Mục sư Martin Luther King Jr sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Ông là con cả của Mục sư Martin Luther King, Sr. Năm 1948, sau khi tốt nghiệp cử nhân tại đại học Morehouse, Mục sư King, Jr đã tiếp tục học cử nhân thần học tại Viện Thần Học Crozer, tiểu bang Pennsylvania. Tháng 9 năm 1951, ông ghi danh vào chương trình Tiến sĩ tại đại học Boston và đã tốt nghiệp Tiến sĩ Thần Học năm 1955. Trong thời gian theo đuổi chương trình tiến sĩ, Mục sư Martin Luther King, Jr đã kết hôn với cô Coretta Scott vào tháng 6 năm 1952, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động về dân quyền và trở thành thành viên trong ban lãnh đạo National Association for the Advancement of Coloured People (NAACP). Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông cùng vợ dọn về sống tại tiểu bang Alabama. Tại đây ông trở thành mục sư Baptist, quản nhiệm Dexter Avenue Baptist Church tại thành phố Montgomery - nơi đã trở thành cái nôi của các cuộc vận động cho phong trào dân quyền trên toàn quốc Hoa Kỳ sau này.
Cuộc đấu tranh của Mục sư Martin Luther King, Jr có thể chia làm hai thời kỳ quan trọng:
Thời kỳ thứ nhất: khởi động phong trào vận động dân quyền (1953-1963):
Lúc 11 giờ sáng ngày 1 tháng 12 năm 1955, tại thành phố Montgomery đã xảy ra một biến cố bất ngờ làm bùng nổ phong trào đấu tranh dân quyền tại Hoa Kỳ khi bà Rosa Park, một người phụ nữ gốc Phi Châu bị bắt giữ vì đã từ chối lời yêu cầu của tài xế xe buýt James Balke, không nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng theo sự quy định của đạo luật Jim Crow. Một kế hoạch ’bất phục tùng dân sự" nhằm tẩy chay xe buýt đã được phát động bởi E.D. Nixon, đứng đầu phân bộ tổ chức NAACP tại Montgomery và sau đó được lãnh đạo bởi Mục sư King. Cuộc tẩy chay kéo dài 381 ngày, với nhiều biến động đáng chú ý.
Hai tháng sau cuộc tẩy chay được phát động, nhà của Mục Sư King bị đặt bom. Nhà của ông bị coi là mục tiêu tấn công đầu tiên khiến cho những người da đen rất căm phẫn và tìm cách trả thù. Họ đã tự vũ trang để canh gác nhà Mục sư King, tạo một không khí căng thẳng như sắp có chiến tranh bùng nổ. Mục sư King đã phải lên tiếng kêu gọi những người đến canh gác nhà ông phải bình tĩnh, không nên giận dữ, và đem vũ khí trở về cất ở nhà. Ông kêu gọi đừng dùng bạo lực giải quyết những xung đột mà hãy dùng tình thương và lòng tha thứ để tranh thủ những người da trắng, giúp họ thay dổi, thu ngắn lại những xa cách, tạo sự cảm thông và cùng hàn gắn những mất mát, đỗ vỡ.
Mặc dù Mục sư King chủ trương không bạo động, nhưng cuộc tẩy chay xe buýt đã làm ảnh hưởng lên toàn bộ xã hội lúc đó, khiến cho chính quyền phải ra lệnh bắt giữ Mục sư King cùng với một số người trong thành phẩn lãnh đạo của nhóm NAACP. Mục tiêu của chính quyền tại Alabama là ngăn chận cuộc tẩy chay xe buýt có thể lan rộng trên nhiều địa phương. Tổ Chức NAACP đã kiện lên Tối Cao Pháp Viện về sự kỳ thị của đạo luật Jim Crow. Tháng 2 năm 1957, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết rằng các qui định phân biệt chủng tộc trên tất cả các phương tiện công cộng là vi hiến. Mục sư King và những người bị bắt trong chiến dịch tẩy chay nói trên được trả tự do.
Sau những thành công của cuộc tranh đấu nói trên, Mục sư King đã đứng ra vận động thành lập Nghị Hội Các Nhà Lãnh Đạo Cơ Đốc Miền Nam (Southern Christian Leadership Conference – SLCL) vào giữa năm 1957 với hai mục tiêu: 1/ Xây dựng một nền đảng liên đới tinh thần và 2/ Thiết lập mạng lưới giữa các nhà thờ người da đen để cổ xúy cho phong trào đối kháng bất bạo động nhằm tranh đấu cho sự bình đẳng về dân quyền. Đa số thành viên của SLCL là những người da đen có liên hệ đến các nhà thờ Baptist trong các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ. Mục sư King đã sử dụng phương thức ’bất phục tùng dân sự’ (civil disobedience) trong hình thức đối đầu bất bạo động để phản kháng lại các chính sách kỳ thị, đặc biệt là chống lại đạo luật Jim Crow. Năm 1959, Mục sư King đã viết tài liệu có tên là Tiêu Chuẩn Của Con Người (The Measure of a Man) nhằm phác họa những giá trị tốt nhất mà con người có thể thừa hưởng trên các lãnh vực chính trị, xã hội, kinh tế trong cấu trúc xã hội.
Dựa trên những phác họa này, Mục sư King đã đề xướng những cuộc biểu tình chống lại các chính sách kỳ thị, đặc biệt là đòi quyền bình đẳng và quyền đầu phiếu của người đa đen, tại những thành phố trong các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, và đã thu hút được sự quan tâm của hầu hết các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ và quốc tế. Hằng ngày, dư luận đã bắt đầu chú ý đến các bài phóng sự trên báo chí hoặc trên các kênh truyền hình về cuộc sống cơ cực, đối xử bất công đối với người đa đen, đặc biệt là đối với các trẻ em và phụ nữ da đen nơi trường học, chỗ làm việc. Đồng thời là hình ảnh đánh đập, rượt đuổi của những người Mỹ da trắng đối với những người da đen biểu tình đã làm cho thế giới xúc động, tạo một làn sóng đồng cảm với phong trào chống kỳ thị của Mục sư King. Qua truyền thông, cuộc đấu tranh của Mục sư King đã tạo sự chú ý của công luận và biến thành phong trào vận động dân quyền tại Hoa Kỳ vào cuối thập niên 60 của Thế Kỷ 20, với sự hưởng ứng của cả người Mỹ da trắng.
Để giúp cho mọi người hiểu rõ phương thức đối đầu bất bạo động, và nhất là kiềm chế sự phẫn nộ khi bị khiêu khích dẫn đến bạo lực, các nhà lãnh đạo SLCL đã liên tục tổ chức nhiều khóa huấn luyện tại các nhà thờ sau nghi lễ Thờ Phuợng về kỹ thuật đối đầu bất bạo động, về sự can đảm, sức chịu đựng và nhất là ý chí phấn đấu trước bạo lực của những nhóm người kỳ thị và ngay cả cảnh sát khi bị đàn áp trong các cuộc biểu tình. Nhờ những khóa huấn luyện này mà Mục sư King và SLCL đã đào tạo được một hàng ngũ những người nắm vững các quy luật của đối đầu bất bạo động, điều hướng cuộc đấu tranh đòi quyền bầu cử, quyền đối xử bình đẳng, quyền lao động và các quyền dân sự khác, làm bùng nổ phong trào trên toàn quốc và tạo rất nhiều áp lực lên chính quyền Kennedy thời đó. Đã có lúc Bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ Robert F. Kennedy ra lệnh theo dõi các cuộc điện đàm của Mục sư King vì nghi ngờ có Cộng sản xâm nhập vào phong trào vận động dân quyền do SLCL khởi xướng. Tuy nhiên, đôi lúc những cuộc biểu tình đã bùng nổ thành bạo động do những xung đột ý kiến trong thành phần lãnh đạo phong trào về các đối sách cứng rắn và mền dẻo, dẫn đến những cuộc đàn áp gay gắt như cuộc phản kháng tại đài tưởng niệm Albany, tiểu bang Georgia vào năm 1961 và 1962, khiến chính quyền có cớ để đàn áp và vô hiệu hóa mọi nỗ lực của đoàn biểu tình.
Đầu năm 1963, Mục sư King bắt đầu nghiên cứu tổ chức một cuộc biểu tình quy mô tại Birmingham, tiểu bang Alabama. Ông đã dành nhiều thì giờ đi đến thành phố này để thực hiện các hội thảo nhóm về những kỹ thuật của đấu tranh bất bạo động, đặc biệt là cách thức tiến hành nguyên tắc bất phục tùng dân sự. Ông đã vận động và thuyết phục được 250 người sẵn sàng chịu ngồi tù vì chính nghĩa đấu tranh. Vào đầu tháng 4 năm 1963, chiến dịch bất phục tùng dân sự tại Birmingham đã được khai mào, kéo dài hơn một tháng với hơn 3.000 người bị cảnh sát bắt giữ, trong đó có Mục sư King, nhưng đã tạo được sự chú ý mạnh mẽ của công luận. Điều đáng tiếc là những người tham dự biểu tình đã không thể chịu nổi những đòn trù dập bằng roi điện, vòi rồng và khiêu khích của cảnh sát nên đã tạo ra cuộc bạo động vào ngày 7 tháng 5 năm 1963, khiến cho một số người bị thương. Trong thời gian bị giam giữ tại Birmingham, Mục sư King đã viết một lá thư gửi từ nhà tù để trả lời những cáo buộc của tám Mục sư Tin Lành khác đã phê phán cuộc biểu tình tại Birmingham.
Để đưa phong trào vận động dân quyền lên cao điểm, Mục sư King đại diện cho SCLC đã cùng với lãnh đạo của 5 tổ chức vận động dân quyền khác (vào lúc đó gọi là Big Six) gồm Roy Wilkins (NAACP), Whitney Young Jr (Urban League); Philip Randolph (Brother of Sleeping Car Porters); John Lewis (SNCC) và James Farmer (Congress of Racial Equality – CORE) thảo luận về kế hoạch tổ chức cuộc diễn hành Cho Việc Làm và Tự Do Tại Hoa Thịnh Đốn (March on Washington for Jobs and Freedom) vào tháng 8 năm 1963. Việc tổ chức này do người bạn của Mục sư King là Mục sư Bayard Rustin phụ trách. Tổng thống Kennedy đã chống cuộc diễn hành vì ông quan tâm đến những tác dụng tiêu cực lên sự thông qua đạo luật dân quyền ở Quốc hội; nhưng ban tổ chức vẫn cương quyết tiến hành. Lúc đầu, cuộc diễn hành được dự kiến là sẽ bi kịch hóa tình trạng cùng cực của người da đen ở các tiểu bang miền Nam và là cơ hội rất tốt để công bố những chủ trương của Ban Tổ Chức và những sự bất bình ngay trước những nhân sự quyền lực tại Thủ Đô. Ban tổ chức cuộc diễn hành dự tính phê bình gay gắt và thách đố chính quyền Liên Bang về những thất bại trong việc bảo vệ quyền công dân, sự an toàn thân thể đối với những công nhân gốc da đen, đặc biệt là ở các tiểu bang miền Nam. Tuy nhiên, do những áp lực và ảnh hưởng từ Tổng thống Kennedy, ban tố chức đã phải hạ thấp những chỉ trích và đòi hỏi, khiến một số thành viên bất mãn: nhóm hoạt động dân quyền Malcolm X đã gọi là ’trò hề diễn hành’ và những thành viên trong tổ chức Hồi Giáo (Nation of Islam) đã rút lui không hợp tác.
Tuy vậy, cuộc diễn hành đã quy tụ trên 250 ngàn người thuộc các chủng tộc khác nhau đến tham dự, và là cuộc diễn hành lớn nhất nước Mỹ vào lúc đó. Đoàn người đã tập trung từ Đài tưởng niệm Lincoln đến National Mall và bao kín chung quanh bờ hồ nước. Tại đây, ban tổ chức cuộc diễn hành đã đưa ra những đòi hỏi như: chấm dứt sự kỳ thị chủng tộc tại các trường công, công bố đạo luật dân quyền bao gồm luật cấm phân biệt màu da trong chính sách tuyển dụng, bảo vệ người đấu tranh cho dân quyền thoát khỏi sự bạo hành của cảnh sát, ấn định mức lương tối thiểu là 2 Mỹ kim (1963) cho tất cả công nhân và trao quyền tự trị cho khu vực Colombia, khi ấy đang nằm dưới sự quản trị của một ủy ban trực thuộc Quốc hội. Trong cuộc diễn hành này, Mục sư King đã dẫn dắt đám đông lên từng cao điểm khi ông đọc bài diễn văn Tôi Có Một Uớc Mơ (I Have a Dream). Đây là bài diễn văn được mọi người yêu thích và được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Chính bài diễn văn này đã không chỉ làm tên tuổi của Mục sư King vang dội khắp thế giới mà còn toát lên một triết lý nhân bản trong phương thức đối đầu bất bạo động của ông.
Mục sư King đã nói về ý nghĩa cuộc diễn hành như sau: ”Trong một ý nghĩa nào đó, ngày hôm nay, chúng ta gặp nhau tại Thủ đô của đất nước để trả một món nợ. Khi những người kiến trúc sư của nền cộng hòa viết lên những lời văn hùng dũng cho bản hiến pháp và bản Tuyên ngôn Độc lập, họ đã công bố những cam kết mà chúng ta - mọi người Mỹ - là người được thừa hưởng. Lời hứa ấy nói rằng mọi người – vâng - người da đen cũng như người da trắng – cần được bảo đảm để hưởng những "quyền bất khả nhượng" là "quyền được sống, được hưởng tự do và mưu cầu hạnh phúc". Nay đã đến lúc để thực hiện lời hứa dân chủ. Nay đã đến lúc để trổi dậy từ thung lũng hoang tàn và tối tăm của lòng kỳ thị mà tiến tới con đường chói chang ánh mặt trời của công bằng chủng tộc. Nay là lúc để vực đất nước chúng ta khỏi vũng lầy của bất công chủng tộc mà lập nền trên tầng đá vững chãi của tình huynh đệ....”
Thành quả lớn nhất của cuộc diễn hành tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn là đã tạo ra bối cảnh thuận lợi để quốc hội và chính quyền liên bang ghi nhận những đòi hỏi của người Mỹ đa đen như quyền bầu cử, quyền đối xử bình đẳng và các quyền dân sự khác để thông qua Luật về Quyền Dân Sự vào năm 1964 và Luật về Quyền Bầu Cử vào năm 1965. Ngoài ra, vào ngày 14 tháng 10 năm 1964, Mục sư King được Hoàng Gia Na Uy trao giải Nobel Hòa Bình về những công lao đóng góp của ông trong phong trào dân quyền tại Mỹ. Trong lễ trao giải Nobel cho Mục Sư King, Chủ tịch Ủy Ban Nobel Na Uy đã nói rằng: Mục sư King là người Tây Phương đầu tiên đã cho chúng ta nhìn thấy những nỗ lực phản kháng thành công không cần đến bạo lực. Bất Bạo Động là một sức mạnh vượt lên trên mọi loại vũ khí.
Thời kỳ thứ hai, những hoạt động nâng cao sức mạnh Cộng đồng người Mỹ da đen (1964 – 1968)
Mục sư Martin Luther King đang thảo luận với Tổng Thống Lyndon Johnson. |
Ngày 9 tháng 3 năm 1965, Mục sư King cùng với SCLC đã đứng ra tổ chức một cuộc diễn hành, đồng thời SCLC đã gửi một thỉnh nguyện thư lên Tòa án Liên Bang chống lại Tiểu bang Alabama. Chánh án đã từ chối và ra lệnh cấm cuộc diễn hành cho đến sau khi lắng nghe ý kiến hai phía. Mục sư King vẫn lãnh đạo đoàn diễn hành ngày 9 tháng 3 nhưng khi đến cầu Edmund Pettus thì ông làm lễ cầu nguyện và sau đó quay trở lại và kêu gọi mọi người giải tán. Sự kiện này không vi phạm vào án lệnh của chính án. Cuối cùng, qua sự đồng ý của Tổng thống Johnson và sự đồng tình của dư luận báo chí và truyền thông, cuộc diễn hành từ Selma đến thủ phủ Montgomery đã được tổ chức vào ngày 25 tháng 3 năm 1965. Cuộc diễn hành lần này rất thành công, đông đảo người tham gia, khiến cho Willie Ricks đã phải dùng nhóm từ "Black Power", để nói về sức mạnh tổng hợp của người đa đen khi trổi dậy. Ngay tại tiền đình trụ sở của Tiểu Bang, Mục sư King cũng đã đọc bài diễn văn Bao Lâu – Không Lâu (How long , Not Long) đã tạo thêm sự chú ý của dư luận.
Sau những vận động thành công tại các tiểu bang phía Nam, Mục sư King và các Tổ chức vận động dân quyền đã nỗ lực mở rộng phong trào lên các tiểu bang miền Bắc. Thành phố Chicago được coi là điểm hẹn đầu tiên. Mục sư King đã cùng với Ralph Abernathy, nhà hoạt động dân quyền sát cánh với Mục Sư King trong tổ chức SCLC, di chuyển lên Chicago, tổ chức các buổi nói chuyện trong cộng đồng sắc dân thiểu số về dân quyền và hướng dẫn những kỹ thuật đấu tranh bất bạo động nhằm thực hiện các cuộc phản kháng đòi công lý và sự đổi xử công bằng. Tổ chức SCLC đã liên minh với tổ chức CCCO (Coordinating Council of Community Organizations) sáng lập bởi Mục sư Albert Raby, Jr. để thực hiện một sự kết hợp các tổ chức dưới sự bảo trợ của The Chicago Freedom Monvement (CFM). Họ phân chia làm hai nhóm da trắng và da đen để thực tập xin trợ cấp về nhà ở. Kết quả của cuộc thực tập cho thấy là có sự phân biệt chủng tộc trong việc quyết định tiến trình cứu xét những người xin trợ cấp nhà ở dù là có cùng mức thu nhập, số lượng con cái, hoàn cảnh v.v....
Mục sư King thấy là cần có một cuộc vận động rộng lớn để xóa bỏ sự kỳ thị nói trên nên ông đã bắt tay vào việc tổ chức các cuộc diễn hành tại Chicago và những vùng lân cận như Bogan, Belmont-Cragin, Jefferson Park, Evergreen Park (Ngoại ô phía Tây Nam Chicago), Gage Park và Marquette Park và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, theo Ralph Abernalthy thì phản ứng đón nhận tại Chicago yếu hơn ở các Tiểu bang phía Nam. Những cuộc diễn hành gặp phải đám đông làm ồn ào, bị liệng vỏ chai và thật sự lo sợ xảy ra các vụ bạo loạn. Mục sư King tin rằng những cuộc bạo động có thể phát sinh từ những đối đầu gay gắt, do đó nếu chia xẻ với nhau những cuộc tuần hành ôn hòa thì sẽ hóa giải sự bạo động. Thế nhưng kết quả đã không diễn ra như ý, đoàn người tuần hành vẫn bị đe dọa mạng sống, nhất là hai ngưòi bạn của Mục King đã bị chấn động vì tình trạng bạo lực tại Chicago. Cuối cùng Mục sư King và những người bạn của ông phải trở về Nam, họ giao công việc lãnh đạo lại cho Jesse Jackson, lúc đó đang là sinh viên trường dòng, từng tham gia các cuộc vận động phía Nam, phụ trách việc điều hướng các tổ chức tại Chicago. Jackson có tài diễn thuyết và tổ chức lần đầu thành công cuộc tẩy chay một hệ thống thương hiệu A&P vì đã từ chối không nhận những người da đen bán hàng.
Trong lúc tiến hành cuộc vận động dân quyền cho người Mỹ đa đen, Mục Sư King cũng đã bắt đầu bày tỏ quan điểm về cuộc chiến Việt Nam. Vào ngày 4 tháng 4 năm 1967, tại nhà thờ Riverside, Nữu Ước, Mục Sư King đã có bài nói chuyện phê phán mạnh mẽ vai trò của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Tuy nhiên quan điểm này của ông không phải được mọi người tán thành hoàn toàn. Từ năm 1968, Mục sư King mở rộng cuộc vận động dân quyền khi đề cập đến sự cần thiết cải tổ về kinh tế lẫn chính trị để giảm thiểu những bất công trong đời sống kinh tế của người Mỹ da đen. Mục sư King đã cùng với Tổ chức SCLC phát động "Chiến dịch cho người nghèo" (Poor People’s Campaign). Tuy nhiên chiến dịch này đã không được sự ủng hộ rộng rãi của những nhà lãnh đạo trong các tổ chức dân quyền. Họ chống vì cho rằng mục tiêu của chiến dịch quá rộng, không thực tế và những cuộc vận động như vậy chỉ tạo thêm sự đè nén người nghèo và người da đen. Tuy nhiên, chiến dịch đã được đẩy lên cao điểm qua cuộc diễn hành tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đòi hỏi trợ giúp kinh tế cho các cộng đổng nghèo nhất tại Hoa Kỳ.
Cuối tháng 3 năm 1968, Mục sư King đã đến Memphis, Tiểu bang Tenessee để ủng hộ những công nhân da đen làm việc sở vệ sinh công cộng đang biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc từ ngày 12 tháng 3. Ngày mồng 3 tháng 4, Mục sư King trở lại Menphis để nói chuyện trước đám đông. Chuyến đi này bị trễ vì máy bay bị dọa đặt bom. Trong phần cuối của bài nói chuyện hôm đó, Mục sư King có nhắc đến vụ dọa đặt bom với những lời tiên tri về cái chết của mình. Ông nói: "Tôi đã đến Memphis. Người ta đã bắt đầu nói đến sự đe dọa hay bàn tán về những lời đe dọa. Cái gì sẽ xảy ra cho tôi từ những người anh em bệnh hoạn da trắng? Tôi không quan tâm điều gì sẽ xảy ra ngay bây giờ. Chúng ta đang đối diện với những ngày khó khăn trước mặt. Nhưng nó không làm tôi bận tâm hiện nay. Bởi vì tôi đang đứng trên đỉnh núi và không cần phải bận tâm. Giống như mọi người, tôi muốn sống lâu. Sống lâu là điều qúy báu. Nhưng hiện nay tôi không màng đến nó. Tôi chỉ muốn tuân phục ý Chúa. Ngài đã cho phép tôi leo lên đỉnh núi, nhìn về phía xa và tôi đã thấy vùng đất hứa. Có thể tôi không đến đó cùng với anh em; nhưng đêm nay, tôi muốn anh em biết rằng chúng ta, như là con người, sẽ tiến về vùng đất hứa. Đêm nay tôi rất hạnh phúc. Tôi không lo lắng gì nữa. Tôi không sợ hãi ai nữa. Mắt tôi đã nhìn thấy sự vinh hiển của Chúa".
Tối hôm đó, mổng 3 tháng 4, Mục sư King ngủ đêm tại phòng 306 của Khách sạn Lorraine tại Memphis, Tiểu bang Tenessee, vì dự tính là ngày hôm sau, ông sẽ dẫn một đoàn diễn hành đến ủng hộ cuộc đình công của Liên đoàn công nhân vệ sinh của người da đen. Nhưng Mục sư King đã bị James Earl Ray bắt chết lúc 6 giờ 01 phút chiều ngày mồng 4 tháng 4 năm 1968, khi ông đang đứng trên ban công tầng thứ hai của khách sạn. Tin Mục sư King bị ám sát đã tạo một chấn động kinh hoàng trong dư luận Hoa Kỳ và Thế Giới. Năm ngày sau, Tổng thống Johnson đã công bố ngày Quốc Táng trước sự ra đi của một lãnh tụ Phong Trào Dân Quyền. Phó Tổng thống Hubert Humphrey đã cùng với hơn 300 ngàn người tham dự Quốc Táng của Mục sư King.
****
Sự nghiệp của Mục sư Tiến Sĩ Martin Luther King, Jr không chỉ để lại cho nước Mỹ hai đạo luật Dân Quyền và Quyền Bầu Cử cho người đa đen mà còn để lại những bài học về đấu tranh bất bạo động, giúp cho nhiều tổ chức đã áp dụng trong những cuộc phản kháng chính trị. Nếu Thánh Gandhi là người đã vạch ra nền tảng của phương thức đối đầu bất bạo động vào những năm đầu thế kỷ 20 thì Mục Sư Martin Luther King, Jr. là người đã hoàn chỉnh phương thức này bằng những kỹ thuật tổ chức và vận động để biến sức mạnh bất bạo động của đám đông quần chúng vượt lên trên mọi vũ khí, và đã được áp dụng thành công không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều thập niên vừa qua. Ngày 2 tháng 11 năm 1983, Tổng thống Ronald Reagan đã ký sắc lệnh thiết lập ngày lễ tôn vinh Mục sư King, và hàng năm nước Mỹ cử hành lễ này vào ngày 20 tháng 1, tức là ngày Thứ hai tuần lễ thứ ba tháng giêng hàng năm. Sau khi Mục sư King mất, bà Coretta Scott King tiếp tục tham gia vào các hoạt động tranh đấu dân quyền của chồng và đã xây dựng Trung Tâm King nhằm mục đích bảo tồn và duy trì các di sản của ông và tiếp tục cổ xúy tinh thần bất bạo động cũng như lòng khoan dung của con người trên toàn thế giới.
Lý Thái Hùng
14/03/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét