28 tháng 12, 2008

10 Sự Kiện Đáng Chú Ý Của Thế Giới Trong Năm 2008

I- TỔNG QUÁT:

Thế giới trong năm 2008 có hai dấu ấn đặc biệt. Cả hai dấu ấn này đều xảy ra tại Hoa Kỳ nhưng lại ảnh hưởng lan rộng trên toàn thế giới.

Dấu ấn đầu tiên là cuộc khủng hoảng hệ thống tài chánh với sự phá sản hàng loạt các ngân hàng hàng đầu của nước Mỹ như công ty tài chánh Lehman Brothers và Merrill Lynch, công ty bảo hiểm AIG… đã tạo một cuộc khủng hoảng dây chuyền trên toàn thế giới. Nhiều thị trường tài chánh tại Á Châu, Âu Châu bị sụp đổ làm thiệt hại lên đến hơn 1,000 tỷ Mỹ Kim. Người ta cho rằng cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra vào giữa tháng 9 vừa qua đã giống như cuộc đại khủng hoảng xảy ra hồi đầu thập niên 30 của Thế Kỷ 20, tuy mức độ và kích thước có khác nhau.



Dấu ấn thứ hai là cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 11 với sự thắng cử vẻ vang của Thượng Nghị Sĩ da đen Barack Obama thuộc Tiểu Bang Illinois đắc cử Thống thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Không những thế, cuộc bầu cử này đã mang lại thắng lợi hoàn toàn cho đảng Dân Chủ khi đảng này chiếm đa số ghế tại Hạ Viện, Thượng Viện và làm chủ Tòa Bạch Ốc trong bốn năm tới. Ông Barack Obama là vị Tổng thống đa đen đầu tiên của nước Mỹ và sự thắng cử của ông - trở thành người lãnh đạo siêu cường thế giới - đã mở ra một luồng sinh khí mới với những thay đổi tư duy của con người về vấn đề màu da, sắc tộc, khuynh hướng chính trị trong thế kỷ 21.

Nếu dấu ấn thứ nhất mang lại cho nhân loại một sự lo âu về tương lai của đời sống kinh tế khó khăn thì ngược lại, dấu ấn số hai đã mang lại cho con người một niềm hy vọng mới do sự trưởng thành của ý thức dân chủ trong xã hội. Cả hai đều để lại những kết quả khác nhau nhưng phải nói là đã lưu lại nhiều bài học đáng nhớ. Tuy nhiên, thế giới không chỉ bận tâm về hai dấu ấn nói trên mà còn có nhiều biến động khác, ít nhiều làm ảnh hưởng lên các mối quan hệ giữa các quốc gia và chiều hướng phát triển của nhân loại trong một vài năm trước mặt. Kiểm điểm lại, trong năm 2008 có mười biến cố sau đây đáng quan tâm:

1/ Cuộc bầu cử tại Cộng Hòa Liên Bang Nga vào tháng 3 năm 2008 chỉ là bước chuyển tiếp để cho ông Putin củng cố uy quyền lãnh đạo của ông trên đất Nga sau hai nhiệm kỳ làm Tổng Thống.

2/ Trận động đất tại Tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc xảy ra vào ngày 12 tháng 5 đã làm cho 80 ngàn người thiệt mạng với hơn 300 ngàn người bị thương. Trận động đất tuy do thiên tai nhưng những thiệt hại đa số là đến từ những công trình xây dựng cẩu thả và vô lối của nhà cầm quyền Trung Quốc trong giai đoạn phát triển vừa qua.

3/ Cuộc xung đột quân sự giữa Cộng Hòa Nga và Georgia tại vùng phía Nam Ossetia vào trung tuần tháng 8 năm 2008 đã đưa đến cuộc khẩu chiến ngày một lan rộng giữa Nga và Mỹ trong vấn đề ổn định tình hình tại vùng Caucasus.

4/ Trung Quốc đăng cai tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè Beijing 2008 vào tháng 8 năm 2008 với nhiều màu sắc rực rỡ, nhưng cũng là Thế Vận Hội bị dư luận chống đối nhiều nhất – ngay từ lúc bắt đầu rước ngọn lửa Thiêng Olympic tại Hy Lạp.

5/ Sự hoành hành của Hải Tặc ngoài khơi Somalia và trong vùng Vịnh Aden. Cho đến nay hải tặc Somalia đã bắt giữ hơn 45 chiếc tàu chở dầu, hàng hóa của nhiều quốc gia và giữ hơn 250 thủy thủ trong vùng sào huyệt để đòi tiền chuộc lên đến hàng triệu Mỹ Kim.

6/ Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đã làm cho tình hình chính trị nước này hoàn toàn bị tê liệt giữa hai lực lượng; Liên Minh Vì Dân Chủ (PAD) thân nhà Vua và Đảng Quyền Lực Nhân Dân (PPP) ủng hộ Cựu Thủ Tướng Thaksin bị lật đổ vào cuối năm 2006.

7/ Cuộc khủng hoảng hệ thống tài chánh của Hoa Kỳ đưa đến sự phá sản rất nhiều công ty đầu tư khiến cho chính phủ Bush phải tung ra kế hoạch cứu nguy 700 tỷ Mỹ Kim vào giữa tháng 9 vừa qua.

8/ Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ với hai ứng cử viên John Mc Cain (Đảng Cộng Hòa) và Barack Obama (Đảng Dân Chủ) trong bối cảnh sụp đổ hệ thống tài chánh đã làm cho ứng cử viên McCain hoàn toàn thất lợi, đưa đến sự chiến thắng vẻ vang của Thượng Nghị Sĩ da đen Barack Obama.

9/ Cuộc tấn công của quân khủng bố vào 9 địa điểm trong Thủ đô Mumbai, Ấn Độ vào tối ngày 26 tháng 11 khiến cho hơn 100 người bị tử thương đã khiến cho dư luận thế giới lo sợ những cuộc khủng bố hàng loạt nhắm vào các Trung tâm tài chánh thế giới.

10/ Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử đầu tư chứng khoán đã là một chấn động lớn trong thị trường tài chánh thế giới khi ông Bernard Madoff, người sáng lập và chủ tịch công ty chứng khoán đầu tư Bernard L. Madoff Investment Securities LLC bị bắt vào ngày 11 tháng 12 năm 2008.

II – DIỄN TIẾN CHI TIẾT CÁC BIẾN CỐ:

Trong phần này, chúng ta sẽ phân tích chi tiết về tám biến cố được đề cập bên trên sẽ có những ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình thế giới trong năm 2008 và nhất là những năm tháng trước mặt.

1/ Bầu Cử Tổng Thống Tại Nga:

Cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 3 tháng 3 năm 2008 với kết quả là ông Dmitri Medvedev đắc cử ngay vòng đầu với tỷ số 70.22% trong khi các ứng viên khác như Gennady Zyuganov của đảng Cộng sản Nga chiếm 17,77% phiếu bầu, ông Vladimir Zhirivosky theo chủ nghĩa dân tộc chiếm 9,37% phiếu bầu, ông Andrey Bogdanov lãnh đạo đảng Dân chủ chỉ có 1,20% phiếu bầu. Kết quả này đúng như điều dự kiến của dư luận là ông Dmitri Medvedev đã chiến thắng vẻ vang vì thế lực của cựu Tổng thống Vladimir Putin còn ảnh hưởng rất mạnh trong xã hội Nga nên vì thế mà đa số phiếu đã đổ dồn cho ứng cử viên Dmitri Medvedev, người của ông Putin chọn ra thay thế mình. Trước khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra, ông Putin muốn vận động quốc hội thông qua một dự luật cho phép ông ta có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vì theo Hiến pháp, Tổng thống chỉ làm đến 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm phải ra đi, trong khi đó, ông Putin thì muốn tiếp tục nắm quyền thêm vài năm nữa. Nhưng nỗ lực vận động quốc hội chấp nhận cho ông ra thêm nhiệm kỳ thứ ba thất bại nên ông Putin đành phải chọn người khác thay thế. Khi ông Putin chọn ông Dmitri Medvedev làm Tổng thống, ông Putin đã đòi hỏi ông ta sẽ trở thành Thủ tướng. Ông Dmitri Medvedev đồng ý đòi hỏi này của ông Putin.

Ông Putin được ông Yeltsin đưa lên làm Tổng thống vào đầu năm 2000. Ông Putin gốc KGB nên sau khi lên làm Tổng thống, ông ta đã lôi kéo hàng ngũ KGB tạo thành một mạng lưới trong chính quyền với một tinh thần quốc gia cực đoan. Nói cách khác, từ khi ông Putin được ông Yeltsin đưa lên nắm quyền, ông ta đã tạo một mạng lưới chính trị rộng khắp nước Nga với những chủ trương bài ngoại - cụ thể là Mỹ và Âu Châu – với mục tiêu xây dựng nước Nga theo đường lối riêng. Trong suốt 8 năm làm Tổng thống từ năm 2000 đến 2008, ông Putin luôn luôn muốn thay đổi hiến pháp để ông có thể làm Tổng thống suốt đời. Nhưng khi thấy không thực hiện điều này, ông Putin đã đề cử Dmitri Medvedev ra tranh cử. Dmitri Medvedev là đàn em của Putin nên có thể nói là mọi chính sách lớn của Nga đều do ông Putin đạo diễn. Trong tháng 12 vừa qua, ông Putin đã vận động thành công trong việc quốc hội bỏ phiếu gia tăng nhiệm kỳ Tổng Thống từ 4 năm lên 6 năm kể từ năm 2009. Với kết quả này cho thấy triều đại Medvedev - Putin sẽ còn cầm quyền khá lâu tại Nga, ít nhất là 10 năm nữa.

Với vai trò Thủ tướng, ông Putin sẽ thực hiện chính sách chống lại các ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại vùng Đông Âu và các Cộng hòa quốc từng nằm trong Liên Bang Xô Viết, cũng như tạo dựng lại một nước Nga hùng mạnh của thời trước năm 1991. Mặc dù ông Putin và những cán bộ KGB trung thành với ông đang tạo một mạng lưới khống chế nước Nga trên các mặt kinh tế, tài chánh, truyền thông, viễn thông và quân sự... nhưng ông Putin khó vực dậy nước Nga để trở thành một siêu cường đối đầu lại với Hoa Kỳ trong vòng 20 năm tới. Nga đang đối diện một tình trạng khủng hoảng kinh tế khủng khiếp hơn điều mà thế giới đang biết qua các bản tin quốc tế. Ông Putin cố tình che giấu những khủng hoảng tài chánh đang xảy ra ở Nga vì thủ phạm gây ra tình trạng này chính là những tên trùm KGB ngày trước của ông Putin nay trở thành những đại gia trong lãnh vực kinh tế. Do đó triều đại Medvedev – Putin cũng sẽ không làm cho nước Nga khá hơn 8 năm dưới thời Putin làm Tổng Thống.

2/ Trận Động Đất Tại Tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc:

Trận động đất với cường độ 7,9 trên thang địa chấn Richter xảy ra tại Tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 12 tháng 5 năm 2008, khiến cho 80 ngàn người chết, hơn 300 ngàn người bị thương, hơn 5 ngàn trẻ em mồ côi, thiệt hại vật chất khoảng 15 tỷ Mỹ Kim là hệ quả của tình trạng phát triển quá nhanh dẫn đến những xây dựng cẩu thả và vô lối của nhà cầm quyền Trung Quốc. Đa số những thiệt hại về nhân mạng và vật chất đều đến từ những tòa nhà cao tầng bị san bằng thành những đống gạch vụn mà đáng lý ra không thể sụp đổ với cường độ 7,9 Richter nếu được xây cất và kiểm soát cẩn thận. Hàng chục ngàn người dân và trẻ em đã bị chôn vùi dưới những chung cư cao tầng và một số trường học. Trận động đất này đã làm cho thành phố Yinxiu thuộc thị trấn Wenchuan, tâm điểm của cơn địa chấn đã hoàn toàn bị xóa trắng. Ngay khi trận động xảy ra, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã bay đi thị sát tình hình và huy động khẩn cấp 30 ngàn bộ đội, 101 phi cơ trực thăng và 30 phi cơ vận tải đến cứu giúp và truy tìm các nạn nhân bị chôn vùi dưới những đống gạch vụn.

Sau non hai ngày tự chiến đấu với một thảm kịch quá lớn, ngày 15 tháng 5, Bắc Kinh đã phải lên tiếng kêu gọi thế giới nhảy vào cứu giúp. Nhật Bản, Nam Hàn, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Tây phương đã gửi các toán cứu thương và phẩm vật cứu trợ đến tỉnh Tứ Xuyên. Ngày 19 tháng 5, Bắc Kinh ban hành lễ quốc táng kéo dài 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân của vụ động đất. Mặc dù có nhiều toán cứu thương của một số quốc gia đến giúp cùng với hơn 130 ngàn bộ đội làm việc 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày, việc tìm kiếm những người mất tích dưới các đống gạch vụn sau trận động đất đã kéo dài gần 2 tháng trời. Sau khi thị sát quang cảnh hoang tàn của trận động đất, đa số các nhà cứu thương quốc tế đều cho rằng nếu Bắc Kinh không nhanh chóng kiểm soát lại các hạ tầng cơ sở và những công trình xây dựng trong thời gian qua tại những thành phố lớn thì sẽ đối mặt những thảm kịch như tỉnh Tứ Xuyên trong tương lai.

3/ Cuộc Xung Đột Giữa Nga và Cộng Hòa Georgia:

Rạng sáng ngày 8 tháng 8 năm 2008, đúng vào lúc Olympic 2008 khai mạc tại Bắc kinh, quân đội Nga lấy lý do bảo vệ nhóm chủ trương độc lập Nam Ossetia đã tiến vào chiếm đóng Nam Ossetia và bắn phá một số vùng nằm trong lãnh thổ Georgia. Cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Georgia kéo dài 5 ngày một cách khốc liệt thì đến ngày 12 tháng 8, hai nước đồng ý kế hoạch hòa bình do Pháp đưa ra sau khi Nga đồng ý ngưng các hoạt động quân sự tại Georgia. Kế hoạch hòa bình nói trên gồm có 6 nguyên tắc: tất cả các bên từ bỏ vũ lực; ngưng hoàn toàn hành động quân sự; cho phép tự do tiếp cận viện trợ nhân đạo; lực lượng vũ trang Georgia rút về căn cứ, binh lính Nga trở về vị trí trước khi xảy ra xung đột; tiến hành thảo luận quốc tế về quy chế tương lai hai vùng lãnh thổ đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia cũng như các biện pháp bảo vệ an ninh ở hai khu vực này. Qua kế hoạch hòa bình này, tiếng súng tạm chấm dứt trên chiến trường nhưng các cuộc khẩu chiến giữa hai phe đã xảy ra dữ dội.

Bởi vì cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Cộng hòa Georgia ở Nam Ossetia trên căn bản nó là cuộc đối đầu giữa một bên là Hoa Kỳ và các quốc gia Anh, Pháp, Đức.. ủng hộ Georgia và bên kia là Nga ủng hộ Nam Ossetia và Abkhazia trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và chiến lược quân sự ở vùng Caucasus. Trước năm 1991, Georgia là một Cộng hòa quốc cùng với Nga nằm trong Liên Bang Xô Viết. Nhưng khi Liên Xô tan rã, Georgia đã tuyên bố độc lập. Nga và Georgia có chung một biên giới dài 723 cây số. Trong vùng biên giới này có vùng đất Bắc và Nam Ossetia. Bắc Ossetia thì nằm cận Nga nên tuyên bố độc lập nằm trong sự bảo vệ của Nga. Nam Ossetia nhiều lần tuyên bố độc lập nhưng Liên Hiệp Quốc không đồng ý và vì vậy đã xảy ra nhiều cuộc nổi dậy ở Nam Ossetia đòi tách ra khỏi Georgia. Nga lúc đầu đóng vai trung gian hòa giải nhưng từ lúc Georgia đi thân với Mỹ và xin vào NATO thì Nga tìm cách gây khó khăn Georgia, bằng cách yểm trợ tối đa cho Nam Ossetia chống lại Georgia và làm chậm tiến trình tham gia vào NATO của Georgia.

Các quốc gia Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ biết rõ chủ đích của Nga là muốn kích động nhóm ly khai tại Nam Ossetia để gây bất ổn cho Georgia và các nước Cộng hòa cũ từng nằm trong Liên bang Xô Viết trước năm 1991. Mục tiêu là Nga muốn ngăn chận những nước này đi theo kế hoạch cô lập Nga của Hoa Kỳ. Chính vì thế mà mặc dù chiến sự đã ngưng và Nga đã rút ra khỏi Georgia và Nam Ossetia nhưng Nga vẫn tìm cách kích lên những mầm mâu thuẫn giữa Nam Ossetia với chính quyền Georgia. Hiện nay Liên Hiệp Âu Châu đã đứng ra triệu tập Hội nghị giữa Nga và Georgia có sự tham dự của đại diện Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức an ninh và hợp tác Âu Châu tại Geneve để giải quyết về tình trạng độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, nhưng viễn cảnh còn rất nhiều khó khăn, vì hai l ý do: 1/Nga tìm cách lôi kéo và tạo ảnh hưởng lên đại diện của Nam Ossetia và Abkhazia; 2/Hoa kỳ không muốn Nga đóng quân trên vùng Nam Ossetia vì như thế sẽ đe dọa an ninh Georgia.

4/ Trung Quốc Tổ Chức Olympic 2008 Tại Bắc Kinh.

Thế Vận Hội mùa Hè lần thứ 29 do Trung Quốc đăng cai tổ chức tại Thành phố Bắc Kinh từ ngày 8 đến 24 tháng 8 năm 2008, với sự tham dự của 205 phái đoàn đến từ các quốc gia và khu vực. Có tất cả 10,499 lực sĩ cùng tham gia tranh tài 38 bộ môn chính. Đây có thể nói là một Thế Vận Hội tốn nhiều giấy mực của nhân loại về cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực chính là sự bề thế và lộng lẫy của Thế Vận Hội khó có quốc gia nào sánh bằng. Chỉ với số vũ công tham gia trong hai buổi lể khai mạc và bế mạc của Thế vận hội lên đến hàng chục ngàn người được điều khiển bằng kỷ thuật cao tạo một sự kinh ngạc và thán phục của nhân loại. Về mặt tiêu cực chính là những sai sót của Bắc Kinh trong việc tạo dựng những hình ảnh giả tạo để đánh lừa dư luận như về vụ em bé gái hát bài ca trong đêm khai mạc không phải là một người mà là hai người, hoặc một số màn đốt pháo bông đã dùng kiểu ghép hình trên mạng Internet rồi phổ biến qua màn ảnh truyền hình làm cho hàng triệu khán giả tưởng là thật. Không những thế, sự cô lập của dư luận và chống các cuộc rước đuốc Bắc Kinh 2008 từ cuối tháng 3 năm 2008 trở đi tại Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Nhật và nhiều nơi trên thế giới, nhằm lên án tình trạng đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc đã làm cho Trung Quốc rất lúng túng đối phó. Từ những mặt tích cực và tiêu cực nói trên, Thế Vận Hội mùa hè tại Bắc Kinh có bốn điểm đáng nói:

Thứ nhất là Bắc Kinh đã bỏ ra hàng tỷ Mỹ Kim để xây dựng kiến trúc rất đẹp cho làng Thế Vận Hội cũng như thực hiện một chương trình khai mạc và bế mạc buổi lễ rất độc đáo với hàng chục ngàn vũ công tham gia, được điều kiển bằng kỹ thuật cao tạo một sự kinh ngạc và thán phục của Thế giới. Với sân vận động hình Tổ Chim, cao 49 tầng tựa vào nhau bằng một bao lơn hình tổ chim nằm ngang giữa lưng chừng trời, có sức chứa trên 90 ngàn khán giả. Công trình này do kiến trúc sư người Hoà Lan Rem Koolhaas thiết kế. Nó còn được gọi là “sự tái tạo tài tình của tòa nhà chọc trời”. Với Khối Nước, trung tâm thể thao dưới nước, với 10, 000 tấn thép được chôn xuống lòng đất để có thể bảo vệ tòa nhà này vững chắc trước những trận động đất lớn. Với Quả Trứng, nhà hát quốc gia cũng được xây dựng với một vẻ đẹp tân kỳ tạo những nét thẩm mỹ độc đáo của Thế Kỷ 21.

Thứ hai là Bắc Kinh – qua Đạo diễn Trương Nghệ Mưu - đã biết khai thác khối người đông của Trung Quốc để thực hiện một số những chương trình biểu diễn “đông người” với màu sắc, ánh sáng thật linh động và độc đáo. Từ những màn múa trống của gần 3 ngàn vũ công, sắp thành hình Tổ chim, bay múa trên không trung cho đến những cảnh rước đuốc chạy vòng quanh sân vận động và các màn vũ dân tộc… đi cùng với những đợt pháo bông được bắn lên từ nóc của sân vận động và tại các khu vực chính của làng Thế Vận Hội tạo một hình ảnh hoành tráng của đêm khai mạc và bế mạc khó quên trong ký ức nhân loại của Olympic lần thứ 29 tại Bắc Kinh.

Thứ ba là tại kỳ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 có đến 49 người đã phá kỷ lục thế giới trong các bộ môn như bơi, điền kinh… trong đó lực sĩ bơi lội Michael Phelps 23 tuổi của Hoa Kỳ đã chiếm 8 huy chương vàng, vượt qua lực sĩ Mark Spitz chiếm 7 huy chương vàng trong kỳ Olympic năm 1972 tại Munich, Đức Quốc. Trong 10 quốc gia đứng đầu có số huy chương nhiều nhất vẫn là Hoa Kỳ với 110 huy chương, Trung Quốc về hạng hai với 100 huy chương và hạng ba là Nga với 72 huy chương. Nhưng nếu tính theo số huy chương vàng thì Trung Quốc đứng đầu với 51 huy chương vàng, Hoa Kỳ đứng hạng nhì với 36 huy chương vàng và Nga đứng hạng ba với 23 huy chương Vàng. Điều đáng nói là Nam Hàn đã vượt qua Nhật Bản, đứng hàng thứ 7 trong danh sách 10 quốc gia có huy chương cao nhất với 13 vàng, 10 bạc và 8 đồng.

Thứ tư là Thế giới đã lên án Bắc Kinh mạnh mẽ về tình trạng đàn áp nhân quyền và nhất là sự chiếm đóng tại Tây Tạng, Tân Cương qua biến cố rước đuốc Bắc Kinh 2008 tại nhiều nơi trên thế giới từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 2008. Đặc biệt là trước khi cuộc rước đuốc xảy ra, Bắc Kinh đã đưa quân đội vào đàn áp các nhà sư và sinh viên Tây Tạng tổ chức cuộc tuần hành kỷ niệm 30 năm ngày Tây Tạng bị Bắc Kinh xâm lăng vào tháng 3 năm 1958. Cuộc đàn áp dã man này làm cho hơn 100 nhà sư và sinh viên bị tử thương, khiến cho người Tây Tạng tại hải ngoại đã không thể ngồi yên. Làn sóng chống đối Bắc Kinh đã có từ trước cộng với cuộc đàn áp lần này tạo thành một sự phản kháng mạnh mẽ lên cuộc rước đuốc Bắc Kinh, khiến cho Trung Quốc phải cắt ngắn lộ trình rước đuốc đồng thời tăng cường đoàn người bảo vệ ngọn đuốc Olympic tại một số quốc gia vì sợ bị cướp. Khi đuốc Bắc Kinh bị chống đối quá mạnh tại Paris và London, nên khi đến San Francisco, Nagano, Bangkok, Tân Đề Ly… Bắc Kinh đã không dám cho rước đuốc công khai mà chỉ làm lễ rước lấy lệ rồi di chuyển đi nơi khác. Hình ảnh chống đối rước đuốc xảy ra khắp nơi đã làm cho Bắc Kinh lo sợ nên một mặt đã tăng cường kiểm soát an ninh tại khu vực Thế Vận Hội, mặt khác không cấp chiếu khán cho một số người mà họ tình nghi là vào Bắc Kinh để phản đối. Kết quả là số người ngoại quốc tham dự Olympic Bắc Kinh không đông như các lần Olympic khác trước đây.

5/ Hải Tặc Somalia Hoành Hành Tại Vùng Vịnh Aden.

Hải tặc Somalia là phó sản của tình hình chính trị phức tạp tại quốc gia này xảy ra từ nhiều năm qua. Khi những băng đảng không còn đất dụng võ tại Phi Châu, chúng đã đổi qua hành nghề khủng bố trên Biển. Khu vực ngoài khơi Somalia và vùng Vịnh Aden được coi là nơi nguy hiểm nhất hiện nay cho sự di chuyển của hàng trăm chiếc tàu chở hàng hóa, dầu của Thế giới đi qua lại khu vực này. Theo văn phòng Hàng Hải quốc tế đã có tới 81 vụ cướp tàu từ đầu năm tới nay, nơi xảy ra gần hướng đi vào Hồng hải, thủy trình chính của các tàu buôn Âu Châu, hiện có khoảng 250 thủy thủ đoàn bị hải tặc giam giữ đòi tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu Mỹ Kim. Ngày 17 tháng 12 năm 2008, khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ra quyết nghị về vụ hải tặc Somalia thì ngay lập tức hải tặc đã trả đũa bằng cách chận bắt tàu chở dầu có quốc tịch Á Rập Saudi và tàu chở hàng có quốc tịch Nam Dương. Trước đó, hồi tháng 10 năm 2008, 6 quốc gia thuộc khối Á Rập họp tại thủ đô Ai Cập để tìm biện pháp đối phó nhưng không có biện pháp nào được sự đồng thuận chung, như biện pháp thiết lập một trung tâm giám sát hải tặc, phối hợp sự tuần tra của các tàu chiến, thiết lập hệ thống báo động cho các thương thuyền đi trên Hồng Hải.

Có một số ý kiến đưa ra là trong khi điều đình với Hải Tặc Somalia để chuộc lại trên 200 thuỷ thủ đoàn bị bắt giữ, thì tạm thời các tàu hàng sẽ không di chuyển qua vùng vịnh Aden. Tuy nhiên nếu quyết định này tiến hành thì sẽ gây thiệt hại lớn cho Ai Cập khi lộ trình không còn đi qua kinh đào Suez, nối liền giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, NATO cũng đã đưa đến vùng Vịnh Aden 15 tàu để canh chừng hải tặc, trong đó có 4 tàu của NATO và các tàu của Ấn Độ, Nga và Mã Lai. Ngày 10 tháng 11, Liên Hiệp Âu Châu đã bật đèn xanh lần đầu tiên mở cuộc hành quân qui mô lịch sử trên biển vùng Vịnh Aden chống hải tặc Somalia. Cuộc hành quân có tên là Eunavfor Atlanta đã được các bộ trưởng Quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu chính thức cho phép. Tuy nhiên sau cuộc hành quân này, tình hình vẫn không cải thiện là bao, vì chủ trương của các nước là ngăn chận những hoạt động của hải tặc hơn là tiêu diệt. Chính vì quan niệm như vậy, các cuộc hành quân truy lùng hải tặc đã không đạt kết quả cao.

6/ Khủng Hoảng Chính Trị Tại Thái Lan:

Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan kéo dài trong suốt năm 2008, khởi đầu từ một hệ quả là chính quyền cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ và phải đi lưu vong tại Anh từ cuối năm 2006.

Do tình trạng sức khoẻ của Vua Thái Bhumibol Adulyadej (năm nay 81 tuổi) ngày một suy yếu nên từ năm 2006, những chính trị gia thân Hoàng gia Thái – vây quanh Hoàng Hậu Sirik - lập ra một nhóm chính trị để giành những ảnh hưởng chính trị và chuẩn bị cho sự lên nối ngôi của Hoàng Thái Tử Vajiralongkorn hay công chúa Sirindhorn. Nhóm này lập ra Liên Minh Nhân Dân Vì Dân Chủ (People’s Alliance for Democracy = PAD) để chống lại các ảnh hưởng chính trị của cựu Thủ tướng Thaksin. Trong khi đó, thế chính trị của cựu Thủ tướng Thaksin lên rất cao kể từ khi lên làm thủ tướng từ năm 2001. Những chương trình cải cách, nhất là cải thiện đời sống nông dân và triệt hạ bọn mua bán bạch phiến rất có hiệu quả nên ảnh hưởng của ông Thaksin rất lớn. Điều sai lầm của ông Thaksin là đã bộc lộ ý định chuyển nền chính trị Thái Lan sang thể chế cộng hòa, dẹp bỏ thế chế quân chủ lập hiến sau khi Vua Thái băng hà cho một số người bạn và tin này lọt ra bên ngoài vào năm 2006 khiến cho liên minh PAD tổ chức các cuộc biểu tình chống đối và đưa đến cuộc đảo chánh ông Thaksin vào ngày 19 tháng 9 năm 2006. Vợ chồng ông Thaksin phải đi lưu vong bên Anh, đảng Thái Rat Thai (TRT) của ông Thaksin bị giải tán và 111 thành viên lãnh đạo bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Thay thế ông Thaksin vào lúc đó là Tướng Surayud Chulanont, người của Hoàng Gia lên làm Thủ Tướng.

Nhưng trong cuộc bầu cử vào ngày 23 tháng 12 năm 2007, những người liên hệ của đảng TRT bị giải tán đã lập ra một đảng mới có tên là Đảng Sức Mạnh Nhân Dân (People‘s Power Party = PPP) và đã chiếm đa số trong quốc hội hơn số ghế của phe PAD. Ông Samak Sundaravej, chủ tịch PPP đã liên kết với 5 đảng nhỏ lập chính phủ mới và lên làm thủ tướng. Sóng gió bắt đầu từ khi vợ chồng cựu Thủ tướng Thaksin đang lưu vong ở Anh đã trở về Thái Lan. Mặc dù khi vừa về đến Bangkok ngày 28 tháng 2 năm 2008, vợ chồng ông Thaksin phải ra hầu tòa để trả lời về các cáo buộc tham nhũng. Nhưng sau 20 phút trả lời, vợ chồng ông Thaksin đóng 250 ngàn tiền thế chân thì được tại ngoại hầu tra nhưng không được phép rời Thái Lan. Lúc đó, các nhà bình luận thời cuộc đều cho rằng sự trở về của cựu thủ tướng Thaksin sẽ tạo cho chính truờng Thái Lan sóng gió trở lại như cuối năm 2006 vì một rừng không thể có hai cọp.

Từ tháng 8 năm 2008, phe PAD đã huy động hàng ngàn người ủng hộ nhà Vua mặc áo vàng mở chiến dịch tấn công chính quyền của đảng PPP một cách dữ dội. Họ đã chiếm trụ sở nội các, chiếm các khu vực đường sắt và hăm dọa là sẽ chiếm ba phi trường để đòi Thủ tướng Samak Sundaravej từ chức. Tình trạng này đã đặt Thủ đô Bangkok rơi vào tình trạng tê liệt, khiến cho Thủ Tướng Samak phải ban hành tình trạng khẩn trương. Đầu tháng 9, phe PPP phản công bằng cách huy động hàng ngàn người mặc áo đỏ diễn hành trên đường phố ủng hộ chính phủ. Phản công lại, phe PAD đã vận động 43 nghiệp đoàn với hơn 200 ngàn đoàn viên tuyên bố cuộc đình công trên toàn quốc để đòi thủ tướng Samak từ chức. Điều bất ngờ xảy ra cho đảng PPP là Tòa án tối cao Thái Lan trong phiên xử chiều ngày 9 tháng 9 – do ảnh hưởng của Vua Thái - đã phán quyết Thủ tướng Samak Sundaravej vi hiến vì ông đã thực hiện chương trình nấu ăn trên truyền hình trong lúc đang là Thủ Tướng. Luật của Thái Lan quy định khi làm Thủ tướng không tham gia bất cứ sinh hoạt nào trong công ty, hiệp hội hay những tổ chức đang có hoạt động kinh doanh có lợi nhuận hoặc làm hưởng lương.

Sau khi Thủ tướng Samak từ chức, đảng PPP đã bầu ông Somchai Wongsawat, em rể của cựu Thủ Tướng Thaksin Shiwatra làm thủ tướng vào ngày 24 tháng 9. Ông Somchai lên làm Thủ tướng khiến cho tình hình căng thẳng hơn nữa. Phe PAD không những chiếm trụ sở nội các mà còn huy động hơn 10 ngàn người chiếm cả trụ sở quốc hội khiến cho các dân biểu không thể tham dự các phiên họp. Nhưng căng thẳng lên cực điểm vào tối ngày 25 tháng 11, khi hàng ngàn người mặc áo vàng biểu tình tràn vào sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, khiến cho phi trường này tê liệt hoạt động. Một ngày sau, đến lượt sân bay thứ hai là phi trường Don Muang cũng bị rơi vào tình trạng tương tự. Suốt trong một tuần bị hàng ngàn người biểu tình thuộc phe PAD chiếm đóng tại hai phi trường, đã cầm chân gần 400 ngàn hành khách bị mắc kẹt tại thành phố, vốn là trạm chuyển tiếp của nhiều hãng máy bay tại vùng Đông Nam Á, thiệt hại lên đến 2 tỷ Mỹ Kim.

Ngày 2 tháng 12, Tòa án Tối Cao Thái Lan, lại một lần nữa tuyên bố giải thể đảng PPP và hai đảng liên minh vì có gian lận trong cuộc bầu cử hồi cuối năm 2007. Hàng chục thành viên đứng đầu đảng PPP trong đó có Thủ tướng Somchai Wongsawat bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm. Những thành viên còn lại của đảng PPP đã tham gia vào đảng Puea Thai mới thành lập. Ngày 15 tháng 12, quốc hội Thái bỏ phiếu bầu lại Thủ Tướng, ông Abhisit Vejjajiva, chủ tịch đảng Dân Chủ được bầu làm thủ tướng. Ông Abhisit là thủ tướng thứ năm của Thái Lan trong vòng 2 năm qua. Tình hình chính trị tại Thái Lan hiện nay tương đối ổn định trở lại vì những người thân quen của cựu Thủ tướng Thaksin bị cấm hoạt động chính trị. Tuy nhiên, người ta khó có thể dự đoán về cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2009 nếu những cộng sự cũ của ông Thaksin lại thắng cử như năm 2007 thì biến động chính trị lại bùng nổ vì phe PAD, thân Hoàng Gia rất lo sợ sự trở lại cầm quyền của cựu Thủ Tướng Thaksin, bởi thế lực tiền bạc và sự ảnh hưởng của ông còn rất mạnh ở các vùng nông thôn Thái.

7/ Cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Tại Hoa Kỳ và Thế Giới:

Ngay từ tháng 4 năm 2008, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã đưa ra dự phóng rằng cơn lốc khủng hoảng tài chánh trên thị trường tín dụng có thể lan rộng toàn cầu. IMF cho rằng các ngân hàng đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ đã không đánh giá đúng mức ảnh hưởng lên nợ nần trong hệ thống tài chánh đang rối loạn vì đã cho vay trong thị trường địa ốc một cách vô lối, với sự thất thoát tín dụng lên đến 943 tỷ Mỹ Kim vào thời điểm tháng 3 năm 2008. Bắt đầu từ tháng 5 năm 2008, khủng hoảng thị trường địa ốc bùng nổ lớn không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn lan rộng sang Anh Quốc khi số nhà bị các ngân hàng thu hồi tăng lên quá nhanh, do những người vay mượn không còn đủ sức trả nợ hàng tháng. Đến đầu tháng 9 năm 2008, Bộ trưởng tài chánh Hoa Kỳ Henry Paulson loan báo rằng chính phủ quyết định nắm quyền kiểm soát hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac là hai công ty lớn tài trợ hầu hết thị trường địa ốc của Hoa Kỳ.

Theo nhận định của Bộ tài chánh Hoa Kỳ thì nếu hai công ty này sụp đổ thì sẽ tạo một biến động lớn trong thị trường tài chánh của Hoa Kỳ và thế giới. Nhưng đến giữa tháng 9, công ty đầu tư Lehman Brothers khai phá sản và công ty đầu tư Merrill Lynch được Ngân hàng Bank of America mua lại với giá chỉ bằng một phần nhỏ trị giá cách đây một năm. Hai công ty đầu tư Lehman Brothers và Merrill Lynch đã bị thua lỗ bởi các đầu tư kém hiệu quả liên quan đến thị trường địa ốc tại Hoa Kỳ. Sự sụp đổ hàng loạt những ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ về đầu tư trong tháng 9 đã làm rúng động không chỉ người dân Hoa Kỳ mà hầu hết trên toàn thế giới. Tình trạng này đã đặt chính quyền Tổng Thống Bush ở vào thế lúng túng đối phó làm ảnh hưởng đến cuộc vận động tranh cử của Ứng cử viên Tổng thống John McCain của đảng Cộng Hòa.

Sự phá sản của các ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ đã khiến cho các thị trường chứng khoán tại Âu Châu và Á Châu tụt giá kể từ giữa tháng 9. Tình hình này đã khiến cho các nhà đầu tư đã bán chứng khoán ra một cách ào ạt, mặc dù một số ngân hàng lớn ở Á và Âu Châu trấn an là tiền mặt vẫn còn dồi dào bảo đảm sự vận hành suông sẻ của guồng máy tài chánh. Trước tình hình này, ngày 18 tháng 9, các ngân hàng trung ương của Thế giới quyết định bơm hàng trăm tỷ đô la để cứu nguy thị trường tài chánh, ngăn chận khủng hoảng tài chánh lan rộng. Đi đầu là Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngân hàng trung ương Canada, Thụy Sỹ, Nhật Bản (BoJ), và Anh (BoE) đã đồng ý "bơm" cùng lúc hàng trăm tỷ đôla vào thị trường toàn cầu. Cục dữ trữ Liên bang Mỹ FED thỏa thuận mở rộng hoán đổi ngoại tệ tạm thời thêm 180 tỷ đôla, cho phép các ngân hàng trung ương được vay thêm vốn từ FED với mức lãi suất thấp hơn. Những biện pháp cứu nguy nói trên có lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, khiến cho thị trường chứng khoán tại Paris, London, Franfurt, Tokyo có tăng lên được vài ngày thì lại tiếp tục tụt dốc.

Trước tình hình này, Tổng Thống Bush đã quyết định là chính phủ phải tung tiền cứu nguy các ngân hàng, để giữ niềm tin các nhà đầu tư hầu không cho thị trường tài chánh sụp đổ. Ngày 20 tháng 9, Tổng Thống Bush tung kế hoạch 700 tỷ Mỹ Kim để cứu nguy các định chế tài chính đang vướng vào những khoản nợ xấu do khách hàng vay mua nhà không trả được. Bộ trưởng tài chính Mỹ Henry Paulson xuất hiện trên các chương trình truyền hình giải thích kế hoạch cứu nguy của chính phủ. Ông Henry Paulson nói nếu không hành động nhanh chóng ngăn chận khủng hoảng tài chính thì sẽ đưa đến một thảm họa kinh tế. Theo kế hoạch thì chính phủ Mỹ sẽ mua lại những khoản nợ mua nhà không thanh toán được hoặc số cổ phần từ những khoản nợ xấu này của các công ty tài chính tư. Ông Paulson cho biết những ngân hàng nước ngoài có tài sản tại Hoa Kỳ cùng sẽ được phép chung sức để mua lại những khoản nợ xấu. Ông cho biết thêm là đang thúc đẩy các chính phủ các nước khác đưa ra những kế hoạch cứu nguy các định chế tài chính của nước họ.

Với kế hoạch cứu nguy 700 tỷ Mỹ Kim của Tổng thống Bush đưa ra, Thượng nghị sỹ Dân chủ Charles Schumer, Chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế Thượng viện cho là muốn kế hoạch bao gồm cả việc cứu nguy cho những chủ nhà đang đứng trước nguy cơ bị ngân hàng tịch thu nhà vì không trả nổi nợ, thay vì chỉ cứu nguy cho các công ty tài chính lớn. Các nhà lập pháp Dân chủ cũng đòi phải có một kế hoạch kích thích nền kinh tế đi kèm theo với kế hoạch chính phủ gánh những khoản nợ xấu của các định chế tài chính. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng kế hoạch cứu nguy của chính phủ Bush thiếu những biện pháp an toàn cần thiết trong nhiều lãnh vực. Bà đòi phải có biện pháp giám sát độc lập, bảo vệ cho những người sở hữu nhà và hạn chế mức lương bổng và tưởng thưởng quá đáng cho các giới chức điều hành công ty.

Chính những ý kiến khác nhau giữa Tổng Thống Bush và các nhà lãnh đạo lập pháp của đảng Dân Chủ nói trên, đã làm cho cuộc bỏ phiếu thông qua kế hoạch cứu nguy bị gặp trở ngại ở Hạ lẫn Thượng viện. Mãi đến đầu tháng 10 kế hoạch cứu nguy 700 tỷ Mỹ Kim của Tổng Thống Bush mới được lưỡng viện quốc hội thông qua, với một điểm tu chính thêm từ phía các nhà lập pháp như: cho phép chính phủ mua lại các khoản nợ xấu và nắm giữ cổ phần trong các công ty tài chánh đang có nguy cơ khánh tận; thành lập cơ chế giám sát ngành tài chánh thật chặt chẽ; có các biện pháp giúp cho người dân Mỹ tránh được tình trạng bị ngân hàng chủ nợ tịch thu nhà cửa; và hạn chế mức lương bổng to lớn mà các nhà quản lý trong ngành tài chánh được hưởng khi họ nghỉ việc. Theo kế hoạch được đề nghị, thì Quốc hội sẽ chuẩn chi ngay lập tức 250 tỷ đôla, kế đến là 100 tỉ đôla dự phòng khẩn cấp, và 350 tỉ đôla dự chi nữa cần được Quốc hội biểu quyết.

Trong khi đó, Ủy Ban Âu Châu đề ra một ngân sách kích thích kinh tế 130 tỷ euros, tức 1% sản lượng nội địa 27 nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu. Mục tiêu là để phối hợp các chính phủ đối phó với nạn suy thoái kinh tế và tài chánh giữa các nước trong khu vực sau khi Hoa Kỳ tung ra 700 tỷ Mỹ Kim cứu nguy. Mỗi nước thành viên của liên hiệp phải đóng góp một ngân khoản tương đương với một phần trăm GDP của mỗi nước. Dù tung ra kế hoạch cứu nguy 700 tỷ Mỹ Kim, hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ trì trệ nhiều hơn mức tiên liệu. Vào cuối tháng 11, Bộ thương mại loan báo tăng trưởng Mỹ trong quý 3 năm nay giảm 0,5% thay vì 0,3% như dự đoán trước đây. Phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng tình hình kinh tế suy trầm hiện nay là do các điều kiện tín dụng bị thắt chặt, xuất phát từ hàng loạt vụ xiết nhà do chủ nhà không trả được. Vì thế mà kể từ đầu tháng 12, chính quyền Tổng Thống Bush đã đưa ra nhiều biện pháp với trên 2.000 tỷ đôla để nắm quyền kiểm soát các ngân hàng và công ty tài chánh. Đồng thời, Quỹ Dự trữ Liên bang tuyên bố sẽ dành một ngân khoản bổ sung 600 tỉ đôla để giữ cho thị trường địa ốc khỏi sụp đổ, và thêm 200 tỉ đôla khác nữa cải thiện tín dụng tiêu thụ.

Ngày 16 tháng 12, một nỗ lực sau cùng của Quỹ Dự Trữ Liên Bang là đã quyết định hạ lãi suất ngắn hạn xuống gần bằng số không, mức thấp nhất từ khi Ngân hàng này được thành lập. Đây là lần cắt lãi suất ngắn hạn thứ 10 nội trong vòng 12 tháng qua, để kích thích các hoạt động kinh tế, chống lại khủng hoảng tài chính. Một cựu giới chức cao cấp bộ Ngân Khố, Bill Poole nhận định rằng Quỹ Dự trữ Liên bang đang gửi đi một tín hiệu mạnh rằng định chế này sẽ in tiền vô hạn định, cho tới khi nào nền kinh tế bắt đầu phát triển mới thôi. Nhưng triển vọng này còn rất mờ mịt vì theo các nhà phân tích kinh tế cho biết là dự đoán trong quí cuối cùng năm nay mức tăng trưởng sẽ là trừ 6%. Nền kinh tế Mỹ đã đẩy 2 triệu người không chỗ làm trong năm qua, cuộc suy thoái hiện nay kéo dài lâu nhất trong 25 năm qua. Một số nhà phân tích lo sợ rằng tình hình suy thoái này sẽ còn nghiêm trọng hơn là cuộc suy thoái của thời kỳ hậu Thế chiến Thứ hai.

8/ Ông Barack Obama Thắng Cử Tống Thống Hoa Kỳ

Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, diễn ra 4 năm một lần vào ngày 4 tháng 11, nhưng các ứng viên ghế Tổng thống đã phải bắt đầu chạy đua từ hai năm trước với hai vòng gồm vòng đua sơ bộ ở trong đảng – dài nhất với hơn 14 tháng – để được chọn làm ứng viên chính thức của đảng và vòng đua thứ hai – tuy chỉ non 3 tháng – nhưng vô cùng quyết liệt giữa hai ứng cử viên Tổng thống của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Cuộc bầu cử vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ đã bắt đầu sôi động từ cuối năm 2006. Vào lúc đó những người được coi là ứng cử viên sáng giá gồm nữ Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton (đảng Dân chủ) và cựu Thống Đốc Mike Huckabee (Đảng Dân Chủ). Nhưng từ giữa năm 2007, trong cuộc chạy đua sơ bộ, Thượng Nghị Sĩ da đen Barack Obama đã xuất hiện cạnh tranh với Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton trong đảng Dân Chủ, còn Thượng Nghị Sĩ John McCain đã bắt đầu vượt trội hơn Cựu Thống Đốc Mike Huckabee trong đảng Cộng Hòa.

Kết quả của cuộc chạy đua vòng sơ bộ, Thượng Nghị sĩ McCain đã nhanh chóng đánh bại cựu Thống Đốc Mike Huckabee ngay từ cuối tháng 5 năm 2008 và trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng Hòa. Trong khi đó, Thượng nghị Sĩ Barack Obama và nữ Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton đã chạy đua với kết quả rất nghiêng ngửa, vì cả hai đều thu hút một số cử tri chọn lọc. Mãi cho đến đầu tháng 6, Thượng Nghĩ da đen Obama mới giành được thắng lợi, trở thành ứng viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ. Trước khi tham dự Đại Hội Đảng để nhận sự đề cử chính thức của đảng, Thượng Nghị Sị Barack Obama đã chọn Thượng Nghị Sĩ Joe Biden làm ứng viên Phó Tổng Thống, vì quá trình kinh nghiệm về lãnh vực đối ngoại của ông để giúp điền khuyết sự yếu kém của Thượng Nghị Sĩ Obama trong các chính sách đối ngoại. Thượng Nghị Sĩ McCain đã chọn nữ Thống đốc tiểu bang Alaska Sarah Palin làm ứng viên Phó Tổng thống. Sự chọn lựa nữ Thống đốc Palin làm ứng cử viên Phó Tổng Thống với mình, Thượng Nghị Sĩ McCain đã tạo một sự ngạc nhiên và thích thú trong dư luận, thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Chính vì vậy mà ngay sau khi liên danh McCain–Palin trình làng sau đại hội đảng Cộng Hòa từ ngày 1 đến 4 tháng 9, điểm ủng hộ lên rất cao vượt qua liên danh Obama–Biden.

Nhưng từ giữa tháng 9 năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chánh ở Hoa Kỳ bùng nổ dẫn đến sự phá sản hàng loạt các ngân hàng đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ, đã làm cho tâm lý người dân chán nản; chính quyền Tổng Thống Bush và đương nhiên đảng Cộng Hòa bị các cử tri nhìn với cặp mắt không thiện cảm. Quan tâm của đa số cử tri Hoa Kỳ là công ăn việc làm và sự ổn định tài chánh. Chính vì vậy mà dân chúng có khuynh hướng chờ đợi một sự thay đổi nên thường ủng hộ đảng đối lập. Tuy nhiên, bản thân Thượng Nghị Sĩ Barack Obama đã có hấp lực đặc biệt với giới trẻ và ông tác động vào tâm lý muốn thay đổi của cử tri.

Thượng Nghĩ Sĩ John McCain có hai ưu điểm nổi bật: 1/ Là một anh hùng của nước Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam và đã từng bị cầm tù và bị thương; 2/ Là một người có quá trình kinh nghiệm lãnh đạo nước Mỹ khi đã phục vụ Thượng Nghị Viện trên 2 thập niên. Nhưng nhược điểm đáng nói đối với Thượng Nghị Sĩ McCain là hơi bảo thủ và quá gần với Tổng Thống Bush nên bị vạ lây. Trong khi đó, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama đã có những ưu điểm: 1/ Sử dụng mạng Internet để đi vào với giới trẻ và dùng chính giới trẻ làm lực nòng cốt đóng góp tiền và công sức cho các cuộc vận động cho ông; 2/ Đưa ra khẩu hiệu thay đổi đã đánh đúng tâm lý muốn thay đổi của quần chúng; 3/ Phát biểu lưu loát, chững chạc và nhất là có tính thuyết phục bằng sự nhiệt tâm phục vụ của một người thanh niên da đen. Nhược điểm nếu có đối với Thượng Nghị Sĩ Barack Obama là sự thiếu khả năng điều hành quốc gia vì ông chỉ mới trải qua 2 năm trong Thượng Viện Liên Bang; nhưng nhược điểm này không lớn và không quan trọng như nhược điểm của Thượng Nghị Sĩ McCain.

Kết quả cuộc bầu cử ngày 4 tháng 11 năm 2008 cho thấy, liên danh Obama–Biden chiếm 365 phiếu cử tri đoàn với 66,9 triệu phiếu cử tri toàn quốc. Trong khi liên danh McCain–Palin chỉ được 170 phiếu cử tri đoàn với 58,3 triệu phiếu cử tri toàn quốc. Nhìn từ kết quả này, dư luận đã có một số đánh giá: 1/ Khủng hoảng tài chánh bùng nổ từ giữa tháng 9 với những chuỗi ngày đen tối liên tiếp sau đó đã là điểm xấu cho liên danh McCain–Palin nhưng lại là điểm lợi cho liên danh Obama–Biden. 2/ Tinh thần dân chủ sau hơn 200 năm lập quốc của Hoa Kỳ đã vươn lên đến tuyệt đỉnh khi cử tri đã không còn chọn lựa người lãnh đạo trên màu da, chủng tộc, tôn giáo hay tính phái; 3/ Mạng lưới Internet đã góp phần rất lớn trong việc huy động một lực lượng cử tri trẻ tham gia đi bỏ phiếu mà chính Thượng Nghị Sĩ Obama đã có công khai phá và đã hưởng được kết quả này. Nhưng điểm đáng nói là sự thắng cử của Thượng Nghị Barack Obama cũng đã tạo niềm hưng phấn đối với các quốc gia trên thế giới, khi Hoa Kỳ dám chọn một người da đen làm Tổng thống. Điều này sẽ từng bước làm thay đổi cái nhìn của rất nhiều người về vị trí và vai trò của những sắc dân thiểu số trong việc lãnh đạo những guồng máy công quyền tại những quốc gia phương Tây như Pháp, Đức, Anh, Ý, Thụy Sĩ v.v...

Hiện nay, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama đang tuyển chọn thành phần nội các để lãnh đạo Hoa Kỳ kể từ sau ngày 20 tháng 1 năm 2009. Ông Obama đã mời Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton làm Ngoại Trưởng; lưu nhiệm ông Robert Gates làm Bộ Trưởng Quốc Phòng; mời đại tướng hồi hưu James L. Jones, cựu Tư lệnh lực lượng NATO vào trách vụ Cố vấn An ninh Quốc gia; ông Arne Duncan làm Bộ Trưởng Giáo Dục; ông Steven Chu làm Bộ Trưởng Năng Lượng, ông Eric Holder Jr. Làm Bộ Trưởng Tư Pháp; ông Bill Richardson làm Bộ Trưởng Thương Mại; ông Timothy Geithner làm Bộ Trưởng Tài Chánh; bà Janet Napolitano làm Bộ Trưởng Nội An... Nhưng điều quan tâm của ông Obama là chấn chỉnh nền tài chánh Hoa Kỳ để mau chóng phục hồi nền kinh tế. Nếu trong năm 2009 mà ông Obama không ngăn chận được đà suy thoái kinh tế thì sẽ gặp nhiều những chống đối từ phía cử tri. Ông Obama lên cầm quyền – tuy trong khung cảnh khó khăn của nền kinh tế – nhưng nhờ đảng Dân chủ đã chiếm đa số tại Hạ Viện (257/178) và Thượng Viện (58/41) nên ông sẽ không gặp nhiều khó khăn ở lưỡng viện như Tổng Thống Bush hiện nay nếu phải đề ra những biện pháp mạnh hầu cải thiện nền kinh tế quốc gia.

9/ Khủng Bố Tấn Công Trung Tâm Tài Chánh Mumbai, Ấn Độ.

Tối ngày 26 tháng 11, một nhóm khủng bố tự xưng là Deccan Mujahideen đã đột nhập vào Thủ đô Mumbai, đồng loạt tấn công vào 9 địa điểm trong đó có nhà ga xe lửa, bệnh viện và hai Khách sạn lớn của Thủ Đô là Taj Mahal và Oberoi Trident, nơi có nhiều du khách ngoại quốc cư trú đã bị nhóm khủng bố chiếm đóng, bắt giữ hàng trăm con tin. Có ít nhất trên 172 người bị thiệt mạng và trên 230 người khác bị thương. Sau hai ngày chiếm giữ khách sạn, phe khủng bố (gồm khoảng 10 tên) đã bị lực lượng an ninh của Ấn Độ tiêu diệt gần hết, bắt sống một thanh niên 21 tuổi tên là Ajmal Amir Qasab, người gốc Pakistan. Theo cảnh sát Ấn thì nhóm khủng bố Deccan Mujahideen là một nhánh của phong trào sinh viên hồi giáo Ấn (SIMI), một tổ chức bị cấm hoạt động. Những thành viên hồi giáo Ấn có thể được huấn luyện và trợ giúp phương tiện từ các tổ chức hồi giáo có căn cứ ở Pakistan và Bangladesh. Một số thành viên của SIMI bị cảnh sát bắt giữ như trách nhiệm các vụ nổ bom khủng bố tại Ấn Độ trong những năm qua, gồm các vụ nổ trên xe lửa ngoại ô Mumbai cách nay 2 năm làm 187 người chết.

Do việc bắt sống một tên khủng bố người Pakistan, tên này đã khai rằng kế hoạch này do một nhóm quá khích trong bộ máy tình báo Pakistan chủ trương vụ tấn công nên chính quyền Ấn Độ tình nghi rằng đàng sau vụ khủng bố có bàn tay tổ chức của quân đội Pakistan. Vì thế trong cuộc họp ngày 30 tháng 11, Thủ tướng Ấn, ông Manmohan Singh, đã nói rằng "những lực lượng ngoại bang" là kẻ đứng đằng sau những vụ tấn công, ám chỉ xa gần đến Pakistan. Ngoại trưởng Ấn, ông Pranaba Mukherjee nói với các phóng viên rằng những "phần tử có liên hệ với Pakistan" có dính líu đến vụ tấn công này. Nhưng các nhà lãnh đạo Pakistan như Tổng thống Asif Ali Zardari và Thủ tướng Syed Yousouf Raza Gilani đều phủ nhận sự dính líu của chính quyền Pakistan sau khi đã đồng loạt lên án các hành động khủng bố này. Để chứng tỏ sự quyết tâm của mình, Pakistan cũng loan báo là ông tổng giám đốc của ISI – một cơ quan tình báo có thế lực mạnh nhất tại Pakistan và trong quá khứ đã có nhiều liên hệ với các tổ chức Hồi-giáo quá khích cho nhiều mục tiêu chiến lược – sẽ đến Ấn Độ để cùng bàn bạc và góp ý trong việc điều tra thủ phạm của các vụ tấn công này.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan trở nên căng thẳng sau vụ khủng bố, có thể đưa đến những xung đột không cần thiết giữa hai quốc gia nên Tổng Thống Bush đã phải cử Ngoại Trưởng Rice lên đường sang Ấn Độ và Pakistan để kêu gọi sự tự chế của hai nước. Nhưng vào ngày 10 tháng 12 vừa qua, để duy trì áp lực lên Pakistan, chính phủ Ấn Độ đã cho phổ biến hình, lý lịch và địa chỉ 9 thành viên khủng bố bị giết chết ở Mumbai đều là ở Pakistan. Theo nhật báo The New York Times, cảnh sát Mumbai còn thông báo trong số 9 tên khủng bố ở Mumbai đều nằm trong nhóm 30 người được tuyển lựa tham gia khủng bố tự sát do phong trào hồi giáo Lashkar-e-Taiba (LeT) chủ trương. Dưới áp lực của Ấn và nhất là của Mỹ, thủ tướng Pakistan Yousouf Raza Gilani đã xác nhận 2 thủ lãnh cao cấp của LeT đã bị bắt giữ là Zarar Shah và Zaki ur Rehman Lakhvi nằm trong số 16 người bị bắt hôm mồng 7 tháng 12. Theo chính phủ Ấn thì tên khủng bố bị bắt sống khai rằng Rehman Lakhvi được xem là một trong những người tổ chức vụ khủng bố. Diễn tiến điều tra vụ khủng bố tại Mumbai còn đang tiến hành và Ấn Độ sẽ làm đến nơi, để buộc Pakistan phải tiêu diệt toàn bộ các nhóm khủng bố đang nhắm vào những trung tâm tài chánh thế giới như Mumbai để gieo rắc kinh hoàng tại các quốc gia phát triển.

10/ Vụ Lừa Đảo Của Nhà Đầu Tư Chứng Khoán Bernard Madoff:

Bernard Madoff năm nay 70 tuổi là một chuyên gia đầu tư nổi tiếng về thị trường chứng khoán tại Hoa Kỳ trong hơn 50 năm vừa qua. Ông Madoff từng là chủ tịch Nasdaq và là thành viên của Hội các nhà giao dịch chứng khoán toàn quốc (National Association of Securities Dealers). Madoff còn là người đã có công rất lớn trong việc tạo ra sự cạnh tranh giữa hai sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và NewYork Stock, đồng thời đã lôi kéo được các công ty IT như Apple, Google đến niêm yết ở sàn Nasdaq. Với một quá trình hoạt động như vậy, Bernard Madoff đã tạo một sự tin tưởng hầu như tuyệt đối nơi những khách hàng giàu có của ông ta. Bernard Madoff luôn luôn tạo quanh mình một khung cảnh kỳ bí, khiến cho những ai được ông ta nhận làm thân chủ đều cảm thấy hãnh diện và cứ đưa tiền cho ông ta là xong, không cần phải thắc mắc về chuyện đầu tư thất bại hay thành công.

Madoff đã tung ra kế hoạch dụ dỗ những người chơi golf tại những câu lạc bộ ở các tiểu bang với xảo thuật là sẽ trả lời cao nếu nhờ ông ta đầu tư, với lãi xuất từ 8-10% và năm nào cũng vậy, dù kinh tế có khó khăn. Chính xảo thuật này mà Madoff luôn luôn có nhiều khách hàng mới để lừa đảo theo kiểu Ponzi (Lừa đảo kiểu Charles Ponzi là hứa trả lãi cao để lừa lấy tiền của những nhà đầu tư, dùng tiền lấy từ nhà đầu tư mới trả lãi cho nhà đầu tư cũ). Vụ lừa đảo này đã được Madoff xây dựng dưới một công ty có tên là Bernard L. Madoff Investment Securities LLC, thành lập từ năm 1960 với 3 nhân viên làm việc kế toán để quản trị một tài sản theo ghi chép của Hội các nhà giao dịch chứng khoán toàn quốc là 17,1 tỷ Mỹ Kim. Do sự sụp đổ hệ thống tài chánh vào giữa tháng 9 và nhất là do sức ép của sự thất bại trong việc chuộc lại một bất động sản trị giá 7 tỷ Mỹ Kim, tối ngày 10 tháng 12, Madoff đã thú với hai người con trai của ông ta là toàn bộ kế hoạch đầu tư trong mấy thập niên qua đều là vụ lừa đảo kiểu Ponzi. Hai người con đã yêu cầu Madoff ngày hôm sau phải ra nộp mình và tự thú với FBI. Tin tức Madoff nộp mình cho FBI và vụ lừa đảo bị tiết lộ đã tạo một tiếng sét ngang tai của các nhà đầu tư tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Người ta ước tính là vụ lừa đảo của Madoff đã làm thiệt hại cho các nhà đầu tư cỡ 50 tỷ Mỹ Kim, gồm những nhà giàu có, các người hưu trí, các cơ quan tài chánh và các tổ chức từ thiện. Hiện nay người ta đang lập một danh sách các nạn nhân của Madoff nhưng theo sự tiết lộ sơ khởi thì một số ngân hàng ngoại quốc như Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải HSBC mất 1 tỷ Mỹ Kim; Ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Reichmuth & Co mất 325 triệu Mỹ Kim; Ngân hàng Pháp BNP Paribas mất 350 triệu Euro; Ngân hàng Tây Ban Nha Grupo Santander SA mất 2,3 tỉ Mỹ Kim; Công ty môi giới Nhật Nomura Holding mất 306 triệu Mỹ Kim; Công ty Maxam Capital Management mất 280 triệu Mỹ Kim... Madoff hiện đang được tại ngoại với số tiền thế chân là 10 triệu Mỹ Kim để chờ ngày ra tòa xét xử với hơn 40 tội lừa đảo. Chắc chắn là vụ án Bernard Madoff sẽ còn gây nhiều ảnh hưởng xấu lên thị trường tài chánh của Hoa Kỳ trong năm 2009.

III-KẾT LUẬN:

Tình hình thế giới năm 2008 nói chung không mấy lạc quan. Cuộc khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ đã và đang có nguy cơ kéo thế giới trở lại những năm đầu thập niên 30 của Thế Kỷ 20. Những khủng hoảng tài chánh đang trực tiếp ảnh hưởng lên ngành sản xuất xe hơi của Hoa Kỳ, khiến những công ty xe hơi lớn như GM, Ford, Chrysler đang đứng bên bờ vực thẳm vì mức tiêu thụ đang xuống dốc thê thảm. Nhiều công ty xe hơi đang phải ngưng sản xuất trong một tháng, cho công nhân nghỉ việc trong khi chờ đợi sự cứu nguy từ chính quyền. Hoa Kỳ là xứ của tiêu thụ mà dân chúng không còn dám tiêu xài, sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Việt Nam, Thái Lan... chuyên sản xuất để xuất cảng sang Hoa Kỳ. Với những đen tối của tình hình tiêu thụ cuối năm 2008 tại Hoa Kỳ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, cho thấy là nhân loại đang bước vào năm 2009 không mấy sáng sủa.

Lý Thái Hùng
Dec 28, 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét