Giống như năm ngoái, cuối tháng 4 vừa qua, Trung Quốc lại đưa ra lệnh cấm đánh cá trên một diện tích rộng hơn 120 ngàn cây số vuông vùng biển Đông từ ngày 15 tháng 6 kéo dài đến 1 tháng 8 năm 2010. Đây là vùng biển nằm trong Thềm Lục Địa 200 hải lý của Việt Nam theo Luật Biển của Liên Hiệp Quốc mà Trung Cộng đã ngang nhiên coi là vùng biển theo hình “lưỡi bò” của họ. Để thi hành lệnh này, Trung Quốc đã đưa hai tàu Ngư Chính 311 và 202 từ vịnh Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam đến tuần tra khu vực Trường Sa và hộ tống các tàu đánh cá của họ. Cộng sản Việt Nam chỉ lên tiếng phản đối qua cuộc họp báo của bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao như mọi lần rằng “lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trên biển Đông đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam” rồi thôi.
Một ngày sau khi bà Phương Nga lên tiếng phản đối, hải quân Trung Quốc đã “đáp lễ” bằng cách bắt giữ một tàu đánh cá của ông Đặng Tầm với 12 ngư dân thuộc tỉnh Quảng Ngãi đang đánh cá gần khu vực đảo Hoàng Sa kéo về đảo Phú Lâm đòi tiền chuộc là 70 ngàn nhân dân tệ vào ngày 4 tháng 5 năm 2010. Năm ngoái, đã có hàng chục tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị hải quân Trung Quốc bắt ngay trong vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, đòi tiền chuộc nhưng Hà Nội cũng chỉ lên tiếng phản đối lấy lệ, không có bất cứ biện pháp nào để bảo vệ ngư dân. Thậm chí Trung Quốc còn sử dụng một số tàu hải quân đã xóa bỏ những dấu tích của Trung Quốc, rồi tấn công đâm chìm một số tàu đánh cá của ngư dân, nhưng Hà Nội đã không dám chỉ đích danh Trung Quốc để đòi bồi thường mà lại gọi đó là những “tàu lạ”.
Trong khi đó, hải quân các quốc gia Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai đã không ngồi yên để cho hải quân Trung Quốc hoành hành biển Đông. Năm ngoái, hải quân Nam Dương đã nghênh chiến khiến cho tàu Trung Quốc bỏ chạy. Năm nay, khi lệnh cấm của Trung Quốc vừa đưa ra, Mã Lai là quốc gia phản đối mạnh mẽ lệnh này của Trung Quốc và đã dùng máy bay, tàu chiến để chống lại các tàu Ngư Chính của Trung Quốc. Từ 10 giờ sáng ngày 29 tháng 4 kéo dài đến 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4 vừa qua, tàu chiến Mã Lai đã nghênh chiến tàu Ngư Chính 311 đã đi vào khu vực Trường Sa của Mã Lai. Tàu chiến nặng 300 tấn của Mã Lai có trang bị 2 đầu đạn đạo, chỉa nòng pháo ngay vào tàu Ngư Chính và dùng loa yêu cầu tàu Ngư Chính đi ra khỏi lãnh hải của Mã Lai. Mã Lai còn cho chiến đấu cơ bay sát tàu Ngư Chính với tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sau 17 tiếng đồng hồ nghênh chiến, cuối cùng Trung Quốc ra lệnh cho tàu Ngư Chính 311 phải rời khỏi khu vực. Hành động phản đối mạnh mẽ của hải quân Mã Lai đã làm cho các tàu Ngư Chính không dám đến gần vùng lãnh hải mà Mã Lai chủ trương.
Trong khi hải quân Mã Lai nghênh chiến với hải quân Trung Quốc trong khu vực Trường Sa, ngày 9 tháng 5, một phái đoàn do bà Ngô Thị Doãn, phó bí thư thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội dẫn đầu đến thăm Trường Sa và tổ chức buổi lễ tưởng niệm những binh sĩ đã chết trong trận hải chiến với Trung Quốc vào ngày 14 tháng 3 năm 1988. Điều đáng nói là trong bài phát biểu của Thượng Tá Trinh Lương Vượng, phó Lữ đoàn M46 vùng D hải quân đã không dám nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm xâm lược đưa đến cái chết của 67 binh sĩ Việt Nam vào năm 1988 mà lại gọi lực lượng quân sự “nước ngoài”. Trịnh Lương Vượng đã nói: “Với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, lực lượng quân sự ‘nước ngoài’ đã ngang nhiên chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Truờng Sa của Việt Nam”.
Ai cũng biết Trung Quốc đã xâm chiếm hai đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) và đang tác oai tác quái trên Biển Đông như lệnh cấm đánh cá một cách ngang ngược nói trên, trong khi đó Cộng sản Việt Nam lại không dám nêu đích danh, dùng những chữ “tàu lạ”, “nước ngoài” để nói về các hành vi bá quyền của Trung Quốc. Điều này cho thấy là Hà Nội đã cong lưng khuất tất trước kẻ xâm lược, bẻ cong sự thật lịch sử, và khiếp nhược không dám bảo vệ ngư dân. Trước đó, từ giữa tháng tư đến đầu tháng 5, có đến ba lãnh đạo cao cấp sang thăm Trung Quốc gồm Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh và Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, nhưng không hề có một chỉ trích nào về các hành động ngang ngược của Bắc Kinh đối với ngư dân và lệnh cấm đánh cá. Tờ Quân đội nhân dân viết về chuyến đi Trung Quốc của Phùng Quang Thanh hôm 29 tháng 4 rằng “Đối với vấn đề biển Đông, hai nước cần kiên trì các biện pháp hòa bình, nghiêm chỉnh thực hiện tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN....”
Bắc Kinh luôn luôn núp sau các từ ngữ “biện pháp hòa bình”, “hợp tác hữu nghị”, “làm việc chung với các nước ASEAN” nhằm mua thời gian hầu tăng cường sức mạnh quân sự trên biển Đông cho đến khi đủ mạnh để làm bá chủ Thái Bình Dương. Mặc dù lãnh đạo Hà Nội hoàn toàn dựa vào Trung Quốc để sống còn, nhưng một bộ phận nhỏ, đặc biệt là trong thành phần quân đội rất bất mãn về các hành vi bá quyền của Bắc Kinh. Chính những xung đột bên trong nội bộ đã buộc Cộng sản Việt Nam phải tân trang vũ khí để đóng kịch “thị uy” với hải quân Trung Quốc và làm an lòng nội bộ.
Năm ngoái, Nguyễn Tấn Dũng đi Nga đặt mua 6 tàu ngầm hạng Kilo, 12 khu trục đa năng Sukhoi SU 30 MK2 và mới đây mua của Gia Nã Đại 6 thủy phi cơ (Otter DHC-6 series 600) để tuần tiễu trên biển. Cộng sản Việt Nam hiện đang thương lượng với Do Thái để mua một hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn (Short–Range Ballistic Missile System - SRBN) còn được gọi là đạn pháo tầm hoạt động nới rộng (Extended Range Artillery Munition) gọi tắt là EXTRA. Hỏa tiễn này có tầm hoạt động 150 cây số và mang đầu đạn nặng 125 kg và có thể phóng đi từ nhiều hệ phóng khác nhau trên mặt đất hay trên xe tải lưu động. Mục tiêu của Cộng sản Việt Nam muốn dùng loại hỏa tiễn EXTRA để tăng khả năng tác chiến pháo binh từ đất liền ra biển Đông.
Số vũ khí mà Hà Nội tân trang chỉ như muối bỏ biển so với tiềm lực của hải quân Trung Quốc hiện nay. Từ 20 năm qua, Bắc Kinh đã dồn hàng chục tỷ Mỹ Kim để tân trang lực lượng hải quân nhằm tiến hành chiến lược: cận hải phòng thủ (offshore defense) với 3 nhiệm vụ: 1/ Bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền; 2/ Kiềm chế kẻ thù từ ngoài khơi và không cho đổ bộ; 3/ Bảo vệ sự thống nhất đất nước và quyền lợi trên biển cả. Với những nhiệm vụ này, hải quân Trung Quốc sẽ đi đến tận những nơi xa trên biển mà họ có khả năng đưa các lực lượng đặc nhiệm đến với sự yểm trợ và an ninh cần thiết. Theo ông Brad Kaplan, một chuyên gia quân sự Hoa Kỳ thì nhiệm vụ của hải quân Trung Quốc hiện nay bao gồm việc chiếm đóng và phòng thủ các hải đảo, bảo vệ cũng như phong tỏa các đường giao thương trên biển. Trong tham vọng đó, hải quân Trung Quốc sẽ hoạt động từ hình cung Vladivostok ở phía Bắc đến eo biển Malacca ở phía Nam, nới rộng ra các quần đảo ở biển Đông và kéo đến chuỗi quần đảo thứ hai (Bonnis, Guan, Marians và quần đảo Palau) cho đến năm 2050.
Với chiến lược bành trướng và bá quyền của Bắc Kinh như vậy, Việt Nam chỉ có hai con đường phải chọn: 1/ Cúi đầu khuất phục như 15 ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đang làm để cam chịu kiếp sống nô lệ, nhục nhã. 2 /Can đảm chống lại các hành động bá quyền của Bắc Kinh như tổ tiên chúng ta đã làm và đã thành công. Không có dân tộc nào đi chọn con đường thứ nhất dù phải hy sinh xương máu. Những bài học của lịch sử, đặc biệt là những bài học trong 1000 năm Bắc thuộc đã chỉ cho chúng ta thấy rằng một nước đi xâm chiếm một lãnh thổ khác chỉ có thể làm được khi có sự a tòng làm tay sai của đám lãnh đạo. Chủ quyền Việt Nam hiện bị Trung Quốc xâm lấn là vì lãnh đạo quá yếu hèn. Chúng ta chỉ có thể chống lại sự bá quyền của Trung Quốc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ với hai cái nhìn:
Thứ nhất là dân ta phải ý thức rằng lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam không phải là tập đoàn yêu nước. Đừng bao giờ chờ đợi ở họ bất cứ một hành động nào chống lại Bắc Kinh; ngược lại, họ tìm mọi cách làm vừa lòng quan thầy, kể cả đàn áp và khống chế những ai dám bày tỏ sự chống đối.
Thứ hai là đừng nghĩ dân ta phải tiến hành một cuộc chiến thì mới chống lại sự bá quyền của Bắc Kinh. Trong tình hình hiện nay, mặc dù Trung Quốc rất hung hăng bành trướng nhưng cũng rất sợ phải lao vào một cuộc chiến toàn diện với bất cứ quốc gia nào vì nội bộ của Trung Quốc không ổn định như họ mong muốn.
Từ cái nhìn này, chính dân ta phải can đảm đứng lên nói những lời yêu nước và đòi hỏi Bắc Kinh phải chấm dứt: 1/ chiếm đóng Hoàng Sa, Trường Sa; 2/ bãi bỏ lệnh cấm đánh cá ngang ngược; 3/ chấm dứt đưa tàu chiến tuần tra trên Thềm Lục Địa Việt Nam. Chúng ta bắt đầu bằng những bài viết trình bày nguyện vọng của người Việt Nam một cách công khai. Kế đến chúng ta cùng nhau tụ họp để trình bày những quan điểm với thế giới, với dư luận trong và ngoài nước một cách ôn hòa bất bạo động. Tinh thần Diên Hồng cần phải được khởi sự từ những nỗ lực góp lửa, tạo niềm tin dân tộc ở mỗi cá nhân.
Trong hơn một tháng vừa qua, trên các trang nhà đã đăng tải hình ảnh về việc một số thanh niên ở trong nước đã vẽ dòng chữ HS.TS.VN (tức Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam) trên tường, cột đèn, trụ đường, cổng trường và cả trên giấy bạc. Họ đã làm ở nhiều nơi như Hà Nội, Đồng Nai, Cần Thơ, Sài Gòn. Đọc một số cảm nghĩ của họ trên các trang nhà thấy rằng họ làm vì “bức xúc” trước chủ quyền Việt Nam bị đe dọa mà kẻ lãnh đạo đất nước lại ngầm tiếp tay với kẻ thù, phẫn nộ vì chế độ “hèn với giặc” còn quay lại đàn áp, trù giập những tiếng nói lương tâm của người yêu nước.
Hãy tiếp tay những bạn trẻ loan tải và đóng góp vào những việc làm tích cực trong tầm tay. Tất cả mọi cuộc thay đổi đều khởi sự từ những quyết tâm với những việc làm rất nhỏ của từng người. Nếu chúng ta kiên trì chia xẻ hàng chữ “Hoàng sa và Trường sa là của Việt Nam” đến với tất cả mọi người một cách đều đặn, hàng ngày, cùng với những sáng kiến và đóng góp nhỏ bé khác, tinh thần Diên Hồng chắc chắn sẽ được phục hưng trong nỗ lực chống lại sự bá quyền của Bắc Kinh.
Lý Thái Hùng
Ngày 12/5/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét