách đội mũ an toàn; thanh niên sinh niên và trí thức bất mãn hành động cản trở các cuộc biểu tình chống Trung Quốc qua vụ thiết lập cơ quan hành chánh Huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để quản trị hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những; Những ý kiến phê phán về các chính sách xã hội, văn hóa giáo dục, hay phê phán sự trù dập của công an chính trị đối với những ai lên tiếng về tự do dân chủ trên các Blog hay trên mạng Internet... đã cho thấy làn sóng bất phục tùng của người dân ngày một gia tăng đáng kể. Đây là nhược điểm then chốt và như chứng bệnh ung thư làm thối rữa chế độ độc tài ngay từ bên trong. Đa số các biến động được khơi mào đều xuất phát từ sự bất mãn và căm phẫn của người dân.

Tình trạng phân hóa nội bộ đảng gia tăng:

Chất keo nối kết giữa các phe nhóm và các đảng viên CSVN với nhau hiện nay không còn là chủ thuyết Mác –Lênin mà là Đô la xanh. Khi gắn bó với nhau bằng Đô la thì quyền và lợi phải đi cùng, tạo ra những tranh chấp rất gay gắt giữa các phe nhóm với những hiện tượng như hiềm khích cá nhân, bôi xấu, tiếm đoạt tài sản, đe dọa tù tội. Ngay cả thành phần quân đội và công an là hai lực lượng bảo vệ chế độ cũng đã xảy ra những xung đột rất gay gắt như vụ xung đột trong Tổng cục II Quân đội hay giữa các nhóm công an miền Nam và miền Bắc qua một số vụ án Năm Cam, PM18. Trước hiện trạng này, CSVN đã phải núp bóng Hồ Chí Minh bằng cách tô vẽ họ Hồ là một nhà tư tưởng xuất chúng, nhà đạo đức cần kiệm liêm chính như một chất keo tinh thần nhằm chấn chỉnh tình trạng suy thoái đạo đức của đảng viên, đồng thời ngăn chận những phê phán và công khích lẫn nhau; nhưng chất keo này đã mất dần hiệu quả khi bộ mặt thật của Hổ Chí Minh đã và đang bị phơi bày trong công luận.

Tình trạng thoái hóa của tầng lớp cán bộ:

Nhân sự làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước không xét theo khả năng mà theo tiêu chuẩn thâm niên trong đảng. Đa số không có khả năng nhưng lại được cắt cử ở ví trí lãnh đạo các ban ngành. Nhiều năm sau này, CSVN cho một số người qua tu nghiệp tại một vài quốc gia tự do để tìm cách cải thiện cách làm việc nhưng không có kết quả. Đặc biệt là do nhu cầu hội nhập kinh tế nhất là sự gia nhập WTO, CSVN chịu áp lực nặng nề phải cải tổ luật pháp và guồng máy hành chánh. Điều này mâu thuẫn với bản chất nội tại của chế độ khiến họ không thể tiếp tục núp sau luật pháp để khống chế người dân, và lúng túng đối phó với những đòi hỏi thay đổi của người dân.

Tình trạng khủng hoảng xã hội gia tăng: Vấn nạn to lớn nhất sau 20 năm mở cửa kinh tế là nạn bất công xã hội, tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo, luật pháp thiếu nghiêm minh cùng với sự tiêu xài hoang phí của thành phần tư bản đỏ, tạo ra nạn xì ke, ma tuý, cờ bạc đã khiến cho xã hội mang rất nhiều mầm mống bất ổn, chỉ chờ cơ hội bộc phát khi thời cơ thuận tiện. Tình trạng phản kháng diễn ra hàng ngày của dân oan khiếu kiện để đòi giải quyết ruộng đất, nhà cửa bị cưỡng đoạt; khiếu nại đòi lại tài sản, cơ sở của các Tôn giáo; tình trạng công nhân đình công đòi tăng lương, đòi cải thiện điều kiện làm việc... là những điểm nóng sẽ càng ngày càng sôi sục.

Tình trạng phản kháng của các lực lượng dân chủ: Các chế độ độc tài luôn luôn tìm cách truy lùng và tiêu diệt mọi mầm mống phản kháng; vì thế mà các cá nhân đối kháng khó có thể liên kết tạo những tập hợp đấu tranh. Tuy nhiên, khi những cá nhân dám công khai tuyên bố sự kết hợp để chống lại chế độ – dù công khai hay bán công khai - sẽ tạo một bước ngoặc lớn, khuyến khích cho nhiều cá nhân vượt qua sự sợ hãi, lên tiếng chống đối. Sự ra đời của Khối 8406 vào tháng 4 năm 2006 đã mở đường cho sự xuất hiện công khai của nhiều đảng phái như đảng Vì Dân, đảng Thăng Tiến, đảng Dân Chủ Nhân Dân, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Việt Nam...Dù hãy còn yếu nhưng sự bền bỉ đấu tranh của các nhà đối kháng và các lực lượng dân chủ hiện nay, cho thấy chế độ CSVN không thể dập tắt được những tiếng nói dân chủ.

So với thời toàn trị trong các thập niên 70, 80 và 90 của Thế Kỷ 20, thực trạng sức mạnh của CSVN ngày hôm nay đã sút giảm đi rất nhiều với những nhược điểm đang đục khoét nội bộ chế độ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng duy trì quyền lực và sự tồn tại của chế độ độc tài. Do đó, CSVN thấy rõ là họ cần có những thay đổi thì mới mong bảo đảm được sự an toàn và có thể tiếp tục duy trì quyền hành lâu dài. Tiến trình thay đổi này, CSVN muốn hoàn toàn chủ động một mình cả về nhịp độ lẫn hình thức. Bên cạnh đó, họ muốn tìm sự hậu thuẫn của một số quốc gia cho tiến trình này nhất là từ phía Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Âu... CSVN không muốn bất cứ một thế lực nào có thể xen lấn vào hay ảnh hưởng đến tiến trình của họ. Vì vậy mà sau khi đạt được những thành quả kinh tế và ngoại giao cần thiết, CSVN sẽ ra tay đàn áp phong trào dân chủ trước khi trở thành lực lượng đe dọa chế độ.

Những kinh nghiệm cho thấy, khi chế độ độc tài phải tung ra những biện pháp thay đổi – dù chủ động hay không chủ động – sẽ chỉ tạo thêm những rạn nứt nội bộ với các phe nhóm sẵn sàng ngáng cẳng lẫn nhau; nhưng họ luôn luôn tìm cách che dấu để cố tạo hình ảnh nhất thống trên bề nổi. Nhưng với thời gian, những rạn nứt nội bộ sẽ khuyếch rộng ra, khiến cho sự vận hành của chế độ mất hiệu năng và dễ chao đảo trước những biến chuyển của tình hình hoặc khi phải đối phó với những sức ép đấu tranh mạnh mẽ từ quần chúng. Chính sức ép đấu tranh mạnh mẽ này sẽ xé to mầm mâu thuẫn nội bộ, khiến cho một số bộ phận bị tê liệt, đẩy chế độ độc tài rơi vào những thế đối phó đầy lúng túng. Do đó, tấn công vào những nhược điểm và xé to thêm các mâu thuẫn nội bộ của chế độ CSVN bằng đối đầu bất bạo động sẽ là phương pháp hữu hiệu nhất để đạt thành công so với những nỗ lực tấn công vào các cường điểm của chế độ mặc dù những cường điểm này đang bị soi mòn.

Lý Thái Hùng
Feb 27 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét