12 tháng 10, 2011

Ông Trọng lại sụp bẫy Bắc Kinh

Vì nhiều lý do, chuyến viếng thăm Trung Quốc trong năm nay của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng Cộng sản Việt Nam, bị hoãn đến 2 lần và cuối cùng đã phải gấp rút tiến hành vào các ngày 11 đến 15 tháng 10, kể từ khi ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Trung Quốc, đưa ra lời mời chính thức hồi tháng 1 năm 2011 sau khi ông Trọng đắc cử chức Tổng bí thư đảng.

Trước khi ông Trọng lên đường, nhiều dư luận Việt Nam ở trong và ngoài nước đã lên tiếng khuyên ông Trọng không nên đi thăm Trung Quốc lần này. Dư luận cho rằng ông Trọng chắc chắn sẽ rơi vào bẫy sập của Trung Quốc về vấn đề biển Đông; như ông Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư đảng (1997-2001) đã từng vào năm 1999 khi bị áp lực của Trung Quốc cho ký tắt hai văn kiện Hiệp ước về Biên giới và Hiệp định phân ranh Vịnh Bắc Việt; và ông Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư đảng (2001-2011) đã bị vào năm 2001 khi nghe lời dụ dỗ hợp tác kinh tế, đồng ý cho Trung Quốc vào khai thác Bauxite vùng Tây Nguyên.



Trong thời gian vài tháng qua, CSVN đã đưa ít nhất là 3 phái đoàn sang thăm Trung Quốc, tuy dưới nhiều danh nghĩa khác nhau nhưng nội dung trao đổi chính vẫn là vấn đề biển Đông. Phái đoàn ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ ngoại giao trao đổi về hợp tác biển Đông cuối tháng 6; Phái đoàn Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng quốc phòng sang họp lần thứ 5 về đối thoại an ninh quốc phòng với Trung Quốc cuối tháng 8; Phái đoàn của Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Tham mưu trưởng quân đội CSVN sang viếng thăm Trung Quốc vào giữa tháng 9.

Những phái đoàn nói trên đã được Trung Quốc đón tiếp rất trọng thể và sau những ngày trao đổi thảo luận, kết luận của các chuyến viếng thăm nói trên, qua đúc kết của phía Trung Quốc đều có chung nội dung: “Hai phía gồm Trung Quốc và CSVN đồng ý giải quyết vấn đề biển Đông trên tinh thần hữu nghị song phương; nhưng phải cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước”. Hoàn toàn không có một cụ thể nào về các đối sách liên quan đến số phận của hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng.

Chính vì thế mà dư luận chung nghĩ rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có đi Trung Quốc kỳ này cũng không làm được gì mà tiếp tục bị Bắc Kinh lợi dụng để tuyên truyền với dư luận bên ngoài là lãnh đạo chóp bu của CSVN đã “hoàn toàn” đồng thuận với Trung Quốc về giải pháp cho biển Đông, tức là ông Trọng sang Bắc Kinh chỉ giúp củng cố thêm lợi thế cho Trung Quốc tiếp tục bành trướng trên biển Đông; như trường hợp Trung Quốc đã núp đàng sau cái gọi là công hàm Phạm Văn Đồng vào năm 1958 để từ chối thảo luận về việc hoàn trả lại Hoàng sa và Trường sa cho Việt Nam.

Điều lo âu của dư luận đã trở thành sự thật khi đọc các bản tin loan tải của Tân Hoa Xã Trung Quốc và Thông Tấn Xã CSVN liên quan đến việc ký kết bản thỏa thuận về biển Đông của hai phía - một trong 6 văn kiện mà hai phía đã sắp xếp ký ngay trong buổi chiều đầu tiên của chuyến viếng thăm, dưới sự chứng kiến của Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào. Bản thỏa thuận này có tên chính thức là “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Quốc”.

Đây không phải là bản văn kiện hoàn toàn mới mà chỉ là văn kiện nối dài của bản thỏa thuận giữa hai nước về vấn đề biên giới ký vào năm 1993, là năm mà CSVN nằm dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Đỗ Mười (1991-1997), chịu rất nhiều sự chi phối của Trung Quốc về các mặt kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng sau khi mất chỗ dựa của Liên Xô.

Nội dung của 6 điểm liệt kê trong bản thỏa luận về biển Đông hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc.

Thứ nhất, trong 6 điểm liệt kê của bản thỏa thuận có 4 điểm mang nội dung chung chung, chỉ lập lại những gì mà hai phía đã từng nói trong thời gian qua. Trong đó, điểm số 1 và số 4 thì dựa trên tinh thần hữu nghị của 16 chữ vàng, tinh thần nhìn xa, bao quát và tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng để hai bên cùng góp phần duy trì hòa bình và ổn định. Điểm số 2 và điểm số 6 thì mọi thảo luận dựa theo tinh thần Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và hai phía thay phiên nhau tổ chức trao đổi, thảo luận 2 lần trong 1 năm và lập đường dây nóng giữa hai cấp chính phủ để đối phó kịp thời các vấn đề khẩn cấp.

Thứ hai, hai điểm còn lại gồm điểm số 3 và số 5 hoàn toàn làm theo ý của Bắc Kinh. Điểm thứ 3 quy định việc đàm phán trên biển dựa theo “tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) mà các quốc gia ASEAN đã thông qua vào năm 2002; nhưng Trung Quốc chẳng bao giờ tôn trọng nên thòng thêm một đoạn là “đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai bên sẽ giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến nước khác thì sẽ hiệp thương với bên tranh chấp”. Rõ ràng là ý đồ thảo luận song phương của Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì trong bản thỏa thuận này.

Ngoài ra điểm số 5 đề cập về việc “giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau”. Hai phía hợp tác trên các lãnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu hộ trên biển… hầu tăng cường tin tưởng lẫn nhau để tiến tới việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn. Đây là điểm cũng nằm trong chủ trương đưa ra từ lâu của Trung Quốc là “gác tranh chấp, hợp tác khai thác”…. để từ từ lâu dần các nước sẽ phải hợp thức hóa chủ trương đường lưỡi bò của Trung Quốc đưa ra. Trong khi Trung Quốc tiếp tục có thái độ gây hấn trên biển Đông đối với Việt Nam và các quốc gia trong vùng, việc đòi hỏi đối tác Việt Nam ký kết văn bản “hữu nghị, hợp tác” không khác gì thái độ của kẻ cướp buộc nạn nhân phải thân thiện khi bị trấn lột.

Thứ ba, không có một điểm nào đề cập đến việc đàm phán, giải quyết hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm từ năm 1974 và năm 1988. Hai quần đảo này không những nằm trong vùng lãnh hải 200 hải lý của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 mà còn được xác định bởi các yếu tố lịch sử của Việt Nam từ hàng trăm năm qua, thế nhưng CSVN đã không đưa được vấn đề này trong bản thỏa thuận để buộc Bắc Kinh phải nghiêm chỉnh đàm phán. Hiện nay, lập trường của Bắc Kinh là không đàm phán về các quần đảo Hoàng sa kể cả những quần đảo Trường sa mà họ đã chiếm vào năm 1988.

Qua những phân tích nói trên, bản Thỏa Thuận sẽ dẫn đến hai hậu quả:

Một là kể từ nay, những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển Đông sẽ không những bị công an CSVN trấn áp mà phía Trung Quốc cũng sẽ huy động báo chí và dư luận của họ chống lại dân tộc Việt Nam vì đã “vi phạm” bản thỏa thuận mà ông Trọng đã cho ký.

Hai là kể từ nay, khó mang vấn đề tranh chấp trên biển như Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, giết, bắt ngư dân Việt Nam ngay trên lãnh hải của Việt Nam ra bàn Hội nghị quốc tế để cùng với các quốc gia khác tạo áp lực lên Bắc Kinh chấm dứt các thủ đoạn xâm lấn như họ đang làm hiện nay. Nói cách khác, bản Thỏa Thuận mà CSVN ký với Trung Quốc vừa qua đã mặc nhiên phủ nhận mọi nỗ lực đàm phán đa phương mà Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN cổ xuý từ tháng 8 năm 2010.

Từ góc độ quyền lợi của dân tộc Việt Nam, bản Thỏa Thuận mà ông Trọng đã chứng kiến việc ký kết vào chiều ngày 11 tháng 10 tại Bắc Kinh, hoàn toàn là văn kiện có hại cho đất nước ta trong lâu dài. Chính ông Trọng và Bộ chính trị đảng CSVN đã đồng lõa với Bắc Kinh gạt bỏ vấn đề giải quyết chủ quyền 2 quần đảo Hoàng sa và Trường sa ra khỏi các cuộc đàm phán. Do đó, bản Thỏa Thuận này được coi là văn kiện bán nước thứ hai sau Công hàm Phạm Văn Đồng của tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN.

Lý Thái Hùng
Ngày 12/10/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét