04 tháng 7, 2011

Cuộc Cách Mạng Hoa Lài: Tự phát hay do kế hoạch của Hoa Kỳ?

Cuộc cách mạng Hoa Lài được khởi động chính thức từ ngày 18 tháng 12 năm 2010, một ngày sau khi sinh viên Mohamed Bouazizi tự thiêu để phản đối cảnh sát Tunisia cướp đi sạp bán trái cây kiếm sống hàng ngày của anh tại thị trấn Sidi Bouzid, cách Thủ đô Tunis non 300 cây số về hướng Nam. Cái chết oan ức của sinh viên Bouazizi đã không chỉ tạo thành làn sóng căm phẫn trong hàng ngũ sinh viên, trí thức và công nhân tại Tunisia với những cuộc biểu tình chống chính phủ lên đến hàng trăm ngàn người, mà còn lan tỏa đến các quốc gia Hồi Giáo khác trong vùng. Âm hưởng của cuộc cách mạng Hoa Lài chưa chấm dứt, sau khi xóa sạch hai chế độ độc tài Ben Ali tại Tunisia (14/01/2011) và Mubarak tại Ai Cập (11/2/2011). Hương thơm của Hoa Lài vẫn còn bao phủ trên bầu trời Syria, Yemen, Algeria, Sudan, Iran, Libya... trong khối Á Rập với những diễn biến chính trị khá phức tạp tùy theo phản ứng của từng nước.



Điều mà nhiều người thắc mắc rằng cuộc cách mạng Hoa Lài có phải là sự tự phát vùng dậy của quần chúng trong khối Ả Rập hay là phó sản của dự án Đại Trung Đông mà Tổng thống George W Bush của Hoa Kỳ đưa ra vào năm 2004? Mục tiêu của dự án này là để xây dựng một thể chế chính trị dân chủ tại Trung Đông nhằm ngăn chận mọi mầm mống độc tài trong các xứ Hồi giáo, chấm dứt vĩnh viễn các nhóm khủng bố, sau biến cố Hoa Kỳ bị nhóm Hồi giáo Al Qaeda tấn công vào tháng 9 năm 2001.

Trong Thông điệp gửi đến quốc dân Hoa Kỳ vào đầu năm 2004, Tổng thống George W Bush, tuy không nhắc đến “dự án Đại Trung Đông”, nhưng đã nói về một viễn cảnh mà chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ của ông muốn làm ở Trung Đông. Đó là: “Chừng nào mà khu vực Trung Đông còn là nơi dung túng bạo ngược, là chốn của nỗi thất vọng và căm hận, nó sẽ còn tiếp tục sinh ra những phần tử quá khích và những phong trào đe dọa nền an ninh của Hoa Kỳ và hòa bình Thế giới. Hoa Kỳ phải theo đuổi một chiến lược xây dựng nền móng dân chủ đích thực trong khu vực Trung Đông”.

Tháng 6 năm 2004, tại Hội nghị Thượng định khối G8, Tổng thống Bush đã đề nghị dự án Đại Trung Đông đến 8 cường quốc kinh tế vào lúc đó gồm Anh, Pháp, Nhật, Ý, Gia Nã Đại, Đức và Nga, với mục tiêu là “mang tự do đến Khối Á Rập”. Để tiến hành dự án này, Tổng thống Bush đã ủy thác cho khá nhiều tổ chức như USAID (cơ quan viện trợ Hoa Kỳ); National Endowment for Democracy (NED); và Middle East Partnership Initiative (MEPI) thực hiện 4 loại hoạt động nhằm cải cách về giáo dục, chính trị, kinh tế và nhất là thăng tiến vai trò người phụ nữ trong xã hội Hồi Giáo.

Đặc biệt, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ còn trực tiếp hỗ trợ việc thành lập một tổ chức bất vụ lợi khác có tên là Dự Án Dân Chủ Trung Đông (Project on Middle East Democracy) vào năm 2005. Tổ chức này có ba nhiệm vụ chính: 1/ Viện trợ kinh tế; 2/ Trợ giúp quân sự; 3/ Hỗ trợ đối ngoại để từng bước cải thiện mối quan hệ giữa các quốc gia trong khối Á Rập với Hoa Kỳ, đặc biệt là phát huy sự thân thiện với người dân Hoa Kỳ và mở rộng sinh hoạt dân chủ tại những nước Hồi Giáo.

Một cách tổng quát, trong hơn 7 năm qua, từ năm 2004 đến nay, những tổ chức nói trên đã tiến hành một số nỗ lực chính yếu có thể được ghi nhận như sau:

Đối với cơ quan USAID, các hoạt động chính gồm:

1/ Huấn luyện và đào tạo về kỹ thuật cho hàng loạt cán bộ hành chánh để giúp xây dựng một chính quyền vận hành theo nguyên tắc dân chủ.

2/ Phát huy xã hội pháp quyền.

3/ Mở rộng sự cạnh tranh chính trị bởi sự tham gia bình đẳng giữa các tổ chức dân sự, đảng phái chính trị, cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương và các tổ chức đại diện giới cử tri.

Đối với cơ quan MEPI, các hoạt động chính gồm:

1/ Phát triển mạng xã hội dân sự với mục tiêu chính là tạo một hạ tầng với những cá nhân có tiềm năng tham gia điều hướng các cải cách chính theo chiều hướng dân chủ tại các địa phương.

2/ Tăng cường đối kháng chính trị bằng cách giúp huấn luyện khả năng cho những ứng viên hay những đảng phái chính trị. Vận động phụ nữ tham gia vào các sinh hoạt chính trị và hỗ trợ cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

3/ Củng cố xã hội pháp quyền bằng cách giáo dục quần chúng biết và xử dụng đúng quyền.

4/ Xây dựng một mạng lưới của những người hoạt động dân sự.

Đối với cơ quan NED, các hoạt chính trị gồm:

1/ Khuyến khích phụ nữ Ả Rập tham gia sinh hoạt chính trị.

2/ Hỗ trợ những nhóm dân sự đẩy mạnh các đòi hỏi cải cách chính trị, trách nhiệm của chính quyền.

3/ Đề cao về tiến trình bầu cử tự do.

4/ Củng cố xã hội pháp quyền.

5/ Khuyến khích sự xuất hiện của các cơ quan truyền thông độc lập.

Trong hơn 7 năm, Hoa Kỳ đã tài trợ khoảng 2,3 tỷ Mỹ Kim cho các dự án nói trên. Trong số này, Hoa Kỳ đã tài trợ mang tính dân sự cho Tunisia là 22,2 triệu Mỹ Kim; Ai Cập 334,3 triệu Mỹ Kim; Iraq 523 triệu Mỹ kim; Jordan 28,3 triệu Mỹ kim; Yemen 6,6 triệu Mỹ kim; Bahrain 1,3 triệu Mỹ kim; Algeria 3,7 triệu Mỹ kim; Lebanon 28,5 triệu Mỹ kim, Morocco 3,6 triệu Mỹ kim... để tổ chức mạng xã hội dân sự, khuyếch trương mạng Internet ở các trường học và tổ chức hàng ngàn khóa tập huấn về đấu tranh bất bạo động và kỹ thuật mềm (khóa Leadership) cho thanh niên sinh viên.

Trong một tài liệu thẩm định về thành quả đạt được của dự án Đại Trung Đông tiến hành từ năm 2004 đến 2010, Tổ chức NED cho rằng tuy Hoa Kỳ chưa hoàn toàn chinh phục cảm tình của người dân khối Á Rập; nhưng đã tạo được sự cảm thông và đa số giới trí thức Hồi Giáo chấp nhận “tự do dân chủ” là điều kiện tiên quyết để phát triển và giữ ổn định xã hội. Cụ thể ra, dự án Đại Trung Đông đã mang đến một số thay đổi trong xã hội Hồi Giáo như sau:

1/ Phát triển xã hội dân sự: Vào thời điểm 2004, khi Hoa Kỳ bắt tay vào dự án dân chủ hóa Trung Đông, sinh hoạt đảng phái và nhất là những tổ chức dân sự tại những quốc gia Tunisia, Bahrain, Ai Cập, Syria, Yemen... đếm trên đầu ngón tay. Đảng phái chính trị, ngoại trừ một vài lực lượng thân chính quyền hoạt động mang tính chất “đối lập cuội”, đa số còn lại đều là những tổ chức mang màu sắc quá khích hoạt động bí mật. Những tổ chức NGO, đa số do chính quyền lập ra để nhận tiền tài trợ từ các quốc gia Âu Châu giúp phát triển giao lưu về văn hóa, nghệ thuật hay giúp đỡ sức khoẻ thiếu nhi, phụ nữ. Nhưng đến năm 2010, qua báo cáo của NED, con số các đoàn thể xã hội dân sự tại Tunisia tăng từ 3 ngàn tổ chức lên 12 ngàn tổ chức. Tại Ai Cập từ 5 ngàn tổ chức lên 17 ngàn tổ chức. Yemen từ 2 ngàn tổ chức lên 7 ngàn tổ chức. Nội dung hoạt động của những tổ chức NGO được lập ra sau này chú trọng vào việc nâng cao dân chủ và giá trị phụ nữ.

2/ Xác lập một số quyền dân sự cơ bản: Có ba quyền đã được xác lập và trở thành xương sống hoạt động của các lực lượng quần chúng đối kháng kể từ năm 2006 trở đi: 1/ Quyền Tự Do Lập Hội; 2/ Quyền Nghiệp Đoàn; và 3/ Quyền Tự Do Hội Họp. Cho đến cuối năm 2005, những quyền nói trên không những không được thừa nhận mà còn bị cấm hoạt động như tại Bahrain, Ai Cập, Yemen, Algeria... Thời điểm 2005 đến 2007 cũng là khoảng thời gian xảy ra những cuộc đàn áp chính trị khốc liệt tại một số quốc gia như Ai Cập, Tunisia, Yemen, Algeria... khi Hoa Kỳ ngầm yểm trợ cho một số lực lượng đối kháng và những tổ chức dân sự tham gia các cuộc vận động bầu cử chống lại sự độc diễn của thành phần lãnh đạo Hồi Giáo. Tuy đa số bị đàn áp và có nhiều lãnh đạo phe đối kháng phải trốn chạy ra nước ngoài; nhưng chính những áp lực đấu tranh vào lúc này đã góp phần xác lập các quyền dân sự cơ bản, làm nền tảng cho những thay đổi chính trị hiện nay.

3/ Nâng cao vai trò phụ nữ và điện toán hóa các cơ sở giáo dục: Đi cùng với việc xác định ba quyền dân sự nói trên, dự án Đại Trung Đông còn đóng góp hai nỗ lực quan trọng trong khối Hồi Giáo là nâng cao vai trò phụ nữ và xóa bỏ nạn mù chữ. Hoa Kỳ đã bỏ ra hơn 500 triệu Mỹ Kim để thiết lập một Quỹ nhằm tài trợ cho những hoạt động của người phụ nữ Hồi Giáo trong chính trị, truyền thông, cơ quan công quyền. Trong 5 năm từ 2005 đến 2010 đã có 1 triệu 200 ngàn phụ nữ thuộc 19 quốc gia Trung Đông trở thành những nhà lãnh đạo trong các cơ quan công quyền, giáo dục, xã hội, phi chính phủ. Hoa Kỳ còn giúp tài trợ việc soạn lại những bộ sách giáo khoa và các thiết bị giáo dục theo chiều hướng dân chủ hóa, giảm bớt màu sắc quá khích của tư tưởng Hồi Giáo. Thông qua sự tài trợ của các công ty tin học Hoa Kỳ, dự án Đại Trung Đông đã giúp điện toán hóa toàn bộ các thiết bị ở những trường học của một quốc gia Hồi Giáo như Tunisia, Ai Cập, Jordan, Morocco v.v...

Với những nỗ lực mà Hoa Kỳ tiến hành tại các quốc gia Hồi Giáo qua dự án Đại Trung Đông, cho thấy là phần nào nước Mỹ đã giúp cho người dân Tunisia, Yemen, Ai Cập, Morocco.... tiến gần đến một xã hội dân chủ. Nói cách khác, dự án Đại Trung Đông mà Tổng thống Bush tiến hành từ năm 2004, không nhằm ‘áp đặt” mô hình dân chủ lên các xứ Trung Đông mà từng bước giúp thay đổi môi trường sống với sự xây dựng nền tảng xã hội dân sự. Chính nhờ sự hỗ trợ này, người dân khối Ả Rập đã ý thức thế nào là dân chủ và biết cách đấu tranh để giành lại.

Nhìn lại các biến động chính trị tại Tusinia và Ai Cập từ cuối năm 2010, tuy khó khăn kinh tế đã là động lực chính khiến cho người dân bất mãn, đứng dậy biểu tình chống chính quyền; nhưng chính nhờ sự hỗ trợ của dự án Đại Trung Đông, đã như chất xúc tác làm cho cao trào dân chủ bộc phát nhanh hơn. Nói cách khác, các cuộc biểu tình tại Tunisia, Ai Cập, Yemen, Bahrain... hoàn toàn không do người dân tự phát mà tất cả đã được chuẩn bị và thực tập trong nhiều năm dài trước đó.

Biến cố nước Mỹ bị khủng bố Al Qaeda tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã khiến cho nước Mỹ có nhiều quyết tâm hơn trong việc hỗ trợ làn sóng dân chủ hóa Trung Đông để biến nơi này không còn là mảnh đất nuôi dưỡng hận thù và khủng bố. Hoa Kỳ chỉ mới đi những bước đầu với dự án Đại Trung Đông tại Tunisia và Ai Cập nên sẽ còn phải tiếp tục thêm vài năm nữa trước khi những chế độ độc tài tại Yemen, Syria, Libya, Morocco, Bahrain... thật sự giải thể.

Điều mà người Việt Nam cần suy gẫm là song song với dự án Đại Trung Đông đưa ra từ thời chính quyền Tổng thống Bush, hiện nay, dưới thời Tổng thống Obama, Hoa Kỳ cũng đang tiến hành một chiến dịch khác có tên là “Tự Do Internet” với mục tiêu khuyến khích sự phát triển mạng xã hội tại các quốc gia độc tài. Tháng 2 năm 2011, bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã nêu đích danh 5 quốc gia độc tài, đang là kẻ thù của Tự Do Internet cần phải đốn ngã là Trung Quốc, Miến Điện, Cộng sản Việt Nam, Iran và Ai Cập. Hoa Kỳ cũng chính thức thành lập một ngân quỹ 25 triệu Mỹ Kim để tài trợ và hướng dẫn các nhà hoạt động mạng ở những quốc gia độc tài. Sự chú trọng của Hoa Kỳ vào các nhà hoạt động mạng và đẩy mạnh phát triển các trang mạng xã hội hiện nay chẳng khác gì điều mà Hoa Kỳ đã chú trọng vào sự phát triển xã hội dân sự trong dự án Đại Trung Đông cách nay 7 năm.

Hoa Kỳ thực hiện điều này vì đã nhìn thấy rõ dân chủ hóa là xu thế tất yếu, không thể nào cưỡng lại được nữa trong dòng chảy toàn cầu hóa của thế kỷ 21. Trong số 198 quốc gia và khu vực nằm trong Liên Hiệp Quốc hiện nay, chỉ còn 42 quốc gia đang giam hãm người dân trong thể chế độc tài cần phải giải phóng, trong đó có Việt Nam.

Lý Thái Hùng
Ngày 4/7/2011

Tài liệu tham khảo:

- Tamara Cofman Wittes, The News U.S Proposal for Greater Middle East Inintiative: An Evaluation.

- Tamara Cofman Wittes & Sarah E. Yerkes: The Middle East Partnership Initiative: Progress, Problems, and Prospects

- Lilia Ben Salem: Tunisia.
www.freedomhouse.org/uploads/special_report/section/266.pdf -

- Mariz Tadros; Egypt and Women’s Rights in the Middle East and North Africa. www.freedomhouse.org/uploads/specialreports/.../2010/womensrights2010.pdf -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét