24 tháng 8, 2007

Tưởng Niệm Đông Tiến

Đông Tiến là con đường tiến về phía Đông, hướng về phía Mặt Trời của đất nước Việt Nam thân yêu từ hải ngoại. Đông Tiến là con đường kháng chiến Việt Nam đã phải băng qua lãnh thổ Lào và Kampuchia từ đất Thái, trong giai đoạn đất nước hoàn toàn bị bao phủ bởi bức màn sắt của độc tài chuyên chế, để xâm nhập vào Việt Nam, vận động toàn dân vùng lên đấu tranh giải phóng đất nước khỏi gông cùm toàn trị của đảng Cộng sản Việt Nam; đoạn đường lịch sử dài suốt gần 10 năm - từ cuối năm 1981 đến giữa năm 1990.

Con đường Đông Tiến được chính thức ’khai sinh’ vào hạ tuần tháng 11 năm 1981 khi Tướng Hoàng Cơ Minh, Chủ Tịch Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Viêt Nam (gọi tắt là Mặt Trận), cùng với khoảng 14 chiến hữu của ông, từ Bangkok, tiến về vùng biên giới Thái Lào, để thiết lập khu chiến trong lãnh thổ Lào, cách làng Nong Noi, tỉnh U Bon Thái khoảng 10 cây số về hướng Đông. Sau khi thiết lập xong căn cứ và huấn luyện thêm nhân sự, Tướng Hoàng Cơ Minh đã thực hiện các toán công tác với nhiệm vụ mở những con đường xâm nhập vào Việt Nam băng qua lãnh thổ Lào và Kampuchia. Mặt Trận gọi đây là giai đoạn Đấu Tranh Đông Tiến với hai mục tiêu: 1/ Khai mở con đường liên lạc trong ngoài đã bị tắc nghẽn từ sau năm 1975; 2/ Bắt tay với các lực lượng kháng cự tại nội địa. Kháng Chiến Quân Phùng Tấn Hiệp là người đã có công rất lớn trong việc thực hiện các toán giao liên, mở những con đường xâm nhập Việt Nam trong bối cảnh phôi phai của Kháng chiến Việt Nam.



Mùa Thu năm 1983, toán giao liên do Chiến hữu Phùng Tấn Hiệp phụ trách đã thành công trong việc đưa một đoàn xâm nhập vào tới vùng cao nguyên trung phần Việt Nam và tạo một cái bắt tay lịch sử với một số lực lượng kháng cự đã chiến đấu âm thầm suốt nhiều năm tại đây. Sau khi giải thích về đường lối và chủ trương của Mặt Trận cho những anh chị em hoạt động trong các lực lượng kháng cự, mọi người đã xin giải thể tổ chức của mình, sáp nhập và tham gia Mặt Trận. Vì vậy mà trong chuyến trở ra lại căn cứ, chiến hữu Phùng Tấn Hiệp đã dẫn một đoàn người đông hơn nhiều lần. Kháng Chiến Quân Phùng Tấn Hiệp đã nằm xuống trên con đường Đông Tiến trong một chuyến công tác vào cuối tháng 10 năm 1983 và tên tuổi của anh đã gắn liền với con đường lịch sử này, khi anh được Mặt Trận vinh danh là Anh Hùng Đông Tiến vào cuối năm 1983.

Nỗ lực khai mở con đường giao liên để xâm nhập Việt Nam đã chính thức hoàn tất vào cuối tháng 12 năm 1983, khi Mặt Trận tổ chức buổi lễ kết thúc giai đoạn đấu tranh Đông Tiến, với sự ra đời của đài phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến . Đài Việt Nam Kháng Chiến chính thức phát thanh vào lúc 5 giờ sáng ngày 27 tháng 12 năm 1983 sau ba năm nghiên cứu và thử nghiệm. Đài Việt Nam Kháng Chiến đã góp phần rất lớn trong việc duy trì con đường Đông Tiến qua các tín hiệu được Mặt Trận gửi cho những đoàn xâm nhập.

Sau giai đoạn khai mở từ năm 1981 đến năm 1983, con đường Đông Tiến đã bắt đầu rộn rịp với nhiều bước chân di hành của các đoàn công tác lúc thì tiếp vận, lúc thì đưa người xâm nhập, lúc thì đón người từ trong nước ra các căn cứ học tập, lúc thì đưa những cán bộ Ủy ban kháng quản xâm nhập hoạt động nội thành.... Từ năm 1984 cho đến năm 1990, Mặt Trận đã đưa hàng chục đoàn công tác với hàng trăm người tham dự trong các đợt xâm nhập. Có những chuyến xâm nhập đông đến trên 300 người tham gia; nhưng cũng có chuyến xâm nhập chỉ có khoảng mươi người. Đa số mỗi đoàn xâm nhập có từ 50 đến 110 người. Đoạn đường di hành thường là từ vùng biên giới Thái Lào, băng qua Lào rồi sau đó băng qua đất Kampuchia, tiến vào ngã Ba Tam Biên (Lào – Kampuchia - Việt Nam) để vào khu an toàn của Mặt Trận vào lúc đó là vùng cao nguyên trung phần.

Trong các đợt xâm nhập, tuy có đụng độ với lực lượng bộ đội Lào Cộng và Việt cộng; nhưng anh chị em Kháng Chiến Quân chỉ chiến đấu khi rơi vào tình thế nguy kịch còn đa số là tránh các cuộc đụng độ vì mục tiêu của Mặt Trận không phải là tiến hành các cuộc đấu tranh quân sự với bộ máy quân sự của Hà Nội, mà là vận động và tổ chức hóa người dân, đứng lên chống lại chế độ độc tài cộng sản bằng chính sức mạnh quần chúng. Mặt Trận gọi đây là đường lối đấu tranh vận dụng.

Trên đoạn đường xâm nhập, ngoài những hy sinh trong các cuộc giao tranh với lực lượng Việt cộng, nhiều anh chị em Kháng Chiến Quân đã bỏ mình vì những nghiệt ngã của núi rừng; nhưng đã không làm chùn bước chân của những con người Việt Nam quả cảm với lòng yêu nước nồng nàn. Chính nhờ con đường Đông Tiến này mà Mặt Trận đã đưa được rất nhiều người con yêu của Tổ Quốc quay trở về hoạt động ngay trên quê hương, và giữ vững ngọn cờ đấu tranh ngay tại quốc nội cho đến ngày hôm nay, dù phải trải qua rất nhiều sóng gió.

Cộng sản Việt Nam đã cố tình bóp méo những sự thật liên quan đến con đường Đông Tiến khi chúng chỉ nêu lên khía cạnh thất bại qua ba chuyến xâm nhập vào năm 1985 của chiến hữu Dương Văn Tư, năm 1987 của chiến hữu Nguyễn Trọng Hùng, có Tướng Hoàng Cơ Minh đi cùng, năm 1989 của chiến hữu Đào Bá Kế. Như trên đã trình bày, con đường Đông Tiến đã không chỉ diễn ra ba đợt xâm nhập như Cộng sản Việt Nam vẽ vời thêu dệt. Thậm chí có một vài người Việt Nam lại dùng chính những điều Việt cộng xuyên tạc về sự tan rã của Mặt Trận sau ba đợt xâm nhập, để tấn công vào Mặt Trận. Tất cả những loan truyền của Việt cộng về Mặt Trận, về con đường Đông Tiến đều là những ráp nối giữa những dữ kiện giả với một vài dữ kiện thật, để lung lạc những người không nắm vững nội vụ vấn đề. Ngay cả chuyến xâm nhập năm 1987 của Tướng Hoàng Cơ Minh, Cộng sản Việt Nam cũng đã dàn dựng ra những dữ kiện không thật, kể cả việc đưa ra một số dữ kiện sai lạc về hướng xâm nhập, sinh hoạt của Kháng Chiến Quân trong lúc di chuyển và tinh thần chiến đấu của Kháng chiến quân. Những sai lạc này lại được một cựu Kháng chiến quân – sau khi bị Việt Cộng cầm tù và thả ra - góp nhặt viết trong một tập Hồi Ký để tiếp tục loan truyền những hình ảnh không đúng, không thật về những hy sinh hào hùng của đồng đội.

Tất cả đều trở về với cát bụi, nhưng lịch sử của một cuộc đấu tranh vẫn còn sống mãi với giòng tiến hóa của dân tộc. Tướng Hoàng Cơ Minh và hàng trăm Kháng Chiến Quân đã khai mở con đường Đông Tiến, con đường đánh dấu sự quật khởi hào hùng của dân tộc Việt Nam giữa tang thương và đổ vỡ của biến cố 30-4-1975, và sau hơn 5 năm đất nước bị nhuộm đỏ bởi đảng Cộng sản Việt Nam. Con đường Đông Tiến đã trở thành một giai thoại đấu tranh của lịch sử cận đại; nhưng chính nhờ lòng yêu nước nồng nàn và sự can đảm của hàng trăm Kháng chiến Quân mà niềm tin đã được khôi phục, đã giúp giữ vững trận thế chống độc tài Cộng sản trong lúc mà tâm trạng chung là buông xuôi và tháo chạy của thập niên 80. Nhớ về Đông Tiến và nhớ đến bối cảnh tan nát của đất nước vào lúc đó mới thấy rõ sự can đảm của những con người kiên cường, dám vứt bỏ đời sống ấm êm nơi xứ người, từ giã vợ con, gia đình để xông vào chốn hiểm nguy, xây dựng lại thế trận đấu tranh bằng hai bàn tay trắng. Tưởng niệm Đông Tiến chính là xiển dương tinh thần đấu tranh hào hùng của những tấm gương dũng liệt đã Vị Quốc Vong Thân.

Lý Thái Hùng
August 24 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét