14 tháng 2, 2006

Dự Thảo Báo Cáo Chính Trị Và 20 Năm Đổi Mới Của Đảng Cộng Sản Việt Nam

Đầu tháng 2 vừa qua, đảng Cộng sản Việt Nam đã cho phổ biến rộng rãi bản dự thảo báo cáo chính trị sẽ đọc trong đại hội đảng lần X tổ chức vào giữa năm nay. Trong mấy tuần qua, đảng Cộng sản Việt Nam đã hô hào nhiều cá nhân, đoàn thể trong Mặt trận tổ quốc tổ chức một số buổi hội thảo gọi là ’góp ý bản dự thảo’. Đây là lề lối tuyên truyền cố hữu của các đảng Cộng sản nhằm tạo ấn tượng ’lắng nghe ý kiến của quần chúng’ nhưng thực tế chỉ là hình thức. Lý do là một tài liệu dài hàng chục trang mà tụ tập hàng trăm người phát biểu góp ý trong vài tiếng đồng hồ, không thể coi đó là sự góp ý mà chỉ là những xưng tụng chung chung mà thôi. Điều đáng nói là dự thảo báo cáo chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam lần này mang ba nội dung khá quan trọng. Thứ nhất là kiểm điểm lại 5 năm làm việc của đại hội IX (2001-2006). Thứ hai là đánh giá về quá trình 20 năm áp dụng chính sách đổi mới. Thứ ba là vạch ra những mục tiêu và phương hướng cho năm năm tới (2006 - 2010). Với ba phần chính nói trên, bản báo cáo chính trị đã không có sự cân đối trong nội dung trình bày.



Dự thảo báo cáo chính trị đã dành phần lớn nội dung viết về những dự phóng trong 5 năm hay 10 năm tới, trong khi số trang dành cho việc kiểm điểm lại 5 năm làm việc của đại hội IX và đánh giá lại 20 năm áp dụng chính sách đổi mới quá ít, nếu không nói là sơ sài. Đáng lý là, dự thảo báo cáo chính trị phải trả lời trước công luận, vì sao 20 năm qua, kể từ khi áp dụng chính sách đổi mới vào năm 1986 cho đến nay, Việt Nam vẫn còn ì ạch trên chuyến tàu đổi mới với một đất nước lạc hậu và nghèo nàn. Trong 20 năm qua, đảng Cộng sản Việt Nam đã họp 4 kỳ đại hội, mỗi kỳ đều đưa ra một số những mục tiêu phải đạt. Đại hội VI (1986) vạch ra mục tiêu đổi mới và mở cửa toàn diện. Đại hội VII (1991) vạch ra mục tiêu xây dựng lại Việt Nam trong thời kỳ quá độ chủ nghĩa xã hội. Đại hội VIII (1996) vạch ra mục tiêu tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa Việt Nam. Đại hội IX (2001) vạch ra mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển và nâng cao đời sống người dân. Nhìn lại 4 kỳ đại hội với các mục tiêu nói trên, rõ ràng là đảng Cộng sản Việt Nam đã loay hoay với chiêu bài đổi mới mà đích nhắm với thực tế của tình hình đã không có sự cân xứng. Nói cách khác, nếu 20 năm trước đây, đảng Cộng sản Việt Nam mong muốn đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng lạc hậu và nâng cao đời sống người dân bằng con đường đổi mới thì 20 năm sau, đọc chủ đề của đại hội X (2006) là ’nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng Cộng sản, phát suy sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển’, cho thấy là giới lãnh đạo Hà Nội đã quá coi thường công luận, tiếp tục vẽ vời những dự phóng không thực tế.

Đánh giá về 20 năm đổi mới, đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng họ đã đưa Việt Nam xếp vào loại nước đang phát triển, tuy thu nhập thấp (theo họ ngưỡng cữa thấp hiện nay là 750 Mỹ Kim/ người và dự kiến đến năm 2010 là 950 Mỹ kim/Người). Khi nói đất nước đang phát triển mà người dân có thu nhập thấp, chứng tỏ trình độ kinh tế của Việt Nam quá yếu kém. Điều này cho chúng ta kết luận là đảng Cộng sản Việt Nam đã thất bại trong mục tiêu phát triển Việt Nam qua chính sách đổi mới, mở cửa từ năm 1986. Sự thất bại này đến từ hai nguyên do: 1/Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi quyền lực độc tôn của đảng cao hơn sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của toàn dân; 2/Đảng Cộng sản Việt Nam đã không có một tần nhìn chiến lược của một đất nước đang ở vào thời kỳ phát triển mà chỉ loay hoay với những thủ đoạn giữ chặt quyền lực giữa các phe nhóm để chia chát những đặt quyền, đặt lợi.

Đổi mới là một chính sách đúng nhưng nó không thể nào kéo dài hết năm này qua năm khác. Hơn thế nữa nó không phải là câu thần chú để cứ mỗi kỳ đại hội lại mang ra hô hào với nhau. Hai mươi năm đã quá đủ để thực hiện những gì mà đại hội VI năm 1986 nêu ra nào là mở cửa toàn diện, nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy và nâng cao đời sống người dân. Khi miệng nói đổi mới mà tư duy vẫn còn xơ cứng trong cái gọi là ’giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa’ chẳng khác nào hô hào công nghiệp hóa mà tiếp tục lối sống của thời kỳ nông nghiệp thô sơ. Do đó, đảng Cộng sản Việt Nam nên sửa lại dự thảo báo cáo chính trị, nếu thực sự muốn cho đất nước phát triển thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020. Đó là:

Thứ nhất, nên bỏ nhóm chữ ’đổi mới’ vì nó không còn hiệu nghiệm và đã trở thành giả dối. Đất nước phải luôn luôn thay đổi vì xã hội và hoàn cảnh thay đổi, nhưng một đảng cầm quyền không thể nào cứ núp sau chiêu bài thay đổi hay đổi mới để hô hào, trong khi người dân không nhìn thấy các giá trị trong đời sống của họ thay đổi.

Thứ hai, nên đặt lại mục tiêu phát triển của con người và đất nước Việt Nam hôm nay. Kết quả 20 năm đổi mới vừa qua, rõ ràng là đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt sai mục tiêu nên ngày hôm nay, Việt Nam vẫn không thể trở thành quốc gia công nghiệp, trong khi đời sống người dân vẫn còn quá thấp so với các nước trong vùng. Mục tiêu cần đặt lại là con người và đất nước Việt Nam phải gỡ bỏ thật sự những gông cùm của ’xã hội chủ nghĩa’, tự do của người dân và dân chủ của đất nước phải là đích nhắm của giai đoạn tới.

Ngày nào mà đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn tiếp tục loay hoay với chính sách đổi mới hay hô hào nâng cao năng lực lãnh đạo đảng thì ngày đó Việt Nam vẫn không ra khỏi vũng lầy chậm tiến và nghèo nàn. Lý do là Việt Nam có nhích lên một chút nhờ những đầu tư ngoại quốc, thì các nước xung quanh đã nhảy vọt lên 5 hay 7 bước. Trong cuộc hội thảo về bản báo cáo chính trị do Mặt trận tổ quốc tổ chức tại Hà Nội hôm 14 tháng 2, đa số các thành viên đều cho rằng đảng Cộng sản Việt Nam cần vạch ra quốc sách hàng đầu trong dự thảo báo cáo chính trị là ’giáo dục-đào tạo’. Tại sao 20 năm trước đây, đảng Cộng sản cũng đã nêu vấn đề này là quốc sách hàng đầu, nay lại được các cán bộ yêu cầu ghi trở lại trong dự thảo? Không phải trong 20 năm qua, vấn đề ’giáo dục - đào tạo’ không được Hà Nội nhắc nhở. Họ đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên ngành để giải quyết sự xuống cấp của nền giáo dục Việt Nam. Nhưng điều mà một số cán bộ yêu cầu không đơn thuần là những chính sách giáo dục trong phạm vi phát triển bình thường mà chính là nhằm giáo dục và đào tạo một con người Việt Nam mới của thế kỷ 21. Đó là con người biết sống tự do, biết tôn trọng các giá trị nhân bản trong một đất nước dân chủ đích thực. Nỗ lực này không chỉ áp dụng đối với mọi người dân mà còn bao gồm cả thành phần lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam để không còn loay hoay với những mục tiêu giả tạo hôm nay.

Lý Thái Hùng
14 tháng 2, 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét