Thái tử đỏ “Bạc Hy Lai” |
Mới đây, họ Bạc đã không những mất tất cả quyền lực (Bí thư Thành phố Trùng Khánh, Ủy viên Bộ chính trị) mà còn mất luôn cơ hội trở thành 1 trong 9 “hoàng đế” trong Ủy ban thường vụ Bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo tối cao của Trung Quốc bầu ra từ đại hội đảng kỳ 18 - sẽ tổ chức tháng 10 tới đây, sau khi người thân tín của họ Bạc trước đây là Vương Lập Quân chạy trốn vào Tòa lãnh sự Mỹ ở Thành Đô hôm mồng 6 tháng 2 năm 2012.
Sự việc đã hé mở cho công luận nhìn thấy những vết nứt trong nội bộ Trung Quốc, được che giấu bởi lớp sơn cải cách kinh tế kỳ diệu từ năm 1978 cho đến nay.
Vết nứt đầu tiên là qua sự thất sủng của Bạc Hy Lai, người ta thấy rõ nhóm lãnh đạo thế hệ thứ tư (Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo) và thế hệ thứ năm (Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường) đang muốn cô lập nhóm tả khuynh đã dùng Mao để phô trương thanh thế.
Vết nứt thứ hai là qua việc bắt giữ Từ Minh, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, lãnh đạo tập đoàn công nghiệp Dalian Shide ngay sau khi vợ chồng Bạc Hy Lai bị bắt, cho thấy là Bắc Kinh đang cố triệt hạ một vài “đại gia” - những con chốt giữ tiền, giữ tài sản của những dòng họ lớn ở trong đảng – để diệt mọi mầm mống đề kháng sau này.
*
Từ Bát Đại Nguyên Lão Với 2 Khuynh Hướng Cải Cách...
Để tiến hành chính sách mở cửa và cải tổ kinh tế theo hướng tư bản ngay sau khi lật đổ nhóm Tứ Nhân Bang từ cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã phải “thỏa hiệp” với 7 nhân vật đang nắm giữ vị trí lãnh đạo tối cao của đảng Cộng sản Trung Quốc vào lúc đó gồm Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Vương Chấn, Bành Chân, Dương Thượng Côn, Bạc Nhất Ba, Tống Nhiệm Cục với 4 nguyên tắc căn bản: 1/ Kiên định mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa; 2/ Giữ vững chuyên chính vô sản; 3/ Tôn trọng sự chỉ đạo duy nhất của đảng; 4/ Chấp hành tư tưởng Mao và Mác-Lênin.
Sau 30 năm cải cách, bốn nguyên tắc này vẫn được lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay tiếp tục duy trì nhưng được diễn dịch mỗi người một khác theo kiểu “đồng sàng dị mộng” nên mới tạo ra những vết nứt khó tránh.
Từ năm 1980, bảy nhân vật nói trên cùng với Đặng Tiểu Bình được tôn vinh là “Bát đại nguyên lão” (tám nhà lãnh đạo cao nhất) của Trung Quốc. Những suy nghĩ và hành động của tám lão ông đã ảnh hưởng sâu đậm lên tình hình chính trị - xã hội Trung Quốc trong nhiều thập niên sau đó. Trong 8 người này, chia làm 2 khuynh hướng luôn luôn đối chọi nhau: Một bên là Đặng Tiểu Bình chủ trương khai phóng thị trường, mở rộng đầu tư; bên kia là Trần Vân chủ trương cải cách từ từ. Trong 8 người này, Đặng Tiểu Bình (sinh năm 1904) và Bành Chân (1902) là cao tuổi nhất mà lại tâm đầu ý hợp về cải cách kinh tế và có trong tay những cán bộ giỏi như Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương, Ôn Gia Bảo... nên thường chiếm ưu thế trong việc quyết định chính sách.
Sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời vào năm 1997 và những người trong nhóm Bát Lão già yếu, lần lượt chết theo thời gian, sự lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc dần dần tập trung trong tay của 9 nhân vật được chọn vào Ủy ban thường vụ Bộ chính trị 5 năm một lần. Khuynh hướng chung của 9 nhân vật này vẫn chia làm 2 nhóm như dưới thời “bát đại nguyên lão” gồm nhóm cải cách nhanh và nhóm cải cách từ từ.
Từ khi lên thay Giang Trạch Dân ở vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước vào năm 2002, và nhất là ở nhiệm kỳ thứ 2 từ năm 2007, Hồ Cẩm Đào đã chịu khá nhiều áp lực từ hai nhóm:
Một là nhóm quân đội ‘hiếu chiến’ muốn đẩy mạnh tân trang vũ khí để bành trướng ảnh hưởng đối đầu với Hoa Kỳ.
Hai là nhóm Thái tử đảng (con cái của các nguyên lão) dùng thế lực của dòng họ bành trướng quyền lực và quyền lợi trong xã hội.
Trong hai nhóm áp lực này, khó chịu nhất là sự liên kết ngầm giữa Trần Nguyên, Chủ tịch ngân hàng phát triển Trung Quốc (con trai Trần Vân) và Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh (con trai Bạc Nhất Ba), qua sự đỡ đầu của Giang Trạch Dân và Chu Vĩnh Khang (Ủy viên thường vụ bộ chính trị), làm sống lại phong cách lãnh đạo Mao thời cách mạng văn hóa, để bành trướng ảnh hưởng.
.... Đến 3 Khuynh Hướng Cải Cách.
Từ đó đã hình thành ba khuynh hướng trong nội bộ lãnh đạo Bắc Kinh:
Khuynh hướng thứ nhất là đẩy mạnh cải cách kinh tế và cải cách chính trị qua việc mở rộng sinh hoạt dân chủ trong xã hội, đứng đầu là Ôn Gia Bảo (Thủ tướng), Uông Dương (Bí thư Tỉnh Quảng Đông và từng là Bí Thứ Trùng Khánh từ năm 2005 đến 2007, trước khi Bạc Hy Lai về thay thế).
Khuynh hướng thứ hai là cải cách kinh tế một cách tiệm tiến và không chấp nhận cải cách chính trị dân chủ vì cho là Trung Quốc sẽ loạn, đứng đầu là Hồ Cẩm Đào, Lý Khắc Cường (Phó Thủ tướng).
Khuynh hướng thứ ba là mở cửa cải cách kinh tế nhưng phải cải tạo xã hội theo lý thuyết của Mao để giữ vững cờ Hồng như thời cách mạng văn hóa, đứng đầu là Bạc Hy Lai và Trần Nguyên.
Trong ba khuynh hướng này, khuynh hướng cải cách chính trị dân chủ luôn luôn đối nghịch với khuynh hướng cải tạo theo đường lối Mao mà người ta gọi là “tân tả khuynh”. Uông Dương (sinh năm 1955) và Bạc Hy Lai (sinh năm 1949) là hai nhân vật đại diện cho hai khuynh hướng đối nghịch này, khá bộc trực và được tặng cho danh hiệu “hai khẩu đại bác” trong Bộ chính trị.
Từ khi rời Trùng Khánh đảm nhận chức Bí thư Tỉnh Quảng Đông vào năm 2007, Uông Dương đã dựa theo những chủ trương cải cách của họ Đặng để cổ súy một hình mẫu phát triển kinh tế mới tại Quảng Đông. Đó là khẳng định sự cải cách chính trị dân chủ phải đi liền với cơ chế thị trường thì mới nâng cao quyền lực thực sự của người dân trong xã hội. Uông Dương cho rằng cải cách kinh tế mà không thay đổi chính trị thì đất nước sẽ đi khập khễnh. Quan điểm này rất được Thủ tướng Ôn Gia Bảo ủng hộ.
Đến tận nơi lắng nghe và giải quyết vụ nông dân nổi dậy chống cưỡng chế ruộng đất tại Ô Khảm và cho dân làng bầu lấy người lãnh đạo tại đây hồi đầu năm nay là cách nhìn của Uông Dương cho những quan điểm cải cách nói trên. Sau vụ Ô Khảm, họ Uông cho in một tập sách gồm những bài viết mà ông đã từng viết về nhu cầu cải cách chính trị và kinh tế. Tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng) chính thức phát hành tập sách này.
Trong tập sách có một tiết lộ quan trọng là năm 1992, chính Đặng Tiểu Bình đã “phát hiện” Uông Dương khi đi thăm An Huy và gặp vị Thị trưởng 37 tuổi của thành phố Đồng Lăng, tỉnh An Huy. Họ Đặng đã phán “Uông Dương là một tài năng kiệt xuất của Trung Quốc” như đã từng phán “Hồ Cẩm Đào là lãnh đạo kế thừa của Giang Trạch Dân”.
Ngược lại, Bạc Hy Lai dựa vào thanh thế của gia đình, tự mình tung ra hai sáng kiến để thu hút sự chú ý của dư luận sau khi về làm Bí Thư Trùng Khánh. Sáng kiến thứ nhất là “chiến đấu với các băng đảng xã hội đen và phát động phong trào ca nhạc đỏ, giương cao cờ đỏ trong mọi cuộc tụ họp”.
Sáng kiến thứ hai lấy quỹ của các xí nghiệp quốc doanh xây một số chung cư cho người nghèo, người già, đồng thời cấp 600 triệu đồng nhân dân tệ như một loại tiền thưởng để phân phát cho 5 triệu cán bộ nghỉ hưu, cựu chiến binh tàn tật và người nghèo trong thành phố. Hai sáng kiến nói trên của họ Bạc rất được người dân Trùng Khánh ủng hộ; nhưng giới lãnh đạo Trung Ương thì cho là họ Bạc đã chơi đòn mị dân, dùng hình bóng của Mao để phô trương thanh thế.
Năm 2009, Bạc Hy Lai được mang danh hiệu “người đàn ông của năm” qua mặt cả Hồ Cẩm Đào lẫn Tập Cận Bình, trong một cuộc bình chọn trực tuyến do Nhân dân Nhật báo tổ chức. Không những thế, họ Bạc còn liên lạc gần gũi với Giang Trạch Dân và Chu Vĩnh Khang vốn là hai nhân vật không mấy ưa Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.
Trong tư thế đó, càng ngày Bạc Hy Lai càng tỏ thái độ ngạo mạn, xem mình như một “hoàng đế” của Trùng Khánh và thách đố cả ghế Tổng bí thư của Tập Cận Bình, vốn cũng là Thái tử đảng nhưng không “nổi” bằng họ Bạc. Thái độ cao ngạo của Bạc Hy Lai không những làm cho nhiều lãnh đạo Bắc Kinh khó chịu mà còn lo ngại họ Bạc muốn đưa Trung Quốc trở lại thời cách mạng văn hóa nhằm phá đổ những cải cách của Trung Quốc trong mấy thập niên qua.
Cô Lập Tả Khuynh
Điều sai lầm của Bạc Hy Lai là đã cách chức Vương Lập Quân, người mà họ Bạc đã đỡ đầu khi còn làm việc ở Liêu Ninh, đưa về Trùng Khánh làm Giám đốc công an và phó bí thư Trùng Khánh. Trùng Khánh là một trong 4 thành phố (Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh) trực thuộc Trung Ương.
Trong vụ trấn áp băng đảng xã hội đen, Vương Lập Quân đã xả thân giúp cho họ Bạc tạo nhiều thành tích trong việc bắt giữ rất nhiều băng nhóm tội phạm, dẫn tới việc bắt giữ hàng trăm quan chức và doanh nghiệp tại Trùng Khánh có liên hệ với xã hội đen. Nhờ kết quả này, họ Bạc đã trở thành “ngôi sao” sáng không chỉ ở Trung Quốc mà cả diễn đàn quốc tế trong hai năm qua.
Câu chuyện bắt đầu từ cái chết của một doanh nhân người Anh là Neil Heywood hôm cuối tháng 11 năm 2011 tại một khách sạn ở Trùng Khánh. Trong cuộc gặp gỡ căng thẳng vào ngày 18-1-2012, Vương Lập Quân đã đưa các bằng chứng cho thấy bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai, có liên quan tới vụ đầu độc ông Heywood, một người bạn trước đây của gia đình họ Bạc nhưng bị giết vì đã đe dọa sẽ tố cáo bà Cốc chuyển tiền ra ngoại quốc. Họ Bạc đã nổi trận lôi đình và đuổi họ Vương ra ngoài, nhưng sau đó yêu cầu quay trở lại và cho phép tiến hành cuộc điều tra.
Nhưng chỉ vài ngày sau, họ Bạc đổi ý cấm không cho Vương Lập Quân điều tra và ra lệnh giáng chức họ Vương xuống làm phó thị trưởng phụ trách giáo dục, văn hóa và khoa học - một trách vụ ngồi chơi xơi nước. Không những thế, Bạc Hy Lai còn cấm họ Vương không được tiết lộ việc này ra bên ngoài. Cảm thấy bị đe dọa, ngày 6 tháng 2 Vương Lập Quân đã chạy trốn vào tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Thành Đô; 24 giờ sau thì tự nộp mình cho Bộ công an và bị đưa về quản chế tại Bắc Kinh.
Nếu như họ Bạc khôn ngoan cứ để cho Vương Lập Quân điều tra và thu xếp để đưa hồ sơ vào loại bí mật... thì đã không tạo ra cơ hội cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo triệt hạ như hiện nay. Hiện bà Cốc Khai Lai và cả Vương Lập Quân đang bị Bắc Kinh giam giữ, trong khi Bạc Hy Lai thì bị quản chế tại nhà.
Nếu bị kết tội, Bạc Hy Lai có thể chỉ bị tội “bao che” trong vụ án giết người của bà Cốc Khai Lai, không trầm trọng so với công trạng của dòng họ Bạc đã đóng góp cho đảng. Điều mà lãnh đạo Bắc Kinh muốn triệt hạ Bạc Hy Lai chính là quan điểm tả khuynh đang gây nguy hiểm cho sự nghiệp chính trị của những nhóm còn lại.
Trong cuộc họp báo vào ngày 14 tháng 3, ngay sau khi bế mạc buổi họp Quốc hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lập lại nhiều lần về nguy cơ tái hiện cuộc cách mạng văn hóa là có thật và khẳng định rằng, nếu để diễn ra sẽ là một đại họa cho Trung Quốc. Phát biểu của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cho thấy là Bắc Kinh muốn cô lập các nhân sự tả khuynh.
Sự cô lập này không chỉ xảy ra ở trong đảng mà còn mở rộng trong giới quân đội. Theo một số tin tức trên mạng Trung Quốc, quân ủy trung ương đã cử nhiều nhóm điều tra đến Trùng Khánh để xem xét mối quan hệ giữa các sĩ quan tại đây với gia đình họ Bạc. Đặc biệt là bản doanh của Quân Đoàn 14 đóng ở Côn Ninh cũng bị điều tra vì Quân đoàn này do Bạc Nhất Ba (bố của Bạc Hy Lai) thành lập.
Triệt Hạ Đại Gia.
Tổng hợp từ các tin tức của Thông tấn xã Kyodo (Nhật Bản) và Trung tâm nghiên cứu chính trị & xã hội Trung Quốc thuộc viên đại học Illinois (Hoa Kỳ), trong vòng 30 năm qua, con số “đại gia” có tài sản từ triệu đến tỷ phú (tính theo Mỹ kim) tại Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Chỉ riêng về những đại gia thuộc hàng tỷ phú lên đến 114 người, đứng hàng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ (415 người). Theo điều tra của CNN, Trung Quốc hiện có 75 đại gia đang là đại biểu quốc hội có mức thu nhập tổng cộng là 90 tỷ Mỹ Kim kể từ khi Giang Trạch Dân cho giới tư doanh gia nhập làm đảng viên đảng Cộng sản.
Trong thành phần “đại gia” có những người giàu lên nhờ vào trí tuệ và khả năng kinh doanh của chính họ qua những lãnh vực kỹ thuật, điện toán, địa ốc, chứng khoán; nhưng đa số trở thành đại gia nhờ vào hai con đường.
Một là dựa vào cái bóng của dòng họ đã có thời nắm vị trí cao ở trong đảng, qua đó có những ảnh hưởng lớn trong một số lãnh vực và nhờ vậy họ đã độc quyền khai thác làm giàu. Đây là trường hợp của một số đại gia là con cháu của một vài công thần như Giang Trạch Dân có ảnh huởng rất lớn trong lãnh vực kỹ nghệ cao tại Thượng Hải; Chu Dung Cơ trong lãnh vực ngân hàng chứng khoán, Lý Bằng trong lãnh vực dầu khí hầm mỏ; Tăng Ứng Hồng trong lãnh vực năng lượng vân, vân...
Hai là đại gia đóng vai trò con chốt giữ nhiệm vụ quản trị nguồn tài chánh và tài sản của một số lãnh tụ cao cấp chiếm lĩnh được, thường là đầu cơ địa ốc, dịch vụ chuyên chở, thực phẩm... nhưng không tiện đứng tên trong lúc đang còn nắm giữ quyền lực.
Hầu hết những lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc và gia đình của họ đều có cổ phần lớn trong nhiều công ty. Vợ chồng Bạc Hy Lai cũng đã liên hệ với nhiều đại gia làm ăn lớn từ thời còn ở Liêu Ninh và Trùng Khánh trong các ngành địa ốc, dịch vụ và xây dựng.
Ngay sau khi truy tố bà Cốc Khai Lai và quản thúc ông Bạc Hy Lai, Bắc Kinh đã tiến hành việc bắt giữ 39 người có liên hệ đến gia đình họ Bạc ở nhiều nơi ngoài thành phố Trùng Khánh. Trong số các đại gia bị câu lưu, Từ Minh, 41 tuổi, là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, lãnh đạo tập đoàn công nghiệp hóa chất Thật Đức (Dalian Shide) ở Đại Liên.
Tờ Business Herald Thế kỷ 21 cho rằng, Từ Minh cùng với một công ty khác ở Trùng Khánh bị điều tra vì liên hệ một vụ mua bán bất động sản vào năm 2009 tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (thuộc vùng Đông Bắc) khá mập mờ với gia đình họ Bạc. Từ Minh còn bị điều tra vì dính dáng đến một vụ tai tiếng gian lận trong bóng đá. Thông tin trên các mạng Trung Quốc thì cho rằng công an điều tra Từ Minh vì muốn biết rõ nguồn tài chánh của tập đoàn Thật Đức có liên hệ ra sao với gia đình Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai.
Việc điều tra công ty Dalian Shide chỉ là bước khởi đầu mà lãnh đạo Bắc Kinh đang soi rọi vào những “đại gia” từng liên hệ với họ Bạc để truy tìm những tài sản mà họ cất giữ ở trong nước hoặc chuyển ra ngoại quốc. Đây cũng là đòn nhằm triệt hạ tận gốc mầm đề kháng trong tương lai.
*
Tóm lại, những diễn biến đưa đến sự thất sủng của Bạc Hy Lai, một ngôi sao đang lên của Trung Quốc, quả là một chuyện trinh thám ly kỳ như nhiều báo chí đã phân tích. Ly kỳ vì qua sự ngã ngựa của họ Bạc, người ta thấy rõ hơn những bí ẩn và tội ác bên trong guồng máy chính trị độc tài vận hành dưới sự thao túng của một thiểu số lãnh đạo.
Vụ án Bạc Hy Lai không đơn thuần là vụ án chống tham nhũng như Bắc Kinh đã từng truy tố Trần Hy Đồng (Thị trưởng Bắc Kinh) hay Trần Lương Vũ (Bí thư Thượng Hải) trước đây, mà là một vụ án chính trị. Trước khi ra lệnh bắt họ Bạc, cả Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã “dị ứng” với phong thái lãnh đạo kiểu Mao của Bạc Hy Lai và không hề đặt chân đến Trùng Khánh kể từ cuối năm 2008.
Vì là vụ án chính trị nên sẽ kéo dài nhiều năm. Họ Bạc sẽ tìm cách liên lạc những người liên hệ trong nhóm Tân Tả Khuynh* và nhất là những thuộc hạ cũ của Bạc Nhất Ba hầu tạo những áp lực chính trị lên thế hệ lãnh đạo thứ năm (Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường) sẽ lên cầm quyền vào mùa Thu năm nay. Vụ án Bạc Hy Lai, do đó sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng và hé mở thêm những bí ẩn hậu trường Trung Nam Hải.
Lý Thái Hùng
Ngày 21/4/2012
(*) Ghi Chú: Quý độc giả muốn tìm hiểu thêm khuynh hướng Tân Tả Khuynh tại Trung Quốc hiện nay xin tìm đọc sách The Party – the Secret World of China’s Communist Rulers của tác giả Richard McGregor, xuất bản năm 2010 – Chương 2: China Inc,: The Party and Business.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét