26 tháng 3, 2009

Cộng Sản Việt Nam Lọt Ổ Phục Kích Của Trung Quốc

Ngay sau khi xảy ra những xung đột mang tính chất “ẩu đả và dằn mặt” giữa hải quân Trung Quốc và Hoa Kỳ tại vùng Hải Nam hôm mồng 8 tháng 3, và ngay sau khi Phi Luật Tân công bố đạo luật xác định chủ quyền của mình trên 7.100 đảo lớn nhỏ trên Biển Đông, Trung Quốc đã mở chiến dịch ngoại giao để vừa ngăn chận các phản ứng trả đũa của Hoa Kỳ, vừa ngăn chận các quốc gia vùng Đông Nam Á đặc biệt là Cộng sản Việt Nam không làm giống như Phi Luật Tân.



Từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã ngang nhiên vẽ lại bản đồ Biển Đông mà họ gọi là Biển Nam Trung Hoa với chủ trương rằng chủ quyền của họ nằm trên toàn biển Đông Nam Á với hình lưỡi bò, kéo dài từ Hải Nam đến tận Mã Lai. Với hình vẽ này, có thể nói là chủ quyền của Trung Quốc đã chiếm trọn Biển Đông: các nước Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai và những quốc gia khác mỗi khi đi qua vùng Biển Đông đều nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Chủ trương này không những đã vi phạm Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thông qua năm 1982 mà còn là mối đe dọa thường trực cho Đông Nam Á vì bản chất bá quyền này của Bắc Kinh.

Nhằm tránh né sự đối đầu cùng một lúc với các quốc gia Đông Nam Á và Hoa Kỳ, Trung Quốc đã bày ra trò đối thoại song phương với từng nước để gọi là hợp tác giải quyết các tranh chấp trong hòa bình. Gần đây, Hoa Kỳ và một số quốc gia vùng Đông Nam Á thấy rõ dã tâm của Bắc Kinh trong việc dùng chiêu bài đối thoại song phương với từng quốc gia chỉ là để làm phân hóa giữa các nước trong khu vực, đồng thời tiếp tục bành trướng các ảnh hưởng trên vùng Biển Đông như ngăn cản các tàu tuần dương của Hoa Kỳ, đe dọa những công ty tìm dầu trong khu vực. Do đó Hoa Kỳ đã tìm cách hình thành một cơ chế nhằm bảo đảm an toàn cho sự tự do lưu thông trên Biển Đông và nhất là chống lại các hành động bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh.

Khi thấy Phi Luật Tân công bố đạo luật xác nhận chủ quyền trên 7.100 đảo lớn nhỏ, Bắc Kinh đã tiến hành một số nỗ lực song hành.

Thứ nhất là tăng cường tàu chiến đến tuần tra khu vực vừa mới xảy ra xung đột với tàu USNS Impeccable của Hoa Kỳ tại khu vực đảo Hải Nam. Đặc biệt Bắc Kinh còn phái tàu Ngư Chính 311 đến tuần tra tại vùng Biển Đông để thị uy đối với Cộng sản Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai.

Thứ hai là Bắc kinh đã cử ngoại trưởng Dương Khiết Trì cấp tốc bay đi Hoa Thịnh Đốn gặp Ngoại Trưởng Hillary Clinton và tiếp kiến Tổng thống Obama để ‘hóa giải’ những xung đột đang căng thẳng trên vùng Biển Đông.

Thứ ba là Bắc Kinh đã đưa hàng loạt cán bộ cao cấp sang Hà Nội để không cho lãnh đạo Hà Nội có những phản ứng chống lại Trung Quốc.

Trong ba nỗ lực nói trên, Trung Quốc đã hoàn toàn chủ động trong các phản ứng của mình, đặt Cộng sản Việt Nam ở vào thế bị động. Chỉ cần nhìn vào sự lên tiếng yếu ớt của Lê Dũng, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam nói rằng “Việt Nam quan tâm và sẽ theo dõi sát sự hoạt động của tàu này” khi bị báo chí quốc tế hỏi về việc Trung Quốc đã phái tàu tuần dương lớn nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc mang tên Ngư Chính 311 đến khu vực Hoàng sa và Trường sa, cho thấy là Hà Nội không dám đương đầu với Bắc Kinh.

Trước hết, Bắc Kinh cử Đới Bình Quốc, Ủy viên Trung ương đảng, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc cầm đầu Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương sang Hà Nội thảo luận với Phạm Gia Khiêm, uỷ viên bộ chính trị, bộ trưởng ngoại giao Cộng sản Việt Nam về những đàm phán trên biển. Tuy chỉ là một cán bộ thuộc hạng trung, không là ủy viên thường vụ bộ chính trị và cũng không ở cấp Bộ trưởng, nhưng Đới Bình Quốc đã được Hà Nội đón tiếp rất long trọng và gặp gỡ cả Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng. Cả ba đã nói cùng một tông điệu là ‘hai phía tiếp tục duy trì mối quan hệ bền vững lâu dài’. Lý do mà Hà Nội đã đón tiếp Đới Bình Quốc như thượng khách vì ông Quốc đã mang sang cho Hà Nội nhiều khoản tiền quan trọng trong lúc kinh tế đang gặp khó khăn. Qua sự thông báo chính thức của Đới Bình Quốc, Trung Quốc đã cấp cho Cộng sản Việt Nam khoản vay tín dụng ưu đãi trị giá 300 triệu Mỹ Kim, nâng kim ngạch mậu dịch giữa hai bên lên 25 tỷ Mỹ kim vào năm 2010, và tiến đến cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã dùng tiền để bịt miệng lãnh đạo Hà Nội.

Kế đến, Bắc Kinh cử thêm Thượng tướng Trần Bình Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc sang thăm và gặp gỡ Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Đặc biệt Thượng Tướng Trần Bình Đức còn được tiếp đón long trọng ở Bộ quốc phòng và hội đàm với Thượng Tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng tham mưu trưởng quân đội Cộng sản Việt Nam về vấn đề hợp tác an ninh chiến lược trên vùng Biển và Vịnh Bắc Việt. Trung Quốc biết rõ là trong hàng ngũ quân đội Cộng sản Việt Nam đã nổi lên một khuynh hướng chống mưu đồ bá quyền của họ trên Biển Đông. Chính vì thế mà Bắc Kinh – dù đã đưa tiền cho lãnh đạo Hà Nội – nhưng vẫn cố tìm cách lôi cuốn hàng ngũ quân đội Cộng sản Việt Nam để không có những vọng động quân sự với các tàu chiến của Trung Quốc.

Sự hiện diện của Đới Bình Quốc và Thượng tướng Trần Bình Đức ngay vào thời điểm xảy ra những căng thẳng ở Biển Đông cho thấy là Trung Quốc đã đi hai nước cờ. Một mặt dùng tiền bạc để mua thành phần lãnh đạo Hà Nội và dùng những hứa hẹn hợp tác an ninh chiến lược để ngăn chận những phản kháng chống Trung Quốc của thành phần quân đội Cộng sản Việt Nam. Rõ ràng là Cộng sản Việt Nam đã rơi vào ổ phục kích của Trung Quốc, nên đã không dám bày tỏ chủ quyền trên Biển Đông như Phi Luật Tân đã làm.

Lý Thái Hùng
March 26 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét