25 tháng 4, 2008

Quốc Hận Năm Thứ 33

Biến cố lịch sử của ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã không chỉ để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều bài học quan trọng về mối quan hệ Ta - Bạn – Thù trong một cuộc chiến mà còn giúp cho ta nhận diện rõ ràng về những yếu tố cần thiết cho việc ổn định một quốc gia sau cuộc chiến. Trong hơn 3 thập niên vừa qua, nhiều sách vở và diễn biến thời cuộc đã giúp cho mọi người nhìn rõ mối tương quan Ta - Bạn – Thù như thế nào, cụ thể là các mối quan hệ giữa Việt Nam Cộng Hòa với Hoa Kỳ và những quốc gia đồng minh hay giữa Cộng sản Việt Nam với các quan Thầy Liên xô – Trung Quốc và khối cộng sản quốc tế. Những quan hệ này đã luôn thay đổi theo trật tự mới của thế giới, điều quan trọng là các quốc gia có giữ vững được sự độc lập trong mối quan hệ này để không bị lôi cuốn hay khai thác cho những quyền lợi riêng tư của các nước lớn hay không. Rất tiếc là Cộng sản Việt Nam đã không học được bài học này trong suốt 30 năm vừa qua.



Từ một kẻ ngạo mạn sau khi cưỡng chiếm miền Nam vào tháng 4 năm 1975, đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn lệ thuộc Liên Xô, tiếp tục làm nghĩa vụ sen đầm quốc tế tại Lào và Campuchia để bành trướng chủ nghĩa Cộng sản xuống các vùng phía Nam Á Châu, tiếp tục đem sinh mạng và tài nguyên đất nước phục vụ cho một chủ thuyết ngoại lai tàn hại. Từ năm 1975 đến năm 1990, Cộng sản Việt Nam đã bị thế giới tự do cô lập hoàn toàn và chọn thế đối đầu gay gắt với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Suốt trong 15 năm này, xã hội và con người Việt Nam đã rơi vào tình trạng suy kiệt cùng cực, do sự chọn lựa mối tương quan Ta - Bạn – Thù quá sai lầm này của Cộng sản Việt Nam. Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Cộng sản Việt Nam lại vội vã chạy sang khấu tấu Bắc Kinh, tìm chỗ dựa mới từ Trung Quốc. Quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh được tái lập trong sự tan rã của khối cộng sản quốc tế. Mặc dù nối lại quan hệ với Bắc Kinh, nhưng vì lo sợ sự ’nuốt trửng" của đàn anh Phương Bắc, Cộng sản Việt Nam phải mở rộng cửa đón Hoa Kỳ như một đối tác mới. Từ năm 1995 cho đến nay, Cộng sản Việt Nam đã phải đu giây giữa hai đàn anh Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên trong quan hệ này, Hà Nội không mấy tin vào cách ứng xử của Hoa Kỳ, nhất là lo ngại ’diễn biến hòa bình’ của Mỹ nên đã đi rất gần với Bắc Kinh.

Điều sai lầm của Cộng sản Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế là không dám chọn thế đứng độc lập mà luôn luôn chọn chỗ dựa từ các quan thầy. Mặc dù Cộng sản Việt Nam đã mở rộng cửa hội nhập thế giới, gia nhập WTO, khối APEC và là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (2008-2009)... nhưng họ đã không dám đứng thẳng người mà luôn luôn núp bóng Bắc Kinh và rất sợ làm phật lòng đàn anh Phương Bắc. Xét về mặt tiềm năng và sức đề kháng của dân tộc Việt Nam qua mỗi thời đại, người Việt Nam đã từng chứng minh khả năng bảo vệ và duy trì nền độc lập quốc gia; nhưng khi lãnh đạo quá tồi, quá ươn hèn như hiện nay, Việt Nam đã mất dần biên giới, lãnh hải và hải đảo vào tay Trung Quốc. Trong quan hệ quốc tế, khi lãnh hải và lãnh thổ bị xâm phạm chính là lúc chính quyền phải biết khai dụng lòng yêu nước của người dân để biểu dương khát vọng độc lập và nhấn mạnh rõ mối tương quan bất khả xâm phạm giữa hai nước. Cộng sản Việt Nam đã không làm được như vậy mà còn cố tình ra tay đàn áp khi người dân tự phát đứng lên chống lại các hành động xâm lược của Bắc Kinh.

Cộng sản Việt Nam đã cho công an đàn áp và khống chế sinh viên, trí thức và bất cứ ai lên tiếng về việc Bắc Kinh cho thiết lập đơn vị hành chánh Tam Sa trên đảo Hải Nam để quản trị các quần đảo Hoàng sa, Trường sa hồi tháng 12 năm ngoái. Mới đây, để chuẩn bị vụ rước đuốc của Trung Quốc đến thành phố Sài Gòn vào ngày 29 tháng 4, Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh cho bộ máy công an phải ngăn chận mọi cuộc chống đối của quần chúng, để tổ chức cuộc rước đuốc ’thành công" hầu làm hài lòng Bắc Kinh. Công an đã tung chiến dịch ruồng bố những sinh viên, trí thức đã từng tham dự các cuộc biểu tình đòi Hoàng Sa/Trường Sa vào năm ngoái, ép buộc rất nhiều người trong Câu Lạc Bộ Những Nhà Báo Tự Do phải rời thành phố Sài Gòn trong ngày 29 tháng 4 để không tham dự các cuộc biểu tình chống rước đuốc. Thậm chí, công an Cộng sản Việt Nam còn dàn dựng ra những màn khủng bố rẻ tiền như tố cáo Blogger Điều Cày, tức nhà báo Nguyễn Hoàng Hải, đã gian lận trốn thuế để tìm cách bắt giữ và ngăn chận không cho ông đứng ra vận động tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc.

Cách hành xử của Cộng sản Việt Nam cho thấy là họ đã coi trọng đàn anh Phương Bắc hơn cả nguyện vọng của dân tộc, và sẵn sàng chọn thế đối chọi với người dân để bảo vệ quyền lợi của Bắc Kinh. Một chế độ không học được những bài học quá khứ về tương quan Ta – Bạn – Thù, tiếp tục làm tay sai cho các thế lực ngoại bang hầu tìm cách giữ chặt quyền lực, sẽ không bao giờ giữ được sự ổn định xã hội và phát triển đất nước. Thật vậy, nhìn lại 33 năm vừa qua, Cộng sản Việt Nam đã không có được một ngày yên thân mà đã phải luôn luôn đối diện với nhiều phong trào chống đối từ quần chúng. Sự chống đối này đã xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau, theo từng thời kỳ; nhưng tựu trung có ba ý nghĩa lớn.

Thứ nhất, biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một thảm kịch của dân tộc. Sự chiến thắng nếu có trong biến cố này là cái ác - trong nhất thời - đã vượt thắng lòng lương thiện của con người vì những tuyên truyền gian xảo và bạo lực của tập đoàn Cộng sản quốc tế. Chính cái ác đã ngự trị trong suốt 30 năm qua trên toàn thể xã hội Việt Nam, khiến cho lòng người ly tán và xã hội luôn luôn bất ổn định.

Thứ hai, biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một sự nhục nhã cho danh dự của con người Việt Nam. Sự vượt biên, vượt biển tìm tự do bất chấp hiểm nguy của hàng triệu người Việt khi bóng tối cộng sản đổ ập lên khắp nước, và ngày hôm nay, ngọn lửa đấu tranh cho tự do vẫn tiếp tục bùng cháy trong lòng mọi người ở trong và ngoài nước, đã cho thấy là người Việt cương quyết không chấp nhận thể chế phi nhân và lạc hậu này. Xây dựng lại một thể chế tự do, dân chủ và nhân bản chính là phục hồi niềm tin và danh dự của dân tộc.


Thứ ba, biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975 là khởi đầu cho một thế quật cường mới của dân tộc Việt Nam khi con người bị đẩy xuống tận cùng của khổ đau, của nhục nhã và uất hận sau khi Cộng sản cưỡng chiếm toàn đất nước. Suốt 33 năm qua, mọi giá trị xã hội và đạo đức đã bị đảo lộn, và chính mỗi người Việt Nam sẽ phải tự mình tham gia vào con đường lịch sử để dựng lại một đời sống mới có nhân phẩm.

Nói tóm lại, những dữ liệu lịch sử và biến chuyển của thời cuộc đã giúp làm rõ hơn về những sự kiện xảy ra chung quanh ngày 30 tháng 4. Càng khảo sát và đối chiếu tình hình Việt Nam ngày nay và 30 năm về trước, lãnh đạo Hà Nội càng lộ rõ bản chất của một tập đoàn bất xứng và đang bị quốc dân lên án, hài tội. Kỷ niệm biến cố 30 tháng 4 năm nay với sự kiện lãnh đạo Hà Nội rước đuốc quan thầy xâm lược Bắc Kinh ngang qua lãnh thổ Việt Nam ngày 29 tháng 4 và dùng guồng máy bạo lực để khống chế người dân bày tỏ lòng yêu nước, người Việt ở khắp nơi sẽ cùng nhau thể hiện truyền thống bất khuất, dũng cảm của cha ông: cùng mặc áo trắng xuống đường chống đuốc Bắc Kinh - bảo vệ giang sơn gấm vóc, và giành lại quyền sống căn bản của chính mình!

Lý Thái Hùng
April 25, 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét