26 tháng 9, 2007

Cuộc Cách Mạng Màu Vàng Đang Bùng Nổ Tại Miến Điện?

Tính đến ngày 25 tháng 9, những cuộc biểu tình rộng lớn của hàng chục ngàn nhà sư Miến Điện tại thủ đô Rangoon đã trải qua ngày thứ 9, là sự tiếp nối của những cuộc biểu tình trước đó của các nhà dân chủ và dân chúng Miến, nhằm chống chính quyền quân phiệt Miến Điện đã ra quyết định tăng giá nhiên liệu vào ngày 15 tháng 8 năm 2007. Mặc dù những cuộc biểu tình chống tăng giá nhiên liệu đã diễn ra nhiều ngày trong tháng 8 nhưng đã không tạo nhiều sự quan tâm của dư luận vì số người tham gia chưa đông đảo. Mãi cho đến khi nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện dùng vũ lực giải tán cuộc biểu tình của hơn 400 nhà sư Miến Điện tại thị trấn Pakoku vào ngày 5 tháng 9 năm 2007, cục diện chính trị đã thay đổi với sự nhập cuộc bất ngờ của hơn 400 ngàn tăng ni trong Liên minh các nhà sư Miến Điện.



Trong cuộc biểu tình tại thị trấn Pakoku, nhà cầm quyền quân phiệt Miến đã cho công an bắn chỉ thiên hầu uy hiếp đoàn biểu tình và đánh đập các nhà sư, khi họ tuần hành rất ôn hòa trên các đường phố của thị trấn. Các nhà sư tại đây là phản công lại và bắt giữ khoảng 20 công an trong nhiều giờ để phản đối việc bị công an đán đập thô bạo. Sau đó các nhà sư đã đòi chính quyền xin lỗi về sự kiện đánh đập này nhưng nhóm lãnh đạo quân phiệt đã làm ngơ. Trước hành động mang tính thách đố này, các nhà sư đã ra tuyên cáo kêu gọi dân chúng cùng đứng lên tẩy chay chính quyền quân phiệt cũng như kêu gọi hơn 400 ngàn tăng ni trên toàn quốc tham dự các cuộc tuần hành chống tăng giá nhiên liệu và đòi cải thiện đời sống dân chúng. Hưởng ứng lời kêu gọi này, đã có hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ diễn ra tại nhiều thị trấn trên toàn quốc.

Ngày 17 tháng 9, hàng trăm sư sãi trong thị trấn Kyaukapduang phía Bắc thủ đô Rangoon đã tổ chức cuộc biểu tình tuần hành trên đường phố và đọc kinh. Ngày 18 tháng 9, hơn 2.000 vị sư tại hải cảng miền Tây Sittwe đã biểu tình tuần hành đòi trả tự do cho bốn vị bị chính quyền quân phiệt Miến bắt giữ trong cuộc biểu tình ngày hôm trước. Cũng trong ngày này, hơn 1.500 vị sư đã tuần hành qua Mandalay, trung tâm điểm phật giáo Miến; nhưng tại thủ đô Rangoon, con số sư sãi tham gia biểu tình chỉ mới vài trăm người. Nhà cầm quyền quân phiệt Miến đã dùng vũ lực giải tán cuộc biểu tình tại hải cảng Sittwe và đánh đập làm cho hàng chục người bị thương. Sự đàn áp này đã khiến cho các nhà sư tại thủ đô Rangoon không thể tiếp tục im lặng.

Ngày 20 tháng 9, hơn 3000 vị sư đã tuần hành quanh ngôi chùa linh thiêng nhất của Miến Điện là chùa Shwedagon trong thủ đô cũ Rangoon. Các nhà sư đã đòi chính quyền quân phiệt Miến lên tiếng xin lỗi, vì đã dùng bạo lực phá vỡ các cuộc biểu tình bất bạo động của dân chúng nhằm chống lại việc tăng giá sinh hoạt. Công an và quân đội đã đươc huy động tới bao vây ngôi chùa nhưng không ra tay đàn áp. Ngày hôm sau, 21 tháng 9, Hiệp hội các nhà sư Miến Điện đã ra một bản thông cáo với lời lẽ rất mạnh lên án chính quyền quân phiệt là kẻ thù của nhân dân, chính thức kêu gọi dân chúng biểu tình cho đến khi nào họ loại trừ được chế độ độc tài quân phiệt. Đồng thời để tạo một sự ủng hộ trên toàn quốc, Hiệp hội các nhà sư đã kêu gọi dân chúng trên toàn quốc cầu nguyện 15 phút trước cửa nhà mình vào lúc 20 giờ ngày chủ nhât 23 tháng 9. Trong khi đó vào ngày 22 tháng 9, các nhà sư tiếp tục biểu tình và lần này đoàn tuần hành đã đi ngang qua nhà của lãnh tụ đối lập Miến là bà Aung San Suu Kyi. Mặc dù con đường dẫn vào nhà bà bị công an án ngự nhưng khi đoàn tuần hành đi ngang qua, bà Aung San Suu Kyi đã bước ra khỏi nhà vẫy tay chào. Đây là hình ảnh đẹp nhất và cũng chính hình ảnh này đã lôi cuốn sự tham gia của dân chúng vào những ngày kế tiếp.

Tại các thị trấn ngoại ô của thủ đô Rangoon như thị trấn Chauk, thị trấn Shwebo, thị trấn Mongwa, thị trấn Tayng Dwin Gyi và thị trấn Yen Nam Chaung đã có những cuộc biểu tình diễn ra vào ngày thứ bảy 22 để ủng hộ cuộc biểu tình các sư sãi tại Rangoon. Chủ nhật ngày 23 tháng 9, dân chúng đã bắt đầu hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội các nhà sư khi hơn 30 ngàn người đã tham gia cuộc tuần hành được dẫn đầu bởi hàng ngàn nhà sư làm tắt nghẽn lưu thông trong thủ đô Rangoon. Lần này cảnh sát đã ngăn cản không cho đoàn biểu tình đi ngang qua nhà bà Aung San Suu Kyi. Ngày 24 tháng 9, hơn 100 ngàn người đã tiếp tục biểu tình. Đây có thể coi là cuộc biêu tình tuần hành lớn nhất trong vòng 20 năm qua.

Trước những diễn biến ngoạn mục của những cuộc biểu tình do các nhà sư dẫn đầu - khởi sự từ ngày 5 tháng 9 với 400 vị sư biểu tình tại Thị Trấn Pakoku, chỉ non 20 ngày sau, số người tham dự đã tăng lên 100 ngàn người vào ngày 24 tháng 9 tại thủ đô Rangoon - cho thấy là các nhà sư đã điều hướng cuộc đấu tranh rất đúng với những bước đi cần thiết hầu tạo sức ép đáng kể lên chế độ Rangoon, với ba diễn trình đáng cho chúng ta quan tâm.

Thứ nhất là các nhà sư nhập cuộc lúc đầu hoàn toàn là vì mục tiêu dân sinh. Đó là hưởng ứng lời kêu gọi của các đoàn thể Miến Điện, các nhà sư đã thực hiện các cuộc tuần hành chống tăng giá nhiên liệu của chính quyền quân phiệt Miến Điện. Các khẩu hiệu vào lúc đó là kêu gọi chính phủ ngưng áp dụng biện pháp tăng giá nhiên liệu và cải thiện những bức xức của dân chúng về đời sống quá khó khăn. Nhưng khi cuộc biểu tình của các nhà sư ở thị trấn Pakoku bị đàn áp dữ dội hôm mùng 5 tháng 9, buộc lòng các nhà sư đã minh định lập trường đấu tranh Đó là biểu tình cho đến khi chấm dứt chệ độ độc tài và kêu gọi các nhà sư không làm các nghi thức phật giáo cho quân đội.

Thứ hai là trước khi tổ chức các cuộc biểu tình lớn tại thủ đô Rangoon, Liên minh các nhà sư Miến Điện đã tổ chức hàng loạt các cuộc tuần hành ở khắp các thị trấn trên toàn quốc. Tuy bị công an đàn áp, đánh đập và bắt bớ; nhưng chính các cuộc tuần hành ôn hòa này ở từng địa phương đã là một thách đố lớn đối với chính quyền, đồng thời tác động mạnh mẽ lên ý thức chống chính quyền trong dân chúng. Việc tổ chức đồng loạt các cuộc tuần hành ở địa phương còn tạo một tâm lý chống đối đều khắp, khiến cho nhà cầm quyền Miến phải thận trọng trong hành động đàn áp.

Thứ ba là để chuẩn bị những cuộc biểu tình lớn tại Thủ đô, Liên minh các nhà sư Miến Điện đã kêu gọi dân chúng trên toàn quốc tham gia lễ cầu nguyện kéo dài 15 phút ngay trước nhà vào 8 giờ tối, chủ nhật 23 tháng 9 như một cuộc diễn tập cho sự tự phát đấu tranh của mọi tầng lớp dân chúng. Chính nhờ cuộc diễn tập này mà ngày hôm sau, từ 30 ngàn người tham gia tuần hành của ngày hôm trước, 23 tháng 9 đã lên hơn 100 ngàn người vào ngày 24 tháng 9. Cuộc diễn tập này đã giúp người dân Miến Điện vượt qua sự sợ hãi và chính họ đã thấy ra giá trị của sự tham gia đấu tranh với các nhà sư Miến Điện.

Trong bài diễn văn đọc tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hôm 25 tháng 9, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã cho biết là Hoa Kỳ sẽ có biện pháp trừng phạt tài chánh đối với các nhà lãnh đạo cao cấp chế độ, và trừng phạt cả những ai giúp đỡ nhà cầm quyền Rangoon nếu xảy ra cuộc đàn áp.. Về phần ông Ban Ki Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo nhà cầm quyền quân phiệt Miến phải tự chế, lắng nghe nguyện vọng của các nhà sư và dân chúng chống đối một cách ôn hòa, không đàn áp bằng vũ lực. Ông Ban cho rằng nhóm quân phiệt cầm quyền nên khai dụng dịp này để đối thoại chính trị với đối lập, nhất là đối với bà Aung San Suu Kyi. Trong khi đó, dư luận của các quốc gia phương Tây cũng rất quan tâm tình hình biểu tình và đa số đều quyết định là sẽ ban hành lệnh cấm vận nếu Rangoon tung chiến dịch khủng bố đối với các nhà sư.

So với cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1988 và cuộc đấu tranh của Liên minh các nhà sư Miến Điện hiện nay, người ta thấy là các bước đấu tranh của những nhà sư Miến Điện hiện nay đã tạo cho giới lãnh đạo Rangoon ở vào thế lưỡng nan trong cách giải quyết. Nếu lãnh đạo Rangoon mạnh tay đàn áp thì chắc chắn sẽ bị thế giới cô lập và có thể đưa đến những hậu quả khó lường; còn nếu họ tiếp tục im lặng và sử dụng lực lượng công an kiềm chế đoàn biểu tình để không cho bùng nổ lớn như hiện nay thì tình hình sẽ ngày một xấu đi và tập đoàn quân phiệt sẽ bị tan rã trước sức bật của quần chúng Miến khi đủ chín mùi.

Lý Thái Hùng
Sept 26 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét