Chương 4: Tiếng Vọng Của Chủ Nghĩa Ái Quốc: Truyền Thông và Mạng Lưới Toàn Cầu (The Echo Chamber of Nationalism: Media and the Internet)
Đây là chương Tác giả phân tích về sự phát triển đa dạng của mạng Truyền thông & Thông tin tại Trung Quốc trong vòng 2 thập niên vừa qua.
Tác giả khởi đầu câu chuyện về vụ Lý Dã Tống, Chủ bút tờ báo "Băng Điểm" (Bing Dian) bị sa thải vào tháng 1 năm 2006. "Băng Điểm" là tờ tuần báo, cơ quan ngoại vi của nhật báo Tuổi Trẻ, tiếng nói chính thức của Hội Thanh Niên đã biến dạng thành một tờ báo thương mại. Lỗi lầm của họ Lý là đã cho đăng bài khảo luận của giáo sư Viên Vĩ Thạch ở Quảng Châu, thách đố nền tảng lịch sử của Trung Quốc dạy trong sách giao khoa Trung Học Trung Cấp. Trong bài này, giáo sư Viên đã viết một đoạn như sau: sự yêu nước bằng cách chống đối người nước ngoài là nguyên nhân căn bản sinh ra thảm họa thời kỳ Mao Trạch Đông như: Phong Trào Bước Tiến Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa mà vẫn còn được giảng dạy cho con em Trung Quốc.”
Hai tuần lễ sau khi đăng bài báo này, những cán bộ thuộc Ban Tuyên Truyền của đảng đã ra lệnh cho tờ Tuổi Trẻ đóng cửa tờ Băng Điểm và cách chức Tổng biên tập Lý Dã Tống và Phó Tổng biên tập Lữ Tuế Gan. Họ bị cáo buộc là tờ tuần báo này cho đăng bài "cố tình công nhận tội ác của thế lực đế quốc xăm lăng Trung Quốc ".... không theo đúng kỷ luật và làm băng hoại nghiêm trọng tự ái quốc gia của nhân dân Trung Quốc và tạo ảnh hưởng xấu trong xã hội. Lý Dã Tống là một nhà báo kỳ cựu và là đảng viên thâm niên nên đã phản đối dữ dội. Không chịu cúi đầu theo bộ máy tuyên truyền, ông phản kháng lên cấp cao của đảng và chính quyền, cho rằng những cán bộ của Ban Tuyên Truyền vi phạm hiến pháp về quyền tự do ngôn luận. Ông còn cho đăng bài trên mạng toàn cầu lá thư phản đối về sự đóng cửa tờ tuần báo một cách vi hiến nầy.
Sự chống đối bùng nổ lớn khiến cho ông Hồ Cẩm Đào đã phải nhảy vào can thiệp bằng cách cho tờ Băng Điểm được tái bản, nhưng Tổng biên tập phải bị giáng chức với mức lương thấp hơn và phải thay đổi thái độ chính trị của tờ báo. Lý Dã Tống không còn chọn lựa nào khác là phải chấp nhận điều kiện này. Ông phải buộc lòng trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Hong Kong rằng tờ Băng Điểm được tái bản là nhờ sự "cởi mở tư tưởng" của một số lãnh đạo trung ương. Theo nhận định của Tác giả thì: Sự kiện báo Băng Điểm đã gây hoang mang cho những tờ báo thương mại mới thành lập và Internet đã chuyển đổi một cách nhanh chóng nền chính trị trong nước và làm cho vấn đề hoạch định chính sách ngoại giao phức tạp hơn. [4]
Trước thời kỳ đổi mới, Trung Quốc không có ký giả báo chí, chỉ có những cây viết tuyên truyền. Đảng Cộng sản rất lo sợ những ý kiến độc lập từ quần chúng nên họ đã đầu tư một số tài nguyên rất lớn nhằm gây ảnh hưởng có lợi cho họ. Ngành truyền thông khổng lồ chỉ là hệ thống loa âm thanh vận động sự ủng hộ cho đảng. Truyền thông báo chí được xem là cuống họng và lưỡi của đảng. Công chúng thu thập những hiểu biết về dữ kiện lịch sử quốc gia qua một vài tờ báo do đảng kiểm soát lập đi lập lại những điều giống nhau. Vào năm 1979 chỉ có 69 tờ báo trong nước, tất cả đều bị sự chỉ huy của các cơ quan nhà nước; nhưng đến năm 2005, Trung Quốc đã có được gần 2.000 tờ báo và 9.000 tạp chí.
Để giúp cho Trung Quốc có bộ mặt tân tiến, mở của kinh tế và tiết kiệm ngân sách, đảng Cộng sản quyết định từ bỏ độc quyền cung cấp thông tin đến công chúng và cho phép những tờ báo, tạp chí, truyền hình, truyền thanh và trang mạng điện tử được cạnh tranh trên thị trường thay thế cho bao cấp của nhà nước. Sự kiện thương mại hóa ngành truyền thông bắt đầu vào thập niên 1980 và phát triển nhanh trong thập niên 1990 sau một thời gian ngắn bị khựng lại lúc biến cố Thiên An Môn xảy ra. Từ đó những cơ quan truyền thông cạnh tranh nhau đăng quảng cáo và tranh thủ độc giả bằng cách cung cấp những tin tức đáp ứng thời gian tính, chính xác và sống động.
Mạng Internet là nguồn thông tin rất tiện lợi và đột phá quan trọng với lượng thông tin khổng lồ. Trong một thập niên từ khi Trung Quốc nối kết mạng internet hồi năm 1995, những ứng dụng và số người sử dụng internet gia tăng với tốc độ công phá nhảy vọt. Năm 1997 chỉ có 10% người dân Trung Quốc nghe nói đến internet, 2 năm sau đó đã có 2% trở thành hiện thực. Năm 2004 đã có 12% dân chúng tuổi từ 18 trở lên sử dụng internet theo kết quả thăm dò của Viện Gallup. Hiện nay có khoảng 152 triệu người dùng internet. Trung Quốc đang thực sự chính thức trở thành quốc gia sử dụng internet lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường rất xa mới đến tình trạng tự do báo chí.
Bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng kiểm soát nội dung tin tức theo hướng thị trường hóa nhưng chỉ có hiệu quả đối với báo in và truyền hình. Chỉ có vài ký giả dám hành động như Lý Dã Tống. Đảng chưa cho phép ký giả đá động tới những vấn đề nhạy cảm trong quá khứ. Những thông tin trên mạng xảy ra quá nhanh, quá rộng lớn và trên toàn cầu, khiến cho ban kiểm duyệt không thể nào ngăn chận kịp trước khi tin tức đến với công chúng. [5]
Có hai cơ quan của đảng giữ vai trò thần thánh khiến các lãnh tụ đảng dựa vào đó để bám giữ quyền lực. Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan bổ nhiệm những cán bộ đảng, chính quyền và kiểm soát việc thăng chức. Ban Tuyên truyền chịu trách nhiệm chính trị trong nội dung của Báo chí, Sách vở, Truyền thông, sách Giáo khoa, phim ảnh và ý kiến công chúng. Cùng với Bộ nội vụ và Quân đội, những cơ quan này hợp thành "Nhóm Cầm Chịch Quyền Lực" - thành phần then chốt của quyền lực đảng. Thị trường hóa ngành truyền thông và sự lớn mạnh của internet làm cho việc kiểm soát tuyên truyền của đảng trở nên khó khăn phức tạp hơn nhiều, đây là điều khiến Ban Tuyên Truyền có lý do để áp lực với đảng, đòi tăng thêm ngân sách cũng như nhân sự và quyền hạn cao hơn cho vấn đề kiểm soát. Không ai có thể biết chính xác lực lượng nầy lớn đến mức độ nào ở Trung Quốc; nhưng chắc chắn là con số nầy tăng nhanh trong những năm gần đây. Lý do là đảng cố giữ kiểm sóat bằng bất cứ giá nào, không thể để mất quyền kiểm soát truyền thông.
Đôi lúc, đảng cũng cho phép các cơ quan truyền thông tường thuật những vấn đề trong nước như vấn đề môi trường, bất bình đẳng kinh tế và những yếu kém về bảo hiểm sức khỏe và giáo dục. Những cán bộ tham nhũng địa phương cũng được các phóng viên loan tải rộng rãi... Nhưng bất cứ điều gì liên hệ đến những vấn đề như cá nhân lãnh đạo, dân chủ, cải cách chính trị, chống đối, tranh luận trong các cuộc họp của chính phủ, biến cố Thiên An Môn năm 1989, nhân quyền, môn phái Pháp Luân Công, tôn giáo, tham nhũng thượng tầng, Đài Loan, Tây tạng, và những đề tài mà Ban Tuyên Truyền cho là nhạy cảm chính trị, có nguy hại đến quyền lực đảng đều bị cấm. Những chống đối của quần chúng như sinh viên biểu tình chống Nhật Bản vào tháng 4 năm 2005, hay những vụ biểu tình của dân chúng tại tỉnh miền Nam Quảng Đông từ mùa Đông 2005 sang đến 2006, tất cả đều bị che dấu. Phóng viên Trung Quốc, khi tường thuật những vấn đề bị cấm có thể sẽ bị sa thải hay bị cầm tù nhiều năm về tội lật đổ chế độ hay tiết lộ những bí mật an ninh quốc gia. [6]
Một số nhà hoạt động chính trị thì lạc quan với nhiều hy vọng về mạng Internet ở Trung Quốc. Theo giáo sư Hiếu Khang cho rằng mạng Internet - vốn là một công nghệ với sự phân tản bao la, một cấu trúc nối các điểm với nhau - khiến cho chính quyền khó có khả năng kiểm soát. Nhưng trong thực tế, những cán bộ kiểm duyệt Trung Quốc đã cho thấy khả năng cao trong việc kiểm soát nội dung của Internet và những truy cập của người dân để tìm thông tin trên Internet. Những thách đố phức tạp trong vấn đề kiểm soát Internet đã kích thích nỗ lực đổi mới công nghệ của Trung Quốc. Theo Trung tâm Berkmen của Đại học Harvard, Trung Quốc hoạt động bao quát và một hệ thống gạn lọc Internet với công nghệ tinh vi nhất thế giới. Những bộ lọc được cài đặt trên mạng Internet và các máy chủ của những nơi cung cấp dịch vụ Internet, cũng như trên phần mềm nhắn tin của khách hàng, từ chối các tìm kiếm bằng cách sử dụng từ khoá (keyword) bị cấm và ngăn chặn hoàn toàn một số trang nhà địa phương và ở nước ngoài.
Những tin tặc Trung Quốc trong năm 2004 phát hiện ra danh sách của khoảng một nghìn từ khoá và điều cấm kỵ và đã đăng nó trên mạng Internet; 15% của các điều này là về tình dục, phần còn lại về chính trị (5% của các từ khóa liên hệ đến các vấn đề quốc tế như “Bảo vệ quần đảo Điếu Ngư” và “Bán nước”, phù hợp với mong muốn của các nhà lãnh đạo đảng không để chủ nghĩa dân tộc quá khích vượt ra khỏi tầm tay). Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sử dụng một mạng lưới rộng lớn các “công an mạng” để theo dõi và quản lý các trang Web, Bản tin, Blog. Văn phòng Hội Đồng Thông tin Nhà nước (SCIO), cơ quan chủ quản cấp trung ương luôn luôn liên lạc thường xuyên với những Tổng Biên Tập của 32 Trang Web tin tức lớn để phối hợp việc loan tải những tin tức quan trọng, và các trang Web lớn này lần lượt hướng dẫn những trang nhỏ hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Kinh cũng ý thức rằng họ không còn khả năng kiểm soát những thông tin tràn lan và để bảo vệ uy tín chính trị, họ phải ứng xử kịp thời trước những tin tức thời sự đang xảy ra. Đối với tình hình chính trị ở trong nước, sự ra đời của internet và ngành truyền thông thương mại đã làm cho Bắc Kinh phải gia tăng nhanh chóng những phản ứng nhạy bén. Khi có một khủng hoảng xảy ra, phản ứng tự nhiên của họ là ngăn chặn sự lan rộng của tin tức liên quan đến sự việc đó. Nhưng đến khi những tin đó bị lọt ra ngoài, thì đối phó của họ luôn luôn là bắt cán bộ đứng ra xin lỗi, trừng phạt thuộc cấp và hứa cố gắng sửa chữa để lấy lại sự ủng hộ của quần chúng. [7]
Chương 5: Quyền Lực Có Trách Nhiệm (The Responsible Power)
Đây là chương Tác giả phân tích về chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng uy tín và thế đứng của Bắc Kinh trong thế kỷ 21.
Định hướng cho chính sách đối ngoại từ thập niên 90 trở đi, Bắc Kinh đã dựa trên câu nói của Đặng Tiểu Bình là: Tao quang yang hui you suo zuo hui (có nghĩa là dấu khả năng, mua thời gian, nhưng nhận một số điều làm được). Huấn thị này được lập lại nhiều lần trong nội bộ; nhưng không bao giờ cho phổ biến công khai. Lãnh đạo Bắc Kinh hiểu sự hướng dẫn của Đặng Tiểu Bình có nghĩa là cho đến khi Trung Quốc lớn mạnh ít nhất là đến năm 2050, cần áp dụng chính sách ngoại giao khiêm nhường thay vì gây nghi ngờ bằng sự tự phô trương. Bắc Kinh phải tránh những xung đột quốc tế, có thể đưa đất nước rơi vào tình trạng chệch hướng ở bên trong, với một ngoại lệ là luôn phải cứng rắn đối với Nhật Bản, Đài Loan, và đôi khi với Hoa Kỳ.
Nỗ lực của Trung Quốc là xoa dịu sự quan tâm của thế giới về những toan tính của họ đã trở nên phức tạp hơn nhiều kể từ khi Trung Quốc bắt đầu vói tay ra biển Đông vào năm 1999. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tung ra một chiến dịch đầy ấn tượng để trấn an các nước láng giềng Châu Á, Hoa Kỳ, và phần còn lại của thế giới rằng họ sẽ cư xử một cách hợp tác ngay cả khi họ tăng trưởng mạnh hơn - rằng Trung Quốc là một "quyền lực có trách nhiệm". Những người phụ trách chiến lược ngoại giao hiện nay trong Bộ ngoại giao Trung Quốc đa số thuộc thế hệ mới, làm việc dưới các áp suất của truyền thông đại chúng và sự chú ý của công chúng. Các lãnh tụ Trung Quốc đã giao hầu hết sự quyết định chính sách ngoại giao cho những nhà ngoại giao này, trừ những vấn đề liên quan đến Nhật Bản, Đài Loan, và Hoa Kỳ vốn khơi dậy nhiều sự bức xức và tranh cãi ở trong nước. Các lãnh tụ Bắc Kinh đồng ý với các nhà ngoại giao rằng trên tổng thể, sự hợp tác và tiếp cận trong chính sách đối ngoại là cách tốt nhất để giảm nguy cơ của những phản ứng quốc tế có thể dẫn đến các vấn đề chính trị trong nước. [1]
Khi cặp Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên nắm quyền vào năm 2002, họ đưa một thuật ngữ "trổi dậy hòa bình" để nói về một hình ảnh mới của Trung Quốc. Họ Hồ phát động một dự án nghiên cứu về "Sự trổi dậy của Trung Quốc" được cầm đầu bởi Tăng Bí Giản, một lý thuyết gia lão thành của Trung ương đảng, Giám đốc Trường đào tạo cán bộ cao cấp của đảng. Hồ Cẩm Đào cho tổ chức một buổi học tập trong Bộ Chính trị để thảo luận về "con đường phát triển của sự trổi dậy hòa bình" với sự tham dự của một cán bộ đang giảng dạy tại các viện đại học và Viện nghiên cứu nhằm tìm hiểu các khái niệm trong dự án nghiên cứu nói trên để thống nhất trong nội bộ trước khi tung ra ngoài từ cuối năm 2003.
Đã có sự tranh cãi về nhóm từ nói trên. Một số người lo lắng rằng "trổi dậy" có thể làm cho người nước ngoài coi Trung Quốc như một đe dọa vì ít ai để ý đến ý niệm “hoà bình”. Những người khác phản đối rằng "hòa bình" làm nhẹ đi sự đe dọa của Trung Quốc, kể cả việc sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Kết quả là, Bộ chính trị quyết định sử dụng nhóm từ "phát triển hoà bình" đối với bên ngoài, còn bên trong thì vẫn tiếp tục dùng nhóm từ “trổi dậy hòa bình”. Năm 2004, tại diễn đàn Davo, Thuy Sĩ, ông Hồ Cẩm Đào đã không sử dụng nhóm từ “trổi dậy hòa bình” mà lập lại nhiều lần nhóm từ “phát triển hòa bình” qua việc nhắc đến "truyền thống của sự chân thành, lòng nhân từ, tử tế, và tin tưởng đối với những người hàng xóm” của thời cổ Trung Quốc và lưu ý rằng "Trung Quốc luôn luôn thực hành những gì đã giảng giải". Họ Hồ nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi theo đuổi một chính sách mang lại sự hài hòa, an ninh, và thịnh vượng cho lâng bang và tự cống hiến đễ tăng cường lòng tin cậy lẫn nhau và hợp tác với các đồng nghiệp Châu Á, giảm bớt sức nóng căng thẳng, và phấn đấu để duy trì hòa bình và yên ổn ở châu Á. [2]
Công thức của Trung Quốc để thiết lập uy tín như là quyền lực có trách nhiệm dựa trên ba thành phần chính: 1/ Đón nhận các nước láng giềng; 2/ Chơi đồng đội trong những tổ chức đa phương; 3/ Sử dụng quan hệ quốc tế để kết bạn. Trong hai thập niên 1980 và 1990 Trung Quốc đã tái lập liên hệ ngoại giao với Nam Dương (1990), Singapore (1990), Brunei (1991), Nam Hàn (1992), nâng cấp ngoại giao với Ấn Độ (1988), Phi Luật Tân (2000), Nga (1989), Mông Cổ (1989), Việt Nam (1991), bắt đầu tạo quan hệ song phương và đa phương bang giao với Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Unekistan và Turkmenistan (1992). Mặc dù Giang Trạch Dân ủng hộ những nỗ lực trong khu vực, ưu tiên hàng đầu của ông vẫn là quan hệ với những siêu cường, đặc biệt là với Hoa Kỳ. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, chiến lược chủ yếu của Trung Quốc tập trung vào các quan hệ với láng giềng Á Châu, để “tập trung sự chú ý về quản lý ngoại biên”. [3]
Trung Quốc nhìn Đông Nam Á như vùng ảnh hưởng truyền thống và cửa hậu chiến lược, mà qua đó thế lực thù địch bên ngoài có thể xâm nhập và phá vỡ sự phát triển của Trung Quốc. Trong thời kỳ Mao, chính phủ các nước Đông Nam Á đã xa lánh Trung Quốc vì Trung Quốc đã yểm trợ và huấn luyện những phần tử nổi dậy tại những quốc gia của họ. Từ năm 1991, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả mười quốc gia Đông Nam Á và cắt đứt viện trợ cho tất cả các nhóm phiến loạn. Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á vẫn nhìn Trung Quốc với sự ngờ vực sâu sắc vì lịch sử của sự thống trị Trung Quốc và vì lo ngại rằng sự lớn mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ gây khó khăn trên các nền kinh tế riêng nhỏ hơn của họ.
Khúc xương chính của sự tranh cãi giữa Trung Quốc và Đông Nam Á là vùng lãnh thổ tranh chấp hàng trăm hòn đảo nằm ở biển Đông mà nó nối kết nhiều đường di chuyển trên biển (sea-lanes) và có một trữ lượng giàu có của dầu và khí đốt dưới đáy biển. Trung Quốc tuyên bố rằng gần như toàn bộ Biển Ðông thuộc về họ. Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền trên các đảo riêng và vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Cho đến 1990, Trung Quốc đã dùng quân sự để chiếm đóng các vùng mà họ tuyên bố là của họ. Năm trận hải chiến năm 1974, Trung Quốc đã đẩy lui lực lượng Việt Nam ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, phía Bắc của khu vực tranh chấp. Năm 1988, một cuộc hải chiến khác trong vùng biển Trường Sa gây thiệt mạng cho 72 hải quân Việt Nam. Sau trận đụng độ năm 1988, Trung Quốc chính thức chiếm đóng quần đảo nầy lần đầu tiên. Tháng 2 năm 1992, Trung Quốc thông qua đạo luật tuyên bố 80% vùng biển Đông thuộc về họ, và như thế Trung Quốc có quyền cấm các hoạt động quân sự của nước ngoài trong vùng, tuy nhiên hải quân Hoa Kỳ tiếp tục qua lại và tập dợt quân sự ở đó.
Thái độ hòa nhã của Trung Quốc đối với Ấn Độ là một thí dụ khác nổi bật về ý muốn hàn gắn với Á Châu, ngược lại với những hành động rất cảm tính và hằn học với Nhật Bản. Ấn Độ là đối thủ có tiềm năng - cạnh tranh với Trung Quốc, trong vai trò quan trọng của họ tại Á Châu như: dân số, lãnh thổ và mức độ phát triển. Hai anh khổng lồ có quan hệ gay cấn trong thời chiến tranh lạnh và đã xung đột một thởi gian ngắn trong vấn đề biên giới năm 1962. Trung Quốc thành lập một mối quan hệ chặt chẽ với Pakistan và đã bán công nghệ hạt nhân và tên lửa để cân đối với Ấn Độ, khi đó dưới sự bảo trợ của Liên Xô. Quan hệ quân sự và chính trị giữa Trung Quốc và Pakistan vẫn còn chặt chẽ. Cho đến gần đây, chỉ có một số nhỏ thương mại trao đổi giữa Trung Quốc và Ấn Độ (3 tỷ Mỹ Kim năm 2000), cả hai nước không có đường bay trực tiếp với nhau cho tới 2002. Những tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc là một nguồn quan trọng của sự ma sát. [4]
Trong thời gian 10 năm qua, Trung Quốc đã tái sinh là người tin vào chủ thuyết đa phương đa quốc gia. Họ đã đổi cách thức vận hành từ đứng bên ngoài chuyến sang vị trí tích cực góp phần sinh hoạt trong từng nhóm, khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ tích cực tham gia hay sáng lập những nhóm ít có bàn tay ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Trung Quốc không tha thiết mấy với diễn đàn APEC (Asia Pacific Economic Cooperation) do Hoa Kỳ đứng đầu, trong khi đó, sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã đề xướng thành lập Diễn đàn Hợp tác Shanghai (Shanghai Coorperation Organization) gồm có các nước Nga, Trung Quốc Tajikistan, Kyrgyztsan, Kazakhstan, and Zubekistan vào năm 1996. Khi thị trường tài chánh tại Thái Lan, Indonesia, và Nam Hàn khủng hoảng trong những năm 1997, Trung Quốc đã cùng với Nhật Bản, Nam Hàn và ASEAN xây dựng nên một cơ chế nhằm ổn định thị trường tài chính, cơ chế nầy gọi là ASEAN + 3 (gồm 10 quốc gia ASEAN cộng với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn).
Trong các nhóm, diễn đàn mà Trung Quốc sáng lập hay tham dự, Hội nghị 6 bên để giải quyết vấn đề nguyên tử tại Bắc Hàn là một nỗ lực mà Trung Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng trong việc xây dựng uy tín của mình trong cộng đồng thế giới. An ninh của bán đảo Bắc Triều tiên là một thử thách đầu tiên cho Trung Quốc, một cường quốc đang vươn lên. Theo Tác giả thì Bắc Kinh quan niệm rằng những hiềm khích giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn sẽ gián tiếp đe doạ Trung Quốc. Khi Tổng thống Bush chính thức coi Bắc Hàn và Iraq nằm trong "Trục Các Quốc Gia Ác Qủy" vào cuối năm 2002 đã làm cho Trung Quốc lo ngại. Khi Hoa Kỳ chính thức tấn công Iraq để loại bỏ chế độ Saddam Hussein vào năm 2003, Trung Quốc sợ Hoa Kỳ sẽ tấn công Bắc Hàn giống như Iraq sau đó. Nếu điều này xảy ra sẽ không chỉ bất lợi cho sự phát triển và ổn định của Trung Quốc mà một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể sẽ lan sang Nam Hàn, Nhật Bản và ngay cả Đài Loan. Các lãnh tụ Trung Quốc không còn chọn lựa nào khác là phải bước ra hòa giải tranh chấp, khuyến dụ Bắc Hàn bước vào bàn hội nghị.
Đem Bắc Hàn trở lại hội nghị nhằm tránh khủng hoảng nguyên tử trong hơn 10 năm sau, Trung Quốc đã phải cung cấp thêm viện trợ kinh tế và đầu tư và ngay cả sự tỏ dấu hiệu cứng rắn đối với đồng minh bất trắc này. Trung Quốc đã công khai giải trừ nguyên tử trên bán đảo Triều Tiên, khóa ống dẫn dầu vào Bắc Hàn 3 ngày (với lý do kỹ thuật), bắt giam một thương gia Trung Quốc với tội danh trốn thuế, người từng được tuyển dụng điều khiển đặc khu kinh tế gần biên giới Trung Quốc và bỏ phiếu đưa Bắc Hàn ra Hội đồng An ninh Liên Hiệp Quốc vì theo bản báo cáo của Ủy ban Nguyên tử năng Thế giới về những vi phạm Hiệp ước phi nguyên tử. Tuy không đạt kết quả là bao nhiêu qua thái độ ươn ngạnh của Bắc Hàn, truyền thông Trung Quốc đã cố thổi phòng Hội nghị 6 bên như là một thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc trong việc đứng ra giải quyết hòa bình tại bán đảo Triều Tiên.
Bắt đầu năm 1996, các chuyên gia Trung Quốc được sự khuyến khích của Sở Á Châu Sự Vụ thuộc Bộ Ngoại giao, thuyết phục giới lãnh đạo quân sự, các lãnh tụ bảo thủ bằng cách đưa ra kế họach "chiến lược an ninh mới dựa trên căn bản của sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và hợp tác", ngược lại những quan điểm trong chiến lược an ninh của thời kỳ chiến tranh lạnh, dựa trên sức mạnh chính trị và quân sự, mà họ cho rằng Mỹ vẫn còn theo đuổi. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng chiến lược mới đề cao nguyên tắc cả hai cùng có lợi (Win-Win). [5]
Trung Quốc chọn lựa không đối đầu trực diện với Hoa Kỳ. Chủ trương của Trung Quốc là phân chia đa cực, nghĩa là từ từ theo kịp khoảng cách giữa Hoa Kỳ và các siêu cường khác (nhưng dĩ nhiên không kể đến Nhật Bản). Trong khu vực Á châu, các chuyên gia Trung Quốc tìm cách vận động để đẩy các căn cứ quân sự của Mỹ ra khỏi Nhật Bản và Đại Hàn vì họ cho rằng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ đóng ở đây ngày nào sẽ làm cản trở thế vươn ra của Trung Quốc và giữ cho Đài Loan độc lập với Hoa Lục. Tuy nhiên giới trí thức Trung Quốc thì nghĩ khác với chính quyền, cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ giúp ổn định bán đảo Triều Tiên, và không để cho Nhật Bản trở thành siêu cường quân sự.
Dù vậy, Trung Quốc chưa bao giờ dám áp dụng biện pháp đẩy Hoa Kỳ ra khỏi những nước láng giềng của mình, khi mà họ còn quá yếu về mặt quân sự. Nói cách khác, Trung Quốc đưa ra tín hiệu không rõ ràng là họ có muốn Hoa Kỳ rút khỏi Á châu hay không? Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền nói với Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Colin Powell trong một cuộc họp riêng vào năm 2001 rằng Trung Quốc không muốn Hoa Kỳ rút khỏi Á Châu và Trung Quốc muốn thấy Hoa Kỳ đóng vai trò tích cực xây dựng trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối không cho Hoa Kỳ tham dự Diễn Đàn Shanghai SOC (Shanghai Cooperation Organization) với tư cách quan sát viên. Bắc Kinh chỉ cho Nga tham dự là quan sát viên trong cuộc họp thương đỉnh Đông Á năm 2005. Trung Quốc không mời Hoa Kỳ quan sát cuộc tập trận rất lớn giữa Nga và Trung Quốc về kế hoạch hành quân chống khủng bố. Những hành động nói trên của Trung Quốc, khiến cho Hoa Kỳ tăng thêm sự nghi ngờ về những toan tính thật sự của Trung Quốc trong sự đối đầu với Hoa Kỳ.
Chương 6: Nhật Bản: Khi Dân Trung Hoa Nổi Giận, Kết Quả Luôn Luôn Rắc Rối Lớn (Japan: When the Chinese People Get Angry, the Result Is Always Big Trouble)
Đây là chương mà Tác giả phân tích về những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những xung khắc giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản cùng với những thủ thuật mà các lãnh tụ Bắc Kinh khai thác lòng ái quốc chống Nhật cho những mục tiêu chính trị của đảng Cộng sản.
Theo nhận định của Tác giả thì Bắc Kinh coi Nhật Bản là một trong ba nước (Nhật, Hoa Kỳ, Đài Loan) thuộc vào loại "nhạy cảm" nhất, nên đã đòi hỏi cấp lãnh đạo phải ứng xử khôn ngoan và khéo léo. Đảng Cộng sản Trung Quốc giải thích rằng sự chính thống của họ dựa trên nền tảng của cuộc chiến đấu chống Nhật và đã chiến thắng vào năm 1945. Huyền thoại của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc đã viết về cuộc chiến đấu đó, dưới sự lãnh đạo tài tình của Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản Trung Quốc để phá bỏ năm mươi năm đô hộ và kềm kẹp của đế quốc Nhật. Từ năm 1949, sách giáo khoa và hệ thống tuyên truyền của đảng đã kể tới kể lui về những tội ác của Nhật đã làm gì tại Trung Quốc và cuộc quật khởi anh dũng của nhân dân Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Do lối giáo dục một chiều, kích động lòng tự ái dân tộc như vậy, các lãnh tụ Bắc Kinh đã dùng chiêu bài chống Nhật để kích lên những cuộc tranh đấu khi mà họ muốn hướng dư luận ra khỏi những chú ý về các khó khăn nội bộ.
Trong các lãnh tụ Bắc Kinh, Giang Trạch Dân là người có thái độ khá cứng đối với Nhật Bản hơn là Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Tuyên truyền để tạo hậu thuẫn cho đảng Cộng sản bằng lòng ái quốc — một nỗ lực bắt đầu từ sau biến cố Thiên An Môn — đã coi sự quá khích của Nhật đối với Trung Hoa như một biện minh lịch sử. Đảng Cộng sản dưới thời Giang Trạch Dân đã không những giúp cho các kiến nghị chống Nhật phổ biến rộng rãi qua phương tiện Internet, mà còn cho phép những cuộc biểu tình phản đối nhỏ song thường xuyên trước toà đại sứ Nhật ở Bắc Kinh. Khi tinh thần chống Nhật biến thành những cuộc biểu tình lớn có nguy cơ vượt ra khỏi vòng kiểm soát của đảng và chính phủ, thì các lãnh tụ Bắc Kinh ra tay kiềm chế ngay để không cho những cuộc chống đối này bùng nổ lớn, quay lại chống chính đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ trương khơi dậy lòng lòng ái quốc của quần chúng qua việc chống Nhật của họ Giang đã đẩy người kế vị của ông ta vào chân tường. Hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã không dám để lộ sự mềm yếu đối với Nhật Bản. Thế nhưng nếu họ không tìm ra cách làm giảm nhiệt độ chống Nhật, trong một cơn khủng hoảng nào đó tinh thần chống Nhật có thể trở thành chống chính quyền, hoặc sẽ khiến cho Trung Quốc khó tránh khỏi một cuộc đụng độ quân sự với Nhật. [6]
Cho tới gần đây, việc khuấy động tinh thần bài Nhật trong quần chúng có vẻ an toàn hơn là chọc giận Hoa Kỳ hay Đài Loan vì có thể sẽ đẩy đất nước tới chỗ chiến tranh với một địch thủ mạnh hơn mình nhiều. Nhiều người Trung Hoa vẫn nghĩ là bài Nhật chẳng mất mát gì. Một cán bộ ngoại giao Trung Quốc đã nói với Tác giả rằng: Hoa Kỳ là một siêu cường quốc, do đó Trung Quốc không muốn làm mất lòng. Song phần lớn người Hoa thì coi Nhật Bản là một thế lực hạng nhì với một nền kinh tế lệ thuộc vào sự tăng trưởng của Trung Quốc. Vì thế mà giới lãnh đạo Bắc Kinh chủ trương phải cứng rắn với Nhật và không quan tâm tới hậu quả thực sự. Tuy nhiên việc hy sinh liên hệ ngoại giao với Nhật để tạo hậu thuẫn trong quần chúng ngày càng trở nên rủi ro hơn khi phản ứng về phía Nhật ngày một trở nên bất lợi. Dân chúng Nhật nhận thấy Trung Quốc trở thành mối đe dọa nên đã hỗ trợ thái độ chính trị cương quyết của Thủ tướng Koizumi đối với Trung Quốc. Người Nhật cũng thấy chán phải nghe mãi đòi hỏi phải công nhận những tội ác trong thời Đệ Nhị Thế chiến, và cũng muốn được công nhận là chính họ cũng đã phải hứng chịu nhiều khổ ải trong chiến tranh vậy. Thủ Tướng Koizumi, được khuyến khích và để đáp ứng lại tâm trạng trên, đã là vị thủ tướng đầu tiên thời hậu chiến tới thăm Đền Yasukumi, và là người đầu tiên công khai nhìn nhận Lực lượng Tự vệ của Nhật là quân đội thực sự.
Dư luận Nhật Bản đã mất cảm tình đối với Trung Quốc. Tình trạng này càng rõ rệt hơn bao giờ hết sau khi đội banh Nhật đá bại đội Trung Quốc vào năm 2004 trong giải Châu Á ở Bắc Kinh và một đám đông người Trung Hoa giận dữ tấn công xe hơi của một nhà ngoại giao Nhật, đạp bể kính sau (nhà ngoại giao không bi thương tích gí). Theo một cuộc thăm dò ý kiến của tờ Yomiuri Shimbun, một tờ báo lớn của Nhật, sau những cuộc biểu tình chống đối ở Bắc Kinh năm 2005 đã cho thấy đại đa số muốn chính phủ Nhật cứng rắn đối với Trung Hoa. Sáu tháng sau các cuộc biểu tình, các cuộc thăm dò ý kiến của Nhật cho thấy 65% người Nhật không có cảm tình đối với Trung Quốc, lớn hơn con số 53.6% người Trung Hoa không ưa Nhật Bản, theo các cuộc thăm dò ý kiến của Trung Hoa. Vào năm 2006, chỉ có 28% người Nhật và 21% người Hoa có một cái nhìn thuận lợi đối với nhau, và dân cả hai nước này cùng coi nhau là ưa cạnh tranh, tham lam, và kiêu căng. [7]
Các chính trị gia Nhật đã lợi dụng tâm lý bài Hoa này của quần chúng để kích lên phong trào chống Bắc Kinh. Trong kỳ bấu cử quốc hội năm 2005, những lời chỉ trích của đảng đối lập về việc Thủ Tướng Koizumi thường xuyên viếng thăm Đền Yasukuni không ảnh hưởng bao nhiêu đối với các cử tri. Thay vì thế thái độ bài Hoa của Koizumi đã giúp cho Đảng Dân chủ Tự do tái đắc cử với một đa số cao hơn. Khi Koizumi về hưu vào tháng Chín năm 2006, đảng đa sô Dân chủ Tự do đã chọn Shinzo Abe lên thay thế, một chính khách được biết tới qua thái độ bài Hoa kịch liệt. Nhật đã giảm số viện trợ cho Trung Quốc vì mối ác cảm của quần chúng đối với thái độ vô ơn của dân Trung Hoa và vì mối lo ngại là Nhật tiếp tay cho Trung Quốc củng cố nền quân sự của họ.
Một cuộc đụng độ quân sự có thể xẩy ra giữa Trung Hoa và Nhật Bản, hai nền kinh tế và quân đội lớn nhất Á châu, đã không còn là chuyện xa vời như người ta vẫn tưởng. Với giá dầu tăng vọt và cả hai quốc gia cùng lệ thuộc vào nguyên liệu nhập cảng, sự tranh chấp chủ quyền phần biển nằm giữa hai nước ở phía đông Trung Hoa trở nên ngày một gay go. Từ nhiều năm qua cả hai quốc gia vẫn cố giữ những thành phần quốc gia quá khích của hai bên không cho khuấy động sự tranh giành Quần đảo Điếu Ngự (Trung Quốc thì gọi là Diaoyu còn Nhật thì gọi là Senkakus) và vùng hải phận xung quanh vùng Đông Hải. Nhật Bản cai trị quần đảo này vào năm 1895 khi chiếm đóng Đài Loan và Đại Hàn. Khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Hoa Kỳ nắm phần cai quản quần đảo này, sau đó trao trả lại cho Nhật vào năm 1972. Song Trung Hoa thì lại tin rằng quần đảo này do họ sở hữu từ nhiếu thế kỷ qua.
Theo Tác giả nhận định trên tinh thần khách quan, dựa trên quyền lợi lâu dài, Trung Quốc sẽ được đáp ứng tốt đẹp hơn nếu biết gác bỏ vấn đề lịch sử sang một bên và xây dựng bang giao tốt với Nhật, thay vì gây hấn. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc — tối cần cho việc đảng Cộng sản duy trì quyền lực — là nhờ vào mậu dịch và đầu tư từ Nhật Bản mặc dù cả hai phía cùng nhìn nhận là Nhật lệ thuộc vào Trung Hoa hơn là ngược lại. Nhật là quốc gia buôn bán lớn nhất với Trung Quốc cho tới năm 2004 khi Liên hiệp Âu châu qua mặt Nhật, và là nguồn đầu tư ngoại quốc lớn vào hàng thứ tư. Các quốc gia Á châu khác lo ngại khi thấy Trung Hoa và Nhật Bản kình chống nhau vì họ sợ chiến tranh có thể xảy ra tao sự chia rẽ trong vùng. Tổng thống Nam Hàn nói là có lẽ Nam Hàn cần trở nên một "thế lực quân bình hoá" giữa Trung Hoa và Nhật Bản. Trong khi đó các nước Đông Nam Á thì lại lo sự hình thành của hai khối ở Đông Bắc Á: Trung Hoa và Nam Hàn đối chọi với Nhật Bản và Hoa Kỳ. Thủ tướng Singapore kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản "gia giảm tình cảm quốc gia... ráng tiến tới hoà hợp hoà giải... và hãy bỏ sang một bên chuyện lịch sử thời Đệ nhị Thế chiến như Đức và Pháp đã làm ở Âu châu." Sự hiềm khích giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã làm chậm trễ các nỗ lực xây dựng hợp tác kinh tế vùng. [8]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét