Ngày 16 tháng 5 vừa qua, CSVN đã đưa hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha ra xử tại tòa án tỉnh Long An về tội tuyên truyền chống phá nhà nước chỉ vì đã phát truyền đơn chống bá quyền Trung Quốc. Bản án khá bất ngờ đối với dư luận Việt Nam và Quốc Tế: 6 năm tù giam cho Phương Uyên và 8 năm tù giam cho Nguyên Kha.
Cùng ngày hôm đó, ông Nguyễn Tiến Chỉnh, Trưởng ban Khoa học công nghệ và Chiến lược phát triển của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản CSVN (Vinacomin) mở cuộc họp báo trình bày về tình hình khai thác Bauxite tại Tây Nguyện. Lời tuyên bố của ông Chỉnh đã làm cho công luận sửng sốt: “Chúng tôi đã tính đến việc dừng Dự án Bauxite Nhân Cơ nhưng nói thật lòng không dám, vì những hậu quả phải gánh vác rất khó khăn.”
Tuy hai sự kiện xảy ra mang hai nội dung hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có cùng một bản chất liên quan đến lề lối ứng xử của lãnh đạo CSVN trong tình hình hiện nay.
Sợ Bắc Kinh, Không Dám Ngừng Dự Án Bauxite.
Ông Nguyễn Tiến Chỉnh giải thích thêm lý do không dám ngừng dự án Bauxite là vì “Ngồi trên đống tiền đầu tư (18,000 tỷ đồng cho hai dự án), nhà máy đã xây dựng, thiết bị, công trình nằm ngổn ngang, hợp đồng với các đối tác cũng đã ký. Vậy nếu dừng lại thì thiệt hại lớn như thế nào?”
Trong khi đó, các nhà khoa học đã phân tích và chỉ ra rằng dự án khai thác Bauxite chỉ mang từ lỗ cho đến thiệt hại mà thôi. So với tính toán ban đầu, cả hai dự án tại Tân Rai và Nhân Cơ tăng tới 7,000 tỷ đồng vốn đầu tư. Sau 4 năm đầu tư, nhà máy Tân Rai có cho ra những mẻ alumin đầu tiên nhưng chỉ để tồn kho vì giá thành cao hơn giá bán, trong khi nhà máy Nhân Cơ thì vẫn còn… thi công.
Nguyên nhân chính của sự thất bại này theo giải thích là do tính sai về kế hoạch xây dựng hạ tầng vận chuyển. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban Nhôm – Titan của Tập đoàn TKV thì nếu tiếp tục hai dự án này, tiền vận chuyển bằng đường bộ sẽ tốn khoảng 65 triệu Mỹ Kim mỗi năm, chưa kể những chi phí khác liên quan đến nhà kho, bốc dỡ và chi phí bao gói.
Dù giải thích nguyên do nào đi chăng nữa, sự thất bại của dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên chẳng khác gì sự phá sản của Tập đoàn đóng tàu (Vinashin) và Tập đoàn Vận chuyển hàng hải (Vinaline) làm thất thoát hàng chục tỷ Mỹ Kim cách nay vài năm, mà cho đến nay CSVN cũng chưa dám giải quyết cho rốt ráo.
Chính sự ngoan cố và duy ý chí của lãnh đạo CSVN trong việc dàn dựng ra những dự án kinh tế quy mô, bất chấp những phản đối của giới trí thức và công luận, vẽ ra cái gọi là “chiến lược phát triển” để Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp tiên tiến vào năm 2020, khiến cho nợ ngoại trái của Việt Nam hiện lên đến hơn 60 tỷ Mỹ Kim.
Tuy bị lỗ lã nặng, nhưng tại sao CSVN lại vẫn tiếp tục mà không dám ngưng dự án Bauxite? Đó chính là bởi Trung Quốc.
Dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên do Trung Quốc khuyến dụ từ năm 2001 khi Nông Đức Mạnh lên làm Tổng Bí Thư. Trữ lượng Alumin tại Việt Nam rất lớn và Trung Quốc đang cần cho nhu cầu phát triển công nghệ Nhôm nên Hồ Cầm Đào tìm mọi cách thuyết phục lãnh đạo CSVN.
Lúc đầu Bộ chính trị CSVN chần chừ không muốn tiến hành vì thiếu sự thống nhất bên trong. Nhưng Bắc Kinh không bỏ cuộc. Một mặt, Bắc Kinh cho Tập đoàn khoáng sản Trung Quốc sang làm việc với Tập đoàn than – khoáng sản CSVN để thiết lập dự án. Mặt khác tung hàng triệu Mỹ Kim mua chuộc những cán bộ cao trong Bộ chính trị để chấp thuận tiến hành dự án này.
Kết quả là năm 2008, Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Bộ chính trị ký với Bắc Kinh cho xúc tiến dự án khai thác Bauxite. Để tránh những chống đối của giới trí thức và dư luận Việt Nam vào lúc đó, nhất là lo ngại thảm kịch bùn đỏ gây tác hại môi trường vùng Tây Nguyên, CSVN tuyên bố rằng chỉ tiến hành dự án này ở hai thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ.
Sau 4 năm khai thác, CSVN đang ở vào khúc quanh tiến thoái lưỡng nan. Tuy muốn ngưng khai thác nhưng lo ngại Trung Quốc gây khó khăn, nhất là Bắc Kinh có thể đòi lại những số nợ cho vay hoặc bắt bồi thường những thiệt hại trên các giao kèo khai thác. Không những thế, Trung Quốc có thể phá bỉnh một số lãnh vực kinh tế khác mà CSVN khó có thể phòng chống hiệu quả.
Nói tóm lại, lãnh đạo CSVN không dám ngưng dự án khai thác Bauxite tại Tây Nguyên không chỉ vì sợ đối diện về những quyết định sai lầm và thất bại của mình, mà căn bản hơn là sợ Bắc Kinh nổi giận và có thể tung ra những đòn phá hoại khó lường.
Sợ Bắc Kinh, Bỏ Tù Sinh Viên Yêu Nước.
Từ những ứng xử phi lý, phi pháp và bất chấp những thiệt hại cho quốc gia, CSVN cũng đã nặng tay đàn áp những sinh viên yêu nước vì muốn chứng tỏ sự trung thành của họ đối với Phương Bắc.
CSVN biết rõ hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vô tội. Hai sinh viên này không hề viết hay lưu truyền bất cứ khẩu hiệu nào phê phán hay chỉ trích nhà nước CSVN mà họ chỉ tập trung lên án “tàu khựa” đã xâm phạm biển Đông.
Những hành động yêu nước của sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha đã có những tác dụng rất lớn trong giới trẻ và thành phần trí thức. Tuy nhiên, CSVN kết án nặng đối với hai sinh viên này không chỉ nhằm răn đe giới trẻ tại Việt Nam mà còn nhằm bịt miệng những ai dám xúc phạm đến Bắc Triều.
Nhìn vào cách loan tải của các tờ báo lề phải của CSVN về sự kiện Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng hôm 18 tháng 4 vừa qua đủ thấy tính chất tay sai của lực lượng công an và quân đội CSVN hiện nay.
Tờ Tuổi Trẻ thì cho rằng những luận điệu của Trung Quốc nêu ra trong sách trắng quốc phòng mang tính chất “vừa ăn cướp vừa la làng”. Bắc Kinh đã cố tình ngụy biện cho việc tăng cường ngân sách quốc phòng là để đối phó việc các nước láng giềng giáp biển đã làm cho tình hình căng thẳng và nghiêm trọng, trong khi trên thực tế thì chính lực luợng hải giám Trung Quốc đã thường xuyên dùng vũ lực trấn áp ngư dân của các nước ven biển Đông. Bài báo của tờ Tuổi Trẻ bị buộc phải bỏ tiêu đề “vừa ăn cướp vừa la làng”.
Trong khi đó, tờ Quân đội Nhân dân, cơ quan của Quân ủy trung ương và Bộ quốc phòng CSVN thì hết lời ca tụng sách trắng quốc phòng rằng Trung Quốc giới thiệu một khái niệm an ninh mới, theo đó đề cao sự tin tưởng lẫn nhau, lợi ích chung, sự bình đẳng và phối hợp, đồng thời theo đuổi an ninh toàn diện, an ninh chung và hợp tác an ninh trong vùng. Thậm chí tờ Quân đội nhân dân của CSVN còn khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi chính sách bá quyền, hành xử theo kiểu bá quyền hay bành trướng quân đội.”
Câu hỏi đặt ra là tại sao Cộng sản Việt Nam lại sợ Bắc Kinh đến như vậy?
Có rất nhiều lý do để CSVN phải dựa vào Bắc Kinh, nhưng có 3 yếu tố sau đây khiến Bộ chính trị CSVN không những không dám làm trái ý và còn ép buộc người dân Việt Nam không được chống lại Bắc Kinh.
Thứ nhất là Bắc Kinh đã khống chế bằng tiền, bằng quyền lợi đối với hầu hết các thành viên Bộ chính trị, một số ủy viên trung ương đảng và tướng lãnh quân đội CSVN qua con đường kinh tế. Trung Quốc hiện là quốc gia có nhiều dự án đầu tư và cho CSVN vay tiền dễ dãi nhất để tài trợ các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện và hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Trung Quốc chỉ cần tung những số liệu “tham ô” như đã từng tiết lộ cho giới ngoại giao tại Hà Nội rằng gia đình Nguyễn Tấn Dũng đã nhận 150 triệu Mỹ Kim để đổi lấy việc đồng ý tiến hành dự án Bauxite vào năm 2009, là đủ để buộc những cán bộ cao cấp CSVN phải phục tùng Bắc Kinh vô điều kiện. Nhất là hiện nay CSVN đang tung chiến dịch “chống tham nhũng” để thanh trừng nội bộ giữa các phe nhóm.
Thứ hai là lãnh đạo CSVN, đứng đầu là những cán bộ từng gắn chặt với Bắc Kinh như Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Chí Vịnh.... cầm đầu xu hướng phục tùng Trung Quốc như là “ngọn cờ” để tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Không dựa vào Bắc Kinh và không coi Bắc Kinh là mẫu mực thì lãnh đạo CSVN không thể nào thuyết phục được nội bộ tiếp tục cố thủ trong lô cốt độc đảng, để kéo dài ảo vọng tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Chống lại Bắc Kinh tức là đã chống lại “ảo vọng xã hội chủ nghĩa” mà Trung Quốc đang là đích nhắm nên dù có bực mình những hành xử bá quyền của đế quốc phương Bắc, CSVN vẫn phải im lặng hay phản đối chừng mực trong khuôn khổ cho phép của Bắc Kinh.
Thứ ba là cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều rất sợ làn sóng yêu nước của người Việt Nam. Hà Nội sợ làn sóng yêu nước vì nó có khả năng kích động thành một phong trào chống chế độ một cách rộng lớn, và lôi kéo cả những người trong lòng chế độ tham gia.
Bắc Kinh sợ làn sóng chống Trung Quốc tại Việt Nam vì kinh nghiệm của quá khứ cho thấy là làn sóng này có khả năng kết thúc một chế độ tay sai ngoại bang và tác động vào những lực lượng dân chủ tạo ra những chuyển biến thay đổi ngay tại thành trì mẫu quốc.
Tóm lại, khi một chế độ độc tài toàn trị rơi vào tình huống phải dựa vào một quan thầy để giúp chống lưng bảo vệ quyền lực cho lãnh đạo thượng tầng, cũng như bịt miệng người dân để làm hài lòng mẫu quốc thì sớm muộn gì họ cũng đối diện cảnh “tức nước vỡ bờ” xảy ra.
Hàng triệu người đã bày tỏ sự tức giận trên mạng xã hội, khi nghe tin CSVN kết án 14 năm tù cho hai sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha. Diễn biến này cũng không khác gì sự kiện hàng triệu người Tunisia bày tỏ sự phẫn nộ trên Facebook, Twitter khi hay tin sinh viên Mohamed Buoazizi, 26 tuổi đã tự thiêu để phản đối chế độ độc tài Ben Ali vào ngày 17 tháng 12 năm 2010.
Chỉ năm ngày sau, sự phẫn nộ nói trên đã chuyển ra trên đường phố. Đầu tiên là tại thành phố Sidi Bouzid, nơi sinh viên Mohamed Bouazizi tự thiêu và sau đó nhanh chóng lan rộng đến thành phố Jendouba, Sousse, Sfax và thủ đô Tunis.
Chế độ độc tài Ben Ali tại Tunisia đã sụp đổ sau 29 ngày biến động.
Lý Thái Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét