Nếu chỉ đọc bản tin ngắn gọn của tờ Hà Nội Mới vào ngày 28 tháng 7, người ta dễ có suy diễn rằng đây là một cuộc thanh trừng cấp lãnh đạo quân khu Thủ đô. Tuy nhiên, tìm hiểu những diễn tiến xoay quanh sự thay đổi này, người ta thấy là quyết định cách chức và bổ nhiệm một số nhân sự vào quân khu Hà Nội mới của ông Nguyễn Tấn Dũng không đến từ âm mưu tạo phản mà đến từ những xung đột phe nhóm, dưới chiêu bài cải tổ lại Bộ chỉ huy quân khu Thủ đô do sự mở rộng của thành phố Hà Nội vào tháng 8 tới đây.
Theo Nghị quyết 15 của Quốc Hội Cộng sản Việt Nam thông qua vào chiều ngày 29 tháng 5 năm 2008, cho mở rộng địa giới Thành phố Hà Nội mới sẽ bao gồm Hà Nội hiện nay, hơn 219,000 ha (hectare) diện tích tự nhiên của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc Tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tổng diện tích của thành phố Hà Nội mới sẽ là 334,500 ha và trên 6,2 triệu nhân khẩu, so với diện tích hiện nay là trên 90,000 ha và xấp xỉ 3,5 triệu nhân khẩu. Những sự vận hành và sắp xếp lại các cơ chế hành chánh của thủ đô Hà Nội mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm 2008. Trong quyết định mở rộng này, Cộng sản Việt Nam đã cho sáp nhập Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hà Nội và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây thuộc quân khu thủ đô vào Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Nói cách khác, các cơ quan quân sự của Hà Nội và tỉnh Hà Tây bị sát nhập và biến thành Bộ tư lệnh Thủ đô kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2008. Không chỉ bộ máy quân sự, tất cả các cơ quan về công an, hành chánh đều phải sát nhập theo một cơ chế mới.
Nguyễn Đức Nhanh. |
Trong khi đó, nhân sự chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thủ đô Hà Nội mới đã có những sự thay đổi khá bất ngờ. Tất cả 6 nhân sự trong Bộ chỉ huy quân sự Thủ độ Hà Nội bị giải nhiệm. Trung tướng Nguyễn Như Hoạt (tư lệnh quân khu thủ đô) bị thuyên chuyển ngồi chơi xơi nước với chức giám đốc học viện Quốc phòng. Trung tướng Nguyễn Đăng Sáp bị cách chức Chính ủy quân khu thủ đô trả về lại Bộ quốc phòng. Thiếu tướng Trần Trung Khương bị cách chức Phó chính uỷ quân khu thủ đô trả về Bộ quốc phòng. Thiếu Tướng Lê Hải Bình bị cách chức Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng quân khu thủ đô bị trả về Bộ quốc phòng và Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh bị cách chức Phó tư lệnh quân khu thủ đô bị trả về Bộ quốc phòng. Có thể nói là 5 vị tướng chỉ huy cao nhất của quân khu Thủ đô Hà Nội đã bị cách chức. Những nhân sự mới được đưa lên thay thế gồm: Đại tá Phí Quốc Tuấn, nguyên chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây được bổ nhiệm làm Tư lệnh bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Đại tá Phùng Đình Thảo, chủ nhiệm chính trị Quân khu thủ đô được bổ nhiệm chính uỷ bộ tư lệnh Thủ đô Hà nội và được thăng quân hàm thiếu tướng.
Cộng sản Việt Nam đã chia Việt Nam làm 9 quân khu gồm quân khu I, II, III, IV thuộc miền Bắc, Quân khu V, VI thuộc miền Trung và Quân khu VII, IX thuộc miền Nam và Quân khu Thủ đô Hà Nội. Ông Nguyễn Tấn Dũng có nhiều ảnh hưởng tại các Quân Khu IV, VII, IX nhưng lại không được lòng các sĩ quan ở Quân Khu I, II, III, V và nhất là Quân Khu Thủ Đô. Đặc biệt là ngay sau khi lên làm Thủ tướng vào tháng 7 năm 2006, ông Dũng đã ra một quyết định cấm quân đội tham gia các hoạt động kinh tế và thương mại như bên Trung Quốc đã làm. Tuy nhiên, quyết định của ông Dũng không những không được các phe trong Quân đội chấp hành nghiêm chỉnh mà còn tìm cách không thi hành những chỉ thi khác của bên chính phủ. Hiện nay quân đội Cộng sản Việt Nam làm chủ một ngân hàng, một cơ sở bưu chính và hàng ngàn công ty xây dựng, dịch vụ viễn thông và giải trí, khách sạn. Các công ty của quân đội có liên hệ khá chặt chẽ với những công ty của Trung Quốc và Đài Loan. Cánh quân đội có những liên hệ làm ăn với Trung Quốc luôn luôn tìm cách ngăn cản những chính sách trao đổi quân sự với Hoa Kỳ. Do đó mà ông Nguyễn Tấn Dũng có khuynh hướng gần với nhóm công an để tìm chỗ dựa. Vào đầu năm 2007, ông Dũng đã thăng chức cho 21 cán bộ cao cấp trong bộ máy công an.
Những diễn tiến nói trên cho thấy là mối quan hệ của ông Nguyễn Tấn Dũng với quân đội không suông sẻ. Trong đó sự giằng co giữa những phe nhóm chịu các ảnh hưởng của Trung Quốc (buôn bán làm ăn kinh tế) và Hoa Kỳ (tân trang kỹ thuật) đã tạo ra những tranh chấp ngấm ngầm trong bộ quốc phòng từ nhiều năm qua. Từ thời ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng cho đến khi ông Nguyễn Tấn Dũng lên thay thế, các mối quan hệ về quân sự giữa Cộng sản Việt Nam với Hoa Kỳ đều phải giữ kín. Rất nhiều sĩ quan trẻ được chọn lọc, bí mật đưa sang Hoa Kỳ huấn luyện và tham quan về những kỹ thuật phòng thủ mới nhưng các tin tức này được coi là bí mật quốc gia vì không muốn phe nhóm thân Trung Quốc tấn công. Do đó mà nhân thay đổi cơ cấu hành chánh của Hà Nội mới kể từ ngày 1 tháng 8 năm 2008, ông Dũng đã tìm cách thay đổi toàn bộ nhân sự lãnh đạo quân khu Thủ Đô, đưa những nhân sự thuộc phe cánh mình lên thay thế. Diễn tiến thay thế này được coi như một cuộc thanh trừng nội bộ - tuy ở cấp quân khu – nhưng đóng một vai trò quan trọng cho sự củng cố quyền lực của phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng, đang bị mất uy tín đối với nội bộ về tình hình lạm phát gia tăng và khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Lý Thái Hùng
July 30, 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét