08 tháng 9, 2007

Chặng Đường Một Phần Tư Thế Kỷ Của Đảng Việt Tân

Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (đảng Việt Tân) được chính thức thành lập trong Đại Hội Dựng Đảng vào ngày 10 tháng 9 năm 1982 tại một địa điểm trong vùng biên giới Thái Lào. Những ý kiến về việc xây dựng một đảng cách mạng đã được Tướng Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu của ông thảo luận từ lúc bắt tay xây dựng căn cứ, làm bàn đạp xâm nhập Việt Nam vào cuối năm 1981. Lúc đó, Tướng Hoàng Cơ Minh quan niệm rằng: Cuộc chiến đấu sau năm 1975 không đơn thuần là cuộc đấu tranh giải thể chế độ độc tài Cộng sản, mà còn là một cuộc cách mạng canh tân Việt Nam để xây dựng lại con người và nước Việt Nam mới, hoằng dương những giá trị trường cửu của dân tộc mà đảng Cộng sản Việt Nam đã xóa sạch. Muốn làm cách mạng thì phải có một đảng cách mạng để đào tạo những con người cách mạng hầu tiến hành những mục tiêu cách mạng đó.



Do đó, song song với việc xây dựng Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam như một trận tuyến quy tụ sức mạnh đoàn kết của các lực lượng, tổ chức, đoàn thể đã từng được thành lập và đấu tranh từ sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, Tướng Hoàng Cơ Minh và những chiến hữu lãnh đạo của các đoàn thể nói trên đã đồng ý xây dựng bên trong Mặt Trận một đảng cách mạng để chỉ đạo công cuộc đấu tranh. Tên đảng cũng đã được mang ra thảo luận rất nhiều lần và cuối cùng, mọi người đã dựa trên đặc tính sinh hoạt của đảng là Cách Mạng và mục tiêu theo đuổi của đảng là Canh Tân Việt Nam để chọn đảng danh là Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng. Đây cũng là sự nhắc nhở mọi đảng viên Việt Tân là trong thế hệ này phải thực hiện cho bằng được công cuộc canh tân đất nước mà các thế hệ đi trước đã thất bại, kể từ khi Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lăng từ năm 1858 cho đến nay.

Sự ra đời của đảng Việt Tân cách nay đúng 25 năm - một phần tư thế kỷ - để chỉ đạo các hoạt động của Mặt Trận trong bối cảnh tâm lý của nhiều người vào lúc đó là buông xuôi và chán nản, đã đáp ứng phần nào sự chờ đợi tham gia của những người có lý tưởng, những người đã từng chiến đấu cho tự do của đất nước trước năm 1975. Vì thế mà ngày nay trong hàng ngũ đảng viên đảng Việt Tân đã tập họp nhiều thành phần với những thế hệ khác nhau. Từ một nữ sinh viên 18 tuổi sinh ra và lớn lên trong xã hội tiếp cư, chưa một lần biết đến Việt Nam nhưng đã rung động trước nạn buôn bán người tại Việt Nam. Từ một người cao niên 80 tuổi, đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập nhưng vẫn hăng hái tham gia đấu tranh vì không chấp nhận các hành vi bán nước của lãnh đạo Hà Nội. Từ một nữ công nhân 30 tuổi sinh ra trong lòng chế độ độc tài Cộng sản sau năm 1975, nhưng đã đi khắp phố phường Sài Gòn, vận động công nhân đứng lên chống bất công. Từ một thanh niên 25 tuổi, miệt mài giúp đỡ dân oan khiếu kiện đòi lại ruộng đất từ Bắc chí Nam. Từ một trung niên 60 tuổi, từng hy sinh một phần thân thể cho cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do, vẫn tiếp tục ôm từng chồng tài liệu đến từng nhà đồng bào vận động ủng hộ dân oan. Từ một nữ bác sĩ 40 tuổi, bên cạnh lương chức cứu người, đã giúp dân hiểu thế nào là xã hội dân sự để tự mình đứng lên đối đầu những bất công trong khu phố. Từ một thanh niên 50 tuổi, đang trải qua những năm tháng trong lao tù cộng sản vẫn kiên cường nuôi chí đấu tranh và tiếp tục phát triển đảng....

Những thế hệ Việt Tân đã tham gia đấu tranh bằng tấm lòng yêu nước, hấp thụ từ những hy sinh hào hùng của những vị lãnh đạo tiên phong, những người đã can đảm vứt bỏ đời sống ấm êm của gia đình, quay về vùng đất ngục tù đấu tranh giải phóng Việt Nam. Đảng Việt Tân là một tổ chức có nhiều đảng viên đã hy sinh xương máu cho Tổ Quốc Việt Nam. Những xương máu của họ đã kết tụ thành niềm hãnh diện cho những thế hệ Việt Tân kế thừa hôm nay. Vũ khí đấu tranh của toàn thể đảng viên Việt Tân trong suốt 25 năm vừa qua và trong những ngày tháng sắp tới, chính là sức mạnh đoàn kết. Sức mạnh này đã được Tướng Hoàng Cơ Minh tóm lược trong câu: Nếu sức mạnh của chiến tranh đến từ nòng súng thì sức mạnh của đấu tranh giải phóng đến từ ý chí và lòng can đảm của mọi người. Để huy động sức mạnh này, đảng Việt Tân luôn đề cao và phát huy Chính Nghĩa Dân Tộc trong mọi hoàn cảnh. Lấy chính nghĩa để huy động toàn dân. Lấy chính nghĩa tranh thủ thế giới. Lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù. Đây là nền tảng của đấu tranh vận dụng mà đảng Việt Tân đã đề ra trong thập niên 80 của thế kỷ trước và nay được gọi là đấu tranh bất bạo động của thế kỷ 21 sau khi hàng loạt các cuộc cách mạng màu bùng nổ tại Cộng Hòa Serb (2000), Georgia (2001), Ukrainer (2003), Kyrgystan (2005).

Cốt lõi của đường lối đấu tranh vận dụng mà đảng Việt Tân chủ trương cách nay 25 năm, là dựa trên sự vận động và tổ chức hóa quần chúng thành những phong trào đấu tranh. Khai dụng sự bất mãn và lòng căm thù của mọi tầng lớp quần chúng đối với sự cai trị độc tài, thối nát của đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng viên Việt Tân đã tiếp cận, hướng dẫn và hỗ trợ người dân đứng lên đấu tranh từ những vị trí của họ trong xã hội. Nhiều người đã chỉ nhìn thấy hình ảnh Kháng Chiến Quân mang súng để rồi vội vã kết luận rằng Mặt Trận đã chủ trương đối đầu với Hà Nội bằng giải pháp quân sự. Mặt Trận và đảng Việt Tân không hề chủ trương giải pháp quân sự ngay trong thời kỳ cao điểm của chiến tranh lạnh. Mặt Trận và đảng Việt Tân quan niệm những vũ khí mà Kháng Chiến Quân sử dụng hoàn toàn là để tự vệ và bảo vệ con đường xâm nhập trong sự khống chế toàn diện của bộ đội Cộng sản Việt Nam trên vùng đất Đông Dương từ năm 1979, sau khi họ xâm chiếm Kampuchia. Ngày hôm nay, những Kháng Chiến Quân đã thành công trong các chuyến xâm nhập; cũng như những đảng viên được phát triển sau này, đang hoạt động ở trong nước hay tại hải ngoại đều hiểu rõ nhiệm vụ là ’sống với dân và hướng dẫn dân đấu tranh’. Căn bản của nhiệm vụ này là mọi đảng viên Viêt Tân phải biết lắng nghe những trăn trở của quần chúng và phải huy động được đông đảo quần chúng tham gia.

Chính nhờ được hướng dẫn những quan niệm về đấu tranh vận dụng - còn gọi là đấu tranh bất bạo động theo xu thế hiện tại - đảng viên Viêt Tân đã tập trung vào ba nỗ lực chính yếu trong suốt 25 năm qua:

Thứ nhất là góp phần vào việc vận động và tổ chức hóa quần chúng thành những tập hợp đấu tranh, dựa trên những nguyện vọng, những bức xúc của họ để vừa phát triển xã hội dân sự, vừa áp lực chế độ Hà Nội phải giải quyết. Đồng thời leo thang các đòi hỏi để đẩy chế độ rơi vào thế lúng túng đối phó, nhượng bộ và mất quyền trước sức bật mạnh mẽ của các phong trào quần chúng khi được kết nối và đủ mạnh.

Thứ hai là xây dựng tiềm lực của đảng để có thể đấu tranh lâu dài. Đặc biệt là chú trọng đào tạo những thế hệ trẻ kế thừa để có thể góp phần hiệu quả vào các nhu cầu của đấu tranh hiện nay cũng như để chuẩn bị việc xây dựng đất nước trong tương lai.

Thứ ba là góp phần vào nỗ lực tranh thủ sự hậu thuận và yểm trợ của quốc tế vào cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại đã thành công rất lớn trong nỗ lực này và vì thế mà đã ngăn chận và gây rất nhiều khó khăn cho Cộng sản Việt Nam trên mặt trận quốc tế.

Nhìn lại chặng đường 25 năm đấu tranh, đảng Việt Tân đã có hàng trăm chiến hữu hy sinh trên con đường Đông Tiến. Tuy mục tiêu giải phóng đất nước chưa thành tựu; nhưng những diễn biến của tình hình đất nước hiện nay, đặc biệt là tình trạng bất ổn xã hội do sự đấu tranh của bà con dân oan, công nhân, đồng bào sắc tộc... cùng với sự lớn mạnh của phong trào dân chủ tại quốc nội cho chúng ta lạc quan tin tưởng rằng, cục diện Việt Nam sẽ phải thay đổi trong thời gian ngắn tới. Đó là đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải bị quần chúng đào thải và đất nước sẽ hồi sinh trong một thể chế tự do dân chủ và nhân quyền được tôn trọng.

Lý Thái Hùng
Sept 8 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét