23 tháng 2, 2006

Ai Sẽ Lãnh Đạo Đảng CSVN Trong Năm Năm Tới?

Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam kỳ X sẽ diễn ra vào giữa năm 2006. Đây là đại hội khá quan trọng đối với tương lai của đảng CSVN trên hai bình diện. Thứ nhất là tính chất lãnh đạo của đảng trong thời gian trước mặt. Thứ hai là chọn con đường nào để có thể thoát xác cộng sản một cách an toàn trong bối cảnh thay đổi hiện nay. Giải quyết hai vấn đề nói trên, đảng Cộng sản Việt Nam đối diện với nhiều bài toán khá phức tạp, trong đó sự thiếu đồng thuận trong nội bộ là một vấn đề nhức nhối nhất hiện nay. Chính sự thiếu đồng thuận này mà các tay thái thượng hoàng như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp đã có thể ảnh hưởng và tạo ra những tranh chấp ngấm ngầm giữa các phe nhóm.



Cho đến nay, sau ba kỳ họp của Trung ương đảng lần thứ 11 (tháng 1/2005), lần thứ 12 (7/2005) và lần thứ 13 (1/2006), người ta thấy là đảng Cộng sản Việt Nam đã không đưa ra một đường lối gì mới, ngoại trừ hai chính sách có liên hệ nhiều đến tương lai của chính đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là cho đảng viên được làm kinh doanh như bất cứ người dân nào và mặc nhiên cho thành phần tư sản được tham gia vào đảng Cộng sản kể từ sau đại hội X. Đây là hai điều cấm kỵ của đảng Cộng sản trước đây, vì nó ngược lại lý thuyết của Mác; nhưng nay thì được đảng Cộng sản trang trọng cho áp dụng vì để thích nghi với ’nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Thật ra thì chính sách này không phải do Hà Nội sáng chế mà chỉ là học lại từ lý thuyết ’tam đại diện’ của Giang Trạch Dân bên Trung Quốc đưa ra từ năm 2000. Chắc chắn là khi đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng hai chính sách này, bản chất của đảng sẽ thay đổi từ đó màu đỏ vô sản biến thành màu xanh đô la. Vì vậy, tuy không đưa ra một đường lối gì mới cho 5 năm tới và ngoài sự khẳng định ’giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa’ trong các văn kiện; qua hai chính sách nói trên cho thấy là đảng Cộng sản Việt Nam đang muốn thoát xác cộng sản. Việc thoát xác này có thành công hay không, ta chưa bàn vội vì tuỳ thuộc rất nhiều vào khả năng ứng phó của thành phần lãnh đạo đảng. Vì thế, tầm quan trọng của đại hội X chính là việc chọn ai sẽ là người lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam trong 5 năm tới.

Những nhân sự lãnh đạo hiện nay được bầu lên từ đại hội đảng kỳ IX vào năm 2001 với 150 ủy viên Trung ương đảng. Những uỷ viên này đã bầu ra 15 ủy viên trong bộ chính trị, được coi là có quyền lực nhất ở trong đảng. 15 nhân vật này hiện chỉ còn có 14 người vì Bộ trưởng công an Lê Minh Hương mất vào ngày 23 tháng 5 năm 2004. Trong 14 người còn lại, theo dự kiến sẽ có hơn một nửa ra đi trong kỳ đại hội X vì quá hạn tuổi hoặc năng lực lãnh đạo bị yếu kém. Những người ra đi sẽ là Phan Văn Khải (Thủ tướng), Trần Đức Lương (Chủ tịch nước), Phạm Văn Trà (Bộ Trưởng Quốc Phòng), Nguyễn Văn An (Chủ tịch Quốc Hội), Nguyễn Khoa Điềm (Trưởng ban văn hóa tư tưởng), Trương Tấn Sang (Trưởng ban kinh tế), Trần Đình Hoan (Trưởng ban tổ chức), Trương Quang Được (Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra).

Những nhân sự còn ở lại sau đại hội X vì còn trong hạn tuổi lãnh đạo gồm Nông Đức Mạnh (Tổng Bí Thư), Nguyễn Tấn Dũng (Phó thủ tướng), Nguyễn Minh Triết (Bí thư Sài Gòn), Nguyễn Phú Trọng (Bí thư Hà Nội), Phan Diễn (Thường trực ban bí thư), Lê Hồng Anh (Bộ trưởng Công an). Ngoài ra, người ta cũng dự kiến một số nhân vật sau đây sẽ được đưa vào Bộ chính trị sau đại hội X là Thượng tướng Lê Văn Dũng (Chủ nhiệm tổng cục chính trị), Thượng tướng Phùng Quang Thanh (Tổng tham mưu trưởng). Có hai nhân vật mà theo dư luận có nhiều triển vọng được đưa vào Bộ chính trị trong kỳ này là Phó thủ tướng Vũ Khoan và Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Di Niên, nhưng vì quá hạn tuổi và muốn về hưu nên hai ông đã rút lui trong cuộc chạy đua quyền lực lần này.

Nếu dựa vào những thành phần còn ở lại trong Bộ chính trị và một vài khuôn mặt sẽ tham gia bộ chính trị trong thời gian tới, người ta thấy là nhiều phần Nông Đức Mạnh sẽ tiếp tục ở lại vị trí Tổng bí thư. Tuy Nông Đức Mạnh không có khả năng lãnh đạo nhưng không đứng về một phe nhóm nào nên vì thế mà các phe đã chọn Mạnh, để dễ khuynh loát. Vì Vũ Khoan bị hạn tuổi và muốn về hưu nên ghế Thủ tướng sẽ vào tay Nguyễn Tấn Dũng, hiện là phó thủ tướng thường trực. Chủ tịch nước sẽ rơi vào tay Phan Diễn hoặc Nguyễn Minh Triết. Theo tin thì Triết đang bị bệnh và không muốn rời khỏi ghế bí thư Sài Gòn nên nhiều phần Phan Diễn sẽ thay thế Trần Đức Lương.

Nếu đúng như những điều mà dư luận đang dự đoán, thành phần nhân sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam trong năm năm tới sẽ là: Nông Đức Mạnh (Tổng bí thư), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ Tướng) và Phan Diễn hay Nguyễn Minh Triết (Chủ tịch nước). Hình ảnh này cho chúng ta thấy là Việt Nam cũng sẽ không khá hơn lên là bao nhiêu với những nhân sự lãnh đạo này, vì hai lý do:

Thứ nhất là khả năng của những con người này rất giới hạn và họ đã loay hoay trong gần 10 năm qua khi ở vị trí lãnh đạo trong Bộ chính trị. Tất cả những người này không có khả năng vượt trội và nhiều khi không dám lấy những quyết định mạnh, khiến cho một số chủ trương hay chính sách bị thả nổi. Nói cách khác, những nhân sự này lên cầm quyền, đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục rơi vào tình trạng phân hóa và rối loạn.

Thứ hai là ngoài ba người (Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Phan Diễn) ở vị trí cao nhất trong bộ máy đảng, chính quyền và nhà nước, khả năng của 12 nhân vật còn lại trong Bộ chính trị cho năm năm tới như Nguyễn Phú Trọng, Lê Hồng Anh, Lê Văn Dũng, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Minh Triết, ...cũng là một dấu hỏi lớn. Các nhân vật này không có cái nhìn rộng và khoa học trong khi lại mang nhiều định kiến về những biến thái xã hội sau 20 năm áp dụng chính sách mở cửa, đổi mới.

Nói tóm lại, đại hội đảng lần thứ X của đảng Cộng sản Việt Nam trong thực chất không hào hứng vì đường lối, chính sách chỉ là sự bắt chước từ Trung Quốc; trong khi vấn đề bầu bán nhân sự lãnh đạo chỉ là những nối dài của đại hội IX với một số nhân vật mà đáng lý ra đã phải được thay thế từ hơn 5 năm trước.

Lý Thái Hùng
23/02/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét