Khi bất mãn những chính sách cai trị của một chế độ, người dân thường có cách phản ứng chống đối khác nhau. Những người can đảm và tích cực thì viết thỉnh nguyện thư, viết bài để trình bày quan điểm bất đồng của mình. Cao hơn một chút là tuyệt thực, tọa kháng hay là vận động nhiều người cùng cảnh ngộ tham gia biểu tình, đình công, lãng công để đòi những cơ quan liên hệ phải giải quyết. Những người dân bình thường, vì e ngại sự trả thù của công an mật vụ và vì những ràng buộc của gia đình và người thân xung quanh, đã giữ kín sự bất mãn trong lòng. Họ thuộc diện đa số và là đám đông thầm lặng vì chưa nhìn ra lối thoát của những phản kháng khi trong tay không có một vũ khí chống đỡ, nhưng sẵn sàng bùng nổ khi có yếu tố châm ngòi đúng lúc.
Kinh nghiệm của những diễn biến chính trị tại các xã hội độc tài, thiểu số can đảm thường là những lực lượng đầu tàu có nhiệm vụ rất chiến lược là làm soi mòn khả năng trấn áp và khả năng kiểm soát xã hội của thiểu số lãnh đạo độc tài theo thời gian. Những lực lượng đầu tàu này trải qua rất nhiều cam go và thử thách từ những thủ đoạn đàn áp, khủng bố, mua chuộc, cám dỗ, xuyên tạc của chế độ độc tài nhằm vô hiệu hóa những kêu gọi dân chúng hưởng ứng các chương trình hành động của họ. Hơn thế nữa, những lực lượng đầu tàu này thường bị ngăn cản, cô lập để không thể tiếp cận với các nhóm quần chúng bất mãn vì chế độ độc tài rất sợ các cuộc tụ tập phản kháng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ. Chỉ khi nào chính khối quần chúng thầm lặng bắt đầu chuyển động với những hành động bất tuân phục các chỉ thị, luật lệ của thiếu số lãnh đạo đưa ra thì cục diện đấu tranh mới bắt đầu thay đổi. Đó là lúc mà tình trạng “bất phục tùng dân sự” (civil disobedience) được người dân sử dụng như là một vũ khí nhằm chống lại hay không thi hành các chính sách – phương thức mà chế độ không thể đàn áp hay khống chế được.
Thông thường, thái độ “bất phục tùng dân sự” được người dân sử dụng khi sự bất mãn đã chín mùi và được tác động bởi những lực lượng đầu tầu, cững như đã lan đủ rộng, nhất là ảnh hưởng lên chính đời sống của họ, và thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của chế độ độc tài. Điểm đặc biệt là thái độ này dễ tạo dây chuyền rộng lớn và kích thích nhiều người khác có thể tham gia vì nó nằm trong tầm tay. Trong Đối Đầu Bất Bạo Động, kỹ thuật tổ chức “bất phục tùng dân sự” là một nỗ lực được đánh giá rất cao, để huy động số đông vào những mục tiêu được chọn lựa, khích lệ người dân thầm lặng bước từ vị trí bất mãn thụ động sang giai đoạn bất tuân mệnh lệnh; để rồi từng bước khích động biển người nắm tay nhau bước xuống đường phố đấu tranh. Nói một cách khác, tất cả mọi cuộc cách mạng lớn nhỏ, muốn đưa người dân xuống lòng đường đấu tranh đều phải bước qua giai đoạn ’bất phục tùng dân sự’ mà chế độ độc tài dù biết nhưng không thể nào cưỡng lại được. Chính diễn trình này sẽ giúp cho người dân tự tin và không còn quá sợ vào bộ máy trấn áp.
Có nhiều cách biểu thị thái độ ’bất phục tùng dân sự’ trong đời sống. Dễ nhất là chỉ cần người ta làm khác với đời sống thường ngày một chút thôi. Thí dụ, công nhân vẫn đến làm việc tại hãng xưởng bình thường, nhưng thay vì rủ nhau đình công, họ chỉ cần cố ý làm việc chậm hơn hay kém hiệu quả hơn thường lệ. Họ có thể ’cố ý’ làm sai một cách thường xuyên hay tìm cách rủ nhau khai bệnh cùng lúc. Hoặc là tìm những lý cớ để từ chối tham gia các cuộc họp của Tổ dân phố, từ chối tham gia vào những đoàn thể mà cán bộ địa phương đến đề nghị hay cưỡng bức. Nếu có bị bắt phải tham dự vào các đoàn thể của chế đô, thì tìm cách vắng mặt những phiên họp hay nếu phải đến trình diện thì đến thật trễ lúc gần chấm dứt buổi họp.
Tình trạng bất phục tùng dân sự tại Việt Nam đang diễn ra ở nhiều dạng khác nhau:
1/ Ngày 3 tháng 3 năm 2008, gần 150 nhà thơ, nhà văn trong và ngoài nước ký tên vào trong một thư ngỏ gửi đến các cơ quan văn hóa và quốc hội CSVN để yêu cầu: Trước mắt, hãy xem xét và đình chỉ ngay mọi hành xử nhằm ngăn chặn việc phát hành sách Trần Dần–Thơ của một nhà thơ quá cố mà nội dung chỉ đem lại vinh dự cho dân tộc Việt Nam văn hiến này. Tiếp đó, hãy xem xét lại cung cách ứng xử của những cơ quan nhà nước về mặt pháp lý và về quan hệ dân sự đối với những trường hợp tương tự trường hợp của nhà thơ Trần Dần, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, các họa sĩ Nguyễn Quang Huy và Trương Tân. Sau nữa, trên tinh thần tôn trọng pháp luật và tôn trọng các giá trị nhân quyền và văn hóa, từ nay cần chấm dứt cách thức hành xử thiếu văn minh và thiếu cơ sở pháp lý đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng, các sáng tạo tinh thần nói chung. Đây là một dạng tiêu biểu của thái độ bất phục tùng dân sự của các nhà thơ, nhà báo đối với sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội đã vinh danh Nhà Thơ Trần Dần cùng với ba nhà thơ khác là Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán của vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vào năm 2007; sau nửa thế kỷ trù dập; vậy mà lại cấm không cho gia đình và nhà xuất bản Nhã Nam phát hành tập thơ đúc kết những di cảo lớn của nhà thơ Trần Dần trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 6 tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội. Trước những phản kháng nói trên, cuối cùng nhà cầm quyền CSVN đã phải cho Chánh Thanh Tra Bộ văn hóa – Thông tin thu hồi lệnh cấm và chỉ xử phạt 15 triệu đồng (khoảng 1000 Mỹ Kim) đối với nhà xuất bản Nhã Nam với lý do vu vơ rằng ’vi phạm trình tự xuất bản theo Luật Xuất Bản". Sự thu hồi lệnh cấm phát hành tập thơ Trần Dần, cho thấy là CSVN rất sợ phản ứng bất mãn lan rộng và coi như chấm dứt thời kỳ tự tung tự tác của các quan chức văn hóa vô sản; nhưng thái độ xử phạt 15 triệu đồng đối với nhà xuất bản sẽ là vết nhơ khó rửa và chắc chắn chế độ sẽ tiếp tục bị phê phán, khi mà những vụ án văn hóa khác được lập lại trong tương lai.
2/ Từ giữa năm 2007 trở đi, CSVN đã ra những lệnh cấm và lệnh phạt quái đản. Cấm bán hàng rong và xe ba gác (xe ba bánh) lưu hành trong phạm vi thành phố Sài Gòn và Hà Nội, vì... mất thẩm mỹ. Phạt những ai chạy xe gắn máy không đội mũ an toàn, nhập cảng từ Trung Quốc. Cả hai lệnh Cấm và Phạt hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam hiện còn ở trong tình trạng vô cùng hoang dã dù mở cửa đổi mới đã 20 năm. Đa số công nhân làm trong các xí nghiệp liên doanh có mức lương không đủ sống, huống hồ chi người dân làm ăn theo kiểu cò con, mua qua bán lại trong ngày để kiếm sống qua ngày. Do đó, nghề bán hàng rong đã trở thành một lối thoát duy nhất cho những gia đình nghèo, những gia đình không có đất sống ở nông thôn, chạy về kiếm ăn ở thành phố.
Đây là một đạo quân rất đông khi mà nhà cầm quyền cho phá ruộng, phá đất xây sân Golf, xây khách sạn... khiến họ phải lang thang kiếm sống ở các vỉa hè thành phố. Bây giờ cấm không cho bán hàng rong, tức là nhà cầm quyền đã giật từ tay họ phương tiện sinh kế hàng ngày. Còn việc cấm xe ba gác lưu hành trong thành phố cũng là cái cấm phi lý và vô nhân đạo. Những người chạy xe ba gác – không ai khác hơn là những nông dân mất hết ruộng đất hay những đồng bào dân oan khiếu kiện - phải nhập vào đạo quân chạy xe để kiếm sống qua ngày; nay bị cấm vì một lý do lãnh đạm, phi nhân - coi “thẩm mỹ thành phố” quan trọng hơn nguồn sống của người dân thì làm sao họ không bất mãn!
Sau cùng, lệnh phạt những ai không đội mũ an toàn khi đi xe gắn máy đã trở thành những câu chuyện riễu của quần chúng trong nước. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia về an toàn đã cho rằng Việt Nam chưa cần thiết phải bắt đội mũ an toàn vì phương tiện giao thông hiện nay chủ yếu là xe gắn máy với tốc độ thấp và kẹt xe liên miên, không dễ gì gây ra tai nạn . Hơn thế nữa, những mũ an toàn đều do Trung Quốc chế tạo, bán hàng loạt sang Việt Nam qua sự móc ngoặc chia lợi nhuận của những cán bộ cao cấp. Chính mối liên hệ cộng sinh này mà dân chúng rất bất mãn và nhiều người chủ trương không đội mũ an toàn. Nói tóm lai, hai lệnh Cấm và Phạt của CSVN tung ra đều nhắm vào khối quấn chúng, vốn bất mãn nhưng thầm lặng. Hiện nay, người bán hàng rong và chạy xe ba gác vẫn tiếp tục kiếm sống trong lòng thành phố, bất chấp các lệnh lạc của Hà Nội. Nếu Hà Nội ra lệnh cho công an tìm cách ngăn chận thì chắc chắn sự bất mãn sẽ bùng nổ lớn thành những phong trào xuống đường chống đối.
3/ Ngày 18 tháng 12 năm 2007, hàng ngàn giáo dân thuộc Giáo Phận Hà Nội đã tập trung cầu nguyện thầm lặng, nhằm yêu cầu CSVN trả lại Tòa Khâm Sứ cho Giáo Hội, đã bị chiếm đoạt từ năm 1958. Cuộc thắp nến cầu nguyện đã diễn ra liên tục và nhận được sự hiệp thông của giáo dân tại các giáo phận Sài Gòn, Thái Hà và Thái Bình tạo một sự chú ý của dư luận. Chính Thủ Tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã phải đến gặp Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt và hứa là sẽ giải quyết cũng như ra lệnh cho Ban tôn giáo chính phủ phải xúc tiến các thủ tục hoàn trả Tòa Khâm Sứ cho Giáo Hội sử dụng làm văn phòng. Tuy nhiên, khúc mắc của vấn đề hoàn trả Tòa Khâm Sứ lại nằm ở Văn phòng Ủy ban hành chánh Thành phố Hà Nội khi họ muốn áp lực phía Giáo Hội phải trả một số tiền; nhưng Giáo Hội nhất quyết không chấp nhận điều này. Cuộc đấu tranh đã lên cao điểm khi hàng ngàn giáo dân bất tuân lệnh giải tán truớc khu vực Tòa Khâm Sứ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 2008. Chính quyền thành phố Hà Nội muốn dùng vũ lực đàn áp, để vừa giải tỏa khu vực Tòa Khâm Sứ, vừa thị uy dư luận về sức mạnh cầm quyền; nhưng ý đồ của thành phố Hà Nội đã bị khuất phục bởi lòng can đảm của hàng ngàn giáo dân sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Toà Khâm Sứ. Hiện nay cuộc thắp nến và cầu nguyện trước Toà Khâm Sứ đã ngưng theo yêu cầu của Vatican. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chưa chịu trả lại Toà Khâm Sứ do đó mà sự bất tuân phục của dân chúng đối với nhà cần quyền sẽ gia tăng và đang chờ cơ hội bộc phát.
Nói tóm lại, qua một vài diễn tiến liệt kê bên trên, thái độ bất phục tùng dân sự của người dân Việt Nam đang từng bước thể hiện trên nhiều lãnh vực và đang tạo những áp xuất rất lớn lên chế độ Hà Nội
Lý Thái Hùng
March 12th 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét