19 tháng 4, 2005

Cái Đạo Đức Giả Của Ông Kiệt

Ông Võ Văn Kiệt là một trong những cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Cộng sản Việt Nam sau năm 1975. Nay ông Kiệt đã về hưu và đang sống ở Sài Gòn, nhưng tiếng nói của ông vẫn còn ảnh hưởng lớn ở trong đảng và có những quan điểm đối đầu lại phe thái thượng hoàng Đỗ Mười - Lê Đức Anh ở miền Bắc, từ nhiều năm qua, nhất là từ đại hội đảng lần thứ VII về tốc độ thay đổi kinh tế. Vừa qua, ông Kiệt có trả lời một số câu hỏi của tuần báo Quốc Tế (Bộ Ngoại Giao VN) về 30 năm nhìn lại biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Nội dung của cuộc phỏng vấn không dài quá hai trang giấy bình thường, nhưng nó chứa đựng khá nhiều điều mâu thuẫn giữa con người Võ Văn Kiệt khi còn quyền lực và khi đã về hưu. Nhìn lại 30 năm, ông Kiệt nói đến ba điều:

  • Thứ nhất là một quá khứ cần nên khép lại với sự hòa hiếu và khoan dung của người Việt.
  • Thứ hai là ’chiến thắng’ 30 tháng 4 là của dân tộc chứ không của riêng ai.
  • Thứ ba là đảng Cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội lịch sử trong 10 năm đầu 1975 -1985.


Qua ba điều nói trên, ta thấy là ông Kiệt vẫn còn nói trong sự chủ quan của một người cộng sản đã từng đứng trên đầu trên cổ người dân và của một kẻ đã từng ngạo mạn cho là ’đứng trên đỉnh cao trí tuệ loài người’ của 30 năm về trước. Nghĩa là người ta không nhìn thấy sự phản tỉnh của một cán bộ cao cấp về những sai lầm trong thời gian cầm quyền từ những năm sau cuộc chiến, mà còn lên giọng đạo đức không đúng chỗ.

Ông Kiệt nói rằng ông đã giao quyền lại cho thế hệ trẻ nên quá khứ của 30 năm trước cần phải khép lại trong sự hòa hiếu và khoan dung của người Việt. Người Việt Nam nói chung rất hiếu hòa; nhưng khó có thể khép lại quá khứ khi mà chính những người đã tạo ra tội ác của quá khứ lại tiếp tục viện dẫn những ’thành tích’ của quá khứ để duy trì quyền lực độc tôn và nhất là trao cho thế hệ con cháu tiếp tục cầm quyền như những triều đại phong kiến. Người Việt Nam rất khoan dung, nhưng không thể nào hèn kém đến độ cúi đầu chấp nhận mọi hình thức trả thù vô tội vạ của những kẻ cầm quyền sau những năm kết thúc chiến tranh. Muốn khép lại quá khứ, ít ra ông Kiệt và đảng cộng sản Việt Nam - những người có trách nhiệm lãnh đạo Việt Nam vào 30 năm trước đây - phải trả lời trước công luận về những hành vi độc ác đối với dân tộc, nhất là đối với hàng triệu sinh linh đã chết vì tù cải tạo, kinh tế mới, vượt biên, đánh tư bản mại sản và nhất là hai cuộc chiến tại Campuchia và biên giới Việt Trung do tham vọng xây dựng liên bang Đông Dương. Không giải quyết những tồn đọng của quá khứ này, ông Kiệt không thể nói đến khép lại quá khứ. Hơn thế nữa ông Kiệt cũng không thể trốn trách nhiệm khi nói rằng mình đã trao quyền lại cho thế hệ kế tiếp.

Ông Kiệt nói rằng chiến thắng 30 tháng tư là của toàn thể dân tộc chứ không riêng gì của đảng Cộng sản Việt Nam là một sự nhập nhằng thiếu sòng phẳng. Dân tộc Việt Nam không muốn có cái chiến thắng ngày 30 tháng 4, để phải trả một cái giá vô cùng đau đớn và tủi hận như 30 năm vừa qua. Hơn thế nữa, ông Kiệt đã thiếu thành thật khi ngày hôm nay nói rằng: ’chiến thắng 30 tháng 4 không của riêng ai’, trong khi thực tế của 30 năm trước, ông Kiệt và những người lãnh đạo miền Bắc đã coi đây là chiến thắng của những người cộng sản miền Bắc. Từ đó họ mới vội vã khai tử Mặt trận giải phóng miền Nam, tổ chức bầu cử thống nhất hai miền, nhanh chóng loại bỏ cánh cán bộ trong Nam để thay bằng cánh cán bộ miền Bắc hầu ’tiếp thu’ trọn vẹn miền Nam. Ngay cả giữa họ với nhau mà còn tranh giành quyền lực với hai phe Bắc - Nam trong hai năm 1975 và năm 1976, đủ thấy là 30 năm trước đây, chiến thắng 30 tháng 4 là của đảng Cộng sản ở miền Bắc. Nếu muốn biết rõ người dân nghĩ gì về ngày 30 tháng 4 và đó là chiến thắng này của ai, ông Kiệt thử làm giống như ông Phương Nam Đỗ Nam Hải đã đề nghị là làm cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi trên toàn quốc. Thêm nữa, nếu thật sự chiến thắng 30 tháng tư là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, thì thế giới đã không bàng hoàng xúc động về những thảm cảnh thuyền nhân trên biển Đông.

Có một điều ông Kiệt nói đúng nhưng chỉ có một nửa là trong 30 năm qua, đảng Cộng sản đã không chỉ bỏ mất một cơ hội lịch sử từ năm 1975 - 1985 mà còn bỏ mất thêm một cơ hội lịch sử thứ hai là khi biến cố Đông Âu xảy ra vào năm 1990, lúc ông Nguyễn Văn Linh đã cố gắng ’đổi mới’ thật sự. Nguyên do tạo ra sự đánh mất cơ hội lịch sử này, ông Kiệt đã có nói đến nhưng chỉ nói có một phần là do bệnh tự mãn, kiêu ngạo; nhưng nếu phải nói cho đúng thì là do bản chất nô lệ trong đầu óc lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Họ quá nóng vội muốn biến Việt Nam thành thiên đường cộng sản để theo chân đàn anh Liên Xô. Điều mâu thuẫn trong phát biểu của ông Võ Văn Kiệt là ông đã coi những sai trái của đảng Cộng sản Việt Nam là do ai đó gây ra, còn ông chỉ là ’chứng nhân’. Do đó, bài trả lời của ông Kiệt sẽ có chất lượng hơn, nếu chính ông Kiệt sau khi đưa ra những sai lầm, phải có ngay một số biện pháp giải quyết chứ không thể vạch ra rồi thôi.

Ông Kiệt được một số người trong nước cho là thuộc khuynh hướng cấp tiến ở trong đảng. Thật ra thì ông Kiệt có một số quan điểm về phát triển kinh tế khá cởi mở hơn một số nhân vật bảo thủ tại Hà Nội; nhưng sự cởi mở của ông cũng chỉ giới hạn trong khuôn khổ làm tốt hơn cho đảng Cộng sản Việt Nam để tiếp tục giữ độc quyền cai trị chứ không nhằm giải quyết các nhu cầu lớn của dân tộc là tự do, dân chủ, và nhân quyền được tôn trọng. Những phát biểu của ông Kiệt xuyên qua bài phỏng vấn của tuần báo Quốc Tế có thể biểu hiện một cái nhìn tiêu cực từ một cấp lãnh đạo trước đây, sau 30 năm nhìn lại chiến thắng 30 tháng 4 của đảng Cộng sản, nhưng đối với dân tộc Việt Nam, cái nhìn của ông Kiệt vẫn không nói lên sự phản tỉnh nào về tình hình đen tối của đất nước mà đáng lý ra Việt Nam đã có một lịch sử vinh quang hơn nếu không có ngày 30 tháng 4. Nghĩa là nếu đảng Cộng sản Việt Nam không mang tham vọng xích hóa đất nước sau năm 1954 và toàn vùng Đông Dương sau năm 1975, Việt Nam đã không loay hoay với bài toán lạc hậu và nghèo đói trong 30 năm vừa qua.

Lý Thái Hùng
April 19 2005.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét