17 tháng 3, 2010

Linh mục Nguyễn Văn Lý ra khỏi tù

Sự kiện Cộng sản Việt Nam phải ra quyết định “tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù” đối với Linh Mục Nguyễn Văn Lý vào ngày 15 tháng 3 vừa qua, và dùng xe cứu thương đưa Ngài từ nhà tù Ba Sao, Nam Hà về Tòa Tổng Giám Mục Huế vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày là một thắng lợi của các nỗ lực vận động trong thời gian qua, đặc biệt là từ sự chiến đấu kiên cường của Linh Mục Nguyễn Văn Lý khi Ngài quyết định khước từ sự điều trị của bệnh viện công an vào cuối tháng 12 năm 2009.

Tuy quyết định “tạm đình chỉ” không phải là giấy ra khỏi tù, và bản án 10 năm tù (còn 5 năm tù giam và 5 năm quản chế sau khi mãn tù) vẫn còn đó, nhưng việc Ngài được trở về Tòa Tổng Giám Mục chữa bệnh để có sức khoẻ tiếp tục chiến đấu là một niềm vui lớn cho tất cả những ai đã quan tâm đến sự an nguy của Ngài.



Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã dành cả đời mình để tranh đấu cho quyền làm người và được sống trên một đất nước tự do dân chủ. Ngài đã trả giá rất đắt cho cuộc chiến đấu gian nan nhưng rất hào hùng này qua bốn lần tù tội.

Lần thứ nhất là vào tháng 9 năm 1977, Ngài bị kết án 20 năm tù vì tội “chống phá cách mạng” nhưng ba tháng sau Ngài được trả tự do.

Lần thứ hai vào tháng 5 năm 1983, Ngài bị kết án 10 năm tù vì tội “gây rối trật tự” nhưng 9 năm sau Ngài được trả tự do trước thời hạn vào tháng 7 năm 1992.

Lần thứ ba vào tháng 10 năm 2001, Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị kết án 15 năm tù vì tội “phá hoại chính sách đoàn kết” và “không chấp hành quyết định quản chế hành chánh”, nhưng 3 năm sau Ngài được trả tự do vào tháng 2 năm 2005.

Lần thứ tư vào tháng 3 năm 2007, Ngài bị tòa án Thừa Thiên - Huế kết án 8 năm tù vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Năm 2009, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị ba lần tai biến mạch máu não và sức khoẻ ngày càng nguy kịch. Tháng 11 năm 2009, Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu Linh Mục nói với gia đình làm đơn xin về nhà chữa bệnh với sự bảo lãnh của Tòa giám mục Huế. Tuy nhiên theo lá thư đề ngày 29 tháng 11 năm 2009, phía gia đình Linh Mục Nguyễn Văn Lý không làm đơn xin theo yêu cầu của Hà Nội mà lại đề nghị với công an sớm đưa Ngài về tiếp tục điều trị tại Nhà chung của Tòa Giám Mục Huế, và từ đó gia đình mới có thể đề nghị Tòa Giám Mục cho phép gia đình đưa Linh Mục Nguyễn Văn Lý đến điều trị tại một bệnh viện ở Miền Nam.

Cộng sản Việt Nam đã không đồng ý lá thư đề nghị nói trên của gia đình vì không thỏa mãn những điều kiện mà phía công an đưa ra là phải có Tòa Giám Mục Huế bảo lãnh – tức gián tiếp công nhận Linh Mục Nguyễn Văn Lý có tội và xin khoan hồng - để về chữa bệnh. Ngày 13 tháng 12 năm 2009, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã viết một lá thư gửi cho công an Cộng sản Việt Nam khước từ điều trị để phản đối thái độ “thiếu thiện chí” của Cộng sản Việt Nam. Vì bị tê liệt tay phải, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã không thể viết nguyên bức thư mà phải nhờ anh Nguyễn Công Hoàng, là cháu của Ngài viết giúp, nhưng Ngài đã dùng tay trái viết được hai câu: “Dù gia tộc tôi đã bức thiết đề nghị rất chính đáng, nhưng quý vị đã thiếu thiện chí đáp ứng. Từ hôm nay, tôi khước từ sự điều trị của quý vị”, và ký tên “tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lý, Linh Mục Công giáo Tổng giáo phận Huế”.

Quyết định từ chối điều trị của Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã đẩy công an Cộng sản Việt Nam vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, ngày 11 tháng 3 năm 2010, Tổng cục VIII của Bộ công an đã phải tự ra chỉ thị “tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù” và đưa Linh Mục Nguyễn Văn Lý về Tòa Giám Mục Huế để chữa bệnh trong vòng 12 tháng. Qua diễn tiến nói trên, chúng ta thấy là “vụ chữa bệnh” của Linh Mục Nguyễn Văn Lý là một đòn đấu tranh cân não giữa công an Hà Nội với Ngài qua sự hỗ trợ của gia đình và Tòa Giám Mục Huế.

Thứ nhất, Cộng sản Việt Nam rất sợ bệnh tình của Linh Mục Nguyễn Văn Lý ngày một xấu đi và nếu Ngài có mệnh hệ nào thì họ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả. Với ba lần bị tai biến mạch máu não và bị khối u trên não trái, sự sống của Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong cách điều trị của công an chắn chắn sẽ nguy hiểm. Do đó, việc công an ra quyết định “tạm đình chỉ” là để tránh trách nhiệm nếu Linh Mục Nguyễn Văn Lý có mệnh hệ nào. Đây không phải là quyết định khoan hồng, nhân đạo mà là một toan tính lộ rõ bản chất phi dân chủ, phi công lý và phi nhân bản của chế độ.

Thứ hai, Cộng sản Việt Nam đang rất sợ chính phủ Hoa Kỳ “tái duyệt xét” về việc đưa họ trở lại danh sách “những quốc gia đáng quan tâm đặc biệt” (CPC). Với những phản đối mạnh mẽ của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại và dư luận thế giới về việc Hà Nội đã mạnh tay trấn áp 17 nhà dân chủ trong 2 tháng đầu năm 2010, nhất là sự chỉ trích của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ mới đây khi công bố bản báo cáo Nhân Quyền 2009, CSVN rất lo Hoa Kỳ sẽ đưa chế độ trở lại danh sách CPC. Nếu bị đưa vào danh sách CPC trong lúc đang chuẩn bị đại hội toàn đảng kỳ XI, và đang đối diện với những khó khăn kinh tế thì tình hình nội bộ của đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có những rối loạn khó lường.

Thứ ba, Cộng sản Việt Nam rất ngại sự đấu tranh trở lại của Linh Mục Nguyễn Văn Lý khi Ngài về lại Tòa Giám Mục Huế và nhất là liên lạc, làm việc và tham gia tích cực lại với khối 8406. Nên thay vì Hà Nội trả tự do cho Ngài trước thời hạn như các lần trước đây thì lần này, công an dùng “tạm đình chỉ” có giá trị trong vòng 12 tháng để tìm cách kiểm soát và khống chế Ngài khi cần. Điều này cho thấy là sự ra tù của Linh Mục Nguyễn Văn Lý chẳng qua là bước từ nhà tù nhỏ sang nhà tù lớn mà thôi.

Tóm lại, Linh Mục Nguyễn Văn Lý ra tù không phải do sự ban phát ơn huệ của chế độ mà chính là một chuỗi đấu tranh kiên trì, không khoan nhượng của Ngài, và những vận động không ngừng nghỉ của đồng bào, của các tổ chức đấu tranh và nhân quyền trên thế giới đã tạo các áp lực chính trị và ngoại giao nặng nề lên chế độ. Đồng thời nó biểu hiện sự trốn trách nhiệm của bộ máy công an khi bức hại, hành hạ tù nhân trong suốt thời gian giam giữ. Mặc dù Ngài còn rất yếu và đi đứng khó khăn, nhưng qua gương mặt quả quyết và trong sự thương yêu của mọi người, Linh Mục Nguyễn Văn Lý sẽ sớm phục hồi sức lực, tiếp tục tranh đấu để xóa sạch bản án phi lý mà Ngài đã cương quyết không chấp nhận cách nay ba năm; và nhất là xóa sạch những bất công, phi lý mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu.

Lý Thái Hùng
Ngày 17/3/2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét