08 tháng 1, 2010

Đại Sứ Trung Quốc Tại Hà Nội Thách Đố Dân Tộc Việt Nam

12 ngày trước khi diễn ra các buổi lễ xưng tụng về 60 năm quan hệ Việt Trung (18/1/1950 – 18/1/2010), ngày 6 tháng 1 vừa qua, ông Tôn Quốc Tường, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã có một buổi họp báo tại Hà Nội. Đa số nội dung xoay quanh vấn đề biển Đông và những quan điểm của Bắc Kinh liên quan đến mối quan hệ Việt Trung. Trong các phát biểu của Tôn Quốc Tường, quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề biển Đông đã cho thấy rõ “thái độ câu giờ” đối với Cộng sản Việt Nam và “hăm dọa” đối với dân tộc Việt Nam.



Về phía Cộng sản Việt Nam, Tôn Quốc Tường khuyên nên: tạm gác lại “tranh chấp” biển Đông, chờ điều kiện chín mùi rồi giải quyết, trong khi ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở hai nước. Họ Tôn cho rằng hai phía đã giải quyết xong vấn đề phân định biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Việt; còn việc giải quyết vấn đề biên giới trên biển thì nên gác lại khi điều kiện thuận tiện.

Về phía dân tộc Việt Nam, Tôn Quốc Tường cho là: hợp tác sẽ phát triển (còn) đấu tranh sẽ thất bại. Tuy họ Tôn nói ngắn gọn, nhưng qua lời phát biểu này, rõ ràng là Tôn Quốc Tường đã nói lên quan điểm của Bắc Kinh và của cả lãnh đạo Hà Nội rằng họ sẽ trấn áp và tiêu diệt mọi nỗ lực đấu tranh chống lại sự bá quyền của Bắc Kinh trên biển Đông mà họ gọi là biển Nam Hải.

Điều chúng ta cần nói rõ ở đây là căn cứ trên Luật Biển của Liên Hiệp Quốc vào năm 1988, Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào để có chủ quyền trên biển Đông. Những chủ trương mà Bắc Kinh đưa ra vùng chủ quyền hình lưỡi bò trên biển Đông chỉ là sự xâm chiếm trắng trợn, như họ đã từng xâm chiếm Hoàng sa (1974) và Trường sa (1988) của Việt Nam. Do đó cái gọi là “tranh chấp” biển Đông do phía Bắc Kinh đưa ra chỉ là để từng bước hợp thức hóa sự xâm chiếm của họ và đặt các quốc gia liên hệ ở vào thế đã rồi trong tiến trình gọi là “đàm phán song phương”. Đây là thủ đoạn mà Bắc Kinh đã từng dùng đối với Nhật Bản khi tranh chấp quần đảo Senkaku. Hay đối với Nam Dương, khi Bắc Kinh đổ tiền viện trợ để qua đó, thuyết phục Nam Dương đồng ý gác lại các tranh chấp, hầu cùng nhau khai thác vùng “tranh chấp” biển Đông.

Đến lượt Việt Nam, giọng điệu của Tôn Quốc Tường cho ta thấy rõ là Bắc Kinh đang dùng đối sách: vừa chiêu dụ, vừa răn đe để từng bước khống chế biển Đông.

Thứ nhất, chủ trương “tạm gác lại tranh chấp, chờ cơ hội chín mùi” là một đòn hiểm độc của Bắc Kinh. Trung Quốc đã thành công trong việc xâm chiếm 75% thềm lục địa của Việt Nam, khi biến nó trở thành nơi gọi là “tranh chấp”. Mặt khác, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh hiện nay không phải là mối quan hệ bình đẳng. Trung Quốc vừa là quan thầy, vừa là chỗ dựa của Cộng sản Việt Nam trong nhiều thập niên qua. Do đó, nếu có mang ra “đàm phán” thì Cộng sản Việt Nam sẽ phải chấp nhận những điều kiện của Bắc Kinh đưa ra như họ đã từng để mất 700 cây số vuông biên giới qua Hiệp ước về biên giới trên đất liền (1999) và mất hơn 10 ngàn cây số vuông biển qua Hiệp định phân ranh Vịnh Bắc Việt (2000). Chờ cho đến “cơ hội chín mùi” cũng là cách mà Hà Nội muốn nhờ Tôn Quốc Tường nói dùm với công luận Việt Nam để không phê phán những hành động yếu hèn của Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, chủ trương “hợp tác cùng nhau phát triển kinh tế xã hội giữa hai nước” là sự phủ dụ của quan Thái Thú đối với tiểu quốc chư hầu. Kinh tế Việt Nam hiện nay hoàn toàn bị chi phối bởi hàng hóa Trung Quốc, với độ nhập siêu từ Trung Quốc càng ngày càng nhiều - tăng từ 200 triệu Mỹ Kim năm 2001 lên đến 4,1 tỷ Mỹ Kim năm 2003, 7 tỷ Mỹ Kim năm 2007, 11 tỷ Mỹ Kim năm 2008. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu hàng công nghiệp sang Việt Nam trong khi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc những sảm phẩm thô, hoặc sơ chế khai thác từ các quặng mỏ. Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 4,2 tỷ Mỹ Kim gồm dầu thô, cao su, cà phê, than đá và lâm thủy sản; trong khi Việt Nam nhập từ Trung Quốc 15,2 tỷ Mỹ Kim gồm hàng công nghiệp và đồ gia dụng. Họ Tôn nói rằng, Trung Quốc sẽ cố gắng đẩy kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 25 tỷ Mỹ Kim trong năm nay, cho thấy là Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc từ 15 đến 16 tỷ Mỹ Kim. Điều này cho thấy là sự “hợp tác” mà họ Tôn đề xướng chỉ là đưa Việt Nam vào vòng khống chế của Bắc Kinh mà thôi.

Thứ ba, chủ trương “đấu tranh sẽ thất bại” là lời răn đe và cảnh cáo của họ Tôn đối với dân tộc Việt Nam. Khi phóng viên của tờ Tiền Phong hỏi về vụ Ngư dân Việt Nam bị hải quân Trung Quốc đánh đập, cướp những dụng cụ đánh cá thì họ Tôn đã cho rằng đó là những tin tức sai sự thật. Họ Tôn nói rằng chính ông ta kiểm chứng thì hải quân Trung Quốc đã đối xử rất nhân đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân cập bến khi bị tai nạn ngoài khơi. Luận điệu tráo trở nói trên của họ Tôn chính là chủ trương hai mặt của Bắc Kinh: thần phục hay là bị tiêu diệt. Trong quan điểm của họ Tôn thì biển Đông đã nằm trong chủ quyền của Bắc Kinh, và vì thế người Việt Nam không nên “tranh đấu” để giành lại vì Trung Quốc sẽ sẵn sàng ra tay. Việc một viên đại sứ dám tuyên bố ngay tại Thủ đô của một nước đang có vấn đề với quốc gia họ bằng giọng điệu thách đố “đấu tranh sẽ thất bại” trong dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ, rõ ràng là họ Tôn và tập đoàn Bắc Kinh đã không những coi thường lãnh đạo Hà Nội mà còn khống chế và sai khiến tập đoàn này, đàn áp mọi cuộc tranh đấu bảo vệ Hoàng sa – Trường sa như đã từng đàn áp vụ 9 nhà dân chủ bị kết án 59 năm tù vì tội đã treo biểu ngữ chống Trung Quốc.

Qua những phát biểu của họ Tôn nói trên, lòng tự trọng và lòng yêu nước của người dân Việt Nam sẽ không thể nào im lặng trước sự thách đố của Bắc Kinh. Khi dùng đến nhóm từ “Đấu tranh sẽ thất bại” cho thấy là Bắc Kinh đã thấy rõ sức đề kháng mạnh mẽ và liên tục của người dân Việt Nam trong nhiều năm vừa qua. Đặc biệt là từ khi có những cuộc biểu tình của thanh niên sinh viên, văn nghệ sĩ vào cuối năm 2007 nhằm chống lại Bắc Kinh cho lập huyện Tam Sa trực thuộc đảo Hải Nam để quản trị hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Ngoài ra, những cơ quan truyền thông của Cộng sản Việt Nam loan tải rộng rãi lời thách đố của họ Tôn sau cuộc họp báo, chứng tỏ là Hà Nội cũng đã đồng tình và muốn nhờ lời của họ Tôn để răn đe những ai đặt vấn đề xâm chiếm biển Đông của Bắc Kinh đối với lãnh đạo Hà Nội kể từ nay.

Đây là một sự nhục nhã của dân tộc Việt Nam có giòng máu bất khuất, oai hùng. Đây là dấu hiệu cho thấy là sau khi mất đất biên giới, mất vùng biển Vịnh Bắc Việt, việc mất biển Đông chỉ còn là thời gian nếu chúng ta không hành động kịp thời.

Lý Thái Hùng
Ngày 8/1/2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét