Vì mang một số những đặc tính nói trên, những tổ chức quần chúng có một ảnh hưởng chính trị rất lớn trong xã hội. Những tổ chức quần chúng này – tùy theo mối quan tâm và nhất là tùy theo môi trường hoạt động - sẽ tạo ra những định chế hoặc những tập hợp mà qua đó quần chúng có thể ảnh hưởng lên hướng đi của toàn bộ hay một phần xã hội trong một giai đoạn nhất định. Không những thế, những định chế hay tập hợp này còn có khả năng huy động một khối lượng quần chúng để phản bác những nhóm khác hay là chống lại chính quyền khi có sự xen lấn hoặc khống chế một cách không chính đáng vào quyền lợi và các mục tiêu hoạt động của họ.
Ví dụ Nghiệp đoàn xe vận tải hay nghiệp đoàn Taxi tổ chức cuộc đình công kéo dài nhiều ngày để phản đối một Nghị định nào đó của chính phủ có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và cuộc sống của giới tài xế lái các loại xe này. Khi cuộc đình công kéo dài nhiều ngày sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của dân chúng và nhất là làm tê liệt những di chuyển trong xã hội, gây bất mãn đến nhiều thành phần quần chúng khác. Nếu chính phủ không tìm biện pháp hóa giải thì cuộc biểu tình gia tăng và chắc chắn sẽ tạo ra những biến động chính trị. Chính quyền phải tổ chức cuộc đàm phán để cùng tìm biện pháp giải quyết với đại diện của những Nghiệp đoàn này. Do đó một cá nhân không tham dự vào bất cứ một đoàn thể hay định chế nào, thì những ước muốn hay suy nghĩ của mình khó có thể tạo những ảnh hưởng trong xã hội và đương nhiên sẽ không có một tác động gì lên chính quyền.
Đối với một xã hội dân chủ, chính quyền hay là những đảng phái cầm quyền rất quan tâm vào việc tranh thủ sự đồng tình của những định chế quần chúng vì chính quyền coi việc phục vụ các nhu cầu của quốc gia chính là đáp ứng các nguyện vọng của những định chế quần chúng gồm gia đình, tổ chức tôn giáo, hội văn hóa, câu lạc bộ thể thao, định chế kinh tế, nghiệp đoàn, hội sinh viên, tổ chức nhân quyền, các đảng phái chính trị. Bởi vì những đoàn thể này đã tạo ra những trung tâm quyền lực chính trị mà từ đó quần chúng có thể tạo áp lực hay phản kháng lại những việc làm sai trái hay những chi phối vô lý của chính quyền.
Ngược lại, đối với chế độ độc tài, chính quyền không chấp nhận các tổ chức, đoàn thể quần chúng hoạt động một cách độc lập mà phải nằm dưới sự chi phối của đảng. Những đoàn thể quần chúng như hội nông dân, đoàn thanh niên, hội văn nghệ sĩ, hội ký giả, hội văn học nghệ thuật, hay các đoàn thể tôn giáo đều do chế độ lập ra và được lãnh đạo bởi những người của chế độ. Hậu quả tất nhiên là những định chế quần chúng này trở thành công cụ khuynh loát cả các thành viên lẫn những lãnh vực xã hội liên hệ. Quần chúng sống trong chế độ độc tài, không những bị tước hết tất cả những ảnh hưởng chính trị của mình trong xã hội mà còn bị chế độ trấn áp thường xuyên bằng cách tạo ra một không khí sợ sệt bao trùm lên cả nước. Chính lề lối cai trị này đã khiến quần chúng luôn luôn bị ám ảnh những lo sợ và mặc nhiên phục tùng mệnh lệnh của kẻ độc tài. Hậu quả của sự sợ sệt này, người dân đã vô hình chung giúp cho chế độ độc tài có thể nắm chặt và duy trì các nguồn lực chính trị trong tay.
Theo Tiến sĩ Gene Sharp thuộc học viện Albert Einstein, người đã nghiên cứu về việc phục hoạt quyền lực chính trị của quần chúng bằng phương thức đối đầu bất bạo động, đã nhận diện rằng sở dĩ các quyền lực chính trị trong xã hội bị những kẻ độc tài khống chế dễ dàng, vì họ đã khai thác được yếu tố tuân phục của người dân, biểu hiện trên các hình thức:
Thứ nhất là sự tuân phục của người dân vào guồng máy chính trị vì bị nhồi sọ và khống chế để tin rằng đây là chế độ cầm quyền có chính danh.
Thứ hai là sự cộng tác và phục tùng của tầng lớp chuyên gia, trí thức trong các cơ quan nhằm giúp cho chế độ độc tài tồn tại và phát triển xã hội theo những khuôn mẫu riêng của độc tài.
Thứ ba là sự tập trung kiểm soát và phân bố các tài nguyên thiên nhiên, các nguồn tài chánh, hệ thống kinh tế, các phương tiện giao thông, các phương tiện truyền thông, các cơ sở giáo dục lên các nhu cầu của người dân theo lối bao cấp để dễ sai khiến.
Thứ tư là sự trừng phạt hay phong tỏa đời sống đối với những ai bất phục tùng hay bất hợp tác để luôn luôn duy trì tình trạng tuân phục và hợp tác mà chế độ rất cần để tồn tại và thực thi các chính sách.
Thứ năm là số lượng và uy tín của những người hay những nhóm quần chúng công khai bày tỏ lập trường, quan điểm ủng hộ, tuân phục vào những điều sai khiến của chế độ độc tài.
Thứ sáu là sự mê hoặc vào hệ tư tưởng mà chế độ độc tài tung ra có khả năng chinh phục số đông quần chúng.
Tất cả những nguồn lực chính trị nói trên đều tùy thuộc vào sự chấp nhận chế độ và nhất là sự quy phục và tuân thủ của quần chúng cũng như sự hợp tác của họ đối với các mệnh lệnh do chế độ đưa ra. Sự hợp tác và tuân phục của người dân vào các chính sách cai trị của chế độ độc tài sẽ làm gia tăng nguồn lực chính trị và do đó sẽ tăng cường uy quyền của các đảng độc tài trong xã hội. Rõ ràng là bất cứ chế độ nào cũng cần phải dựa vài khối quần chúng để nhân danh quyền cai trị. Tuy nhiên vì những chế độ độc tài như kiểu cộng sản đòi hỏi phải có nhiều quyền lực để mà đối phó trước sự nổi dậy của người dân, nên những chế độ này thường có nhu cầu tập trung sự tuân phục một cách tuyệt đối của quần chúng vào chế độ.
Như vậy, quyền lực chính trị trong xã hội tùy thuộc vào việc người dân có khả năng và điều kiện để hành xử quyền công dân của họ nhiều hay ít. Nếu họ được tôn trọng và hành xử quyền công dân nhiều thì chính quyền luôn luôn đi tìm sự hợp tác của các định chế quần chúng để tạo sự ổn định xã hội. Nếu họ bị khống chế và bị tước đoạt mọi quyền công dân thì chính quyền - tuy kiểm soát xã hội chặt chẽ - nhưng luôn luôn phải đối phó mọi cuộc phản kháng chính trị bùng nổ. Nói cách khác, mức độ tự do hay chuyên chính của bất cứ chính quyền nào phần lớn phản ảnh mức độ hành xử quyền công dân nhiều hay ít của người dân, cũng như sự sẵn sàng và khả năng kháng cự của người dân trước những thế lực tìm cách trói buộc họ vào vòng nô lệ.
Cuộc cách mạng Đông Âu bùng nổ vào cuối thập niên 80 đưa đến sự sụp đổ toàn diện của khối Cộng sản quốc tế Liên Xô vào năm 1991, cũng như hàng loạt các cuộc cách mạng Màu xảy ra tại Serbia (2000), Georgia (2003), Ukraine (2004), Kyrzystan (2005) và Lebanon (2005) làm tan rã hàng loạt các chế độ độc tài tại đây vào đầu thế kỷ 21, đã nói lên cùng một ý nghĩa rằng khi quần chúng không còn tuân phục, không còn hợp tác thì quyền lực chính trị của đảng độc tài sẽ bị thách đố. Những nguồn lực chính trị nói trên bắt đầu chuyển động khi người dân ý thức rằng họ có quyền hành xử tiếng nói, lá phiếu và ý chí của họ cho những quyền lợi của mình; không phục tùng vô điều kiện các mệnh lệnh độc tài và vô lý của thiểu số lãnh đạo.
Khi người dân rút lại những sự tuân phục cũng như bắt đầu phản kháng các hành vi vô lối của cán bộ, những kẻ độc tài bắt đầu co rút hay phải cắt đứt những nguồn lực chính trị mà họ thường dựa vào để nhân danh quyền lãnh đạo. Khi bị người dân cô lập và từng bước vô hiệu hóa các nguồn lực chính trị của thiểu số lãnh đạo, chế độ độc tài sẽ yếu dần và cuối cùng sẽ tan rã theo một tiến trình tiệm tiến từng bước. Dĩ nhiên, chế độ độc tài rất nhạy cảm về sự bất tuân phục của dân chúng và luôn luôn hoảng sợ về những cuộc chống đối có thể xảy ra. Do đó mà họ rất nhanh tay tung ra những tuyên bố mang tính răn đe hoặc những trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào những người bất phục tùng, đình công, biểu tình chống lại họ.
Tuy nhiên sự việc không phải đến đó là hết. Sự trấn áp, ngay cả bằng bạo lực không phải luôn luôn làm người dân trở lại tình trạng tuân phục và hợp tác với chế độ như trước mà ngược lại nó dẫn đến tình trạng giằng co và đối đầu từng sự việc giữa người dân và chế độ. Nếu người dân được hướng dẫn để chịu đựng các biện pháp trấn áp và nhất là tiếp tục duy trì lập trường bất hợp tác, bất tuân phục các mệnh lệnh của chế độ trong một khoảng thời gian đủ dài để đọ sức, thì sau đó, các chế độ độc tài sẽ phải tìm biện pháp tháo chạy bằng những chiêu bài đối thoại, hội nghị bàn tròn để mua thời gian. Theo kinh nghiệm của Đông Âu, một khi phong trào quần chúng vượt qua giai đoạn bị trấn áp gay gắt, người dân sẽ không còn biết sợ nữa và đa số sẽ tự động tham gia các cuộc biểu tình bao vây chính quyền độc tài cho đến khi chế độ này tan rã.
Đó là hình ảnh xuống đường từ lúc đầu rời rạc, thưa thớt vài ba trăm người của những ngày mà Công nhân Ba Lan khởi sự đòi quyền thành lập Công Đoàn Solidarnosc tại thành phố Gdank, đến hình ảnh xuống đường của hàng trăm ngàn công nhân tại các đô thị lớn làm tắc nghẽn mọi sinh hoạt trên toàn quốc, và đẩy đảng Cộng sản Ba Lan rơi vào thế lúng túng đối phó. Tuy lúc khởi đầu có bị đàn áp nhiều lần khiến số thương vong lên đến vài chục người; nhưng công nhân Solidarnosc đã chuyển từ thế thủ sang thế công - chấp nhận bị trấn áp để hướng dư luận về phía công nhân đang đấu tranh ôn hòa. Cuối cùng thắng lợi đã về với số đông quần chúng, tạo những biến chuyển ngoạn mục cho Ba Lan vào giữa tháng 6 năm 1989.
Rút từ những biến chuyển của cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu và tại các nước xảy ra cuộc cách mạng Màu vào đầu thế kỷ 21, theo Tiến Sĩ Gene Sharp thì người ta đã rút ra ba yếu tố quan trọng nhất để xác định mức độ một chính quyền đang kiểm soát hay đang mất dần khả năng kiểm soát của họ:
Thứ nhất là sự mong muốn của quần chúng trong việc giới hạn quyền lực cai trị của chính quyền (so với sự mong muốn ngược lại của chế độ) trong việc đặt giới hạn về quyền lực của nhà cầm quyền.
Đây là yếu tố biểu hiện tinh thần bất phục tùng dân sự bắt đầu bén rễ trong xã hội dưới những hình thức: lãng công; làm việc không theo giờ giấc quy định của nhà cầm quyền; tham dự các cuộc họp trễ; không cho con em của mình tham gia vào các sinh hoạt đảng, đoàn; công khai lên tiếng phê phán những hành động tham ô của cán bộ; đặt vấn đề khi có những giải quyết không theo đúng quy trình đã vạch ra. Đây có thể coi là giai đoạn mà người dân không còn âm thầm chịu đựng những khống chế, đàn áp tuỳ tiện của chế độ mà bắt đầu lên tiếng phản kháng trong phạm vị cá nhân hay gia đình. Đối chiếu yếu tố này vào tình hình Việt Nam hiện nay thì người dân đã không còn cam chịu các đàn áp của chế độ. Người dân đã không còn ngồi chửi đổng hay làm thơ, làm vè bêu rếu chế độ mà đã dám viết thư, viết đơn tố cáo... khiến cho cán bộ không còn dám tự tung tự tác. Đây là những bước căn bản làm giảm thiểu sự ảnh hưởng của các quyền lực cán bộ lên đời sống của người dân.
Ngày 3 tháng 3 năm 2008, gần 150 nhà thơ, nhà văn trong và ngoài nước ký tên vào trong một Thư Ngỏ gửi đến các cơ quan văn hóa và quốc hội CSVN để yêu cầu: Trước mắt, hãy xem xét và đình chỉ ngay mọi hành xử nhằm ngăn chặn việc phát hành sách Trần Dần–Thơ của một nhà thơ quá cố mà nội dung chỉ đem lại vinh dự cho dân tộc Việt Nam văn hiến này. Tiếp đó, hãy xem xét lại cung cách ứng xử của những cơ quan nhà nước về mặt pháp lý và về quan hệ dân sự đối với những trường hợp tương tự trường hợp của nhà thơ Trần Dần, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, các họa sĩ Nguyễn Quang Huy và Trương Tân. Sau nữa, trên tinh thần tôn trọng pháp luật và tôn trọng các giá trị nhân quyền và văn hóa, từ nay cần chấm dứt cách thức hành xử thiếu văn minh và thiếu cơ sở pháp lý đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật nói riêng, các sáng tạo tinh thần nói chung. Đây là một dạng tiêu biểu của thái độ bất phục tùng dân sự của các nhà thơ, nhà báo đối với sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội đã vinh danh Nhà Thơ Trần Dần cùng với ba nhà thơ khác là Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán của vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vào năm 2007; sau nửa thế kỷ trù dập; vậy mà lại cấm không cho gia đình và nhà xuất bản Nhã Nam phát hành tập thơ đúc kết những di cảo lớn của nhà thơ Trần Dần trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 6 tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội. Trước những phản kháng nói trên, cuối cùng nhà cầm quyền CSVN đã phải cho Chánh Thanh Tra Bộ văn hóa – Thông tin thu hồi lệnh cấm và chỉ xử phạt 15 triệu đồng (khoảng 1000 Mỹ Kim) đối với nhà xuất bản Nhã Nam với lý do vu vơ rằng ’vi phạm trình tự xuất bản theo Luật Xuất Bản". Sự thu hồi lệnh cấm phát hành tập thơ Trần Dần, cho thấy là CSVN rất sợ phản ứng bất mãn lan rộng và coi như chấm dứt thời kỳ tự tung tự tác của các quan chức văn hóa vô sản; nhưng thái độ xử phạt 15 triệu đồng đối với nhà xuất bản sẽ là vết nhơ khó rửa và chắc chắn chế độ sẽ tiếp tục bị phê phán, khi mà những vụ án văn hóa khác được lập lại trong tương lai.
Thứ hai là sức mạnh của những tổ chức độc lập và những định chế xã hội của người dân lập ra (so với sức mạnh ngược lại của chế độ ) trong việc cùng nhau biểu hiện sự bất phục tùng, bất hợp tác hay phản kháng lại các mệnh lệnh của chính quyền một cách công khai và ôn hòa.
Đây là yếu tố biểu hiện những phản ứng của số đông nhằm tạo những áp lực lên chính quyền để có những thay đổi hay cải tổ phù hơp theo nguyện vọng của số đông này. Một cá nhân đơn độc thường có phản ứng thụ động trước những thay đổi của xã hội. Nhưng khi nhiều cá nhân chia xẻ với nhau cùng một quan tâm, cùng một ước muốn thì sớm muộn gì họ cũng sẽ bày tỏ công khai ra bên ngoài để vừa tìm sự đồng thuận của nhiều nhóm quần chúng khác; vừa tìm cách thực hiện những quan tâm của họ mà không ngồi chờ chính quyền cho phép hay câu giờ giải quyết. Ví dụ những người dân oan đã đi khiếu kiện nhiều năm với chính quyền địa phương lẫn trung ương về tình trạng mất đất mất ruộng của mình nhưng không một cơ quan nào giải quyết. Họ không thể tiếp tục ngồi chờ mà đã phải tự động thành lập những nhóm dân oan theo các địa phương, tổ chức những cuộc biểu tình tại Sài Gòn, những cuộc tuần hành ngay tại Hà Nội nhân các cuộc Hội nghị của Trung Ương đảng, của quốc hội, kể cả việc tổ chức những cuộc tiếp xúc với báo chí quốc tế để vừa trình bày về những bị kịch của gia đình họ, vừa tố cáo tình trạng tham ô nhũng lạm của cán bộ Cộng sản Việt Nam. Chính những nỗ lực tranh đấu của tập thể dân oan hiện nay đang tạo một áp lực rất lớn lên lãnh đạo Cộng sản Việt Nam với những lo sợ bất ổn có thể bùng nổ tại các khu vực nông thôn.
Ngày 22 tháng 6 năm 2007, khoảng 300 dân oan thuộc các tỉnh Tiền Giang, Sông Bé, Cần Thơ đã chiếm trụ sở Văn Phòng 2 Quốc Hội Cộng sản Việt Nam tại Sài Gòn để đòi nhà cầm quyền giải quyết tình trạng mất đất mất ruộng của họ từ nhiều thập niên qua. Liên tiếp các ngày sau đó, nhiều phái đoàn dân oan từ các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Đồng Nai... đã đổ về Sài Gòn tiếp ứng. Có ngày số dân oan chiếm Văn phòng 2 quốc hội lên đến hơn 1000 người. Họ đã sống trong cảnh màn trời chiếu đất liên tục trong 27 ngày để tranh đấu với sự ủng hộ thuốc men và thức ăn từ các người dân Sài Gòn. Cộng sản Việt Nam đã cử nhiều phái đoàn đến tiếp tục và hứa giải quyết; nhưng tập thể dân oan đã không chịu giải tán mà đòi phải giải quyết tại chỗ. Lo sợ làn sóng chống đối của dân oan có thể tạo ra những bất ổn mới trong xã hội nên Cộng sản Việt Nam đã cử ông Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên bộ chính trị, Phó thủ tướng phải bay vào Sài Gòn họp với tất cả cấp lãnh đạo 19 tỉnh phía Nam và các ban ngành của bộ phận công an, tìm biện pháp giải tán cuộc biểu tình. Nửa đêm ngày 18 tháng 8, trong lúc dân oan đang ngủ thì hàng ngàn công an đã đột nhập vào khu vực biểu tình hốt dân oan bỏ lên xe và chở về trụ sở công an các tỉnh. Sau một đêm giam giữ, công an đã yêu cầu dân oan về nhà và hứa là chính quyền địa phương sẽ đến giải quyết. Nhưng vì biết rõ những điều hứa của công an hay cán bộ cộng sản chỉ là nói lấy có nên không ai tin và vì vậy mà cho đến nay dân oan vẫn tiếp tục kéo nhau lên Sài Gòn và ra Hà Nội biểu tình cho đến khi nào Cộng sản Việt Nam giải quyết.
Thứ ba là khả năng của quần chúng (so với khả năng ngược lại của chế độ) trong việc rút lại sự hỗ trợ, sự chấp thuận dành cho chế độ.
Đây là yếu tổ biểu hiện những phản kháng của quần chúng bắt đầu lan sang lãnh vực chính trị. Dân chúng cương quyết không đi bầu, công khai tẩy chay danh sách những ứng cử viên do nhà nước đưa ra qua những cuộc bầu cử quốc hội hay ủy ban nhân dân địa phương. Hay cùng nhau tẩy chay không đóng bất cứ loại tiền nào do chính quyền địa phương đưa ra như tiền sửa đường, sửa cầu cống, sửa trường học hay bệnh xá. Tuy những khoản đóng góp này là cho người dân nhưng trong thực tế đa số chạy vào túi riêng của cán bộ kể cả những khoản tiền tài trợ từ chính quyền Trung Ương. Tại Việt Nam hiện nay những phản kháng mang tính cách rút lại những sự phục tùng của người dân đối với các chỉ thị, mệnh lệnh đưa ra từ chế độ, chưa có nhiều. Ví dụ một số dân chúng sẵn sàng chấp nhận phạt để phản đối việc nhà nước đòi mọi người phải đội mũ an toàn khi đi xe gắn máy hồi tháng 7 năm 2007 đã chứng tỏ việc rút lại sự chấp thuận mệnh lệnh của chính quyền nhưng chưa được nhiều hưởng ứng. Nói chung, khi các tập hợp quần chúng bắt đầu bày tỏ những hành động rút lại các sự ủng hộ hay không thi hành những mệnh lệnh của chính quyền thì sự phản kháng của dân chúng đã đổi sang thế đối đầu. Tình hình vào lúc này đã trở nên gay gắt và hai phía (quần chúng và chính quyền độc tài) không còn có thể thoái lui. Một là phong trào quần chúng sẽ bộc phát mạnh mẽ tạo các áp lực sinh tử lên chính quyền. Hai là chính quyền phản công, tung kế hoạch đàn áp khốc liệt đối với các nhà dân chủ.
---oOo---
Nói tóm lại, quyền lực trong xã hội không phải là điều gì bất biến mà luôn luôn ở vào thế giằng co giữa một bên là quần chúng và bên kia là chế độ độc tài. Đấu tranh bất bạo động là làm sao cho quyền lực xã hội luôn luôn nghiêng về phía người dân ngày một nhiều, tức là giúp cho các định chế xã hội phát triển và mở rộng trong người dân, để bất cứ ai cũng có thể tham gia mà không sợ sệt bị đàn áp hay trả thù.
Lý Thái Hùng
Dec 15 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét