Chết Bởi Darth Liu (nhân vật chính trong phim Star Wars): Mẹ Hãy Nhìn, Đó Là Ngôi Sao Chết Đang Chiếu Xuống Chicago.
Cũng như những cuộc thám hiểm địa cầu, Trung Quốc tuyên bố chỉ tìm kiếm sự “trổi dậy hòa bình (peaceful rise) trong không gian. Tuy nhiên, một trong những câu hỏi lớn nhất Ngũ Giác Đài phải đương đầu ngay bây giờ là liệu sự trổi dậy hung hăng vào vũ trụ của Trung Quốc có thể trở thành vũ khí tối hậu để buộc Hoa Kỳ phải quỳ gối chăng? Đây là một câu hỏi đặc biệt quan trọng trong thời đại khi đất nước đã từng đưa người đi bộ trên mặt trăng nay có một chương trình không gian mà may mắn là còn giữ nguyên và tệ nhất là lê lết.
Trung Quốc Phóng Phi Thuyền Hằng Nga – 2 Thám Hiểm Quanh Mặt Trăng (Ảnh: Xinhua) |
Chính xác ra những gì mà Trung Quốc đã phóng vào không gian, đó là những trọng tải từ vệ tinh quan sát và những thiết bị phụ cho hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đến những phi vụ không gian có người lái và một phi thuyền thứ nhì bay quanh quỹ đạo mặt trăng. Trung Quốc cũng hy vọng phóng trạm không gian đầu tiên của họ dùng cho mục tiêu khoa học và quân sự vào năm 2012, trong khi ba phi vụ trong 2 năm tới, ước tính sẽ nối với trạm không gian đó. Hơn nữa, bằng cách tận dụng sức sản xuất của mình, Trung Quốc đang đi từ những tàu không gian đặc chế sang những tàu được sản xuất theo lắp ráp dây chuyền; và sự đổi mới này sẽ cho phép tăng nhanh đáng kể nhịp độ các chuyến bay.
Theo tác giả thì trong lúc Trung Quốc ngày một tiến bộ trong lãnh vực không gian, chương trình không gian NASA của Hoa Kỳ thì lại ngày một hoang phí với những nghiên cứu được xem là vô bổ trong 1 thập niên vừa qua. Ví dụ chương trình Phi Thuyền Con Thoi dự tính chấm dứt vào năm 2010; nhưng với sự triển hạn chuyến bay và thêm một nhiệm vụ phụ trội, nên nó sẽ “nghỉ hưu” trong năm nay. Sau đó thì không có một dự án cụ thể nào cho những phi vụ không gian có người lái. Nguyên do là vì chính quyền Obama và Quốc hội còn đang tranh cãi đâu là sứ mạng đúng và phương pháp nào để hoàn thành sứ mạng này.
Bế tắc chính trị này có nghĩa là chính phủ Hoa Kỳ không có kế hoạch về những phi vụ không gian có người lái ít nhất trong 5 năm tới. Trong tương lai gần, điều đó có nghĩa là những phi hành gia Hoa Kỳ phải đi nhờ Nga để đến trạm không gian quốc tế - ngay cả khi Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh nỗ lực lên mặt trăng và xây dựng trạm không gian.
Tác giả đã nêu lên câu hỏi rằng liệu sự vươn lên của chương trình không gian Trung Quốc là một nỗ lực hòa bình hay là một cuộc chay đua để qua mặt Hoa Kỳ?
Trung Quốc Thám Hiểm Không Gian
Theo tác giả thì chương trình không gian của Trung Quốc chỉ là một phần nối dài của kế hoạch “trổi dậy hòa bình” (peaceful rise), với ít nhất 3 yếu tố sau đây đã thúc đẩy chương trình này một cách mạnh mẽ.
Thứ nhất là sự phát triển của nhiều ngành công nghệ mới và đa dạng đòi hỏi phải đi cùng với những khám phá không gian.
Thứ hai là sự khai thác và vận chuyển trong tương lai những nguồn năng lượng và nguyên vật liệu thô trọng yếu từ không gian đến những nhà máy Trung Quốc.
Thứ ba là hành động như một lối thoát an toàn kiểu Darwin cho một hành tinh bị nạn nhân mãn và đang nóng lên nhanh chóng.
Mỗi yếu tố trong đó còn cấu thành lý do quan trọng cho việc nghiên cứu không gian dân sự. Tổng hợp lại, chúng có thể được xử dụng để vẽ lên bức tranh đồng quê của những nỗ lực thám hiểm không gian của Trung Quốc.
Từ viễn ảnh đồng quê này, một trong những lý do quan trọng nhất để tham gia vào việc thám hiểm không gian chính là điều mà Hoa Kỳ đã hoàn toàn mất tầm nhìn – đẩy mạnh sự thám hiểm như thế sẽ tạo nhịp độ sáng tạo công nghệ mới và tăng trưởng kinh tế trong một nước. Điều đáng chú ý ở đây là làm thế nào mà giới lãnh đạo Hoa Kỳ lại chóng quên vai trò thám hiểm không gian đã góp phần kích thích nền kinh tế Hoa Kỳ - và cải thiện cuộc sống người dân – trong vòng 50 năm qua.
Cần phải nhìn ra rằng, nếu như không có NASA và chương trình không gian của Mỹ, có thể chúng ta đã không có Internet ngày nay như chúng ta đã biết, mạng lưới định vị toàn cầu (GPS), tất cả các loại công nghệ năng lượng mặt trời khác nhau, các ứng dụng y khoa đi từ CAT Scan và MRI đến kỹ thuật chẩn đoán ung thư vú bằng sinh thuyết (breast biopdy); những chất nhờn và những nhựa thần kỳ (miracle plastics and zlubricants) và hệ thống dự báo thời tiết chống bão, chống hỏa hoạn đã cứu sống hàng trăm ngàn sinh mạng và hàng tỷ Mỹ Kim, trong khi thúc đẩy đáng kể thu hoạch mùa màng. Bên cạnh đó, chỉ riêng những phát minh này đã mang lại cho nền kinh tế Hoa Kỳ hàng tỷ Mỹ Kim lợi nhuận. Và chúng ta đừng quên những phát minh có vẻ tầm thường nhưng không kém phần hữu dụng như “bộ nhớ xốp” hay còn gọi là “bọt nhớ đàn hồi” (memory foam) - một loại chất liệu đặc biệt được NASA sáng chế giúp làm giảm áp lực khi phi thuyền cất cánh và nay được dùng để chế nệm Tempur-Pedic.
Trong khi Hoa Kỳ đã quên tầm quan trọng của thám hiểm không gian như chất xúc tác kinh tế, Trung Quốc lại hoàn toàn nắm được nó. Thực vậy, người đứng đầu chương trình mặt trăng của Trung Quốc, Âu Viên Tự Nguyên (Ouyan Ziyuan) đã minh định rõ rằng những nỗ lực lên mặt trăng của Apollo đã thúc đẩy sự bùng nổ công nghệ của Hoa Kỳ, và ông thường xuyên coi điều này như một luận cứ cho việc Trung Quốc đi lên mặt trăng. Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ có được các phát minh nhanh hơn từ những chương trình không gian của họ.
Trung Quốc cũng đi tìm trong không gian nhiều thứ kim loại quý và nguyên liệu khác từ lớp vỏ của mặt trăng hay từ các tiểu hành tinh gần trái đất. Những món quà này có thể là vàng và bạch kim đến những kim loại cực kỳ quý giá rất quan trọng cho sản xuất công nghệ cao.
Thực vậy, sự thành công qua các hoạt động khai thác mỏ trong không gian sẽ giúp nhiều trong việc giảm bớt sự khan hiếm các nguyên vật liệu đang gia tăng và vấn đề ô nhiễm do khai thác tài nguyên. Ví dụ, hãy xem xét tiểu hành tinh 433, còn được gọi là Eros. Các nhà khoa học khi viết trên tạp chí Nature đã dự đoán rằng trong một tương lai xa, hành tinh khổng lồ này với khối đá nặng 34 ngàn tấn có khả năng sẽ va vào trái đất của chúng ta và gây ra một thảm họa còn lớn hơn cả thảm họa đã quét sạch loài khủng long 65 triệu năm về trước. Tuy nhiên, tin vui là Eros lại chứa đầy những nguyên liệu có giá trị đang chờ một số công ty có trạm không gian đến lấy về. Hơn nữa, với trọng lực nhẹ của nó và hoàn toàn thiếu những ràng buộc về môi trường, việc khai thác nguyên liệu tại Eros với năng lượng mặt trời miễn phí sẽ tương đối đơn giản một khi đã có phương tiện vận tải. Và đây không phải là khoa học giả tưởng, vì một phi thuyền thám hiểm NASA đã viếng Eros vào năm 2000 và đã đáp xuống đó năm 2001.
Một ý tưởng táo bạo được đề xuất bởi một doanh nhân không gian Jim Benson nhằm vừa tránh thảm họa va chạm với trái đất, vừa đem nguồn khoáng sản dồi dào của Eros về hành tinh của chúng ta: Phóng các đầu đạn tới tiểu hành tinh để nhẹ nhàng điều chỉnh quỹ đạo của nó. Bằng cách này, cuối cùng có thể đưa Eros vào một vị trí cố định bên trong hệ Trái Đất – Mặt Trăng của chúng ta và đo đó loại bỏ bất kỳ đe dọa va chạm nào. Tất nhiên, kịch bản này dấy lên câu hỏi: ai sẽ đến đó đầu tiên để cắm lá cờ của mình – và điều khiển các đầu đạn – trên các nguồn tài nguyên như Eros.
Mô hình phi thuyền Thiên Cung 1 tại Cuộc Triển lãm Hàng không và Vũ trụ 2010 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (Hình: AP) |
Âu Viên Tự Nguyên (Ouyan Ziyuan), người đứng đầu chương trình mặt trăng của Trung Quốc nói rằng: “Mỗi năm ba phi vụ con thoi không gian có thể đem về đủ nhiên liệu cho mọi người trên trái đất”. Phát biểu của họ Âu cho chúng ta thấy rằng nếu phát triển thành công năng lượng phân hạch từ những nguyên liệu của mặt trăng sẽ là một đòn chỉ tử đập chết OPEC và là viên đạn thần kỳ chống lại hiện tượng hâm nóng toàn cầu.
Dàn Phóng Phi Thuyền Thiên Cung |
Chiến Tranh Không Gian
Tác giả cho rằng việc chinh phục mặt trăng, hỏa tinh và xa hơn nữa sẽ tốn khá nhiều thập niên. Tuy nhiên, nhìn vào những chương trình nghiên cứu, người ta thấy rõ là Trung Quốc đang có nhiều lợi thế hơn Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể tập trung trên kế hoạch dài hạn và duy trì trên căn bản thế hệ thay vì cá nhân. Nhờ có tầm viễn kiến như vậy, Trung Quốc dễ thành công hơn so với các quốc gia khác trong việc chinh phục những nơi cư trú tốt cho họ trong không gian. Từ đây cho đến khi Trung Quốc hoàn thành mục tiêu chinh phục không gian, tác giả vẫn quan tâm một điều là liệu Trung Quốc sẽ sử dụng nó vào mục tiêu hòa bình hay để trấn áp thế giới?
Dẫn lời Thiếu Tướng Diệu Vân Chu (Yao YunZhu), thuộc Viện Khoa Học Quân Sự Trung Quốc đã phát biểu rằng: “Không gian ngoài trái đất sẽ được võ trang ngay trong đời sống chúng ta”. Đây có thể coi là một bằng chứng rõ ràng về những dự tính của Trung Quốc trong việc quân sự hóa và võ trang hóa không gian, từ những đống tài liệu viết bởi các chiến lược gia Trung Quốc. Tác giả đã liệt kê một số vũ khí từ “Dùng bụi đơn tử Plasma tấn công và tiêu diệt những vệ tinh quỹ đạo thấp”, “những đầu đạn sát thủ động năng” đến “những vũ khí chùm tia năng lượng cực cao của các nguyên tử”, “Hỏa tiễn đạn đạo quỹ đạo” đã được Trung Quốc khai thác nhắm vào việc tiêu diệt hay khống chế những lực lượng quân sự Hoa Kỳ.
Một ví dụ cụ thể là trong tập sách Chiến Tranh Không Gian (Space Warfare), Đại tá Lý Dã Quang đã đưa ra một quan điểm rất hiếu chiến. Họ Lý cho rằng chương trình thám hiểm không gian không chỉ là mục tiêu kinh tế mà nhằn xây dựng chiến lược quân sự: Phá hủy hay tạm thời làm vô hiệu hóa tất cả những vệ tinh của kẻ thù bên trên lãnh thổ Trung Quốc, phát triển những vũ khí dưới đất và trên không gian nhằm chống vệ tinh, đối phó với những hệ thống phi đạn phòng thủ của Hoa Kỳ, duy trì hình ảnh tốt của Trung Quốc đối với quốc tế bằng cách bí mật phát triển và giữ kín những vũ khí không gian tấn công và chỉ được phóng đi khi khủng hoảng xảy ra.
Sự tồn tại những bài viết kiểu này vốn bị kiểm soát chặt chẽ trong thế giới cộng sản là một điều lạ lùng. Không những nó công khai mâu thuẫn với lập trường chính thức của lãnh đạo Trung Quốc mà nó còn gây lúng túng cho nhiều phân tích gia của Ngũ Giác Đài trong khả năng xác định chính xác những gì đang xảy ra phía sau bức màn tre – và Hoa Kỳ nên phản ứng ra sao.
Có thể khối bài viết này chỉ nhằm mô tả tất cả những cách để bắt Chú Sam quỳ gối và đơn thuần chỉ là một âm mưu nhằm kích thích Hoa Kỳ lao vào một cuộc đua võ trang tốn kém. Khả năng thứ hai là nếu những đe dọa như của Đại Tá Lý là có thật, và nếu không có đáp ứng đầy đủ, Hoa Kỳ sẽ tự dụ mình vào tình trạng bấp bênh (hoặc thế yếu) dễ bị tấn công không gian kiểu Trân Châu Cảng hay đầu hàng như một chuyện đã rồi.
Dù cách nào đi nữa, một điều rõ ràng là: Nước Mỹ hiển nhiên vẫn còn nắm giữ thế thượng phong trong chiến lược không gian hiện nay. Tuy nhiên, điều thắc mắc lớn là: ai sẽ giữ thế thượng phong trong chiến lược không gian vào những năm tháng tới.
Từ thế thượng phong đó, cả kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ đều phụ thuộc nặng nề vào một hệ thống phức tạp gồm 400 vệ tinh quỹ đạo vốn cung cấp tất cả các loại - từ trinh sát và dẫn đường cho đến viễn thông và đo đạt từ xa hay còn gọi là viễn trắc (Telemetry). Đó chính là mạng lưới đáng phục đang cung cấp cho những lực lượng chiến đấu Hoa Kỳ một sức mạnh gần như là siêu nhiên trong con mắt của kẻ thù.
Nhờ sử dụng lợi điểm trong không gian và hàng loạt ưu thế về vũ khí công nghệ cao, Hoa Kỳ đã có thể chống trả một số cuộc chiến với những thương vong rõ ràng không cân xứng. Trong khi chỉ có 150 binh sĩ Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991, thì khoảng từ 30 ngàn đến 56 ngàn lính Iraq bị giết chết. Cùng với tỉ lệ thương vong bất đối xứng như thế trong cuộc tấn công của NATO do Hoa Kỳ điều khiển vào năm 1999 trong cuộc chiến Kosovo, Nam Tư cũ cũng như trong giai đoạn đầu của chiến tranh Iraq năm 2003.
Theo tác giả thì những hành động quân sự của Hoa Kỳ nói trên, chắc chắn đã đánh thức Trung Quốc. Sự thực là sau chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, các giới chức Ngũ Giác Đài đã nhận thức rằng đó là tiếng chuông báo động cho Bắc Kinh thấy rằng ngay cả một đội quân lớn nhất thế giới, tức đội quân Trung Quốc, cũng có thể bị khuất phục bởi một đối thủ có quân số ít hơn nhiều.
Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành ít nhất 2 biện pháp phòng thủ để đối phó với lợi thế không gian của Hoa Kỳ. Thứ nhất là phá hủy một phần hay toàn bộ những vệ tinh của Hoa Kỳ. Thứ hai là – đạt được mục đích như vậy nhưng không cần phá hủy – đơn giản là làm mù những con chim trinh sát của Hoa Kỳ.
Trong lãnh vực phá hủy các vệ tinh, Trung Quốc đã thí nghiệm một số phương pháp để làm nổ tung – hay đúng ra là bắt cóc – các vệ tinh của Hoa Kỳ. Thí nghiệm này bắt đầu với một vụ nổ lớn và mờ ám vào tháng 1 năm 2007, khi giới quân sự Trung Quốc bắn một trong những vệ tinh cũ của chính họ ngoài không gian.
Đây là vệ tinh thời tiết “sẵn sàng nghỉ hưu” đã từng bay mỗi ngày vài vòng quanh trái đất trong hơn một thập niên; nhưng nó cũng là mục tiêu dễ dàng cho loại hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa cải biến DF-21 và được phóng lên từ bệ phóng Tây Xương thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Hỏa tiễn này đã bắn ra “những đầu đạn sát thủ động năng” để túm lấy mọi thứ khi va chạm - tất cả những thứ như đinh ốc, bù loong, các tấm bảng, dây điện… của vệ tinh cùng với hàng ngàn mảnh vụn của “những đầu đạn sát thủ động năng” tạo thành đống rác lớn nhất trong ngân hà của chúng ta.
Ngày nay, bãi rác không gian đó của Trung Quốc vẫn còn là mối tai họa lớn cho các chuyến bay; Trung Quốc rõ ràng là muốn làm ô nhiễm không gian như làm ô nhiễm những dòng sông và bầu trời của chính họ. Nguy cơ va chạm tai hại với những rác rưởi của Trung Quốc trong không gian đe dọa cho hơn 2/3 trong số 3000 vệ tinh và thiết bị trong quỹ đạo. Thực ra, danh sách những nạn nhân tiềm tàng còn bao gồm cả Trạm Không Gian Quốc Tế cùng phi hành đoàn, trạm này đã từng phải điều chỉnh quỹ đạo ít nhất một lần để tránh vùng dày đặc những hiểm nguy không gian của Trung Quốc.
Hoả Tiễn Đạn Đạo DF-15B của Trung Quốc. |
Tờ Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc đã đăng một bài quan điểm có đoạn như sau: “Một kẻ thù mạnh với thế thượng phong tuyệt đối chắc chắn không phải là không có chỗ yếu... Những chuẩn bị quân sự của chúng ta cần nhắm trực tiếp hơn vào việc tìm ra những chiến thuật để khai thác những kẽ hở cùa một kẻ thù mạnh”.
Chương 12: Death to Big Planet: Do You Want To Be Fried With That Apocalypse?
Hành Tinh Lớn Sẽ Bị Tận Diệt: Bạn Có Muốn Bị Chiên Với Ngày Tận Thế?
Tuần Báo Time đã viết như sau: “So với thành phố màu xám tro Lâm Phần trong nội địa Tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc thì thành phố Luân Đôn u tối trong tiểu thuyết của Charles Dicken trông có vẻ nguyên thủy như một công viên thiên nhiên. Sơn Tây là trái tim của vành đai than đá của Trung Quốc, và những ngọn đồi xung quanh Lâm Phần lỗ chỗ những mỏ than, hợp pháp lẫn bất hợp pháp, và không khí thì đầy ngập mùi than đang cháy. Đừng bận tâm phơi quần áo, nó sẽ bị nhuộm đen trước khi khô.”
Hình ảnh sông và đất nông nghiệp bị ô nhiễm trầm trọng tại Trung Quốc. |
Dĩ nhiên, các quan chức đảng Cộng sản quen biện hộ cho những tội ác chống lại Mẹ Thiên Nhiên bằng lối ngụy biện rằng đế chế non trẻ của họ hãy còn trong giai đoạn đầu của phát triển kinh tế. Họ nhấn mạnh rằng ít nhất một số hư hại môi trường được ước đoán sẽ xảy ra trước khi Trung Quốc Đỏ tạo nên một quá trình chuyển đổi “không thể tránh khỏi” thành Trung Quốc Xanh. Và ít nhất một số quan chức với chủ trương “việc làm bây giờ, môi trường tính sau” nhanh chóng chỉ ra rằng, khi kỹ nghệ Hoa Kỳ phát triển buổi ban đầu hơn một thế kỷ trước, Pittsburgh đã bị bao phủ trong đám mây than bụi và Cleveland là thành phố mà ở đó, nếu bạn không đi trên nước được (vì quá tù đọng) thì ít nhất có thể đốt cháy nước đó.
Qua những nhận định kiểu so sánh của các giới chức Trung Quốc nói trên, theo tác giả thì rõ ràng lãnh đạo Trung Quốc không quan tâm về môi trường mà chỉ chú tâm phát triển kinh tế. Chính quyền Trung Quốc muốn đánh đổi không khí, nước và đất của họ lấy tiền và giành một phần thị trường thế giới lớn hơn. Nên nhớ là những vi khuẩn, dioxins, kim loại nặng và những tàn dư của thuốc trừ sâu rầy vốn làm ô nhiễm nước và đất ở Trung Quốc đang thấm vào nước táo, gà, cá, tỏi, mật ong, thuốc bổ và những thực phẩm khác mà Hoa Kỳ đang nhập khẩu từ Trung Quốc. Song song, khi Trung Quốc bị ô nhiễm môi trường như vậy, chắc chắn các vụ thu hoạch sẽ bị ảnh hưởng, khiến thiếu hụt lương thực như lúa mì, lúa gạo, đậu nành. Trung Quốc sẽ phải gia tăng cạnh tranh để mua lương thực từ khắp nơi – và giá cả sẽ tăng vọt theo, từ những làng mạc tận Phi Châu cho đến các siêu thị ở Á Châu hay những khu thực phẩm của Walmart, Hoa Kỳ.
Vì tất cả những lý do nói trên và nhiều lý do khác nữa – bao gồm cả vai trò của Trung Quốc như là kẻ hâm nóng địa cầu tệ hại nhất thế giới - tất cả chúng ta khắp nơi cần hiểu rõ: “Thảm kịch của cư dân toàn cầu” đang hiển hiện và Trung Quốc phải đương đầu với thảm kịch này một cách tương xứng.
Bầu Trời Không Có Màu Xanh.
Bầu Trời ô nhiễm tại Trung Quốc |
Tuy nhiên, đó không chỉ là một bầu trời bị xóa nhòa (a blotted sky) mà người dân Trung Quốc còn phải lo lắng khi nói đến những hệ quả xấu của ô nhiễm không khí. Theo một nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới, ô nhiễm như vậy, giết chết một con số chóng mặt 700 ngàn người hàng năm. Con số này tương đương với việc làm nghẹt thở toàn bộ dân số thành phố San Francisco, các tiểu bang Wyoming hay Delaware, tỉnh bang New Brunswick của Gia Nã Đại, hay thậm chí toàn bộ nước Bahrain mỗi năm.
Khi bản báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới được phổ biến, nhà cầm quyền Bắc Kinh đòi gạch bỏ thống kê 700 ngàn xác chết này trong ấn bản chính thức. Bắc Kinh nói rằng báo cáo của Ngân hàng Thế Giới không nói sai sự thật; nhưng nếu phổ biến như thế có thể tạo ra những xáo trộn xã hội, gây bất lợi cho chính quyền Trung Quốc. Quả đúng vậy – và có phải bây giờ đúng là thời điểm cho sự bùng nổ đó?
Tác giả cũng đề cập đến một thống kê làm tê liệt tâm trí, tuy không là bí mật quốc gia. Trung Quốc hiện có 100 thành phố với hơn 1 triệu dân và hầu hết mọi người trong đám đông dày đặc này bị bao phủ trong đám hơi độc của a-xít lưu huỳnh (Sulfur dioxide) và những hạt bụi xuyên lủng phổi (lung-piercing particulates). Hơn nữa, trong số 20 thành phố lớn nhất thế giới đang bị ô nhiễm nặng nề nhất thì Trung Quốc chiếm 16 thành phố.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không khí ở Trung Quốc lại dơ bẩn tới vậy? Tác giả cho rằng vì Trung Quốc lệ thuộc đến 75% nguồn năng lượng than đá, nhưng lại không có nỗ lực nghiêm chỉnh để giải quyết việc dùng than một cách sạch sẽ. Thực vậy, khắp Trung Quốc, than được vận chuyển, đốt và thải khói với rất ít kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm và thậm chí còn ít quan tâm hơn về những ảnh hưởng của nó trên đời sống con người và súc vật.
Than đá không chỉ là chọn lựa cho nguồn điện của Trung Quốc. Trong nhiều gia đình nông thôn Trung Quốc, than sống vẫn còn được đốt để nấu ăn và sưởi ấm – với rất ít hay không thông gió. Và vì than hiện diện khắp nơi trong nền kinh tế Trung Quốc nên chiếm tới 90% khí thải a-xít lưu huỳnh – thành phần chủ yếu của sương mù. Sự lệ thuộc vào than đá quá lớn như vậy cũng là lý do tại sao không khí ở Trung Quốc lại chứa đầy các hạt bụi chất thải chết người; chúng có thể xâm nhập sâu và xé rách mô phổi. Với mỗi 100 tấn a-xít lưu huỳnh, hạt bụi chất thải, hay thủy ngân chết người mà những nhà máy Trung Quốc tung lên vùng trời Trung Quốc, hàng ngàn cân Anh của những chất ô nhiễm này, cuối cùng sẽ đi vào mắt, phổi, cổ họng và hệ thống thần kinh của người dân tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau đó cả ở Bắc Mỹ.
Không Còn Nước Sạch Để Uống.
Nước sông bị ô nhiễm ở Trung Quốc |
Tác giả rất ngạc nhiên về sự thiếu quan tâm của người Trung Quốc trong việc quản lý môi trường. Chiếm 20% dân số thế giới, nhưng Trung Quốc chỉ có 7% nước ngọt; nhiều vùng đất rộng lớn của lãnh thổ này – bao gồm 100 thành phố - phải chịu hạn hán triền miên. Bất chấp nạn khan hiếm nước uống như thế, giới kinh doanh và chính quyền Trung Quốc đã để cho 70% sông, hồ suối và 90% nguồn nước ngầm của họ trở nên ô nhiễm trầm trọng. Hơn nữa, tại những khu công nghiệp như Sơn Tây, nhiều nước sông bị nhiễm độc không thể sờ tay vào. Ông Jeffrey Hayes đã cho rằng sự ô nhiễm sông hồ Trung Quốc rất nghiệm trọng. Các dòng sông ở Trung Quốc đều có màng và bọt trên mặt, bốc lên mùi hôi thối. Các con kênh đều nổi lềnh bềnh những lớp rác. Đa số các lớp rác này là những lọ bằng nhựa mang đủ màu sắc đã phai màu vì nắng.
Sự nguy hại này gây ra bởi dòng thác của hàng tỷ tấn chất thải công nghiệp phần lớn không được giải quyết, những phân hóa học và nước cống từ người và thú vật tuôn ra từ mọi nơi từ những nhà máy hóa học, nhà máy bào chế thuốc và phân bón cho đến nhà máy thuộc da, nhà máy sản xuất giấy và những trại nuôi heo. Chính vì sự phóng uế không nao núng này, một tỷ dân Trung Quốc phải uống nước ô nhiễm hàng ngày trong khi ít nhất 700 triệu trong số những người này, phải cam chịu dùng nước uống có “gia vị” chất thải của người và thú vật.
Nước sông trở thành nước độc không có con vật gì sống nổi |
Tai sao có quá nhiều ô nhiễm tập trung vào nguồn nước của Trung Quốc, hãy lấy một trường hợp “bay đêm” điển hình của “Vua T shirt” thuộc tỉnh Quang Đông, xưởng dệt Phú An (Fuan). Bị cáo giác qua phóng sự đăng trên tờ Washington Post, nhà máy Phú An đã phải đóng cửa vì đã đổ 20 ngàn tấn chất thải bất hợp pháp nhuộm đỏ dòng sông địa phương. Thế nhưng, trước nạn thất nghiệp gia tăng, các viên chức đảng tại địa phương đã âm thầm khuyến khích công ty Phú An chỉ đổi tên và di chuyển sang một địa điểm mới.
Thực tế, tình hình ô nhiễm nước kinh khủng của Trung Quốc đã thêm vào kho tự vựng về các thảm họa môi trường - gọi là “làng ung thư” (cancer Village). Chỉ tính dọc theo con Sông Hoài, có hơn 100 làng ung thư; và những nông dân ở những làng dọc theo con sông này mắc bệnh ung thư thực quản, ruột và dạ dày với tỷ lệ cao như tỷ lệ tử vong của binh lính Hoa Kỳ khi đổ bộ xuống Normandy.
Đất Nhiễm Độc
Theo Worldwatchs Institute (Viện Canh Chừng hay Quan Sát Thế Giới): “Đất canh tác của Trung Quốc – nơi nuôi sống 22% dân số thế giới – đang đối mặt với nạn ô nhiễm và suy thoái. Đó là lời cảnh báo của ông Chu Hiếu Thanh (Zhou XianSheng) giám đốc Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (SEPA). Sự suy thoái chất lượng đất trở thành một phó sản đáng lo ngại nhất của sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc. Những kim loại nặng đang tích tụ trong đất, làm chai mặt đất, giảm màu mỡ và những tàn dư của phân hóa học và thuốc trừ sâu xuất hiện trong các nông sản, gây ngộ độc cho cả con người và gia súc. Gần đây, khoảng 10 triệu mẫu tây đất trồng trọt – tương đương với 10% đất trồng trọt nội địa đã bị nhiễm độc.
Trong khi đó, tờ Thời Báo Môi Trường Trung Quốc gọi sự nhiễm độc đất là “ô nhiễm vô hình (invisible pollution) vì, không như ô nhiễm nước và không khí, nó không thể thấy rõ bằng con mắt thường. Và ngày nay, trong bất kỳ phần đất nào của Trung Quốc, thực sự là bạn đang nắm “chất độc trong đất”.
Đất đai hoang phế sau khi khai thác |
Thật là thiển cận với quá nhiều ô nhiễm đến từ sự tác hại của một triết lý điên rồ “càng nhiều càng tốt” được chấp nhận bởi hàng triệu nông dân Trung Quốc. Dù đó là phân bón hay thuốc diệt trùng cho mùa màng hay kháng sinh cho gia súc (hay là chì trong đồ chơi và sơn), chẳng có chút kỹ xảo nào trong việc dùng hóa chất mà là chỉ biết “đổ vào” và “sơn lên”, thói suy nghĩ hành xử vốn an toàn như cho chút gia vị Plutonium vào trong những lát khoai tây chiên.
Hãy xét về nạn dùng phân bón quá độ. Các nông dân Trung Quốc sử dụng hơn 30 triệu tấn phân đạm mỗi năm và thường xuyên dùng gấp đôi hay gấp ba lượng cần thiết cho mùa màng. Theo chuyên gia về đất Dương Phú Sở (Zhang Fu So) thuộc Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, sự thừa thãi phân bón làm độ pH trong đất giảm mạnh, kết quả đất bị a-xít hóa sẽ làm giảm sản lượng cây trồng từ 30-50% ở một số khu vực. Việc ưa thích tương tự đối với thuốc trừ sâu – cùng với lối xử dụng không đúng cách - dẫn đến ô nhiễm hơn 5% đất trồng Trung Quốc. Trong khi, nhìn chung, số đất canh tác của Trung Quốc bị mất do nhiễm độc lên tới 10%. Cần phải làm rõ ở đây là, hơn 25 triệu mẫu đất bị nhiễm độc tương đương với sự phá hủy hoàn toàn hơn 80% đất nông nghiệp ở Iowa.
Tuy nhiên, câu chuyện chưa kết thúc. Còn một vấn đề nữa là Trung Quốc sẵn sàng- quả thực – tới độ hăng hái quá mức - muốn làm bãi rác thải cho những loại hợp chất độc hại tân tiến nhất chưa từng có – cái gọi là “bãi rác điện tử”.
Bãi rác điện tử như thế gồm những máy điện toán hư, điện thoại di động lỗi thời và các đồ điện tử khác; và đó thực sự là một hỗn hợp kim loại nặng thực sự không giống một hỗn hợp nào khác. Tờ Science Daily đã kể: “Có tới 50 triệu tấn chất thải điện tử được tạo ra trên toàn cầu mỗi năm - đủ để chất đầy đoàn xe tải thu gom rác xếp hàng dài tới nửa vòng trái đất;” và đương nhiên, Trung Quốc dự trữ đủ xe tải chở rác để thu gom tới 70% số rác thải điện tử đó.
Đây không chỉ là vấn đề phương Tây thải sang phương Đông. Đó cũng là thế kỷ 15 chạm mặt thế kỷ 21. Trong đống rác điện tử bẩn thỉu đó, những nông dân Trung Quốc ngồi xổm trước lò nướng than củi bé tẹo để làm tan chảy hàn chì ở các bảng mạch và cũng chỉ dùng chiếc quạt cầm tay nho nhỏ để quạt đi những làn khói độc hại giống như việc họ dùng các ngón tay trần tách các con chip máy tính, các tụ điện và điốt để sau bán lại cho các nhà máy sản xuất đồ dùng điện.
Đó là một quá trình tái chế cực kỳ man khai tồn tại giữa tất cả những đồ dùng của cuộc sống hiện đại. Và nó giúp cho những công xưởng của Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh khác đối với những quốc gia như Brazil, Mễ Tây Cơ, Pháp hay Hoa Kỳ vốn đối xử những công dân của họ như những con người chứ không phải là những vật hy sinh cho mục tiêu vô thần của sản xuất rẻ tiền.
Tại Sao Trung Quốc Tự Giết Mình?
Đất bị ô nhiễm tại Trung Quốc |
Theo tác giả thì cho đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều người Mỹ không tin vấn đề biến đổi khí hậu là có thật, chứ đừng nói là hiểm họa chính đáng. Tác giả nhấn mạnh: Cái giá phải trả cho hậu quả việc không ngăn chặn biến đổi khí hậu nếu nó đúng là có thật sẽ cao hơn nhiều bất kỳ số chi phí nào chúng ta cần bỏ ra để ngăn biến đổi khí hậu nếu hóa ra đó chỉ là trò lừa đảo. Theo quan điểm này, hành động ngăn chận biến đổi khí hậu dường như thể hiện một chính sách bảo hiểm thận trọng chống lại một hiện tượng mà chúng ta vẫn còn biết quá ít.
Từ năm 2006, Trung Quốc đã có bước nước rút qua mặt Hoa Kỳ trong việc trở thành kẻ thải khí gây hiệu ứng nhà kính (greenhouse gas) lớn nhất. Hơn nữa, sau vài thập kỷ tới, nếu cứ tiến hành không kiểm soát, mô hình tăng trưởng nhờ vào năng lượng than đốt của Trung Quốc, song song với dự phóng về số lượng khổng lồ hàng triệu xe ô tô mới trên các đường phố Trung Quốc, sẽ dẫn đến sự gia tăng các loại khí gây hiệu ứng nhà kính theo cấp số nhân – mức độ tăng tuyệt đối vượt xa các quốc gia khác cộng lại – bao gồm cả Hoa Kỳ.
Tại sao chính quyền độc tài toàn trị Trung Quốc – lý ra có thể kiểm soát mọi thứ họ muốn bên trong lãnh thổ của họ - lại đang để cho Trung Quốc biến thành bãi đổ rác của Thế giới?
Các cột khói bao phủ bầu trời Trung Quốc hầu như 365 ngày trong năm |
Theo tác giả thì trách nhiệm gây ra thảm kịch ô nhiễm tại Trung Quốc và đang ảnh hưởng đến nhân loại, một phần lỗi dứt khoát nằm nơi giới điều hành của những đại công ty như BASF, DuPont, GE, Intel và Volfseagen, đã xuất khẩu ô nhiễm sang Trung Quốc. Ngoài việc đắc ý các thủ đoạn trợ giá xuất khẩu phi pháp khác nhau mà nhà cầm quyền Trung Quốc sử dụng để khuyến khích xuất khẩu, giới điều hành những công ty nước ngoài rất thích những luật lệ lỏng lẻo và sơ sài của Cơ quan giám sát môi trường Trung Quốc hơn là đối với các cơ quan bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ, bộ môi trường của Nhật hay cơ quan môi trường của Âu Châu.
Nhưng trên hết, theo tác giả thì nhà cầm quyền Trung Quốc có trách nhiệm lớn nhất vì chính đảng Cộng sản Trung Quốc đã không những không nhìn nhận mối nhục của họ về môi trường – mà còn chủ trương và tài trợ cho mối nhục đó. Trên thực tế, sự sẵn sàng chưa từng có của “màu xanh” Trung Quốc để cho phép ô nhiễm toàn bộ không khí, nước và hệ sinh thái đất của họ, rút cuộc quy về ba yếu tố gây chết người với một nhãn quan hoàn toàn thiển cận.
Yếu tố thứ nhất đến từ nguyên tắc bất thành văn của đảng Cộng sản Trung Quốc rằng “bây giờ cứ ô nhiễm và tăng trưởng đã; còn bảo vệ tính sau.” Với nhãn quan này cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi một phần môi trường để lấy đi vài triệu việc làm của phương Tây – và nhờ đó giữ an toàn chính trị bên trong – hơn là phải tốn phí cho việc bảo vệ môi trường.
Yếu tố thứ hai bắt nguồn từ những công ty quốc doanh của Trung Quốc với những cạnh tranh lợi nhuận mà không cần biết hậu quả. Theo tác giả thì đám quốc doanh nằm trong thành phần ác ôn tệ hại nhất khi cho tuôn ào ạt những chất thải ô nhiễm xuống sông và đất Trung Quốc.
Yếu tố thứ ba đến từ sự dửng dưng trước môi trường của tư tưởng Nho Giáo. Theo Khổng Tử thì con người đóng vai trò chinh phục thiên nhiên chứ không phải thích nghi và sống cộng sinh cùng môi trường.
Qua ba yếu tố mà tác giả đã liệt kê bên trên, rõ ràng là tội diệt chủng chống thiên nhiên của nhà nước Trung Quốc đã không chỉ diễn ra trong 3 thập niên cải tổ mở cửa từ năm 1978 mà diễn ra trước đó qua chính sách Bước Nhảy Vọt, Cách Mạng Văn Hoá của họ Mao, đã sát hại hàng triệu người không gớm tay.
(Còn tiếp)
Lý Thái Hùng
13/10/2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét