31 tháng 10, 2006

Quy Chế PNTR Và Nghị Định 31/CP

Nếu không có gì trục trặc vào giờ phút cuối, Cộng sản Việt Nam sẽ trở thành thành viên thứ 150 của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) trong phiên hợp của các thành viên WTO dự trù tổ chức tại Thủ đô Brussell, Bỉ Quốc vào ngày 8 tháng 11 tới. Nghĩa là Hà Nội sẽ cầm được tấm vé gia nhập WTO sau hơn 11 năm đàm phán gay go, trước khi đón tiếp 21 nguyên thủ các quốc gia đến Hà Nội dự Hội nghị APEC, diễn ra vào hai ngày 18-19 tháng 11. Vấn đề còn lại của Cộng sản Việt Nam là có được Hoa Kỳ cấp cho quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn (PNTR) cùng lúc này hay không? Mặc dù việc gia nhập vào WTO và được hưởng quy chế PNTR của Hoa Kỳ không có liên hệ gì với nhau, nhưng nếu được cả hai vào cùng thời gian này, sẽ giúp cho Cộng sản Việt Nam rất nhiều trong mặt trận tuyên truyền với dư luận thế giới, hầu mở rộng cánh cửa vận động đầu tư buôn bán.



Theo một số tin tức từ Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ sẽ cấp cho Hà Nội quy chế PNTR nhưng với một số điều kiện đi cùng. Những điều kiện này không liên hệ nhiều đến các ràng buộc về kinh tế hay những quyền lợi thương mại của một số công ty Hoa Kỳ khi phải cạnh tranh với các hàng hóa của Việt Nam nhập cảng vào thị trường Mỹ. Điều mà ít ai nghĩ đến nhưng đã trở thành mấu chốt của những trao đổi gần đây giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn chính là việc Hoa Kỳ yêu cầu Cộng sản Việt Nam hủy bỏ quy chế quản lý hành chánh của Nghị Định 31/CP, do ông Võ Văn Kiệt ký ngày 14 tháng 4 năm 1997, trước khi ông ta giã từ chính trường giao ghế Thủ tướng lại cho ông Phan Văn Khải. Nghị Định 31/CP là sản phẩm của bộ máy công an dưới thời Bộ trưởng nội vụ Bùi Thiện Ngộ, nhằm cho phép công an bắt - giữ - giam tại chỗ đối với những ai có các hoạt động chống đối liên quan đến tôn giáo, chính trị mà không cần xét xử từ 6 tháng đến 2 năm; đặc biệt là cho phép công an bắt mà không cần chứng cớ phạm pháp, nếu bị coi là vi phạm các an ninh quốc gia. Chính từ Nghị Định này mà sau này Hà Nội đã dùng tội danh ‘gián điệp’ để tùy tiện gán ghép cho những ai dùng mạng lưới Internet trao đổi bài vở hay tin tức từ trong nước với bên ngoài.

Từ nhiều năm nay, qua những vận động của một vài tổ chức chính trị của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hoa Thịnh Đốn đã yêu cầu Hà Nội phải bãi bỏ Nghị Định 31/CP nếu muốn được hưởng quy chế PNTR và gỡ bỏ ra khỏi danh sách những quốc gia đáng quan tâm đặc biệt (CPC), vì nó đã cho bộ máy công an có toàn quyền bắt giữ và thủ tiêu bất cứ ai mà dư luận không hề biết. Nghị Định này đã không chỉ đi ngược lại các nguyên tắc tôn trọng nhân quyền mà Hoa Kỳ đã chủ trương trong các quan hệ ngoại giao và kinh tế với mọi quốc gia mà còn biểu hiện một sự thách đố nền công lý chung của thế giới tự do. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã yêu cầu Hà Nội phải chính thức bãi bỏ Nghị Định 31/CP trước khi Hội nghị APEC khai mạc, trong một chuyến đi thăm đặc biệt của phụ tá Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đặt trách về vấn đề nhân quyền hôm trung tuần tháng 10 vừa qua. Hà Nội đã trả lời nước đôi về sự yêu cầu này của Hoa Thịnh Đốn, vì chính trong nội bộ của Cộng sản Việt Nam chưa có sự dứt khoát về quyết định nên hay không nên hủy bỏ Nghị Định 31/CP vào lúc này.

Sự thận trọng của Hà Nội là điều mà người ta có thể hiểu khi một chế độ độc tài bị bắt loại bỏ những phương tiện trấn áp người dân. Hơn thế nữa, bị áp lực bãi bỏ một phương tiện mà Hà Nội đang lúc cần đến để ngăn chận làn sóng chống đối ngày một gia tăng của các nhà dân chủ, với sự xuất hiện công khai hay bán công khai của một số lực lượng chính trị, mang đặc tính huy động sự tham gia rộng rãi của quần chúng như Công Đoàn Độc Lập, Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền Cho Việt Nam, Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Tại Việt Nam... đã làm giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam khá nhức đầu. Hệ quả của sự chọn lựa nhức đầu này là phản ứng ‘thảo khấu’ của bộ máy công an đối với các nhà đối kháng gần đây như việc cho công an giả dạng du đãng chạy xe gắn máy uy hiếp Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài sau khi từ chối việc xuất ngoại của hai nhân sự này. Hoặc tìm cách sách nhiễu liên tục hai nhà dân chủ Đỗ Nam Hải và Nguyễn Chính Kết qua việc tra hỏi về sự liên lạc thành lập Liên Minh Dân Chủ Nhân Quyền hay cưỡng chế anh Lê Trí Tuệ phải lên trụ sở công an khai báo về sự thành lập Công Đoàn Độc Lập... Những phản ứng này cho thấy là công an không dám làm mạnh, mà chỉ hành hạ tạo áp lực tinh thần lên các nhà đối kháng, trong lúc lãnh đạo Hà Nội suy tính về việc tháo gỡ Nghị Định 31/CP, hầu làm hài lòng Hoa Thịnh Đốn để có được quy chế PNTR.

Sự chần chừ của Hà Nội trong việc bãi bỏ Nghị Định 31/CP hiện nay làm người ta nhớ đến một số chính quyền Cộng sản tại Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc cách nay 17 năm khi bị Hoa Kỳ và một số quốc gia Tây Phương áp lực phải bãi bỏ Pháp Lệnh ‘Quyền Khẩn Cấp’, mà Quốc hội đã ban cho các chính phủ cộng sản vào lúc đó, để tùy tiện bắt giữ, truy bức và đàn áp thô bạo đối với những ai có quan điểm hay hành động chống lại chính quyền, không cần phải mang ra tòa hay có án lệnh của tòa án trong các năm cuối thập niên 80 của Thế kỷ truớc. Các chính quyền cộng sản tại Ba Lan, Hung Gia Lợi đã chần chừ và câu giờ trước những đòi hỏi của Tây Phuơng để đổi lấy những quy chế đặc miễn về mậu dịch. Cuối cùng thì các chế độ này đã phải hủy bỏ ‘pháp lệnh quyền khẩn cấp’, mặc dù có sự rạn nức trầm trọng trong nội bộ lãnh đạo giữa hai khuynh hướng giữ và bỏ, trước những áp lực đấu tranh của quần chúng ngày một gia tăng vào lúc đó.

Cộng sản Việt Nam đang đứng trước sự chọn lựa có thể là khó khăn; nhưng khó khăn này là do chính họ tạo ra khi đi ngược lại trào lưu dân chủ hóa của nhân loại. Ngày nào mà Hà Nội tiếp tục duy trì chính sách ‘mở rộng phát triển kinh tế; nhưng xiết chặt kiểm soát chính trị’ thì sẽ phải bị những hậu quả của các áp lực đấu tranh từ quần chúng và từ thế giới tự do. Sự mâu thuẫn của chính sách này gia tăng khi mức độ mở rộng kinh tế ngày một đối nghịch với những trấn áp chính trị để cố giữ độc quyền. Cộng sản Việt Nam đang đứng trước sự mâu thuẫn tự thân này, vì họ đã không lường được sức bật đấu tranh của các lực lượng dân chủ không cộng sản đã gia tăng nhanh chóng từ khi Khối 8406 xuất hiện. Hơn thế nữa, phong trào dân chủ tại Việt Nam đã không còn giới hạn nơi một vài cá nhân hay ở một vài nhóm người, nó đã bắt đầu lan rộng ra đường phố và bùng nổ ở các công trường, với sự xuất hiện của các cuộc biểu tình khiếu kiện đòi ruộng đất của nông dân tại Sài Gòn và Hà Nội cũng như hàng loạt các cuộc đình công của công nhân vào đầu năm nay. Đặc biệt nhất, cuộc nổi dậy của hàng ngàn nông dân tại Chí Thanh, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào hai ngày 21 và 22 tháng 10 vừa qua làm tắc nghẽn giao thông trên đoạn đường 20 cây số, chống lại việc tra tấn đến chết người nhưng công an lại đổ hô là nạn nhân tự tử trong trại giam, cho thấy là lòng dân đã và đang phẫn uất, chờ thời cơ bùng nổ.

Nói tóm lại, những diễn biến của tình hình Việt Nam hiện nay đã cho chúng ta những dấu hiệu lạc quan tích lũy từ những nỗ lực đấu tranh âm thầm trong các năm tháng vừa qua. Việc áp lực để Cộng sản Việt Nam hủy bỏ Nghị Định 31/CP không chỉ nhằm tháo gỡ một phương tiện trấn áp tùy tiện lên các nhà đấu tranh tại Việt Nam mà còn là bước làm soi mòn khả năng thống trị của Hà Nội, để tạo sức bật của phong trào đấu tranh quần chúng trong thời gian tới.

Lý Thái Hùng
Oct 31 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét