26 tháng 4, 2006

Nhân Sự Lãnh Đạo Đảng Việt Cộng Sau Đại Hội X

Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ X đã bế mạc hôm 25 tháng 4 sau 8 ngày họp căng thẳng của hơn một ngàn đại biểu. Đại hội X đã có những thay đổi, đặc biệt là vấn đề chọn lựa nhân sự đã xảy ra nhiều diễn biến với một số kết quả khá bất ngờ. Trong 8 ngày họp, các đại biểu của đảng Cộng sản Việt Nam đã tốn khá nhiều thì giờ cho việc bầu cử ban chấp hành trung ương với những thể thức khác lạ so với các kỳ đại hội trước, chính vì thế mà những thảo luận về đưòng lối chính sách, kể cả việc mổ xẻ bản báo cáo chính trị đã không được chú ý.



Điểm khác biệt lớn nhất trong các đại hội đảng trước đây, Trung ương đảng đương nhiệm quyết định danh sách ứng viên đề cử vào ban chấp hành trung ương khóa tới, và đưa ra biểu quyết trên hình thức trong đại hội trù bị, diễn ra một ngày trước khi đại hôi đảng chính thức khai mạc; lần này, danh sách đề cử vào ban chấp hành trung ương khóa X không chỉ do trung ương đảng khóa IX đề cử mà còn do các đại biểu đề cử hay ứng cử, sau đó lập thành danh sách đề cử chính thức, để cho các đại biểu bầu phiếu kín ngay trong đại hội. Ngoài ra, lần này, ngoài danh sách ứng viên để bầu vào ban chấp hành trung ương đảng chính thức, đảng Cộng sản Việt Nam còn chế thêm uỷ viên trung uơng đảng dự khuyết nên đã phải thiết lập thêm danh sách ứng viên cho phần dự khuyết.

Vì thế mà trong kỳ bầu cử này, đại hội X đã lập ra hai danh sách. Danh sách thứ nhất gồm 207 ứng viên để bầu vào uỷ viên chính thức có 174 người do ban chấp hành khóa IX đề cử và 33 người do đại biểu đề cử trong đó có 2 người tự ứng cử. Từ danh sách này các đại biểu chọn ra 160 ủy viên chính thức cho trung ương đảng khóa X. Danh sách thứ hai gồm 46 ứng viên để các đại biểu bầu ra 25 ủy viên dự khuyết cho trung ương đảng khóa X. Mặc dù trước khi đại hội khai mạc, dư luận đã có những dự đoán là thành phần nhân sự chính của đảng như các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết sẽ ở lại và tiếp tục cầm quyền với một vài thay đổi nhỏ ở ban chấp hành trung ương. Tuy nhiên qua kết quả nhân sự được bầu vào ban chấp hành trung ương khóa X, người ta thấy là có điều gì bất cập trong cách chọn lựa của những đại biểu tham dự đại hội X.

Thứ nhất, nhìn từ danh sách 160 người được chọn là ủy viên trung ương đảng chính thức, tỷ lệ phân bố thành phần cán bộ của các cơ chế người ta thấy: Các bí thư tỉnh thành phố chiếm 42%, các cán bộ phụ trách công tác đảng chiếm 21%, cán bộ phụ trách cơ cấu chính quyền, quốc hội chiếm 21%, cán bộ phụ trách bộ máy công an và quân đội chiếm 16%. Trong các tỷ lệ này, ta thấy là cán bộ địa phương chiếm cao nhất, kế đến là cán bộ phụ trách công an và quân đội tăng vọt so với các kỳ đại hội trước. Trong ban chấp hành trung ương đảng khóa X, quân đội chiếm 18 ghế trong trung ương đảng chiếm 11%, công an chiếm 7 ghế trong trung ương đảng. Qua những con số này, ta có thể dự kiến là tiếng nói địa phương sẽ có nhiều ưu thế trong các chính sách của đảng Cộng sản, đặc biệt là Thành ủy Hà Nội có 3 ghế trong trung ương đảng và Thành uỷ Sài Gòn có 4 ghế trong trung ương đảng sẽ tạo ra hai cực quyền lực Nam và Bắc đáng quan tâm. Song song, phe quân đội và công an, đặc biệt là với sự hiện diện rất nhiều tư lệnh quân khu trong trung ương đảng và Bộ trưởng công an Lê Hồng Anh ở vị trí số hai, Thượng tướng Phùng Quang Thanh sẽ là Bộ trưởng quốc phòng tương lai, lên vị trí số 6 trong bộ chính trị, cho thấy là phe quân đội và công an sẽ chiếm nhiều ưu thế trong đảng.

Thứ hai, trong cơ cấu chính quyền, hầu hết các bộ đều có người trong ban chấp hành trung ương đảng khóa X, đặc biệt là cán bộ của 4 bộ gồm: bộ công an, bộ quốc phòng, bộ tài chánh và bộ tư pháp chiếm khá nhiều ghế. Tuy nhiên, có bốn bộ sau đây đã không có một cán bộ nào được bầu dù là được đề cử là bộ giáo dục, bộ y tế, bộ ngoại giao và bộ giao thông vận tải. Sự kiện bộ giao thông vận tải không có người được bầu vào trung ương đảng khóa X, người ta có thể hiểu vì vụ tham nhũng PMU 18 bị khui ra vào lúc trung ương đảng khóa IX thảo luận về nhân sự; nhưng bộ ngoại giao với 6 người được đề cử vào trong danh sách ứng viên gồm Thứ trưởng Lê Công Phụng, Vũ Dũng, Đại sứ tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến, đại sứ tại WTO Ngô Quang Xuân và cả Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình xin tự ứng cử, đã không một ai được bầu vào trung ương đảng. Kết quả này cho thấy là các đại biểu đã đánh giá thấp những công việc làm của Bộ ngoại giao trong thời gian qua. Ngoài ra, Bộ giáo dục và Bộ y tế là hai bộ phận gắn liền với tương lai của người dân mà không có người vào trong trung ương đảng để trực tiếp vạch sách lược chung, cho chúng ta thấy là các đại biểu của đảng Cộng sản Việt Nam đã không quan tâm mấy về những nhu cầu này. Nói cách khác, sự vắng mặt của những cán bộ trong các cơ chế liên hệ đến quan hệ đối ngoại và đầu tư cho tương lai người dân đã hoàn toàn bị đẩy ra khỏi thành phần lãnh đạo của đảng Cộng sản.

Thứ ba, trong danh sách bộ chính trị và ban bí thư, tuy đảng Cộng sản Việt Nam giới hạn lại nhân số, ít hơn so với các kỳ trước; nhưng nhìn qua khuôn mặt của những người được bầu, người ta thấy là đa số có xu hướng bảo thủ hơn là cởi mở. Trong 14 nhân sự của bộ chính trị, các ông Lê Hồng Anh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Gia Khiêm, Phùng Quang Thanh, Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Văn Chi,... thuộc khuynh hướng bảo thủ và là những người có nhiều mối liên hệ với các thái thượng hoàng Đỗ Mưòi và Lê Đức Anh. Ngay cả trong ban bí thư, cơ chế phụ trách công việc của đảng hàng ngày, đa số cũng thuộc khuynh hướng bảo thủ như các ông Trương Tấn Sang, Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Văn Chi, Lê Văn Dũng, Tô Huy Rứa. Người đứng đầu để lo công việc thường vụ của Bộ chính trị và ban bí thư trong thời gian tới sẽ là Trương Tấn Sang, cho thấy là xu hướng của thành phần lãnh đạo khóa X sẽ tiếp tục cố thủ theo đường lối của Trung Quốc.

Tổng kết lại, với những kết quả bầu bán nhân sự lãnh đạo trong ban chấp hành trung ương đảng, bộ chính trị và ban bí thư khóa X, người ta thấy là đảng Cộng sản Việt Nam đang muốn quay ngược chiều kim đồng hồ, tiếp tục cố thủ trong lô cốt Mác Lê để giữ chặt đảng trước những áp lực thay đổi của xã hội. Sự tăng cường cán bộ quân đội ở các quân khu vào trong trung ương đảng và đưa nhân vật nắm ngành công an lên hàng số 2 với dự tính tách bộ công an làm hai bộ công an và bộ an ninh trong thời gian tới, đồng thời loại bộ ngoại giao ra khỏi những bàn thảo chiến lược trong trung ương đảng, cho chúng ta thấy là đảng Cộng sản Việt Nam đang muốn xiết lại với những biện pháp trấn áp có thể xử dụng trong thời gian tới để bảo vệ chế độ. Tuy nhiên, nhìn qua cách thảo luận và bầu bán nhân sự trung uơng đảng vừa rồi người ta thấy là các uy quyền của Trung ương đang bị soi mòn, trong khi tiếng nói địa phương lại gia tăng, làm thay đổi một số quyết định trước đó của trung ương nên sẽ tạo ra nạn sứ quân, gây nhiều trì trệ cho đảng Cộng sản Việt Nam trong những ngày tháng tới.

Lý Thái Hùng
26 tháng 4, 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét