Năm 2009 đã khép lại với hai sự kiện đáng cho chúng ta suy gẫm về viễn tượng của thế giới trong 10 năm trước mặt.
Thứ nhất là Hội Nghị về biến đổi khí tượng do Liên Hiệp Quốc triệu tập tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch với sự tham dự của 110 nguyên thủ các quốc gia trên thế giới kéo dài từ ngày 7 đến 18 tháng 12 năm 2009 đã không có một sự đồng thuận tối thiểu nhằm cứu trái đất đang trong tình trạng ấm lên nhanh chóng hiện nay. Sự khác biệt quan điểm giữa những quốc gia phát triển và những quốc gia đang phát triển về việc cắt giảm khí thải và nhiệt độ trái đất đã trở nên gay gắt. Các quốc gia đang phát triển yêu cầu những nước phát triển phải chịu trách nhiệm trước tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay và phải cắt hơn 40% lượng khí thải; trong khi đa số các quốc gia phát triển chỉ đồng ý cắt giảm ở mức từ 20% đến 30%. Liên quan đến việc kiểm soát nhiệt độ trái đất, các đảo quốc và các quốc gia Phi Châu giữ ở mức 1,5 độ C, trong khi các quốc gia khác chủ trương giữ ở mức 2 độ C. Điều bất đồng nghiêm trọng là Hội nghị đã không ra được một văn kiện chung và các thoả thuận hoàn toàn không có một sự ràng buộc về pháp lý.
Trên lý thuyết, Hội nghị Copenhagen sẽ tập trung vào việc đàm phán những biện pháp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc tranh luận đều tập trung vào nhu cầu kinh tế: việc cắt giảm khí thải tác động thế nào tới các nước công nghiệp phát triển, hay trật tự kinh tế toàn cầu sẽ ra sao nếu một thoả thuận mới về khí hậu ra đời. Chính vì chưa nhìn thấy nguy cơ chung nên các quốc gia đã cố tranh luận để tìm phần thắng về phía mình, hơn là cùng thống nhất hành động để cứu nguy trái đất. Đây là bài toán mà nhân loại sẽ phải tiếp tục giải quyết trong những thập niên trước mặt nhằm thống nhất quan điểm thoả thuận sự ràng buộc pháp lý để cùng hành động trong mục tiêu chung.
Thứ hai là dư luận Hoa Kỳ và Thế giới lại một phen hốt hoảng về đòn khủng bố mới của tổ chức Al Qaeda khi máy bay Northwest Airlines thoát khỏi âm mưu cho nổ bom tự sát của một nghi can người Nigeria vào ngày thiêng liêng nhất của loài người – ngày Noel – 25 tháng 12 năm 2009. Nghi can U. F. Abdulmutallab đã bay từ Yemen đến Hòa Lan và từ Phi trường Amterdam, Hòa Lan bay đến Phi trường Detroit, Hoa Kỳ trên chuyến bay Northwest Airlines 253 chở 278 hành khách. Nghi can Abdulmutallab đã được tổ chức Al Qaeda trang bị một “thiết bị tự chế tiên tiến” dấu trong người, nhưng đã không thể cho nổ thiết bị này được vì trục trặc kỹ thuật và nhất là nhờ sự phát hiện và can thiệp nhanh chóng của một số hành khách trên chuyến bay.
Tuy vụ khủng bố thất bại nhưng âm mưu đánh bom tự sát của tổ chức Al Qaeda cho thấy là hệ thống kiểm tra an ninh hàng không đã không hữu hiệu như bà Bộ trưởng Nội an Hoa Kỳ Janet Napolitano tuyên bố trước đó mấy hôm. Nhưng điều quan trọng hơn là qua vụ đánh bom này, Hoa Kỳ và Thế giới không chỉ đối mặt với khủng bố tại A Phú Hãn và Iraq mà nay nó đã lan tỏa khắp nơi: Yemen, Somalia… là những căn cứ địa mới mà tổ chức Al Qaeda đã và đang huấn luyện hàng ngàn “chiến binh cảm tử” của họ để thực hiện những nhiệm vụ tấn công Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh hai biến cố mang đầy sự bi quan để chào đón thập niên thứ 2 của Thế Kỷ 21, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi sáng sủa. Trong năm 2009, các quốc gia đã đổ hàng tỷ Mỹ Kim nhằm kích cầu nền kinh tế, nhưng nạn thất nghiệp, sản xuất đình đọng vẫn còn đè nặng lên đời sống nhân loại. Hình ảnh ảm đạm này đã được Tuần Báo Times số ra ngày 7 tháng 12 năm 2009 gọi đây là Thập Kỷ Từ Địa Ngục (The Decade From Hell). Đây là thập kỷ mà loài người đã vất vả chiến đấu giữa Thiện và Ác trong suốt 10 năm qua nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Nhìn lại 10 năm qua với hàng triệu, triệu dữ kiện lớn nhỏ xảy ra trên toàn thế giới chúng ta có thể rút ra ba vấn đề đã tạo thành những dấu ấn lớn trên đời sống nhân loại, nhất là tạo ra những xu thế mới của loài người trong thế kỷ 21.
Thứ nhất, cuộc cách mạng Màu bùng nổ tại các quốc gia độc tài đã mở ra một xu thế dân chủ chính trị trong thế kỷ 21. Mười năm sau sự thành công của cuộc cách mạng dân chủ tại các quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô vào năm 1989, làn sóng dân chủ lại một lần nữa đã bắt đầu chuyển động trở lại từ muà hè năm 1999 tại Serb khi phong trào thanh niên OTPOR đã vận động toàn quốc chống cuộc bầu cử gian lận của nhà độc tài Milosovic vào ngày 24 tháng 9 năm 2000. Khí thế đấu tranh của phong trào OTPOR đã làm tê liệt xã hội và buộc Milosovic phải từ bỏ quyền lực và sau đó Milosovic bị bắt đưa ra tòa án Quốc tế vì tội diệt chủng tại Kosovo.
Cuộc cách mạng dân chủ tại Serbia đã lan đến các quốc gia Trung Á, tạo thành những cuộc cách mạng Màu, lần lượt đốn ngã những chế độ độc tài tại Georgia (Cách Mạng Hoa Hồng vào năm 2003), Ukraine (Cách Mạng Cam vào năm 2004), Kirzistane (Cách Mạng Uất Kim Cương năm 2005), Lebanon (Cách Mạng Xanh năm 2006). Cách mạng Màu là biểu hiện vùng dậy của những lực lượng quần chúng tự phát, đạp đổ những trật tự độc đoán và chuyên quyền bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động, để xây dựng một thể chế chính trị đa nguyên. Những biến chuyển gần đây của lực lượng quần chúng vùng dậy đấu tranh tại Iran, Tân Cương, Việt Nam... đã cho chúng ta nhìn thấy thế tất yếu của một xu thế dân chủ hóa sớm muộn gì cũng phải xảy ra trong những năm trước mặt.
Thứ hai, toàn cầu hóa đã chính thức mở đầu khi cuộc cách mạng tin học đã đạt đến tột đỉnh qua sự xuất hiện của mạng Internet vào đầu năm 2000. Theo ông Thomas L. Friedman, tác giả tập sách Thế Giới Phẳng (The World is Flat) thì thế giới đã trải qua ba giai đoạn toàn cầu hóa. Giai đoạn thứ nhất kéo dài từ năm 1642 khi Columbus giương buồm mở ra sự giao thương với thế giới cũ và mới cho đến khoảng năm 1800. Đặc điểm của giai đoạn này là các quốc gia sử dụng sức mạnh cơ bắp để chinh phục thế giới. Giai đoạn thứ hai kéo dài từ năm 1800 đến năm 2000, bị gián đoạn bởi cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1930 và hai cuộc đại thế chiến. Đặc điểm của giai đoạn này là sự hội nhập toàn cầu của các công ty đa quốc gia nhằm mở rộng thị trường và thu hút sức lao động để phát triển nền công nghiệp bản địa. Trong nửa thời gian đầu của giai đoạn này là sự ra đời của động cơ hơi nước và đường sắt. Trong nửa thời gian sau của giai đoạn 2 là sự phổ biến của điện tín, điện thoại và máy điện toán cá nhân.
Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ năm 2000 trở đi. Đặc điểm của giai đoạn này là thế giới đã co nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ và đồng thời san bằng sân chơi toàn cầu, cho phép các cá nhân cộng tác và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu qua những máy điện toán cá nhân, tạo thành một thế giới phẳng. Theo Thomas L. Friedman thì hệ thống thế giới phẳng là sản phẩm của sự kết hợp giữa các máy điện toán cá nhân (cho phép các cá nhân trở thành tác giả những sản phẩm số) với cáp quang và Satellite (cho phép các cá nhân tiếp cận với các sản phẩm số trên thế giới gần như miễn phí) và nhu liệu giải quyết công việc (cho phép các cá nhân trên khắp thế giới cộng tác trên cùng cơ sở dữ kiện số, bất kể từ nơi đâu với khoảng cách như thế nào). Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không chỉ do các cá nhân ở những quốc gia Phương Tây thúc đẩy mà đến từ nhiều nước. Các cá nhân từ mọi ngõ ngách của thế giới đều được trao quyền tham gia và cạnh tranh một cách công bằng. Thông tin và tự do trao đổi đã trở thành một nhu cầu quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. Những quốc gia hay những định chế nào tìm cách kiểm soát thông tin và khống chế nhu cầu trao đổi tự do của mỗi thành viên trong xã hội vì bất cứ lý do gì sẽ phải bị đào thải vì đã đi ngược lại dòng chảy của toàn cầu hóa hiện nay.
Thứ ba, khủng bố toàn cầu là cuộc chiến của phe Hồi Giáo cực đoan nhằm triệt hạ những ảnh hưởng của Hoa Kỳ và phương Tây kể từ khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt vào đầu thập niên 90. Đây là cuộc chiến khởi đi từ những quan điểm quá khích của một nhóm Hồi Giáo muốn chống lại xu thế phương Tây hóa lối sống, đặc biệt là các ảnh hưởng của lối sống Hoa Kỳ, nhằm tái khẳng định lòng trung thành với các giá trị của Hồi Giáo. Nói cách khác, từ cuối thế kỷ 20 làn sóng phục hưng Hồi Giáo với khẩu hiệu “Hồi giáo là giải pháp” đã tác động lên các xã hội người Hồi Giáo ở khắp nơi nhằm tái thể chế hóa luật Hồi Giáo thay cho luật Phương Tây. Đa số các nhóm Hồi Giáo đã tiến hành cuộc cải cách nói trên bằng những biện pháp rất ôn hòa như xây dựng trường học, phổ biến giáo lý, cung cấp dịch vụ y tế, thành lập các trung tâm truyền giáo để củng cố tinh thần Hồi Giáo trong các thế hệ.
Một thiểu số Hồi Giáo quá khích – phần lớn là những người tuổi từ 20 đến 30 năm tuổi, 80% là những sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc thuộc thành phần trung lưu tại các nước Hồi Giáo – tự cho rằng họ có nhiệm vụ giải phóng người Hồi Giáo ra khỏi những trật tự do phương Tây đang áp đặt. Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu của phương Tây và vì vậy đã trở thành mục tiêu phải triệt hạ đầu tiên của nhóm thiểu số Hồi Giáo cực đoan. Nhóm này đã tổ chức và huấn luyện các thành phần trẻ dưới dạng là những chiến binh cảm tử, sẵn sàng tử vì đạo. Họ có một mạng lưới rộng lớn với nhiều nhóm khác nhau đến từ Algeria, Chechnya, Ai Cập, Tunisce, Bosnia, Palestine, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ... và hoạt động ngầm tại hầu hết các đô thị lớn tại những xứ Hồi Giáo. Do đó, cuộc chiến chống khủng bố ngày hôm nay, không còn tập trung ở A Phú Hãn hay Iraq như cách nay vài năm mà nay đã lan rộng toàn cầu. Đây là một thách đố lớn không chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn đối với toàn thể nhân loại mà viễn cảnh giải quyết hoàn toàn mờ mịt.
Tóm lại, tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay – tuy là bài toán nhức đầu của các nước – nhưng sẽ được giải quyết ổn thỏa trong 2 năm tới và các nước sẽ phải cùng nhau chung sức giải quyết hiện tượng biến đổi khí hậu của quả đất. Ba xu thế lớn của 10 năm qua: Dân chủ hóa xã hội; toàn cầu hóa, khủng bố toàn cầu sẽ còn tiếp tục đeo đuổi nhân loại một cách lâu dài. Ba xu thế này – tuy mang những đặc tính khác nhau – nhưng lại có tác dụng hổ tương. Nếu nhân loại không nhanh chóng xóa bỏ những thể chế độc tài, không mạnh dạn chế tài những nước đang cố tình duy trì những rào cản về thông tin và tự do trao đổi thì không có cách gì tiêu diệt toàn bộ mầm móng của khủng bố. Khủng bố - dù có hung hãn, quá khích đến đâu – không thể nào tồn tại trong những xã hội đã bước qua giai đoạn dân chủ hóa.
Lý Thái Hùng
07/1/2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét