06 tháng 3, 2005

Việt Nam Trong Tương Lai Á Châu Thái Bình Dương

I- Dẫn Nhập:

Cách nay 100 năm, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, ông John Hay trong một bài phát biểu tại hội nghị hợp tác toàn cầu vào cuối thế kỷ 19 đã nói rằng: Địa Trung Hải là vùng biển của quá khứ. Đại Tây Dương là vùng biển của hiện tại. Thái Bình Dương là vùng biển của tương lai. Quả đúng như lời tiên tri của Ngoại trưởng John Hay, trung tâm thương mại của thế giới đã khởi sự chuyển đổi vị trí từ Đại Trung Hải sang Đại Tây Dương mà trong thế kỷ 20, nhân loại đã chứng kiến sự hưng thịnh của các quốc gia Âu Châu. Ngày nay, trung tâm thương mại của Đại Tây Dương đang từ từ chuyển dịch sang Thái Bình Dương, trong đó khu vực Á Châu Thái Bình Dương đang trổi dậy với một nhịp độ chạy đua phát triển giữa các nước chưa từng có trước đây bao giờ.



Á Châu Thái Bình Dương là nơi quy tụ 2 trong số 8 cường quốc hàng đầu của thế giới, là nơi xuất phát của 4 con Rồng (Đại Hàn, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông) và những nước Tiểu long (Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân) đang trong tiến trình cất cánh. Sự phát triển của những quốc gia kể trên phần lớn khởi đầu từ sau Thế Chiến Thứ Hai, nên được coi là một phép lạ kinh tế. Phép lạ này, thực ra có thể giải thích từ ba yếu tố sơ đẳng của kinh tế học mà các nước nói trên đã ứng dụng một cách hiệu quả. Đó là lao động, vốn và khoa học kỹ thuật. Từ mô hình này, hàng loạt mô hình phát triển kinh tế của nhiều quốc gia đã được xây dựng theo các hướng chú trọng vào tích lũy vốn đầu tư, gia tăng sự tiết kiệm trong quần chúng; coi trọng học vấn và du nhập mạnh mẽ các nền khoa học kỹ thuật từ bên ngoài.

Ngoài ba yếu tố sơ đẳng nhìn theo kinh tế học, sự sáng suốt của chính quyền trong việc duy trì ổn định xã hội và hoạch định chính sách phát triển hợp lý cũng là yếu tố quan trọng của sự thành tựu kinh tế. Nó không chỉ cải thiện cuộc sống bên trong mà còn làm đảo lộn trật tự kinh tế thế giới với những thành quả kỳ diệu. Từ hoàn cảnh nghèo khổ thời hậu chiến tới cuối thế kỷ 20, Á Châu Thái Bình Dương đã sản xuất ra một phần tư sản lượng toàn cầu và đến năm 2030 sẽ chiếm 50% tổng sản lượng thế giới. Dự trữ ngoại tệ của các quốc gia Nam Dương, Trung Quốc, Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Mã Lai, Hồng Kông, Tân Gia Ba không kể Nhật đã lên đến gần 500 tỷ Mỹ Kim, chiếm 40% số dự trữ của toàn thế giới. Á Châu Thái Bình Dương không chỉ sản xuất nhiều hơn mà còn là thị trường tiêu thụ hàng hóa và thu hút đầu tư từ các nước khác đổ vào để kiếm lời. Dân số Á Châu hiện lên đến 3,96 tỷ người, chiếm gần 68,4% dân số thế giới (2000). Riêng dân số các nước và vùng lãnh thổ nằm ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương là 2,5 tỷ nguời chiếm 43,8% dân số thế giới. Trong 10 nước trên thế giới có dân số trên 100 triệu người thì đã có 6 nước nằm ở Á Châu. Khoảng 1/3 dân số này có mức sống khá giả và hơn 400 triệu người đã có mức sống và sở thích tiêu thụ không thua gì người Âu Châu.

Với lợi tức và sức tiêu thụ gia tăng như vậy, Á Châu Thái Bình Dương nghiễm nhiêm trở thành đầu máy kinh tế lôi kéo sức sản xuất của các nền kinh tế khác, nhất là các nền kinh tế công nghiệp đã trưởng thành và nay chuyển sang nền kinh tế trí tuệ tại các quốc gia Tây phương. Trong toàn vùng, Đông Nam Á và Đông Bắc Á là hai khu vực phát triển mạnh nhất trong giai đoạn vừa qua. Theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới thì nếu không bị những khủng hoảng nghiêm trọng thì từ đây đến năm 2020, Á Châu Thái Bình Dương sẽ có 7 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Dương, Nam Hàn, Thái Lan và Đài Loan sẽ là những nước đứng đầu trong danh sách 15 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là hai cường quốc hàng đầu của Á Châu trong vòng 1 thập niên tới.

II- Những Vấn Đề Của Á Châu Thái Bình Dương

Do những đặc điểm về địa lý, lịch sử và trình độ phát triển kinh tế, xã hội, chính trị không đồng đều, khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã là nơi hội tụ các mâu thuẫn và đan xén những tranh chấp do ảnh hưởng của các nước lớn. Vì thế, Á Châu Thái Bình Dương cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề phức tạp trên phạm vi chiến lược lẫn chính sách. Trước hết, Á Châu Thái Bình Dương hiện không có những cơ chế quốc tế có khả năng giải quyết những mâu thuẫn và bất ổn trong vùng như ở Âu Châu hay Bắc Mỹ. Chỉ riêng vụ xung đột lãnh hải giữa Trung Quốc với một số quốc gia vùng biển Đông Hải đã kéo dài nhiều năm mà không có triển vọng giải quyết. Tổ chức APEC (Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương) chỉ có vai trò giới hạn trong ngoại thương và vẫn đang trong thời kỳ kết hợp phôi thai. Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ là một cơ chế hợp tác để giúp nhau phát triển hơn là một liên minh chính trị cấp vùng. Giữa các nước trong khối ASEAN còn quá nhiều dị biệt về chế độ chính trị, xã hội, văn hóa và vẫn còn mang tính cạnh tranh lẫn nhau để giành lấy ưu thế trên thương trường.

Trong khi đó, do yếu tố lịch sử của nhiều năm bị Nhật khống chế làm thuộc địa, các quốc gia Nam Hàn, Trung Quốc và Đài Loan vẫn luôn luôn đặt khoảng cách trong các quan hệ với Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, sự trổi dậy của Trung Quốc hiện nay không chỉ làm cho sự cạnh tranh trong vùng thêm gay gắt mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến mặt an ninh chiến lược. Trung Quốc hiện gia tăng cạnh tranh với ASEAN về huy động vốn đầu tư và mậu dịch, cũng như gia tăng khá nhanh về ngân sách quốc phòng, uy hiếp Đài Loan và tranh giành lãnh hải với Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân. Đặc biệt, Bắc Hàn đã tỏ ra hòa hoãn với Hoa Kỳ ngay sau khi lực lượng liên quân chiếm thủ đô Baghdad vào tháng 4 năm 2003 và đồng ý tham dự các cuộc thảo luận giữa sáu quốc gia gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Bắc Hàn, Nga về vũ khí hạt nhân, đã mở ra sự đối thoại mới để giảm thiểu những căng thẳng tại Bán Đảo Triều Tiên, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn trong tương lai.

Bên cạnh một số tiêu cực về mặt chiến lược, cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra hồi tháng 7 năm 1997 đã để lại nhiều bài học về mặt chính sách phát triển của các nước nói trên trong giai đoạn vừa qua.

Thứ nhất là các quốc gia trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã ít chú ý vào việc huy động nguồn vốn trong nước mà lại phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vốn đầu tư và thị trường bên ngoài trong tiến trình công nghiệp hóa. Về vốn đầu tư, trong giai đoạn từ cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 90, do nguồn vốn dư thừa của thế giới, đặc biệt từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và một số quốc gia Âu Châu đã ồ ạt đổ vào các nước Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Nam Dương, Singapore. Nhờ những nguồn vốn dồi dào từ bên ngoài, các nước nói trên đã thành công trong việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng từ giữa thập niên 90, do sự phát triển của ngành tin học, đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của những quốc gia hậu công nghiệp, cộng với xu thế Khu vực hóa, qua sự ra đời của EU, NAFTA khiến cho các nhà đầu tư của những quốc gia hậu công nghiệp như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức. .. thấy rằng việc đầu tư vào một số ngành kinh tế ở nội địa có khả năng mang lại lợi nhuận nhiều hơn là tiếp tục bỏ vốn vào các nền kinh tế đang phát triển ở Á Châu Thái Bình Dương. Khi nguồn vốn từ bên ngoài không đổ vào một cách ào ạt nữa, mà nguồn vốn trong nước lại không thể huy động nhanh, hầu hết các nước trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương rơi vào hoàn cảnh thiếu vốn và khủng hoảng.

Về thị trường tiêu thụ, các nước trong vùng Á Châu Thái Bình Dương cũng đã đối diện những cạnh tranh lẫn nhau một cách gay gắt. Với chính sách công nghiệp hóa hướng vào xuất cảng, những nước mới bước vào tiến trình công nghiệp hóa như Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai... đã không thể cạnh tranh trong những ngành công nghiệp tập trung nhiều vốn hay có kỹ thuật cao như Nam Hàn, Nhật Bản; đồng thời cũng không thể cạnh tranh những nước đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp tập trung lao động. Trong khi cố gắng vươn lên từ những cạnh tranh gay gắt, sự tác động của xu thế Toàn cầu hóa và Khu vực hóa đã làm cho những nền kinh tế đang phát triển như Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai lâm vào hoành cảnh lúng túng do những thay đổi của môi trường kinh tế thế giới. Ngoài ra, sự dồn quá nhiều vốn để chỉnh trang lãnh thổ và xây dựng khách sạn tráng lệ nhằm thu hút khách du lịch qua những nguồn vốn vay mượn từ các định chế tài chánh quốc tế, đã làm cho những quốc gia này bị hụt hẵng và tuột dốc khi các nguồn vốn vay mượn bị cắt hoặc bị đông lạnh.

Thứ hai là sự chi phối quá nhiều của chính quyền vào nền kinh tế tại hầu hết các quốc gia Á Châu Thái Bình Dương đã tạo ra một hiện tượng cộng sinh giữa hai tầng cán bộ: trong cơ quan nhà nước và trong các xí nghiệp. Ở giai đoạn đầu, vì đất nước quá nghèo và lạc hậu nên dễ khích động sự hăng say đóng góp của mọi giới cho quốc gia vì lý tưởng dân tộc. Nhưng khi lợi nhuận của công ty lên cao và khi quyền lực của nhà nước tỏa rộng trong các chính sách phát triển của những ngành kinh tế thì tình trạng tham nhũng, hối lộ đã phổ biến ở mọi cấp. Nhiều tài nguyên quốc gia và nhiều nguồn vốn vay mượn từ bên ngoài đã bị sử dụng bừa bãi hoặc đổ dồn vào một số xí nghiệp mà những cán bộ nhà nước có cổ phần hoặc nằm trong ban quản trị. Đây là khiếm khuyết thấy rõ nhất nhân vụ khủng hoảng năm 1997 nhưng các quốc gia này vẫn chưa có biện pháp mạnh để giải quyết, mặc dù bị những áp lực cải tổ mạnh mẽ từ các định chế tài chánh quốc tế.

Ngoài ra, sau nhiều năm phát triển, một tầng lớp trung lưu của xã hội đã được hình thành ở các quốc gia vùng Á Châu Thái Bình Dương có nếp sống không thua gì ở xã hội phương Tây. Tầng lớp trung lưu này, vừa có kiến năng, vừa có tài sản nhờ biết đầu tư hay mua bán cổ phiếu, vừa có những quan hệ quốc tế rộng rãi, vừa thích ứng trong sự chuyển đổi ngành kinh tế công nghiệp sang ngành kinh tế trí tuệ hiện nay, nên đã trở thành một lực lượng chính trị tiêu biểu. Chính lực lượng này đã tác động lên một số thay đổi chính trị tại nhiều quốc gia giúp cho xã hội được dân chủ hơn, khai phóng hơn và nhất là xóa bỏ nhiều tập quán tiêu cực của một xã hội phong kiến trước đây. Tuy nhiên, nó cũng đã tạo ra ít nhiều bất ổn trong xã hội với những cuộc đình công, biểu tình do sự kích động của tầng lớp trung lưu để chống lại sự ngoan cố của giới chủ nhân hay của giới cầm quyền trước những khát vọng thay đổi của quần chúng.

Thứ ba là ngoại trừ Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, vấn đề nghiên cứu (R & D) để hình thành một nền công nghiệp đặc thù của mình tại các quốc gia trong vùng Á Châu còn rất non yếu, thậm chí có một vài quốc gia chưa chú trọng. Phần lớn những ngành công nghiệp mà các quốc gia tại vùng Đông Nam Á phát triển không cần kỹ thuật cao, nặng tính lắp ráp bởi sức lao động do những nước hậu công nghiệp chuyển giao lại. Thậm chí có nhiều nước đã phải tiến hành những ngành sản xuất có nguy hại đến vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái mà một số quốc gia công nghiệp tiên tiến đã không còn muốn phát triển nữa.

Có thể nói là vì dồn vào việc lập thành tích tăng trưỏng kinh tế, nhiều quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương đã quá chú trọng vào việc du nhập các ngành công nghiệp từ bên ngoài mà không biết gạn lọc tầm mức ảnh hưởng tốt xấu trong lâu dài. Vì thế mà trình độ một số ngành công nghiệp tại nhiều quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương còn rất thấp so với nhiều nước tiên tiến. Tuy nhiên, nếu Á Châu Thái Bình Dương nhanh chóng khắc phục và đẩy mạnh tiến trình nghiên cứu thì sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.

Nói tóm lại, tuy công cuộc phát triển của một số quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương có những mặt tiêu cực, nhưng ít ra là các nước này đã tạo được một nền tảng phát triển vững vàng, nhất là đã giải quyết xong bài toán dân sinh trong một thời gian ngắn kỷ lục. Nhờ nền tảng này, người ta hy vọng là Á Châu Thái Bình Dương sẽ là vùng đất mở ra những vận hội mới cho nhân loại trong hai thập niên đầu thế kỷ 21. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ đứng đâu và có khả năng ra sao để có thể tồn tại với hai xu thế Toàn cầu hóa và Khu vực hóa hiện nay?

III- Vị Thế Của Việt Nam Trong Á Châu Thái Bình Dương:

Việt Nam nằm về phía Nam của những quốc gia công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và đang phát triển như Trung Quốc. Việt Nam cũng nằm về phía Bắc của các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Không những thế, Việt Nam còn chạy dài theo bờ biển phía Đông, trông ra biển Thái Bình Dương, cửa ngõ giao lưu quan trọng giữa hai vùng biển Đông Bắc và Đông Nam của Á Châu Thái Bình Dương. Vì thế mà sự luân lưu của các nguồn đầu tư và sự du nhập các ngành khoa học kỹ thuật từ bên ngoài của các quốc gia này, có khả năng tác động ít nhiều lên tình hình kinh tế và xã hội tại Việt Nam.

Việt Nam còn nằm ngay sát phía Nam của Trung Quốc, một nước lớn luôn luôn mang tham vọng bành trướng xuống phía Nam, nên đã trở thành nơi hứng chịu nhiều thảm kịch của lịch sử mỗi khi trật tự trong vùng thay đổi. Chính vì địa lý chính trị như vậy, Việt Nam luôn luôn đối diện với sự chòng chéo giữa triển vọng và rủi ro phát sinh từ những biến động nói trên. Chỉ cần nhìn vào cục diện từ thập niên 40 trở đi cùng với những thay đổi các trật tự tại Á Châu sau Thế Chiến Thứ Hai, chúng ta thấy rằng Việt Nam bị trở thành nơi diễn ra những thanh toán mâu thuẫn của các thế lực, trong khi những nước khác trong vùng đều đã phát triển trước ta một vài thập niên.

Năm 1975, Việt Nam đã có nhiều triển vọng để vươn lên trong một trật tự mới của Á Châu sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Thế nhưng, những sai lầm chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam sau năm 1975 đã khiến nước ta hứng chịu một lần nữa những thảm kịch phát sinh từ những xung đột quyền lực giữa Liên Xô - Trung Quốc, trên địa bàn Đông Dương. Chính ông Nông Đức Mạnh bài diễn văn đọc trong buổi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, đã thú nhận sự sai lầm của giới lãnh đạo về đường lối và chủ trương trong thập niên đầu sau khi chiếm Miền Nam. Do đó mà trong 30 năm qua, nền kinh tế của các quốc gia trong vùng Đông Á và Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bực, Việt Nam lại bị thế giới cấm vận kinh tế và phong tỏa ngoại giao trong gần 2 thập niên, hậu quả của giấc mộng xây dựng liên bang Đông Dương của đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1995, đảng Cộng sản Việt Nam mở mắt đưa Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập. Hai chính sách đổi mới và mở cửa, tuy có mang lại một số thay đổi bề nổi tại Việt Nam, nhưng chỉ ở bước khởi đầu. Nghĩa là tuy Việt Nam đã lập quan hệ với 180 quốc gia và khu vực, gia nhập làm thành viên khối ASEAN, APEC, ký hiệp định khung hợp tác với Liên hiệp Âu Châu và thiết lập bang giao với Hoa Kỳ; nhưng Việt Nam vẫn chưa được thế giới coi là một đối tác quan trọng. Để tìm hiểu nguyên do này cũng như nhìn về triển vọng tương lai của Việt Nam ra sao chúng ta cần lượng duyệt những lợi điểm và thế yếu của Việt Nam hiện nay ra sao:

Những điểm mạnh của Việt Nam:

1. Việt Nam được coi là trục giao lưu quan trọng của biển Đông, nơi quy tụ nhiều tuyến đường hàng hải lẫn hàng không, nối liền giữa hai vùng Đông Nam và Đông Bắc Á. Việt Nam còn nằm trong vùng lòng chảo của Thái Bình Dương, nơi hợp lưu của các nền văn minh cổ, kim Đông Tây nên dễ đón nhận nhiều sắc thái mới lạ của nhân loại.

2. Việt Nam nằm ngay trong biển Đông và Thái Bình Dương nơi có hàng ngàn loại cá, nhiều dầu thô, khí đốt cũng như nhiều loại khoáng sản kéo dài hàng ngàn cây số bên dưới thềm lục địa lẫn trong đất liền. Nhờ thế, Việt Nam được ưu đãi về hải sản, có một số quặng mỏ như Than đá, Măng gan, Thiết, Chì, Vàng nằm rải rác ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, đặc biệt có một số trữ lượng đáng kể về dầu thô cũng như khí đốt ở ngoài khơi Việt Nam.

3. Việt Nam đứng hàng thứ 13 về dân số trên thế giới với 82 triệu người, là nước đông dân đứng hàng thứ hai tại Đông Nam Á và đứng hàng thứ bảy trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Tuổi trung bình của Việt Nam hiện nay là 21,5 tuổi (2000) được coi là quốc gia có dân số trẻ trung, trong đó có khoảng 52% dưới 20 tuổi. Đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam để đẩy nhanh đà tiến bộ bằng sự chuyển hướng vào nền kinh tế trí tuệ, một xu thế mới của nhân loại hiện nay, hơn là cứ loay hoay rập khuôn theo mô hình phát triển nông nghiệp chế biến hay công nghiệp nặng mà nhiều nước khác đã đi qua. Vài năm trước đây, lao động rẻ là một lợi điểm để thu hút đầu tư, nhưng ngày nay, lao động rẻ không còn là sức thu hút mà là trí tuệ, kỹ thuật cao của công nhân.

4. Với một tiềm lực mạnh mẽ được xây dựng trong 25 năm qua trên ba mặt thương mại, tài chánh, chất xám của non ba triệu người Việt di tản ra hải ngoại sau năm 1975 là một tài nguyên vô cùng quý báu của quốc gia. Lực lượng này không chỉ góp phần mạnh mẽ cho đầu tư phát triển và đối ngoại của Việt Nam mà còn là đầu máy kéo đất nước bước nhanh vào tiến trình hội nhập quốc tế.

Những điểm yếu của Việt Nam:

1. Hệ thống chính trị của Việt Nam hiện không chỉ độc tài độc đảng mà còn là bộ máy cực kỳ phong kiến, lạc hậu và gian ác. Bộ máy này là trì lực duy nhất không chỉ ngăn cản mọi sức vươn lên của đại khối dân tộc và đất nước mà còn là nguyên nhân tạo ra những bất ổn xã hội. Kinh nghiệm cho thấy là sự phát triển của các quốc gia tại Đông Nam Á và Đông Bắc Á, hầu hết là nhờ vào sự lèo lái của hệ thống chính trị dân chủ, thoát thai từ các biến động chính trị dẹp bỏ độc tài của quần chúng trong những năm trước đó. Việt Nam cũng sẽ không đi ra ngoài biệt lệ nói trên ngoại trừ có phép lạ nào khác.

2. Khả năng tích lũy vốn ở trong nước còn quá yếu kém. Đa số các quốc gia trong vùng đều đạt từ 29% đến 44% so với GDP trong thời kỳ bắt đầu các kế hoạch công nghiệp hóa, trong khi Việt Nam không đạt tới mức 10% so với GDP. Có hai nguyên do để giải thích việc này. Một là dân ta quá nghèo, chạy ăn hàng ngày còn không có thì tiền lấy đâu mà tiết kiệm đầu tư. Hai là sự không tin tưởng của người dân đối với chính quyền qua những chính sách đổi tiền trong quá khứ hoặc một số vụ bê bối ngân hàng bị phanh phui trước đây đã khiến người dân không muốn để dành tiền trong ngân hàng mà lại tự cất dấu lấy.

3. Trình độ giáo dục của Việt Nam nói chung thua xa các nước trong vùng cỡ hai thập niên. Trong khi đó, chính quyền Hà Nội lo sợ diễn biến hòa bình nên đã tìm cách ngăn chận, kiểm soát mọi luồng thông tin và những giao lưu nhiều chiều giữa trong và ngoài Việt Nam. Không những thế, chính quyền Hà Nội không bỏ thêm tiền để gia tăng ngân sách giáo dục, xây dựng thêm trường ốc, trong khi lại tốn hàng chục triệu thiết lập hệ thống máy nghe lén hoặc kiểm soát các cuộc điện đàm của dân chúng.

4. Do nhiều năm theo đuổi chính sách ’thi hành nghĩa vụ vô sản quốc tế’ với việc xây dựng giấc mộng Liên bang Đông Dương làm bàn đạp bành trướng thế lực xuống phía Nam của đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam tuy là một thành viên của khối ASEAN, nhưng vẫn bị các nước trong vùng đối xử e dè, thiếu thân thiện. Mặc dù cả ba quốc gia Lào, Cam Bốt và Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN nhưng đây chỉ là sự kết hợp mang màu sắc chính trị nhiều hơn là kinh tế, mậu dịch vì trình độ trao đổi của ba quốc gia này còn quá thấp.

Sau khi lược duyệt những điểm mạnh và yếu của Việt Nam, chúng ta phải nhận thức thêm rằng, trong vòng hai thập niên tới đây, nhân loại sẽ tiến rất nhanh vào nền kinh tế trí tuệ chủ yếu dựa vào kiến năng và thông tin. Nền kinh tế trí tuệ hình thành trong đìều kiện kinh tế thế giới bị tác động mạnh mẽ hai xu thế Toàn cầu hóa và Khu vực hóa, đã tạo ra một số biến chuyển dễ nhìn thấy như tốc độ về sản xuất tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng về thu nhập, hay tốc độ về gia tăng thương mại mậu dịch tăng nhanh hơn tốc độ sản xuất, và tốc độ lưu lượng tiền tệ tăng nhanh hơn tốc độ gia tăng thương mại. Nhưng điểm đáng nói là trong nền kinh tế trí tuệ, công nhân áo trắng sẽ gia tăng rất nhanh và trở thành một lực lượng chủ yếu sản xuất ra tài sản xã hội. Theo thống kê sơ khởi của Ngân Hàng Thế Giới (WB) vào năm 2000 thì nền kinh tế trí tuệ đã chiếm 40% đến 47% GDP tại Hoa Kỳ, Nhật và Tây Âu; trong khi chiếm từ 25% đến 30% GDP tại Singapore, Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan.

Mặt khác, trong nền kinh tế trí tuệ, ngoài khả năng sáng tạo của trí óc, vấn đề thông tin giữ một vị trí then chốt. Vì thế mà chỉ trong vài năm qua, các công ty ứng dụng mạng lưới thông tin toàn cầu đã phát triển ào ạt và mang đến những tài sản hàng chục tỷ Mỹ kim trong một thời gian kỷ lục, vượt xa các ngành sản xuất công nghiệp. Thông tin hiện trở thành một tài nguyên quan trọng. Mọi người không chỉ có nhu cầu được thông tin mà còn được nối vào các liên mạng để tìm những thông tin cần thiết cho mình. Hiện nay các nước đều có chính sách đẩy mạnh phát triển kỹ thuật thông tin liên mạng và trở thành xu thế phát triển mới của Á Châu Thái Bình Dương. Theo tập Bạch Thư Kinh Tế Á Châu 2000, do Bộ Kế Hoạch Kinh Tế Nhật Bản phổ biến đã định lượng rằng chiều hướng phát triển ngành Kỹ Thuật Thông Tin (IT) tại Á Châu trong thế kỷ 21 sẽ gia tăng một cách nhanh chóng, đồng thời nó sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn kéo lại sự phục hồi nền kinh tế vốn bị đình đọng bởi cuộc khủng hoảng tài chánh - tiền tệ từ năm 1997. Theo tập Bạch Thư thì nhờ kỹ thuật thông tin phát triển ở tốc độ cao, giúp cho những quốc gia chậm phát triển có thể vươn lên và vượt qua mặt các nước tiên tiến và giàu có bằng khả năng. Với đà này, chính quyền Nhật cũng bày tỏ sự lo sợ là có thể vị trí số một của Nhật có thể bị thay thế.

Đứng trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới cùng với sự chuyển đổi từ nền sản xuất công nghiệp, dựa vào máy móc và tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế trí tuệ, dựa vào thông tin và trí tuệ, Việt Nam chắc chắn sẽ bị cuốn hút vào khuynh hướng của thời đại này. Trong hoàn cảnh đó, nếu Việt Nam có khả năng chủ động hòa nhập thì mới giữ được sự tự chủ để đi lên, còn nếu tiếp tục ngăn chặn thông tin và đi theo tiến trình công nghiệp hóa mà các quốc gia khác đã đi trước đây, Việt Nam sẽ bị thế giới bỏ lại đàng sau và khó có cơ hội theo kịp khoảngcách trí tuệ đang rất lớn và ngày càng dãn ra giữa các nước đang phát triển. Nếu bỏ lỡ cơ hội hòa nhập vào trào lưu chung của thế giới ngày nay, nửa thế kỷ sau chưa chắc Việt Nam đã có thể chuyển đổi sang nền kinh tế trí tuệ.

Để phá vỡ hiện trạng tiêu cực hiện nay, điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải nhanh chóng tháo gỡ những sai lầm chính trị, tạo dựng một bối cảnh sinh hoạt chính trị dân chủ. Kế đến là đi thẳng vào các ngành kinh tế trí tuệ bằng cách đầu tư nhiều và nhanh vào giáo dục - đào tạo; khoa học - kỹ thuật; văn hóa - xã hội; hơn là bỏ vốn quá nhiều vào các ngành công nghiệp nặng hay công nghiệp chế biến tập trung sức lao động. Nói cách khác, Việt Nam cần đầu tư vào tinh thần nhiều hơn là vật chất. Nghĩa là làm sao cho trí tuệ và tư duy của dân tộc được mở mang và phát triển, từ đó Việt Nam mới có thể tiến lên một thế đứng mới trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Thế đứng đó sẽ là:

Thứ nhất, Việt Nam sẽ là nơi hội tụ của những luồng giao lưu kinh tế, văn hóa, tài chánh của khu vực Đông Bắc và Đông Nam Á. Việt Nam có khả năng để nhận lấy vị thế này vì ưu điểm của vị trí địa dư, đó là nằm trong vùng lòng chảo hợp lưu của Thái Bình Dương. Nhờ vị trí lòng chảo này, Việt Nam cũng sẽ góp một phần quan trọng trong việc gìn giữ an ninh khu vực, nhất là an ninh trên biển Đông. Khi trở thành nơi kỳ vọng của các nước láng giềng. Như vậy, Việt Nam nghiễm nhiên trở thành một đối tác quan trọng không chỉ đối với các nước trong vùng mà trên cả thế giới.

Thứ hai, Việt Nam sẽ là nơi đóng góp rất nhiều vào nỗ lực xây dựng nền tảng kinh tế trí tuệ cho khu vực Á Châu Thái Bình Dương trong thời gian tới. Với kiến năng đa dạng của giới trẻ hải ngoại và với sự trẻ trung của dân số hiện nay ở trong nưóc, Việt Nam có khả năng xây dựng thành những khu thung lũng điện tử giống như khu Silicon Valley (California), Bangalore (Ấn Độ), Tân Trúc (Đài Loan), Cyberjaya (Mã Lai) và các ngành kỹ thuật thông tin trên mạng lưới internetl; hơn là cứ loay hoay rập khuôn theo những mô hình phát triển nông nghiệp chế biến hay công nghiệp nặng mà các nước khác đã đi qua, đòi hỏi đầu tư lâu dài.

IV- Kết Luận:

Năm 2003, Liên Hiệp Quốc đã chính thức lấy tên Việt Nam ra khỏi danh sách của những quốc gia nghèo nàn nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia nghèo nhất trong khối các nước thuộc Á Châu Thái Bình Dương, với lợi tức bình quân đầu người là 450 Mỹ Kim vào năm 2003. Mãi lực bình quân đầu người Việt Nam là 2,300 Mỹ Kim trong năm 2002, so với con số của Trung Quốc là 4,700 Mỹ Kim, Thái Lan là 7,000 Mỹ Kim; Mã Lai là 8,800 Mỹ Kim, Nam Hàn là 19,600 Mỹ Kim và Singapore là 25,300 Mỹ Kim. Rõ ràng là Việt Nam đã đứng khá xa đối với các nước trong vùng. Nhưng Việt Nam có ưu điểm là tuổi trung bình của người dân còn trẻ với 22,6 tuổi (thống kê 2003) và là một dân tộc hiếu học, thông minh. Thực tế đã chứng minh qua sức vươn lên của khối người Việt tại hải ngoại về các mặt kinh tế, tài chánh và chất xám trong vòng 30 năm vừa qua và những thành quả ưu tú trong các kỳ thi quốc tế về Toán, Vật Lý của học sinh Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng người Việt Nam có dư khả năng để nắm bắt và làm chủ rất nhanh các ngành kinh tế trí tuệ và những ngành ứng dụng kỹ thuật internet. Vấn đề là người Việt Nam có bối cảnh chính trị - xã hội thuận lợi để tiến hành hay không? Trả lời câu hỏi này là nhiệm vụ của toàn thể mọi người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước đang ưu tư về tương lai Việt Nam.

Lý Thái Hùng
06/03/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét