Trước khi Bộ công an Cộng sản Việt Nam dàn cảnh phiên tòa xét xử một cách phi lý đối với 8 giáo dân Thái Hà để hù dọa dư luận rồi tuyên bố án treo vào ngày 8 tháng 12 năm 2008, tờ Công an nhân dân, cơ quan ngôn luận của bộ này vào ngày 6 tháng 12, đã đăng một bài viết mà nội dung và đề tựa hoàn toàn mang tính chất hàm hồ như vụ án của 8 giáo dân. Bài viết có tên là: Nguyễn Thanh Giang - một tay sai của tổ chức ‘Việt Tân’: đội lốp ‘dân chủ’, ‘ăn chận đô la’, ký tên tác giả là Trường Thái. Với tựa đề này, công an Cộng sản Việt Nam muốn bôi bác thanh danh của nhà dân chủ Nguyễn Thanh Giang ở hai điểm: 1/Tay sai của đảng Việt Tân; và 2/Ăn chận tiền đóng góp cho công cuộc đấu tranh. Đây là thủ đoạn mà công an Cộng sản Việt Nam hay sử dụng để tấn công vào uy tín của những nhà dân chủ đang được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao về những nỗ lực tranh đấu cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam. Mặt khác, khi bôi bác thanh danh của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nói trên, công an Cộng sản Việt Nam còn muốn tạo một hình ảnh tiêu cực nơi những nhà dân chủ tại quốc nội là đi đấu tranh chỉ vì muốn sống nhờ tiền yểm trợ từ bên ngoài. Nhưng đối với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, thủ đoạn bôi bác này của công an Hà Nội chỉ có thể ví như hành động của kẻ ‘rung cây nhát khỉ’ mà thôi?
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang không những là một nhà trí thức hàng đầu của Việt Nam về địa chất học mà ông còn là một chuyên gia có tầm vóc quốc tế trước khi vứt bỏ mọi ưu đãi của chế độ để dấn thân vào con đường dân chủ hóa Việt Nam từ cuối thập niên 80. Từ cuộc sống đầy đủ và sung túc của một chuyên gia có hạng trong lòng chế độ độc tài, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã biết rất rõ rằng gia đình ông sẽ bị phong tỏa kinh tế, cô lập mọi giao tiếp với môi trường chung quanh, nhưng ông đã can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh, kể cả đi vào tù chỉ vì muốn dấn thân cho tương lai của dân tộc. Chính vì nhìn thấy rõ con đường tự do dân chủ mới đưa đất nước Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu và chậm tiến – qua tác phẩm Khát Vọng Ngàn Đời - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã dấn thân vào con đường đấu tranh trong hơn 2 thập niên vừa qua và đã trở thành một biểu tượng dũng cảm của nhiều nhà dân chủ tại Hà Nội. Thật vậy, sau khi cụ Hoàng Minh Chính - một cổ thụ của Phong Trào Dân Chủ tại Việt Nam - nằm xuống vào đầu năm 2008, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã là người trở thành chất keo nối kết các nhà dân chủ tại miền Bắc hiện nay. Công an Cộng sản Việt Nam muốn triệt hạ Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang vì không muốn ông trở thành nơi quy tụ các nhà dân chủ. Nhưng cách triệt hạ của công an Cộng sản Việt Nam đã có tác dụng ngược vì ba lý do sau đây:
Thứ nhất, khi công an xách mé gọi Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là đội lốt dân chủ, họ đã biểu lộ một sự xúc phạm nặng nề. Quá trình hai mươi năm đấu tranh và sự kiên trì theo đuổi lý tưởng tự do dân chủ trong những hoàn cảnh nghiệt ngã bao quanh, cho thấy là uy tín chính trị của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đang làm cho công an lúng túng đối phó. Lúng túng vì chính niềm tin và sự dấn thân vào con đường dân chủ của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã thu hút được nhiều người tin theo và hành động. Những bài viết của nhà dân chủ Vi Đức Hồi, Nguyễn Phương Anh và nhiều người khác nữa đã cho thấy là cách triệt hạ của công an mất tác dụng, trước một con người đã có quá trình tranh đấu kiên trì từ lúc phong trào dân chủ tại Việt Nam còn sơ khai. Đây là sự xúc phạm thứ nhất mà công an Cộng sản Việt Nam phải chính thức lên tiếng xin lỗi Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang.
Sự xúc phạm thứ hai lại càng không thể tha thứ khi công an hàm hồ vu cáo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ăn chận đô la. Quen thói côn đồ để bảo vệ cho hệ thống tham ô nhũng lạm, công an Cộng sản Việt Nam đã luôn luôn ám ảnh với những đòn phép theo kiểu ‘ngậm máu phun người’ để triệt hạ lẫn nhau giữa các phe nhóm. Nhưng thủ đoạn dựng chuyện – qua những mô tả của tờ công an nhân dân về việc Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận tiền từ bên ngoài trao lại cho những nhà dân chủ ở trong nước - gọi đó là ăn chận mà không có một chứng minh cụ thể cho thấy là nhóm công an điều tra đã khinh thường trí phán xét của dư luận. Hơn thế nữa, trong bài viết, công an lại nhắc đến tên một số nhà dân chủ khác cũng nhận tiền từ bên ngoài để thực hiện các công tác đấu tranh và những hoạt động gây khó chịu cho bạo quyền khiến công an phải thú nhận rằng đã nhiều lần gặp gỡ, răn đe các nhà dân chủ nhưng đã không thành công. Chỉ vì không nghe lời công an chấm dứt các hoạt động chống đối mà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và các nhà dân chủ khác đều bị công an kết tội: “Mục đích cuối cùng của hoạt động đó là muốn xin tiền tài trợ từ những người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài để hoạt động chống đối nhà nước Việt Nam”.
Khi bị phong tỏa kinh tế gia đình, cô lập mọi sinh hoạt với người chung quanh, ngăn chận không cho tìm công ăn việc làm, những nhà dân chủ tại quốc nội phải nhận sự yểm trợ từ những người Việt ở hải ngoại. Đây không chỉ biểu hiện tình liên đới giữa các nhà tranh đấu mà còn là nghĩa vụ chung của những người đấu tranh phải giúp đỡ, bảo vệ nhau để chiến thắng guồng máy độc tài. Những đóng góp yểm trợ tài chánh từ bên ngoài còn là một hỗ trợ tinh thần vô giá cho những nhà dân chủ tại Việt Nam để giữ vững ý chí chống độc tài và không bị cám dỗ, mua chuộc từ chế độ. Vì thế khi gọi Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là ăn chận, Cộng sản Việt Nam đã xúc phạm danh dự ông và phải lên tiếng xin lỗi.
Sự xúc phạm nặng nề thứ ba khi công an xách mé gọi Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang tay sai của đảng Việt Tân. Tay sai được dùng để chỉ hai hành động xấu: 1/Tay sai cho ngoại bang để xách nhiễu dân tộc, xâm lăng đất nước – như CSVN đã và đang làm đối với đàn anh Bắc Kinh; 2/Tay sai cho một cá nhân hay một tập đoàn để làm một việc mờ ám, bất chính nào đó. Nhưng trong toàn bài viết, công an CSVN đã không nêu ra được một chứng tích “tay sai” nào của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, mà chỉ viết toàn là những nỗ lực tích cực của ông cùng các nhà dân chủ trong nước và đảng viên Việt Tân đóng góp vào công cuộc dân chủ hóa Việt Nam. Do đó chữ tay sai mà công an dùng trong bài viết là một sự cáo buộc hàm hồ nhưng có tính toán: mục tiêu là để biện minh cho những thất bại của guồng máy công an đã không thể nào ngăn chận được những hoạt động chống đối hiệu quả của các nhà dân chủ và sự yểm trợ tích cực và liên tục của các lực lượng đấu tranh ở trong và ngoài nước, trong đó có đảng Việt Tân.
Sự kiện Cộng sản Việt Nam dùng chữ tay sai để nói đến mối quan hệ giữa các nhà dân chủ với các lực lượng đấu tranh nhằm vào ba chủ đích; 1/Ám chỉ trong nước không có lực lượng đấu tranh chỉ có một thiểu số chống đối; 2/Những lực lượng đấu tranh tại hải ngoại không dám về nước nên chi trả tiền hoạt động cho những người trong nước; 3/Tìm cách ly gián những nỗ lực hợp tác, hỗ trợ đấu tranh giữa đảng Việt Tân với các nhà dân chủ. Qua các chủ đích này, công an Cộng sản Việt Nam vừa muốn bôi nhọ, vừa đánh giá thấp các nhà dân chủ Việt Nam và vừa coi thường chính nghĩa của phong trào dân chủ. Công an đã và đang hàm hồ vu cáo những hoạt động rất kiên cường của các nhà dân chủ như nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng, ông Nguyễn Văn Túc, Kỹ sư Đỗ Nam Hải… là tay sai; hồ đồ kết luận họ là người của đảng Việt Tân hay bị Việt Tân chỉ đạo. Khi chính nghĩa đã kết hợp lòng người để thể hiện lý tưởng chung thì lằn ranh trong ngoài, giữa các cá nhân và tổ chức, đảng phái sẽ không còn nữa. Sự kết hợp nhịp nhàng của lực lượng dân tộc đã làm cho Cộng sản Việt nam thực sự lo sợ và tìm mọi cách để ly gián.
Đấu tranh là quyền của mọi công dân Việt Nam đứng trước những nghịch lý và đau thương của xã hội. Động lực này không do ai sai khiến, ban phát hay chỉ đạo mà tự mỗi cá nhân tự giác ngộ và đứng lên với lòng can đảm. Nguời dân Việt Nam không chấp nhận tình trạng cai trị độc ác của chế độ Việt cộng nên đã đứng lên đấu tranh. Vì thế cuộc đấu tranh giành lại tự do dân chủ cho Việt Nam hiện nay có chính nghĩa vì đáp ứng nguyện vọng của toàn dân. Để đối đầu lại chế độ bạo lực và quỷ quyệt như đảng Cộng sản Việt Nam, bắt buộc mọi người, mọi đảng phái, mọi lực lượng dân chủ phải liên kết và hỗ trợ lẫn nhau. Việc đảng Việt Tân hay đảng Dân Chủ Nhân Dân, đảng Vì Dân, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên… yểm trợ phương tiện cho các nhà dân chủ có hoàn cảnh để chống lại sự đàn áp và khống chế của công an là một nỗ lực đương nhiên, cần thiết và phải làm. Xuyên tạc và gán ghép tiếng xấu cho chính nghĩa và động lực sáng ngời của những người Việt Nam yêu nước và yêu chuộng tự do là hành vi tự tố giác bản chất yếu hèn của chính chế độ độc tài mà thôi.
Để kết luận, bài viết thuê của Trường Thái do đơn đặt hàng của bộ máy công an Cộng sản Việt Nam không những không đạt yêu cầu trong việc tấn công vào uy tín của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang mà còn vạch cho người ta thấy những thất bại của guồng máy bạo lực trong việc ngăn chận các hoạt động đấu tranh hào hùng đầy đảm lược của các nhà dân chủ tại Việt Nam, và sự yểm trợ tích cực của các đảng phái, lực lượng dân chủ ở trong và ngoài nước.
Lý Thái Hùng
Dec 10 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét