10 tháng 10, 2006

Về Đại Hội Toàn Đảng Kỳ VI Của Đảng Việt Tân

Cứ năm năm một lần, toàn thể đảng viên của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng cùng nhau hướng lòng về ngày Đại Hội Toàn Đảng. Đây không chỉ là dịp để toàn thể đảng viên tại khắp các cơ sở Đảng ở trong và ngoài nước gặp mặt nhau nhằm duyệt lại đoạn đường đấu tranh đã qua, vạch ra những hướng đi của năm năm trước mặt, mà còn là dịp để thảo luận về việc cải tiến guồng máy vận hành và tuyển chọn thành phần lãnh đạo hầu đáp ứng với những phương hướng hoạt động mới của đảng.



Từ ngày thành lập, mùng 10 tháng 9 năm 1982 cho đến nay, đảng Việt Tân đã trải qua 5 kỳ đại hội toàn đảng, trong những bối cảnh khác nhau. Đặc biệt là trong các năm từ 1982 cho đến năm 2004, đảng Việt Tân hoạt động trong bí mật nên các kỳ đại hội Đảng đã diễn ra trong khung cảnh đặc thù, có lúc tại khu chiến và có lúc tại hải ngoại, tùy theo tình hình hoạt động của đảng. Tuy vậy, đại hội toàn đảng luôn luôn được tiến hành trong tinh thần dân chủ và trong sáng, trong đó mọi quyết định về đường lối, chủ trương của đảng, trước khi chung quyết tại đại hội, từ nhiều tháng trước, toàn thể các đảng viên đã được hướng dẫn thảo luận và góp ý, để hiểu rõ tình hình và các nhu cầu của đảng phải tiến hành. Ngay cả việc tuyển chọn nhân sự lãnh đạo, từ nhiều tháng trước khi đại hội khai diễn, toàn thể các cơ sở đảng đã tham dự vào tiến trình tuyển chọn những ứng viên không chỉ dựa trên khả năng mà còn dựa vào bản lãnh đấu tranh, trong quá trình điều hướng các sinh hoạt của đảng ở mọi cấp, để toàn thể đại hội chọn ra những uỷ viên trung ương bằng lá phiếu kín của đại biểu. Chính lề lối sinh hoạt dân chủ và dựa trên nền tảng phục vụ nhu cầu chung của công cuộc đấu tranh, mỗi lần tổ chức đại hội toàn đảng là mỗi lần đánh dấu sự trưởng thành của đảng Việt Tân qua việc tuyển chọn hàng ngũ lãnh đạo thích ứng với tình hình đấu tranh, không chỉ căn cứ vào quá trình phục vụ hay công trạng đối với đảng.

Đại Hội Toàn Đảng Kỳ VI của đảng Việt Tân được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua trong khung cảnh đặc biệt. Đặc biệt là vì đảng Việt Tân không còn hoạt động bí mật như nhiều năm trước đây mà đã chính thức công khai hoạt động, kể từ sau buổi lễ công khai hóa tại Bá Linh, Đức Quốc vào ngày 19 tháng 9 năm 2004. Trong hơn hai năm hoạt động công khai vừa qua, đảng Việt Tân đã xuất hiện như một chính đảng trực diện đối đầu với chế độ Hà Nội và tiến hành các chính sách căn bản trong việc khai dụng sự bất mãn của quần chúng hầu dấy lên phong trào đấu tranh quần chúng, cũng như liên kết các lực lượng đấu tranh không cộng sản, để tạo sức ép mạnh mẽ lên đảng Cộng sản Việt Nam. Sự xuất hiện công khai hoạt động của đảng Việt Tân, cùng với những biến chuyển của tình hình đấu tranh qua sự xuất hiện của nhiều lực lượng đấu tranh như Khối 8406, đảng Thăng Tiến Việt Nam, đảng Dân Chủ Nhân Dân, đảng Vì Dân, đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21... ngay tại Việt Nam trong những tháng vừa qua, cho thấy là tình hình đấu tranh đã chuyển sang thế ‘xáp lá cà’ giữa lực lượng dân chủ không cộng sản với đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đại hội VI của đảng Việt Tân đã được triệu tập với một sinh khí mới, không chỉ vì kết quả của sự công khai hoạt động mà còn do những thay đổi tích cực của tình hình hiện nay.

Đại hội VI của đảng Việt Tân đã nhận định rằng, tình hình đấu tranh đang ở vào thời điểm thuận lợi nhất cho các lực lượng dân chủ không cộng sản vì quần chúng đã vượt lên trên sự sợ hãi, biến căm phẫn thành hành động đấu tranh qua các dạng đình công, lãng công, khiếu kiện.. ngày một gia tăng. Trong khi đó, nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam đang trên đà phân hóa và ruỗng nát bởi những tệ nạn tham ô nhũng lạm vô phương cứu chữa, trong tình trạng lãnh đạo cá mè một lứa. Đây là lúc mà đảng Việt Tân quan niệm rằng phải nỗ lực dấy lên nhiều phong trào đấu tranh quần chúng tại quốc nội, với sự liên kết các lực lượng trong một liên minh dân tộc hầu có thể khai dụng sở trường của từng tổ chức, ngăn chận các biến chiêu của Hà Nội. Không những thế, đảng Việt Tân còn quan niệm rằng, hơn lúc nào hết, các lực lượng dân chủ không cộng sản phải tấn công vào tư thế và làm soi mòn thực lực của đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt là tấn công vào ba trụ cột đang chống đỡ chế độ hiện nay là guồng máy pháp lý, hệ thống thông tin và bộ máy công an. Tấn công vào hệ thống pháp lý để không chỉ phá vỡ các đòn biến chiêu của Hà Nội mà còn giúp người dân dùng luật pháp để đánh thẳng vào nền tảng cầm quyền của bộ máy lãnh đạo. Tấn công vào hệ thống thông tin để phá đổ toàn diện bức màn bưng bít và ngu dân của đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời giúp cho người dân nhìn thấy thế tất thắng của công cuộc đấu tranh để hăng hái tham gia. Tấn công vào bộ máy công an chính là cô lập mọi hành vi bạo lực của chế độ đối với các phong trào đấu tranh quần chúng và cô lập thiểu số thống trị ra khỏi đại khối dân tộc.

Để hoạt động hiệu quả với những tầm nhìn chiến lược nói trên, trong đại hội toàn đảng kỳ VI, đảng Việt Tân đã thảo luận về nhu cầu cải tiến cơ chế tổ chức và vận hành, để Việt Tân trở thành một phương tiện đấu tranh hiệu quả không chỉ cho các đảng viên Việt Tân mà còn cho những người Việt Nam khác có cùng ước vọng canh tân Việt Nam sau khi chấm dứt ách độc tài cộng sản. Dựa trên nền tảng cải tiến này, tân trung ương đảng Việt Tân nhiệm kỳ VI, đã đồng thuận với những sắp xếp thành phần lãnh đạo mới cho 5 năm tới mà đảng Việt Tân đã công bố trong cuộc họp báo ngày 8 tháng 10 vừa qua tại miền Nam California. Sự sắp xếp này hoàn toàn dựa trên nhu cầu chung trong sự tự nguyện của các cán bộ lãnh đạo, với quan điểm đã trở thành một truyền thống của đảng Việt Tân trong 25 năm dựng đảng, là mỗi người tự đứng vào những vị trí nào tốt nhất hầu phục vụ cho đảng và cho công cuộc đấu tranh.

Nói tóm lại, Đại Hội Toàn Đảng Kỳ VI của đảng Việt Tân diễn ra trong bối cảnh có nhiều đổi thay trong cục diện chính trị tại Việt Nam. Những thay đổi này, đã đặt đảng Việt Tân không thể tiếp tục đấu tranh trong những tư duy cũ với sự phân ranh hải ngoại - quốc nội, và nhất là ôm giữ thái độ e dè, cố chấp coi những người trong nước là cộng sản hay là tay sai cộng sản để xoi mói các nỗ lực đấu tranh tích cực tại quốc nội. Phải tiếp cận và khai dụng tất cả những hình thái bất mãn của quần chúng để dấy lên phong trào đấu tranh quần chúng tại Việt Nam; cũng như hỗ trợ các lực lượng dân chủ không cộng sản đấu tranh công khai với chế độ Hà Nội, là hướng chiến lược cốt lõi của đảng Việt Tân trong thời gian tới.

Lý Thái Hùng
10/10/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét