04 tháng 4, 2006

Vấn Đề Đổi Tên?

Đại hội Đảng Cộng Sản Đông Dương
vào tháng 2, 1951 thành lập Đảng Lao Động Việt Nam
Trong những ngày vừa qua, trên mạng lưới Internet đã đăng tải một bài viết có tựa đề ‘Đảng Của Dân Tộc’ của giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện xã hội học ở Hà Nội. Trong bài viết này, tác giả đề nghị đảng Cộng sản Việt Nam nên trở lại với tên đảng Lao Động Việt Nam cùng với tên nước là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Giáo sư Tương Lai cho rằng, thời đại hiện nay khái niệm về ‘giai cấp’ đã thay đổi, vì thế mà nhận thức về lực lượng cách mạng cũng đổi thay trên ba nền tảng:

Một là các dân tộc thuộc địa, nửa thuộc địa bị áp bức, mà có nhà nghiên cứu cộng sản coi là giai cấp vô sản của thế kỷ 20 nổi lên đấu tranh đòi giải phóng....ngày nay không còn nữa.



Hai là kết cấu của xã hội hiện đại cho thấy sự phát triển mạnh của nhiều tầng lớp xã hội rất gần với khái niệm ‘giai cấp những người sản xuất’ và ‘những người làm công ăn lương’ mà không phải là giai cấp vô sản nghĩa hẹp. Ở Việt Nam cũng vậy.

Ba là các dân tộc thức tỉnh và tự khẳng định mạnh mẽ, ngay trong trào lưu toàn cầu hóa kinh tế, dân tộc trở thành động lực và sức mạnh hùng hậu của thời đại.

Từ những quan điểm này, giáo sư Tương Lai cho rằng, đảng Cộng sản không nên tiếp tục dựa trên giai cấp ‘vô sản’ vì giai cấp này trong thực tế đã biến đổi là những người sản xuất, làm công ăn lương và đang vươn lên thành giai cấp dân tộc? Chính vì thế mà ông cho rằng đảng Cộng sản phải biến đổi, không nên là đội tiên phong của giai cấp công nhân vô sản mà phải là đảng của những người lấy lợi ích dân tộc là tối thượng? Từ đó ông đề nghị đảng phải thay đổi tên, không nên tiếp tục câu nệ vào những giáo điều đã bị cuộc sống vứt bỏ, để đảng phải là đảng của dân tộc.

Những tiền đề mà giáo sư Tương Lai đặt ra để dẫn dắt những lý luận của mình đi đến đề nghị đảng Cộng sản Việt Nam nên đổi tên, không có gì sai trật vì ngày nay, giai cấp vô sản đã không còn. Hơn thế nữa, chính đảng Cộng sản Việt Nam còn theo chân Trung Quốc, chấp nhận cho đảng viên tham gia vào các hoạt động kinh doanh làm giàu kể từ sau đại hội toàn đảng lần thứ X, thì việc cho rằng đảng Cộng sản, đảng của giai cấp công nhân lao động không những không còn mang ý nghĩa cách mạng mà đã trở thành một sự lố bịch.

Trong bài viết, giáo sư Tương Lai đã cố đánh bóng vị trí dân tộc của đảng Cộng sản qua cái gọi là ‘công lao’ chống Pháp, chống Mỹ giành độc lập. Từ đó, ông cho rằng nếu đổi tên, đảng Cộng sản sẽ trở thành đảng của dân tộc. Cách lý luận này không ổn và bị tiêm nhiễm những giải thích quanh co của những nhà lý luận cộng sản về ‘công lao’ chống Mỹ, chống Pháp để biện minh về sự độc quyền cai trị của đảng trong mấy chục năm qua. Từ nhiều năm qua, những lý thuyết gia Cộng sản đã đứng trên tiền đề rằng đảng Cộng sản đã có công ‘giải phóng’ đất nước ra khỏi sự thống trị của Pháp, của Mỹ nên vì thế mà đảng phải lãnh đạo đất nước vì không có lực lượng nào khác có khả năng cũng như không có công như đảng Cộng sản Việt Nam? Trong khi thực tế lịch sử, ai cũng thấy rằng đảng Cộng sản Việt Nam đã cướp công kháng Pháp của toàn dân vào năm 1945 và đã đưa dân tộc vào cảnh tang tóc chỉ vì tham vọng vô sản hóa toàn miền Nam Việt Nam sau năm 1954, theo chỉ thị của quan thầy Liên Xô. Chính vì bị nhầm lẫn như vậy, giáo sư Tương Lai đã đưa ra một đề nghị thiếu thực tế. Tại sao?

Thứ nhất, vấn đề trì trệ của đất nước hiện nay không phải là vì cái tên đảng Cộng sản hay tên Nước xã hội chủ nghĩa mà chính là những con người cộng sản đã không biết đặt quyền lợi đất nước cao hơn quyền lợi của phe nhóm hay của chủ nghĩa. Họ đã có rất nhiều cơ hội để thực hiện nguyện vọng chung của dân tộc là xây dựng một đất nước tự do, dân chủ và độc lập sau năm 1945, năm 1954, năm 1975, năm 1991... nhưng họ đã không làm.

Thứ hai, nếu không cố bám vào cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa hay đội tiên phong của giai cấp công nhân vô sản.... những người cộng sản Việt Nam không còn bất cứ một cái gì để biện minh cho sự cầm quyền độc tôn hiện nay. Nghĩa là nếu họ dựa vào những lý luận Mác Lê - tuy đã cuối mùa- ít ra giúp cho họ an trú trong lúc vơ vét tài sản để bỏ chạy, còn nếu phải bỏ tất cả để về với dân tộc... thì họ chỉ còn là những tên tội đồ ngoan cố.

Thứ ba, thay đổi tên đảng hay tên nước không phải là việc làm khó khăn. Vấn đề đặt ra là tại sao phải thay đổi? và sự thay đổi đó có tốt hơn hay không? Nếu thay đổi tên mà bản chất của những người lãnh đạo vẫn tiếp tục như thời gian qua, thì chẳng khác nào thay đổi lớp sơn trên một thứ gỗ đã mục hay quá tồi.

Nói tóm lại, đề nghị đổi tên đảng và tên nước của giáo sư Tương Lai là một nhắc nhở cho giới lãnh đạo Hà Nội về quyền lợi của dân tộc. Nhưng sự đề nghị của ông đã thiếu phần nhận diện về bản chất thật của những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam nên người đọc đã thấy cái nhìn của ông thiếu thực tế. Hơn thế nữa, dù đảng Cộng sản có tuyên bố đổi tên đảng hay tên nước đi chăng nữa mà nền tảng chính trị vẫn nằm trong sự khống chế toàn diện của một thiểu số độc tài, thì chẳng khác nào hành động ’đánh bùn sang ao’ mà thôi.

Lý Thái Hùng
4 tháng 4, 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét