Trong đợt ‘ân xá’ nhân ngày 2 tháng 9 năm nay, Cộng sản Việt Nam cho biết là họ sẽ thả hơn 5,000 tù nhân các loại, trong đó có hai tù nhân chính trị là anh Phạm Hồng Sơn, tác giả bài viết Dân Chủ là gì? và ông Mã Văn Bảy, Mục sư tin lành người H’Mong bị bắt trong cuộc nổi dậy tại Tây Nguyên vào năm 2001. Hai anh Phạm Hồng Sơn và Mục sư Mã Văn Bảy nằm trong danh sách 21 người mà Hoa Kỳ đòi Hà Nội phải phóng thích vô điều kiện. Trong lần thả tù này, Cộng sản Việt Nam đã không làm rùm beng như hồi đầu năm 2005 và tiếp tục giam giữ anh Nguyễn Vũ Bình, một nhà đối kháng trẻ đã viết hàng loạt các bài tham luận đòi tự do ngôn luận và tự do lập hội trong các năm 2001 và 2002. Sự kiện Hà Nội chỉ thả anh Phạm Hồng Sơn trong khi tiếp tục giam giữ anh Nguyễn Vũ Bình cho thấy là đảng Cộng sản Việt Nam rất đắn đo trong việc thả tù chính trị lần này mà lẽ ra họ phải thỏa mãn các đòi hỏi của Hoa Kỳ để đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ trong việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) cũng như làm hài lòng Quốc hội Hoa Kỳ trong việc thông qua quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR). Tuy việc tham gia vào WTO với việc hưởng quy chế PNTR của Hoa Kỳ, không có liên hệ và không làm cản trở nhau, nhưng nếu Hà Nội không được hưởng quy chế PNTR thì vấn đề trao đổi mậu dịch với Hoa Kỳ vẫn còn nhiều rắc rối, nhất là việc Hà Nội đang ráo riết chuẩn bị tổ chức Hội nghị APEC vào tháng 11 tới đây sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Nhìn vào cách ứng xử của Hà Nội trong lần thả tù này, ta thấy là bộ phận lãnh đạo mới của đảng Cộng sản Việt Nam được bầu lên hồi tháng Tư vừa qua gồm các ông Nông Đức Mạnh (Tổng Bí Thư), Nguyễn Minh Triết (Chủ tịch nước) và Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tuớng) đang rơi vào tình trạng phân liệt cùng cực với những chi phối của các phe quyền lực giữa vấn đề ổn định chính trị và mở cửa buôn bán. Việc ông Nông Đức Mạnh đang viếng thăm Trung Quốc và xác quyết với lãnh đạo Bắc Kinh về việc tiếp tục giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong bản thông báo chung giữa hai nước vào cuối tuần vừa qua, cũng như ông Mạnh chính thức yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ tối đa việc tổ chức hội nghị APEC cho thấy là Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đang có những ý kiến đối nghịch trong việc đối phó các vấn đề nghiêm trọng trước mặt.
Thứ nhất là các phản ứng trù dập và sách nhiễu của công an đối với những nhà đối kháng trẻ mới xuất hiện sau đợt ký tên vào Tuyên Ngôn Dân Chủ của nhóm 8406 do Linh Mục Nguyễn Văn Lý, anh Đỗ Nam Hải và ông Trần Anh Kim làm đại diện, mang tính chất hù dọa hơn là thẳng tay ngăn chận làn sóng phản kháng của các nhà vận động dân chủ tại Việt Nam. Trong khi đó, công an lại ‘để yên’ những nhà đấu tranh có tầm vóc như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Linh Mục Chân Tín, ông Trần Anh Kim, ông Đỗ Nam Hải.... Điều này cho thấy là trong nội bộ của đảng Cộng sản Việt Nam đã không có sự dứt khoát về cách nhận định và đối phó làn sóng dân chủ hiện nay.
Thứ hai là phản ứng của Hà Nội trong cách sách nhiễu những nhà đối kháng hay ngăn chận các hoạt động chống đối chế độ mang tính nửa vời, thụ động so với vài năm trước đây. Hà Nội làm ngơ đối với việc ra đời của Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận do Linh Mục Chân Tín làm Tổng biên tập, trong khi lại ngăn chận và làm khó dễ việc ấn hành tập san Tự Do Dân Chủ đối với các ông Hoàng Tiến, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Văn Đài. Ngoài ra, Hà Nội chỉ thả anh Phạm Hồng Sơn trong khi tiếp tục giam giữ anh Nguyễn Vũ Bình, người đã nộp đơn đòi thành lập đảng Tự Do Dân Chủ cách nay khoảng 6 năm. Những phản ứng nửa vời này cho thấy là giới lãnh đạo Hà Nội đang bị quá nhiều áp lực nên đã ứng xử tùy tiện theo cách làm của mỗi bộ phận trách nhiệm.
Thứ ba là trong sự vận động hỗ trợ việc tổ chức Hội nghị APEC cũng như đẩy mạnh tiến trình gia nhập WTO, Hà Nội cố đi nước đôi; nhưng lại biểu hiện sự cầu cạnh đối với Bắc Kinh hơn là đối với Hoa Thịnh Đốn, ít nhất là cho đến tháng 11 tới. Việc Nông Đức Mạnh đi Trung Quốc có thể là đòn tháu cáy của Hà Nội đối với những phức tạp đang gặp phải trong việc đàm phán với Hoa Thịnh Đốn hiện nay; nhưng hành động này cho thấy là lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã mất sự chủ động và không cưỡng lại được sức kéo của phía Bắc Kinh.
Những phản ứng nửa vời của Hà Nội nói trên cho người ta thấy là bộ phận lãnh đạo mới đang đối diện hai vấn đề nghiêm trọng: Đó là sự mất thống nhất về cách ứng phó các vấn đề nội bộ quốc gia và mất sự chủ động trong các quan hệ đối ngoại, đặc biệt là giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh trong tiến trình gia nhập WTO. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì các phe nhóm trong trung ương đảng Việt Cộng đã lún quá sâu vào những phân liệt quyền và lợi đang thụ hưởng sau 20 năm mở cửa; đồng thời bị những chi phối bởi các thế lực bên ngoài, đặc biệt là từ Bắc Kinh. Từ đó, các phe đã núp dưới chiêu bài bảo vệ đảng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội để tấn công những ai có xu hướng khác với phe mình, khiến cho mọi quyết định trở nên nửa vời, vì không một phe nào dám nhận lấy trách nhiệm. Đây không chỉ là hậu quả của tình trạng ’cá mè một lứa’ ở cấp lãnh đạo hiện nay mà còn là phó sản của chủ trương ’mở kinh tế xiết chính trị’ trong 20 năm đổi mới. Chính nó đã sản sinh ra những cung cách hành xử tùy tiện, vô trách nhiệm của cán bộ các cấp với những nạn tham ô, hối mại quyền thế, hốch hách, sách nhiễu dân chúng. Đây cũng có thể coi là dấu hiệu suy tàn của những chế độ độc tài đang đi vào giai đoạn cuối với những phản ứng loạn chiêu như đã phân tích ở trên.
Lý Thái Hùng
29 tháng 8, 2006.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét