11 tháng 2, 2012

Tại sao dân chủ chưa đến với người dân Ai Cập?

Sự bỏ trốn khỏi xứ Tunisia của Tổng thống Ben Ali vào ngày 14 tháng 1 năm 2011, sau 23 năm độc quyền thống trị, đã không chỉ mang lại thắng lợi cho cuộc cách mạng dân chủ tại đây mà còn kích lên làn sóng dân chủ tại Ai Cập và nhiều quốc gia khác như Libya, Syria, Bahrain, Yemen… trong khối Á Rập. Tuy nhiên chỉ có diễn biến tại Ai Cập trải qua 18 ngày đấu tranh của hàng trăm ngàn người tại công trường Tahrir được coi là khí thế nhất và đúng như câu mà Wael Ghonim, một thanh niên đã sử dụng mạng Facebook để kêu gọi người dân Ai Cập theo gương Tunisia vùng dậy chấm dứt ách độc tài của Tổng thống Mubarak đã đi vào lịch sử: "Quyền lực của người dân mạnh hơn người nắm quyền." (The power of people is stronger than the people in Power).



Thế nhưng, những phức tạp của nội tình chính trị tại Ai Cập sau khi ông Mubarak ra đi, nhất là sự tiếp tục nắm quyền của phe quân đội trong một năm qua, khiến một số người cho rằng đây không phải là cuộc cách mạng dân chủ mà là cuộc đảo chánh khi phe quân đội lợi dụng sự bất mãn của người dân để lật đổ chính quyền Mubarak. Đúng là trên bề mặt, phe quân đội vẫn còn nắm quyền nhưng các tướng lãnh đã không thể tập trung quyền lực vào trong tay một hay vài người để kiểm soát độc quyền như dưới thời Mubarak cách nay 3 thập niên.

Nói cách khác, các tướng lãnh trong quân đội Ai Cập tuy đang cầm quyền nhưng là sự cầm quyền chuyển tiếp để hình thành một chính quyền dân sự dựa trên ý chí của dân chúng, qua sự tham gia của các đảng phái. Những cuộc biểu tình diễn ra liên tục gần đây tại thủ đô Cairo và nhất là cuộc bạo động tại sân vận động khiến cho gần 80 người thiệt mạng tại thành phố Port Said hôm mồng 1 tháng 2 đã là tín hiệu biểu hiện sự bất mãn tột độ của người dân nếu quân đội không nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự vào cuối tháng 6 tới đây, sau khi tổ chức xong bầu cử Tổng thống.

Tại sao những diễn tiến dân chủ hóa tại Ai Cập đã không xảy ra suông sẻ như ở Tunisia hay tại Đông Âu sau khi chế độ độc tài sụp đổ trong một năm vừa qua?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần điểm lại những diễn biến xảy ra trong 18 ngày: từ ngày 25 tháng 1 đến 11 tháng 2 năm 2011.

Sau vụ tự thiêu của sinh viên Mahamed Bouazizi vào ngày 17 tháng 12 năm 2010 ở Tunisia thì tại Ai Cập cũng có 3 vụ tự thiêu phản đối các đàn áp của chính quyền Mubarak xảy ra liên tục trong hai ngày 17 và 18 tháng 1 năm 2011. Tuy nhiên những cuộc tự thiêu này đã bị ém nhẹm và vì thế không tạo một làn sóng chống đối mạnh như ở Tunisia.

Chiều ngày 19 tháng 1, từ xứ Qadar, nơi mà Wael Ghonim làm việc với trách vụ giám đốc tiếp thị Công ty Google tại vùng Trung Đông đã bay về Thủ đô Cairo, Ai Cập, để cùng với một số bạn bè dùng trang Facebook “Tất Cả Chúng Ta là Khaled Said” để vận động mọi người xuống đường tranh đấu. Đây là trang Facebook mà Wael đã lập ra hồi năm 2010 để vinh danh thanh niên Khaled Said bị công an bắt giữ vì tham gia phong trào ủng hộ công nhân đình công và bị đánh chết trong lúc giam giữ ở thành phố Alexandria vào mùa hè năm 2010.

Trên trang Facebook này, Wael Ghonim đã kêu gọi thanh niên sinh viên Ai Cập cùng tham dự buổi tưởng niệm sinh viên Khaled Said tại công trường Tahrir vào ngày 25 tháng 1 năm 2011. Trang Facebook “Tất cả Chúng ta là Khaled Said” liền bị chính quyền Mubarak ra lệnh đóng cửa tức khắc.

Wael Ghonim không chịu thua, anh đã huy động bạn bè tiếp tục chuyển thông tin kêu gọi biểu tình lên Twitter, BlackBerry và các mạng Internet đến hàng triệu người. Vào lúc này mục tiêu chính của cuộc biểu tình là đòi Bộ trưởng nội vụ từ chức vì đã đàn áp dân chúng và yêu cầu giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống.

Một số đảng phái, tổ chức chính trị đã lên tiếng ủng hộ và tham gia cuộc biểu tình ngày 25 tháng 1 gồm có Lực lượng Thanh niên cho Công lý và Tự do, Liên đoàn Thanh niên cách mạng; Phong trào Dân chủ để Thay đổi; Đảng Ghad El Thawara, Mặt trận đấu tranh Dân chủ; Huynh đệ Hồi giáo; Phong trào Trẻ 6 tháng 4.

Hơn 80 ngàn người đã tham gia cuộc biểu tình tại công trường Tahrir vào ngày 25 tháng 1, vượt ra ngoài sự uớc tính của nhóm Wael Ghonim và nhất là của các đảng phái Ai Cập vào lúc đó. Lo sợ làn sóng chống đối có thể lan rộng khắp nơi, chính quyền Mubarak đã một mặt ra lệnh tắt mạng Internet và điện thoại cầm tay trong hai ngày 26 và 27 tháng 1, mặt khác bắt giữ Wael Gohmin dẫn đi mất tích.

Việc bắt giữ Wael Gohnim và ngăn chận Internet của chính quyền Mubarak đã bị phản ứng ngược khi hàng triệu người dân không thể truy cập mạng Internet và điện thoại di động, cùng nhau túa ra đường phản đối. Ngày 28 tháng 1, hàng trăm ngàn người đã cùng nhau tụ họp và chiếm đóng công trường Tahrir. Khẩu hiệu đưa ra vào lúc này chỉ có một nội dung duy nhất: “Mubarak phải từ chức”.

Khí thế đấu tranh của quần chúng có thể nói là ào ạt và lớn mạnh bất ngờ. Từ ngày 28 tháng 1 kéo dài cho đến khi Mubarak chấp nhận rút lui vào 6 giờ tối ngày 11 tháng 2, thủ đô Cairo hoàn toàn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Hình ảnh hàng trăm ngàn người chiếm đóng công trường Tahrir đã trở thành điểm hội tụ không những trên toàn quốc Ai Cập mà cả Trung Đông và trên toàn thế giới.

Thế nhưng, các đảng phái và tổ chức chính trị tại Ai Cập vào lúc đó không nghĩ là Mubarak sẽ từ nhiệm sớm khi quân đội vào lúc đó vẫn còn lên tiếng hẫu thuận gia đình Mubarak. Đa số nghĩ rằng ông Mubarak sẽ cầm cự đến tháng 9 năm 2011 cho đến hết nhiệm kỳ và sau đó sẽ rút lui, tổ chức bầu cử Tổng thống. Vì thế, nhiều đảng phái đã tham dự các cuộc họp với phó Tổng thống Omar Suleiman, người được ông Mubarak bổ nhiệm vào ngày 28 tháng 1 để tìm biện pháp cải tổ chính phủ và chuẩn bị bầu cử Tổng thống.

Ngày 6 tháng 2 năm 2011, trước áp lực của thế giới, Wael Ghonim được trả tự do, cục diện chính trị tại Ai Cập thay đổi sang một hướng khác. Nhóm thanh niên của Wael Ghonim và Phong trảo trẻ 6 tháng 4 đã liên kết kêu gọi mọi đảng phái, lực lượng chính trị chấm dứt các cuộc thương thảo với chính quyền Mubarak và đòi hỏi Murabak phải từ chức ngay tức khắc. Lời kêu gọi này đã làm phân hóa hàng ngũ lực lượng đối kháng với hai khuynh hướng: đa số thì đòi Mubarak từ chức; một số nhỏ tiếp tục tham dự các cuộc họp với phó thủ tướng Omar Suleiman.

Tuy nhiên, phía đòi hỏi Mubarak từ chức tức khắc càng ngày càng được quần chúng ủng hộ và đến ngày 10 tháng 2, số người chiếm đóng công trường Tahrir lên đến non nửa triệu người thì phía quân đội đã thay đổi thái độ, quay sang áp lực Tổng thống Mubarak phải từ nhiệm.

6 giờ chiều ngày 11 tháng 2, Phó tổng thống Omar Suleiman tuyên bố ông Mubarak từ chức tổng thống và trao quyền điều hành quốc gia cho Thượng Hội đồng Quân Lực Ai Cập.

Những diễn tiến nói trên cho chúng ta rút ra ba điểm:

Thứ nhất là Wael Ghonim và những thanh niên Ai Cập đã khai dụng mạng xã hội để qua đó truyền đạt lời kêu gọi của họ đi kèm với hình ảnh và âm nhạc sống động nên đã có thể tác động một cách mạnh mẽ lên ý chí của quần chúng mà chính quyền Mubarak không thể nào ngăn cản được. Chính nhờ những kỹ thuật mới đã thu hút số đông quần chúng tham gia như sóng trào dâng một cách bất ngờ vượt ngoài ước tính của ban tổ chức.

Thứ hai là những đảng phái và lực lượng chính trị đối lập đã bị cuốn vào trong làn sóng nổi dậy của quần chúng, hoàn toàn không có sự chủ động ngay từ lúc đầu để điều hướng quần chúng theo những thế trận tấn công chính quyền Murabak. Ngay ở đoạn cuối khi cao trào đấu tranh lên cao điểm tại quảng trường Tahrir, những người lãnh đạo các đảng phái, tổ chức chính trị đã không tạo được thế liên kết khai dụng sức mạnh quần chúng áp lực Tổng thống Mubarak và quân đội trao trả quyền lực cho người dân.

Thứ ba là quân đội đã giữ thế trung lập không tiếp tay chính quyền Mubarak để đàn áp người dân, dập tắt các cuộc biểu tình; nhưng khi thấy chính quyền Mubarak không trấn áp nổi cao trào nổi dậy của quần chúng, thì quân đội đã khôn ngoan chuyển quyền lực cho mình. Đây là điều không tính trước của các đảng phái, lực lượng đối lập tại Ai Cập nên vì thế mà đã không chiếm được ưu thế chính trị sau khi ông Mubarak ra đi.

Sau cùng, nhìn lại diễn biến của 18 ngày tranh đấu, từ ngày khởi động cuộc xuống đường đầu tiên - 25 tháng 1 năm 2011 - đến lúc Tổng thống Mubarak từ chức – 11 tháng 2 năm 2011, phải nói là nhờ những kỹ thuật vận động mới của mạng xã hội, phe dân chủ đã huy động làn sóng căm phẫn của người dân tuôn tràn quá nhanh; trong khi các đảng phái, lực lượng chính trị tại Ai Cập đã thiếu sự tổ chức để lãnh đạo ngay từ đầu, hầu điều hướng cuộc đấu tranh theo đúng sức bật của quần chúng. Do đó mà người dân Ai Cập sẽ còn phải mất nhiều nỗ lực để thu hồi lại quyền tự do dân chủ của mình hầu đưa tới cuộc bầu cử Tổng Thống công bằng và tự do vào tháng 6 tới đây.

Lý Thái Hùng
Ngày 11/2/2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét