Nếu như dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên được tiến hành trong khuôn khổ pháp lý và bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc như nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tuyên bố, có lẽ vấn đề Bauxite đã không tạo ra sự bức xúc khó chịu trong hầu hết những ai có dịp biết và nghe đến nó. Hơn thế nữa, càng ngày những nhà nghiên cứu khoa học và xã hội càng phát hiện ra nhiều dữ kiện mập mờ trong việc lập dự án khai thác chung với Trung Quốc, bao gồm các khía cạnh về hiệu quả kinh tế, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng, về tái tạo môi trường Tây Nguyên sau khi khai thác… đã cho thấy, toàn bộ dự án là một trái bom nổ chậm. Chỉ có một thiểu số quan chức có liên hệ đến những phe nhóm đang ăn chia trong vụ khai thác Bauxite mới che tai tuyên bố những giọng điệu lưỡi gỗ: Khai thác Bauxite là chủ trương lớn của đảng, nhà nước. Do đó, vấn đề khai thác Bauxite tại Tây Nguyên đã trở thành một biến cố chính trị quan trọng trong dư luận của người Việt và quốc tế hiện nay.
Vấn đề cộng tác với Trung Quốc để khai thác Bauxite đã được đảng Cộng sản Việt Nam thảo luận từ đại hội đảng kỳ IX (2001) và kỳ X (2006), tức là kéo dài trong 8 năm dưới thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư đảng. Để tiến hành việc thảo luận này, ông Mạnh đã cùng với ông Hồ Cẩm Đào - lúc đó là Phó chủ tịch nước Trung Quốc - ký tắt vào bản Tuyên bố hợp tác khai thác chung vào năm 2001. Trong suốt 8 năm qua, Bộ chính trị Cộng sản Việt Nam cho biết là 15 nhân vật cao cấp của đảng đã nhiều lần bàn và ra nghị quyết kết luận để lãnh đạo việc xây dựng ngành công nghiệp khai thác Bauxite; nhưng trong thực tế thì dư luận chỉ mới biết đến dự án khai thác Bauxite từ tháng 6 năm 2008 khi vấn đề này được chính thức nêu ra trong bản Tuyên bố chung giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, nhân chuyến thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng 5 năm 2008 của ông Nông Đức Mạnh. Nói cách khác, dự án khai thác Bauxite đã được lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng sản Việt Nam bàn thảo và tính toán với Bắc Kinh cả 8 năm nay; nhưng hoàn toàn được giữ bí mật, không ai hay biết.
Từ cuối năm 2008, dự án khai thác Bauxite được công khai hóa với tin tức dự án Tân Rai tại Lâm Đồng chính thức làm lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất Alumin vào ngày 18 tháng 11 năm 2008, và sau đó là hàng loạt những bài phân tích về nguy cơ khai thác Bauxite của nhiều nhà khoa học, xã hội ở trong nước, nhất là sự lên tiếng của Tướng Võ Nguyên Giáp thì dư luận mới biết và quan tâm hơn về dự án này. Nếu chỉ đọc bản báo cáo về dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên của Tập đoàn công nghiệp than–khoáng sản Việt Nam hợp tác với Tổng công ty sản xuất nhôm CHINALCO của Trung Quốc khai thác Bauxite tại hai công trường Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) từ năm 2007 đến 2015 và từ 2015 đến 2025, người ta sẽ chỉ thấy màu hồng của những khoản tiền to lớn do mỏ Bauxite mang lại cho Tây Nguyên. Theo tờ trình của Tập đoàn công nghiệp than–khoáng sản Việt Nam cho Thủ tướng cộng sản Nguyễn Tấn Dũng (883/TT-HĐQT) vào tháng 2 năm 2007 thì khả năng khai thác Bauxite, luyện alumin tại Tây Nguyên kéo dài đến 100 năm, tận dụng hết tài nguyên khoáng sản nằm sâu dưới mặt đất với 5,4 tỉ quặng thô, chế biến thành 2,4 tỉ tấn quặng tinh và sẽ luyện thành 1 tỉ tấn Alumin nhôm.
Bên dưới hình ảnh màu hồng của tiềm năng khai thác Bauxite tại Tây Nguyên đứng hàng thứ ba thế giới, các nguy cơ về hủy hoại thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, chấn động lòng đất, hủy diệt nền văn hóa lâu đời của các sắc dân Tây Nguyên, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng khi hợp tác với Trung Quốc đã không được Tập đoàn công nghiệp than–khoáng sản Việt Nam và cả nhà nước Cộng sản Việt Nam nghiên cứu và báo cáo nghiêm chỉnh. Để trấn an dư luận, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã cho tổ chức hai cuộc Hội thảo khoa học với sự tham dự nhiều quan chức đảng, nhà nước và một số nhà khoa học tại tỉnh Đắk Nông (tháng 12 năm 2007) và tại Hà Nội (tháng 4 năm 2009) nhưng chỉ là biểu kiến. Tất cả những phản biện của nhiều nhà khoa học, kể cả những cảnh báo sâu sắc của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, một thành viên nghiên cứu cao cấp trong Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam, về mức độ an toàn, hiệu quả kinh tế yếu kém và kỹ thuật lạc hậu của Trung Quốc đã không được chú ý. Ngoài ra, sự lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Trung Quốc trên địa bàn Tây Nguyên của một số cựu tướng lãnh Cộng sản Việt Nam cũng không được Hà Nội quan tâm.
Ngày 3 tháng 3 năm 2009, hơn 100 trí thức, khoa học gia ở trong nước đã gửi thư lên quốc hội và chính phủ Cộng sản Việt Nam để yêu cầu cho trưng cầu dân ý về việc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Chỉ năm ngày sau khi lá thư này được công bố, đã có hàng ngàn trí thức, thanh niên, dân chúng tham gia ký tên hưởng ứng. Trước sự kiện này, Ban bí thư cho phổ biến bản kết luận của Bộ Chính Trị liên quan đến việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng Bauxite trong giai đoạn từ năm 2007 đến 2015 và 2005 đến năm 2025 vào ngày 24 tháng 4. Bản kết luận cũng chỉ nêu ra những điều chung chung như “Tây nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài, đến môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa”. Lợi dụng bản kết luận mang tính chung chung của Bộ chính trị, Bộ công thương Cộng sản Việt Nam đã tấn công lại bản kiến nghị của các trí thức, khoa học gia và đã phổ biến một bản thông cáo báo chí ngày 29 tháng 4, quy chụp rằng những người ký tên trong kiến nghị hay phản đối dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên là “hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện... thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng”.
Ngày 7 tháng 5 năm 2009, các trí thức, khoa học gia Việt Nam đã phản bác lại những quy chụp mang tính hàm hồ của Bộ Công Thương trong lá thư ngỏ số 2 và ngày 17 tháng 5 năm 2009, nhân kỳ họp quốc hội khóa 12, các trí thức, khoa học gia Việt Nam gửi lá thư ngỏ số 3 yêu cầu quốc hội mang vấn đề Bauxite ra thảo luận và yêu cầu chính phủ cho ngưng toàn bộ dự án khai thác Bauxite, sản xuất alumin hiện đang có với mọi đối tác.
Với một số những diễn tiến quanh vụ khai thác Bauxite tại Tây Nguyên cho thấy là ông Nông Đức Mạnh và một số thành viên trong Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 2001 đến nay là tác nhân chính của trái bom nổ chậm này. Chính ông Mạnh và Bộ chính trị đã đi đêm với Trung Quốc trong gần 8 năm để mặc cả về việc khai thác Bauxite tại Tây Nguyên. Không ai biết rõ những mặc cả này là gì nhưng ít ra người ta có thể suy đoán rằng những quyền lợi mà phía Bắc Kinh trả cho Bộ chính trị và đảng Cộng sản Việt Nam phải cao hơn những thiệt hại mà người dân Việt Nam tại Tây Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung phải hứng chịu qua vụ khai thác này. Nếu Hà Nội coi việc khai thác Bauxite là chủ trương lớn của đảng và nhà nước thì ông Mạnh và bộ chính trị không thể coi thường những thiệt hai về hai mặt: ô nhiễm môi trường và an ninh quốc phòng khi hợp tác với Trung Quốc qua dự án Bauxite.
Rõ ràng là quyết định khai thác Bauxite tại Tây Nguyên chỉ nằm trong tay một thiểu số quyền lực ở Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam. Những bộ phận chuyên môn đảm trách các công đoạn khai thác hay kiểm tra chỉ giải quyết về mặt kỹ thuật, không có quyền hạn quyết định, nên vì thế mà ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khi đi điều tra tại Bảo Lâm chỉ dám đề nghị bảo vệ môi trường, còn có làm hay không thì tùy theo chủ đầu tư. Nhìn như vậy, chúng ta mới thấy rằng ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban bí thư cho phổ biến bản kết luận của Bộ chính trị hôm 24 tháng 4, hai tuần lễ sau khi hàng trăm trí thức, khoa học gia công bố bản kiến nghị về Bauxite mang một dụng ý chính trị.
Thứ nhất, Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam gián tiếp cho biết là họ không thể rút lại dự án khai thác Bauxite mà đã bỏ tới 8 năm đi đêm với Bắc Kinh. Nghĩa là cả nước có chống gì đi nữa thì chủ trương khai thác này vẫn tiến hành với phía Trung Quốc.
Thứ hai, Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra ba quan tâm: 1/ an ninh quốc phòng; 2/ bán cổ phần cho nước ngoài; 3/ sử dụng lao động trong nước, cùng với việc úp úp mở mở xét lại việc tiến hành dự án khai thác tại Nhân Cơ trong bản kết luận chỉ là tìm cách câu giờ, hướng dư luận vào chuyện đã rồi.
Lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam vốn đã dựa vào Trung Quốc để sống còn từ năm 1991 cho đến nay, và họ đã luôn tỏ ra khiếp nhược trước Bắc Kinh về các vấn đề cốt lõi như biên giới phía Bắc, vịnh Bắc Việt, quần đảo Hoàng sa và Truờng sa, Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 Hải lý trên Biển Đông. Nay với vấn đề khai thác Bauxite sau 8 năm đi đêm, làm sao mà Cộng sản Việt Nam dám tuyên bố ngưng dự án. Do đó vấn đề khai thác Bauxite tại Tây Nguyên không còn thuần tuý ở khía cạnh hiệu quả kinh tế, ô nhiễm môi trường như nhiều người đề cập mà chính là thái độ chính trị của Cộng sản Việt Nam đối với Bắc Kinh.
Đây là sự tủi nhục của dân tộc ta hiện nay! Mỗi chúng ta đều có bổn phận giải quyết sự tủi nhục này, ngay bây giờ, bằng những hành động tích cực.
Lý Thái Hùng
20 tháng Năm, 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét