Trong năm nay, thay vì mang còng 88 (tuyên truyền chống phá nhà nước) ra làm lý cớ bắt giữ và kết án những người yêu nước, Cộng sản Việt Nam đã dùng điều 79 (có âm mưu lật đổ chế độ) để bắt giữ và kết án những người mà họ cho là có liên hệ với các đảng phái chính trị. Bản chất của hai điều luật 88 và 79 đều giống nhau ở hai điểm: 1/ Trấn áp những hành động phản kháng của người dân; 2/ Ngăn chận mọi sinh hoạt tự do dân chủ của xã hội. Tuy nhiên, khi Cộng sản Việt Nam chuyển từ điều 88 sang điều 79 để kết án những người dân yêu nước mà không có một bằng chứng gì gọi là "âm mưu lật đổ chế độ" cho thấy là Cộng sản Việt Nam đang e ngại một làn sóng xuất hiện công khai của những tập hợp chính trị. Điều này trùng hợp với chỉ thị của Nguyễn Tấn Dũng rằng lực lượng công an phải ngăn chận mọi sự xuất hiện của các tổ chức, đảng phái chính trị, trong lúc tham dự lễ kỷ niệm 65 năm thành lập ngành công an vào cuối tháng 7 vừa qua tại Hà Nội.
Các chế độ độc tài thường tựa trên ba chân vạc để giữ độc quyền thống trị. Chân vạc thứ nhất là bộ máy bạo lực để khống chế và đàn áp người dân. Chân vạc thứ hai là bộ máy tuyên truyền một chiều và giáo dục ngu dân. Chân vạc thứ ba là hệ thống kinh tế quốc doanh kiểm soát mọi tài nguyên quốc gia. Cả ba chân vạc mà Cộng sản Việt Nam đã tựa lên để giữ độc quyền hiện đang bị lung lay rất nhiều. Sau hơn 20 năm mở cửa để tìm nguồn tài trợ từ bên ngoài nuôi sống chế độ, đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang phải đối phó những sức ép rất lớn của xã hội về cả hai mặt thông tin và kinh tế. Sự mở rộng của mạng thông tin Internet với 25 triệu người sử dụng hiện nay tại Việt Nam cùng với việc phải tuân thủ các quy luật kinh tế, thương mại với những đối tác trên thế giới, khiến cho Cộng sản Việt Nam không còn có thể tự tung tự tác như trong quá khứ. Hậu quả là hai chân vạc mà Hà Nội muốn giữ chặt trong tay nhiều nhất là truyền thông và hệ thống kinh tế quốc doanh bao cấp đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chế độ.
Khi người dân đã có thể tìm lấy những nguồn thông tin ngoài luồng để gia tăng sự hiểu biết về các biến chuyển của thế giới và cuộc sống của mình, và khi người dân không còn lệ thuộc vào nền kinh tế quốc doanh thì xu hướng chung của mọi người là tìm cách vươn ra khỏi vòng kiểm soát bằng hai hành động tiêu biểu: Trình bày những suy nghĩ thật của họ về các vấn đề của xã hội và tham gia vào các nhóm, đoàn thể dựa theo những sở thích và nguyện vọng của mỗi cá nhân như văn hóa, tôn giáo, xã hội, chính trị. Xã hội Việt Nam đang mở rộng với những biến thái từ sự khống chế cứng ngắc của chế độ chuyển sang sự phát triển đa dạng của những hình thái tập hợp. Đây là tiến trình xảy ra rất tự nhiên khi con người bắt đầu biết hành xử quyền của mình đã được bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền long trọng công nhận. Đây cũng là nhu cầu thăng tiến của người dân trong việc mở rộng kiến năng và trực tiếp đóng góp cho xã hội không thông qua bất cứ cơ quan đại diện nào. Tìm cách ngăn chận những sự phát triển này là đi ngược lại nguyện vọng người dân và phản dân chủ.
Cộng sản Việt Nam không muốn tiến trình nói trên xảy ra nên họ đã ra tay đàn áp. Họ đưa ra hai điều luật 88 và 79 hoàn toàn là để phục vụ cho mục tiêu kiềm giữ tối đa sự độc quyền cai trị của họ. Những gì chống lại sự độc quyền này Cộng sản Việt Nam gọi là "chống phá chế độ" hay "âm mưu lật đổ chế độ". Chỉ ở những chế độ độc tài mới có hai tội danh phản dân chủ và phản công lý như vậy. Trái lại, dưới chế độ dân chủ đích thực, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do lập hội được đề cao vì nó góp phần làm lành mạnh hóa sinh hoạt chính trị quốc gia. Nó không chỉ ngăn chận sự độc quyền chính trị của bất cứ đảng phái hay cá nhân nào mà còn giúp cho xã hội ngăn chận ba vấn nạn lớn:
Vấn nạn thứ nhất là tình trạng tham ô nhũng lạm và tẩu tán tài sản quốc gia vào túi cá nhân cán bộ theo từng phe nhóm riêng. Nếu Việt Nam có tự do báo chí, thông tin và tự do lập hội thì đã không có thảm kịch Vinashin.
Vấn nạn thứ hai là tình trạng dân trí suy đồi với nền giáo dục xuống cấp đã từng báo động đỏ trong nhiều thập niên qua nhưng đã không thể nào thay đổi hay cải tổ được là vì mọi lên tiếng tâm huyết đều bị trù dập hoặc bưng bít. Nếu Việt Nam có tự do lập hội thì những đoàn thể phi chính phủ sẽ góp phần rất lớn trong cải cách giáo dục.
Vấn nạn thứ ba là bất công xã hội với sự phân cực giàu nghèo giữa các tầng lớp quần chúng trong xã hội càng ngày càng gia tăng theo đà phát triển kinh tế dưới cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu Việt Nam có tự do sinh hoạt đảng phái, chắc chắn sẽ không có thảm kịch độc quyền chính trị như hiện nay với một thiểu số quá giàu có ở trong đảng lại là kẻ quyết định cán cân công lý của xã hội.
Tham gia đảng Việt Tân để cùng với đồng bào cả nước đấu tranh chấm dứt những vấn nạn nói trên sao lại gọi là âm mưu lật đổ chế độ, trừ phi chính chế độ này là nguyên ủy của những vấn nạn suy đồi và bất công trên đất nước? Phải chăng đảng Cộng sản Việt Nam đang tự thú trước quốc dân và quốc tế khi ra tay đàn áp mọi tiếng nói tâm huyết của người dân, khi bắt bớ, giam cầm những người lên tiếng chống tham nhũng, bảo vệ chủ quyền đất nước và nhất là tranh đấu cho quyền lợi của dân oan và công bằng xã hội, là chính chế độ và hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam là những kẻ độc tài, tham nhũng, bán nước, phi nhân bản và phi công lý.
Đảng Cộng sản Việt Nam cố tình dựng ra hai tội tuyên truyền chống phá nhà nước và âm mưu lật đổ chế độ để ngăn chận sự tiến hóa của xã hội Việt Nam, đặc biệt là về hai lãnh vực tự do thông tin và tự do lập hội. Đáng lý ra hai dự án luật về quyền lập hội và quyền tiếp cận thông tin đã phải được Quốc hội Cộng sản Việt Nam thảo luận và biểu quyết thông qua từ năm 2009 nhưng đã bị trì hoãn. Riêng dự án luật về quyền tiếp cận thông tin dự tính sẽ đưa ra quốc hội thảo luận vào tháng 6 năm 2010 nhưng đến nay đã trễ 3 tháng mà Quốc Hội Cộng sản Việt Nam không hề đá động gì đến. Cộng sản Việt Nam càng kéo dài sự trì hoãn hai dự án luật này, họ càng chỉ bộc lộ sự lo sợ và bất an của chính họ trước những đòi hỏi dân chủ hóa ngày một gia tăng từ bên ngoài xã hội đến bên trong nội bộ đảng.
Chính vì thế mà đảng Việt Tân đã thách thức nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tạo diễn đàn để đồng bào dân oan có thể trình bày về những oan ức của họ mà không bị trù giập, để những người quan tâm đến hiểm họa xâm lăng của Trung Quốc có thể tranh đấu cho đất nước mà không bị bắt bớ, và để những ai không đồng quan điểm với đảng Cộng sản Việt Nam có thể tự do hoạt động ôn hòa mà không bị khủng bố bởi guồng máy công an. Nếu Hà Nội không dám thực hiện điều này thì kể từ nay nên chấm dứt chụp mũ các cá nhân, đảng phái chính trị của người Việt yêu nước là phản động, là khủng bố và hãy xóa bỏ hai điều luật 88 và 79 phản công lý và phản dân chủ.
Lý Thái Hùng
Ngày 18/9/2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét